“Vị Mục Tử Thứ Hai”
(Ga 21,15-19)
Nếu ở chương 10 thánh sử Gioan phác họa nên chân dung người mục tử nhân lành là Thầy Giêsu chí thánh, thì ở chương 21, thánh Gioan lại vẽ nên hình ảnh người mục tử thứ hai, là học trò Phêrô. Trò Phêrô đại diện các Tông đồ, được trao quyền thủ lãnh chăn dắt Giáo hội. Phêrô tiếp tục công việc của Thầy Chí thánh, anh dần trở nên một mục tử với những đặc tính căn bản như vị mục tử thứ nhất.
Thầy Giêsu đã không cố ý thử Phêrô cho bằng đặt Phêrô vào tình thế phải xem lại chính mình. Thầy Giêsu hỏi: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”(Ga 21,15). Có lẽ anh Phêrô đã nhận ra hành động đáng xấu hổ khi chối Thầy trước kia, để rồi không dám nói là “Con yêu hơn” mà chỉ khiêm tốn trả lời “Thầy biết con yêu mến thầy” (Ga 21,15). Người mục tử của Chúa trước hết phải có đặc tính “yêu thương”. Đặc tính này là điều tiên quyết mà Thầy Giêsu luôn lặp đi nhắc lại trong những lời giảng hay trong cuộc sống. Để ngày càng yêu Chúa Giêsu và Giáo hội của Người, người mục tử được mời gọi: Dành thời gian ở với Chúa – trò chuyện, lắng nghe Chúa; Chia sẻ bữa ăn với Chúa – bữa ăn Thánh Thể; Biết về bạn hữu và gia đình Chúa và rồi chia sẻ Chúa với người khác; Khám phá mọi thứ chúng ta có thể biết về Chúa qua việc học triết học, thần học; Thanh tẩy đời sống bằng cách xét mình, cởi mở với cha linh hướng, những lời khuyên từ bạn bè, có tình bạn lành mạnh với anh em linh mục; Cuối cùng học cách quan tâm đến những người và những việc Chúa yêu thích.[1]
Hiểu rõ tình yêu học trò dành cho mình, Thầy Giêsu lặp lại ba lần nhiệm vụ của người mục tử: lần thứ nhất “hãy chăm sóc chiên của Thầy”; lần thứ hai “hãy chăn dắt cừu của Thầy”; lần thứ ba “hãy chăn nuôi đàn cừu của Thầy”. Thầy Giêsu đòi hỏi người mục tử Phêrô không những chăm sóc, tức là cung cấp thức ăn, phục vụ cho chiên (cừu con) mà còn chăn dắt, lo lắng, hướng dẫn cừu cha, cừu mẹ. Người mục tử phải làm cho cả đàn cừu nhận biết Chúa, trở thành con cái Chúa. Người mục tử sẵn sàng ra đi, sẵn sàng tìm kiếm và đưa cả những con chiên, con cừu không thuộc đàn trở về.
Ở đoạn cuối Tin Mừng, Thầy Giêsu nói cho trò Phêrô biết để trở thành mục tử đúng nghĩa, cuộc sống của anh sẽ trở nên cam go và đầy thử thách. Anh sẽ thí mạng vì Thầy, đó cũng là điểm đến của sứ vụ mục tử. Thầy Giêsu khẳng định, khi còn trẻ Phêrô thích làm gì thì làm nhưng khi về già anh phải hành động theo Chúa Giêsu với cái giá phải trả _ “cái chết của người mục tử”.
Chỉ vỏn vẹn 5 câu trong chương cuối cùng, thánh sử Gioan đã tài tình vẽ nên những đặc tính vị mục tử thứ hai: một mục tử có tình yêu, một mục tử biết chăm sóc, dẫn dắt đàn chiên và một mục tử dám thí mạng vì Thầy, vì đàn chiên. Nhìn vào bức chân dung người mục tử thứ hai này, tôi tự hỏi mình nên bắt đầu làm gì để trở nên vị mục tử đích thật.
Giuse Nguyễn Đức Duy
[1] x. TGM TIMOTHY M.DOLAN, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, Lm. Trần Đình Quảng chuyển ngữ, 53-63.