Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh

0
1742

(Is 50, 4-9a, Mt 26, 14-25)

Thánh vịnh 40 có câu: “Cả người thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con”. Quả thật, trong cuộc sống, đau khổ là điều không ai tránh được. Tuy nhiên, điều đau khổ nhất có lẽ là sự phản bội của chính người thân cận, người mà chúng ta yêu thương, nâng đỡ. Chúng ta phải làm gì khi phải đương đầu với sự phản bội?

Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay giúp chúng ta biết khôn ngoan đương đầu với sự phản bội. Thật vậy, trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah cho chúng ta thấy đâu là nguồn sức mạnh của Người Tôi Trung của Thiên Chúa: một khi có Thiên Chúa nâng đỡ và bảo vệ, Người Tôi Trung có thể đương đầu với bất cứ nghịch cảnh nào, và tin chắc sẽ thắng vượt tất cả. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu phải đương đầu với sự phản bội vì sự ham tiền của Giuđa; nhưng Ngài bình tĩnh loan báo tin buồn cho tất cả các tông đồ, ngay cả Giuđa; và can đảm tiến tới để lãnh nhận các đau khổ từ sự phản bội này. Ngài biết Thiên Chúa sẽ cho Ngài toàn thắng.

Vậy để khôn ngoan đương đầu với sự phản bội trong cuộc sống chúng ta cần làm gì?

Dựa vào các bài đọc Kinh Thánh hôm nay con xin gợi lên vài việc sau:

Trước hết, chúng ta cần bình tĩnh cầu nguyện để đối phó. Chính trong cầu nguyện, sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua những cơn khủng hoảng này. Cầu nguyện là cách thế khôn ngoan nhất chúng ta cần để đối diện với những sự phản bội, để ta biết được thánh ý Chúa muốn gửi đến cho chúng ta là gì nơi sự phản bội đó. Chúa Giêsu khi đối diện với sự phản bội của Giuđa cũng như của các môn đệ Ngài thì chính Ngài cũng đã đi cầu nguyện để chiến thắng nỗi sợ hãi của thân xác Ngài. Chính Ngài cũng đã mời gọi các môn đệ: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,40). Còn với thánh Vinh Sơn, người cầu nguyện là người có thể làm được mọi thứ: “Hãy cho tôi một con người cầu nguyện, người đó có thể làm được mọi sự” (SV. XI,83). Mùa Chay năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vô tình là cơ hội để nhiều người chạy đến cầu nguyện với Chúa. Hy vọng với lời cầu nguyện tha thiết của nhân loại, Chúa sẽ “dừng cơn giận Chúa!” mà cho đại dịch sớm qua đi.

Kế đến, chúng ta phải có lòng bao dung tha thứ. Có bao giờ, chúng ta tự đặt câu hỏi phải tha thứ cho một người nào đó xúc phạm đến ta, gây ra cho ta đau khổ và thất bại không? Câu trả lời sẽ như thế nào nếu ta đã tha thứ cho họ mà họ vẫn xúc phạm đến ta? Thánh Phê-rô đã đặt câu hỏi với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không? Đức Giê-su đáp: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22). Chính Chúa Giêsu cũng đã tha thứ cho những kẻ giết mình khi nói: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và gần với chúng ta nhất đó chính là thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài đã tha thứ cho kẻ ám sát mình và đã đến thăm viếng anh khi anh còn ngồi tù. Điều đó đã làm thức tỉnh anh và anh đã xin gia nhập công giáo. Có thể nói, lòng bao dung tha thứ là vũ khí hữu hiệu để chúng ta đương đầu với sự phản bội trong cuộc sống.

Sau cùng, chúng ta hãy học cách cư xử của Chúa Giêsu trước sự phản bội của Giuđa. Nếu chúng ta ở địa vị của Chúa Giêsu, chắc hẳn chúng ta đã nổi giận và tống cổ Giuđa ra khỏi nhà ngay lập tức. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã hành động hoàn toàn khác. Ngài đã cho kẻ phản bội một cơ hội cuối cùng. Ban đầu, Ngài vẫn giữ thể diện cho Giuđa nên Ngài đã không nói thẳng thừng, không vạch mặt nêu tên Giuđa cho mọi người biết, nhưng âm thầm tạo dịp để thức tỉnh lương tâm Giuđa khi nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26,21). Nhưng khi nhận thấy Giuđa vẫn không có động thái tỏ vẻ ăn năn, Ngài đã đưa ra lời cảnh tỉnh mạnh mẽ hơn khi nói: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người, thà rằng người đó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,24). Lời cảnh tỉnh nói lên sự khốn cùng của người phản bội Chúa vì ngoan cố không chịu quay trở về. Vì thế, trước những lỗi lầm của anh em đối với chúng ta, chúng ta hãy thực sự bình tĩnh, hãy tìm dịp thuận tiện để gặp gỡ và đối thoại cách riêng tư khéo léo, tế nhị nhất có thể, tránh thái độ giận dữ và hành động thiếu ý thức. Về điều này, thánh Vinh Sơn dạy: “Khi đến lúc cảnh cáo, cần tiến hành: lần thứ nhất, với lòng nhân từ và sự dịu hiền, không vội vàng; lần thứ hai, thêm một chút nghiêm khắc và nghiêm trọng, song luôn luôn với sự dịu dàng, dùng lời đề nghị yêu thương và những lời khiển trách đầy hiền từ; thứ ba, với lòng nhiệt thành và sốt mến, tỏ rõ cho họ thấy những gì người ta sẽ phải làm (SV. XI,140)

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta về sự khôn ngoan đương đầu với sự phản bội. Và để có được sự khôn ngoan để đương đầu với sự phản bội, trước hết chúng ta cần bình tĩnh cầu nguyện để đối phó; kế đến, chúng ta phải có lòng bao dung tha thứ; và sau cùng, chúng ta hãy học cách cư xử của Chúa Giêsu trước sự phản bội của Giuđa.

Ngày mai, chúng ta sẽ bước vào ba ngày cao điểm của năm phụng vụ hay còn gọi là Tam Nhật Thánh để tưởng niệm cuộc Khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô trong hoàn cảnh mà thế giới đang phải gồng mình chống lại cơn đại dịch mang tên Corona Virut. Xin cho chúng con biết dọn tâm hồn thật xứng đáng để khi tham dự vào những nghi thức thánh này, Chúa sẽ chúc lành và ban những ơn ích cho phần rỗi của chúng con và mọi người, cùng với niềm hy vọng và tin tưởng Chúa sẽ sớm dập tắt đại dịch kinh hoàng này. Đồng thời, xin Chúa giúp chúng con nhận ra rằng, xưa Giuđa đã phản bội Chúa một lần đã đưa Chúa đến cái chết khổ hình trên thập giá, còn ngày nay mỗi lần chúng con phạm tội lại chính là lúc chúng con đóng đinh Chúa một lần nữa.

Antôn Nguyễn Đình Lệ