Suy niệm Lời Chúa thứ Năm sau Chúa Nhật XXXI TN

0
754

Niềm hy vọng

(Lc 15,1-10)

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bấp bênh. Chẳng hạn như: tai nạn, khủng hoảng gia đình, bệnh tật, sự qua đời của người thân,… những việc như thế có thể xảy đến bất cứ lúc nào và ở đâu. Chúng tạo nên những ngã rẽ cuộc đời cho chúng ta. Phải chăng chúng ta chỉ đơn thuần đối diện với sự bấp bênh đó rồi cứ tiếp tục sống? Không! Ki-tô hữu chúng ta không chỉ đón nhận sự bấp bênh mà còn chiến đấu với chúng để sống cách mãnh liệt hơn trong những hoàn cảnh như thế. Để sống như vậy, chúng ta cần luôn sống với niềm hy vọng. Và niềm hy vọng cũng là tâm tình mà con muốn chia sẻ trong bài suy niệm hôm nay, ngang qua hình ảnh tìm kiếm đồng bạc bị mất của người phụ nữ mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng.

Theo bản văn, thánh sử Luca đã miêu tả rất chi tiết: Chẳng may đánh mất một đồng, người phụ nữ đã thắp đèn, rồi quét nhà, và moi móc mọi ngóc ngách để tìm cho kỳ được (Lc 15,8). Người ta sẽ không cố gắng tìm kiếm nếu họ không có hy vọng. Hy vọng sẽ thúc đẩy người ta hành động. Như thế, một loạt các hành động: thắp đèn, quét và moi móc của người phụ nữ nói lên rằng, bà đã hy vọng mạnh mẽ trong lúc tìm kiếm.

Nếu xem việc đồng bạc bị mất là một sự dữ thì hành động tìm kiếm của người phụ nữ lại càng nói lên tinh thần vượt khó của bà trước sự dữ. Bà đã không chịu khuất phục trước gian nan của cuộc đời. Bà đón nhận nó và đã chống trả cách mãnh liệt. Thông thường, khi gặp thách đố, câu hỏi đầu tiên mà người ta đặt ra là: tại sao điều này lại xảy ra với tôi? Hay, sao tôi phải chịu cảnh này?… Những câu hỏi này sẽ tốn rất nhiều thời gian để tìm ra nguyên nhân, đó là chưa kể đến có những vấn nạn không tìm ra được nguyên nhân. Trong khi đó, vấn nạn mà ta đang gặp cần được giải quyết ngay.

Người phụ nữ trong đoạn Tin Mừng đã không làm thế, thay vì hỏi nguyên nhân của sự việc thì bà đã bắt tay ngay vào việc tìm cách giải quyết vấn đề. Ngầm hiểu rằng, câu hỏi đầu tiên của người phụ nữ là: Tôi sẽ giải quyết chuyện này ra sao? Cách giải quyết của bà là bà thắp đèn để cho không gian được sáng lên, rồi bà quét và moi móc. Trong lúc tìm kiếm như thế, người phụ nữ chắc hẳn đã rất ước mong đồng bạc bị mất sẽ được tìm thấy. Hình ảnh này, chúng ta cũng gặp thấy qua các hoạt động chữa lành của Đức Giê-su. Thay vì hỏi người phụ nữ ngoại tình, tại sao con làm thế, Ngài lại nói: con hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa. Nhìn vào thánh tổ phụ của mình, chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh tương tự. Ngay khi nhận được tin báo, có gia đình nọ lâm cảnh khốn cùng tại Châtillon, cha Vinh Sơn đã không hỏi, tại sao sao đình ấy lại lâm vào cảnh này? Thay vào đó, ngài đã tìm cách giải quyết bằng cách khơi gợi lòng trắc ẩn của những người xung quanh ngang qua bài giảng trong thánh lễ. Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận cũng minh chứng cho điều đó. Ngài đã sống với niềm hy vọng và thắp sắp ngọn đèn ấy ngay trong không gian mờ tối của ngục tù. Tất cả những hình ảnh nói trên đều minh chứng một niềm hy vọng. Hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất sẽ đến.

Như vậy, hình ảnh tìm kiếm đồng bạc bị mất của người phụ nữ đã nhắc nhở và mời gọi chúng ta hãy luôn đón nhận lấy sự bấp bênh của cuộc đời và chiến đấu với chúng trong niềm hy vọng mạnh mẽ. Hy vọng rằng, Đấng tạo hóa đã không để cho con chim sẻ kia phải chết đói thì huống chi, chúng ta là con cái và mang lấy hình ảnh của Ngài mà Ngài lại không ban cho chúng ta những điều tốt nhất sao. Hơn nữa, Con của Ngài đã giáng trần là để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Và Ngài đã ao ước, Ngài không muốn một ai trong chúng ta phải hư mất. Bấy nhiêu thôi cũng đủ lý do để chúng ta can đảm đón nhận và chống lại sự dữ với niềm hy vọng. Và sứ mạng của mỗi chúng ta cũng phải thắp sáng lên ngọn đèn hy vọng nơi người nghèo, để họ cũng luôn sống hy vọng trước nghịch cảnh cuộc đời. Đó là điều mà Đức Giê-su hy vọng nơi chúng ta, những nhà thừa sai.

Pet. Văn Thưởng