Suy niệm Lời Chúa thứ Hai sau Chúa nhật IV Phục Sinh

Đăng ngày: 03/05/2020

(Cv 11,1-18; Ga 10,11-18)

Các bài đọc Kinh Thánh ngày hôm nay nói với chúng ta về sứ vụ truyền giáo.

Quả vậy, bài đọc một kể lại, thánh Phêrô đã cho các Tông đồ và các anh em ở miền Giu-đê biết là cả dân ngoại cũng đón nhận lời Thiên Chúa. Thánh Phêrô rao giảng và nhờ Thánh Thần mà dân ngoại đã sám hối để được sự sống. Còn ở bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với người Do thái, Người là mục tử nhân lành, hy sinh tính mạng cho đoàn chiên. Người không chỉ lo cho đoàn chiên của mình, mà Người cũng muốn những con chiên khác không thuộc ràn này trở về với Ngài, vì chỉ có một đoàn chiên và mục tử duy nhất.

Như vậy, tự bản tính Giáo hội phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha. Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta tham gia vào chức vụ tư tế của Đức Kitô, để thực thi sứ vụ truyền giáo. Đặc biệt, chúng ta là những nhà thừa sai, sứ vụ truyền giáo trong đời sống của chúng ta phải nổi trội hơn hết.

Vậy, làm sao chúng ta có thể sống trọn vẹn sứ vụ truyền giáo của mình? Dựa vào các bài đọc Kinh Thánh hôm nay, con xin gợi ý ba cách thức mà nhà thừa sai cần thủ đắc như sau:

Thứ nhất, chúng ta phải là người có khả năng. Đôi khi có một vài ý kiến cho rằng truyền giáo cho anh em vùng cao thì không cần học nhiều, chỉ cần có sự hiện diện là đủ. Suy nghĩ này chỉ đúng ở một khía cạnh rất nhỏ. Truyền giáo là làm cho người khác biết họ được Thiên Chúa yêu thương và giúp họ thăng tiến về mặt tâm linh, vật chất. Nếu chúng ta không học hành nghiêm túc, hiểu biết chưa sâu sắc, không thành thạo các việc tay chân, thì liệu chúng ta có khả năng để hướng dẫn và dạy bảo người khác hay không? Vì thế, nhà truyền giáo phải là người có khả năng. Không ai có thể cho điều mình không có. Thánh Vinh Sơn dạy rằng: “Cần phải học hành nghiên cứu để cho tình yêu tương xứng với sự hiểu biết.” Như vậy, thành quả của việc truyền giáo phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của nhà truyền giáo.

Thứ hai, chúng ta phải luôn trong tư thế sẵn sàng. Sẵn sàng ở đây là luôn giúp đỡ người khác khi họ cần đến sự giúp đỡ của mình. Luôn quảng đại với người khác dù là giờ chung hay giờ riêng, bất cứ khi nào người khác cần là mình sẽ giúp. Sẵn sàng cũng có nghĩa là luôn luôn đón nhận thánh ý của Thiên Chúa, ngang qua các sứ vụ mà Tu hội trao phó, không tính toán hơn thiệt cho bản thân mình. Sẵn sàng đi đến bất kỳ nơi nào mà Tu hội muốn. Sẵn sàng chấp nhận thất bại, gian khổ phía trước, để từ bỏ những gì không thuộc về Thiên Chúa. Sẵn sàng cũng thể hiện một sự vâng lời, đáp trả lời mời gọi của truyền giáo của Tu hội. Thánh Vinh Sơn đã dạy các chị Nữ tử Bác ái: “Các chị em phải luôn sẵn sàng từ bỏ mọi sự một cách quảng đại khi có lệnh truyền.” Như vậy, sự sẵn sẵn là thái độ sống rất quan trọng của nhà truyền giáo.

Thứ ba, chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa. Kết quả của việc truyền giáo không hệ tại ở việc chúng ta rửa tội được bao nhiêu người, giúp cho bao nhiêu gia đình khó khăn, mà là chúng ta yêu mến Thiên Chúa như thế nào. Sống sứ vụ truyền giáo trước hết là cứu rỗi linh hồn mình, rồi mới đến người khác. Chúng ta cứu được linh hồn người khác mà mình mất linh hồn thì được ích lợi gì. Chính sự yêu mến Thiên Chúa là động lực để chúng ta sống sứ vụ truyền giáo. Trong tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sống sứ vụ của mình cách triển nở và bình an. Thánh Vinh Sơn cũng dạy: “Lòng thương xót của Thiên Chúa muốn cứu độ con người bởi con người.” Quả vậy, khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa sâu sắc thì chúng ta càng nhiệt thành trong sứ vụ truyền giáo. Hơn nữa, đời sống thường ngày là hoa trái của đời sống cầu nguyện. Trong cầu nguyện sẽ giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa hơn, để từ đó chúng ta kín múc được tình yêu từ nơi Ngài, và chỉ có tình yêu mới thay đổi phận người mà thôi.

Tóm lại, các bài đọc Kinh Thánh ngày hôm nay nói với chúng ta về sứ vụ truyền giáo. Để sống sứ vụ truyền giáo cách trọn vẹn và trở thành những thợ gặt lành nghề: trước hết, chúng ta phải là người có khả năng; thứ đến, chúng ta phải luôn trong tư thế sẵn sàng; Và cuối cùng, chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa. 

Phaolô Lê Văn Thông