Suy niệm Lời Chúa thứ Bảy sau Chúa nhật V Phục Sinh

0
923

(Cv 16, 1-10; Ga 15, 18-21)

Trong cuộc sống, nếu chúng ta được người khác yêu mến thì đó là một điều hạnh phúc. Khi được người khác mến yêu, cuộc sống của chúng ta sẽ luôn tươi vui, thoải mái và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Trái lại, khi bị ghét bỏ, đố kỵ thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên căng thẳng, ngột ngạt và buồn bã biết chừng nào. Thế nhưng, các bản văn Lời Chúa chúng ta vừa nghe lại nêu lên một thực tế mà các môn đệ phải đối diện khi làm chứng cho Đức Giêsu: họ sẽ bị chống đối, bách hại và đau khổ vì danh Đức Giêsu.

Trong bản văn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh Gioan kể lại việc Đức Giêsu cảnh báo cho các môn đệ biết trước những đau khổ mà các ông sẽ phải chịu vì danh Ngài. Đồng thời, Ngài cũng đưa ra một quy luật: “Tôi tớ không trọng hơn chủ.”  “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước, nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng bắt bớ anh em.” 

Là những môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi hãy đón nhận những đau khổ, thử thách, nhưng chúng ta cần đón nhận với thái độ nào?

Dựa vào các bài đọc Kinh Thánh, con xin đưa ra vài gợi ý để giúp chúng ta đón nhận những thử thách ngang qua ba chữ “T” là tin tưởng, trông cậy và trung thành.

Trước hết, tin tưởng vào Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa luôn yêu thương mỗi người theo cách riêng của Ngài và như thế, cách Thiên Chúa yêu thương chúng ta cũng khác. Đây cũng là điều mà Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Têrêxa Avila: “Con không biết rằng Cha thường đối xử với bạn bè bằng cách gởi cho họ Thánh Giá sao?” Qua đau khổ, Ngài muốn sửa đổi và thanh luyện con người chúng ta. Ngài thanh luyện chúng ta bằng những thử thách, những đau khổ. Để từ đó, chúng ta sẽ xứng đáng với vinh quang mà Ngài sẽ tặng ban cho những người Ngài muốn. Như vậy, tin tưởng vào Thiên Chúa giúp ta đủ sức đón nhận những đau khổ. Tin tưởng để ta có thêm nghị lực mà chấp nhận thử thách. Nói cách khác, dưới cái nhìn đức tin thì đau khổ, thử thách lại là những ân huệ của Thiên Chúa tặng ban cho con người, miễn sao chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài. Điều này đã được thánh tông đồ Phaolô xác quyết mạnh mẽ trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8,17) Cũng vậy, thánh Vinh Sơn luôn xác tín với anh em trong Tu hội: “Hãy tin tưởng hoàn toàn vào sự hướng dẫn của Con Thiên Chúa.” (SV XI, 327)

Thứ đến, trông cậy nơi Ngài. Là Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi trông cậy vào Thiên Chúa khi gặp đau khổ, thử thách, hay khi bị bách hại trong cuộc sống. Những thử thách đó được xem như là những món quà mà Thiên Chúa sẽ gửi đến cho những ai là môn đệ của Đức Giêsu. Như vậy, trông cậy nơi Ngài là một trong những điều không thể thiếu cho những ai muốn bước đi với Đức Giêsu. Theo đó, trông cậy là phó thác những khó khăn, những đau khổ mà chúng ta gặp trong cuộc sống dưới bàn tay đầy yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bỏ rơi những ai trông cậy nơi Ngài. Bên cạnh đó, trông cậy vào Thiên Chúa là tin tưởng rằng Ngài không thử thách quá sức chịu đựng của chúng ta. Từ đó, chúng ta thêm xác tín và trông cậy vào Thiên Chúa. Điều này cũng được thánh tông đồ Phaolô ghi lại trong thư thứ 2 gửi Giáo đoàn Côrintô: “Ơn ta đủ cho con.” (2 Cr 12,9)

Sau cùng, trung thành theo Chúa. Nếu tin tưởng và trông cậy là hai tâm tình cần có khi đón nhận đau khổ, thử thách thì trung thành giúp chúng ta can đảm để bước theo Đức Giêsu. Tin tưởng và trông cậy vào Thiên Chúa để giúp chúng ta trung thành bước theo Đức Giêsu chứ không phải là từ bỏ, là trốn chạy. Trung thành đòi buộc chúng ta phải dấn thân, phải làm chứng cho Chúa hằng ngày. Để trung thành theo Chúa, chúng ta phải chấp nhận từ bỏ: Từ bỏ ý riêng của mình để tìm ý Chúa, phải đón nhận những khác biệt của anh em để tìm ra hướng đi cho cuộc sống. Như vậy, trung thành giúp chúng ta can đảm dấn bước theo Chúa đến cùng. Điều này đã được thánh sử Mát-thêu ghi nhận trong chương 10 câu 22: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10,22) Không chỉ có vậy, thánh Gioan cũng xác định rõ điều này trong sách Khải huyền ở chương 2 câu 10:  “Hãy trung thành và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống.” (Kh 2,10). Cũng vậy, thánh Vinh Sơn đã từng khuyên một người anh em: “Nếu cha hiến mình cho Chúa một cách hết lòng, thì Chúa sẽ hiến mình cho Cha, và Người sẽ ban cho cha các ân huệ của Người.”

Lời Chúa nói với chúng ta về những đau khổ sẽ xảy đến với người môn đệ Chúa. Để đón nhận những thử thách, đau khổ đó chúng ta cần tin tưởng vào Thiên Chúa, trông cậy nơi Ngài và trung thành theo Chúa. Chớ gì, chúng ta sẽ tìm được cho mình những tâm tình, những thái độ để biết cách đón nhận đau khổ, thử thách xảy đến trong cuộc đời mỗi chúng ta. Bởi vì, nếu chúng ta tìm một Đức Kitô không thập giá thì chúng ta chỉ thấy một thập giá mà không có Đức Kitô.

JB Nguyễn Văn Ái