Suy niệm thứ Ba sau Chúa Nhật II Phục Sinh

0
867

Cv 4,32-37; Ga3,7b-15

Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta: mỗi Kitô hữu là một người loan báo Tin Mừng. Họ được mời gọi làm chứng cho tình yêu cứu độ của Chúa Kitô. Đặc biệt hơn nữa, đối với chúng ta là những người đang muốn trở thành các thừa sai truyền giáo, chúng ta đã thực sự trở nên những chứng nhân tình yêu của Đức Kitô phục sinh trong thế giới đang hoang mang này hay chưa? Hình ảnh của vị chứng nhân tình yêu mà Thiên Chúa hằng mong đợi được các bài đọc Kinh thánh ngày hôm nay khắc họa rất rõ.

Thật vậy, ở bài đọc 1, sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta thấy hình ảnh của các Tông đồ đang làm chứng cho việc sống lại của Đức Giêsu. Hiệu quả của lời chứng ấy là làm cho tất cả các tín hữu trở nên một lòng một ý với nhau, cùng nhau xây dựng một Hội Thánh duy nhất. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan còn gợi lên cho chúng ta một hình ảnh chứng nhân tuyệt vời hơn nữa: Đức Giêsu Kitô – vị chứng nhân tình yêu của Chúa Cha. Con đường chứng nhân của Chúa Giêsu là con đường của thập giá: Con Người phải được giương cao lên để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Có nhiều cách để trở nên vị chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa, nhưng dựa vào các bài đọc Kinh thánh ngày hôm nay, con xin gợi lên một số cách sau:

Trước hết, sự khiêm nhường có thể giúp chúng ta trở nên nhân chứng cho Chúa trong một thế giới đang ganh đua thiệt hơn. Khiêm nhường là nhân đức cần thiết đối với mọi người, lại càng quan trọng hơn đối với những người làm chứng cho Thiên Chúa. Khiêm nhường là nhìn nhận những gì thuộc về mình như Chúa nhìn thấy. Nicôđêmô đã nhìn nhận sự thật về mình, chúng ta tưởng chừng như ông biết Chúa, nhưng thật ra ông chẳng biết gì hết. Ông là người thuộc nhóm Pharisiêu, tức là người thông thái, hiểu biết, một bậc thầy trong dân Israel, nhưng ông đã khiêm nhường đến tìm Chúa để nhận được sự sống đời đời. Ông đã rất thành thật trước mặt Chúa nên Ngài đã dẫn ông đến với Bí tích Thánh Tẩy để có thể nhận được ơn cứu độ của Chúa, tức là được sinh ra bởi ơn trên một lần nữa. Chứng nhân của Chúa là người khiêm nhường trước Chúa để nhận lãnh ơn cứu độ, khiêm nhường trước tha nhân, đặc biệt là trước những người nghèo để đưa họ đến với ơn cứu độ của Thiên Chúa. Một hình ảnh ấn tượng trong Tu hội của chúng ta mà có lẽ nhiều người đã cảm phục trước sự khiêm nhường đặc biệt này. Hình ảnh của cha Augustino Nguyễn Viết Chung, một đôi tay được thánh hiến dâng thánh lễ mỗi buổi sáng cho Chúa thì buổi chiều người ta lại bắt gặp cũng chính đôi tay đó đang đổ bô, lau nước tiểu cho các bệnh nhân nghèo. Đẹp thay sự khiêm nhường đáng để chúng ta noi theo.

Kế đến, chứng nhân của Chúa là người luôn biết đón nhận đau khổ và vượt qua những gian nan thử thách. Hình ảnh khác biệt nơi Tin mừng thứ tư so với các Tin mừng nhất lãm về Ơn Cứu Độ đó là hình ảnh Con Người được giương cao. Nếu như nơi Tin mừng nhất lãm, chúng ta chỉ cần từ bỏ và vác thập giá theo Chúa để nhận được ơn cứu độ, thì nơi Tin mừng thứ tư chúng ta còn cần phải đóng đinh chính mình vào thập giá. Để được cứu độ, chúng ta cũng phải nhìn lên Con Người được giương cao, nghĩa là tin vào Người. Chứng nhân của Chúa phải thể hiện niềm tin vào Chúa qua việc chịu đóng đinh cùng với Chúa để được vào trong vinh quang của Người. Chịu đóng đinh cùng với Chúa không gì khác hơn là luôn biết đón nhận đau khổ và sử dụng chúng để làm vinh danh Chúa. Đau khổ có thể là những thiếu thốn trên đường truyền giáo, những hiểu lầm, ganh ghét, đố kỵ trong cộng đoàn, những khó khăn, vất vả trong việc học hành. Các ngôn sứ khi xưa đã chịu nhiều bắt bớ, đau khổ vì Chúa thế nào thì các nhà thừa sai ngày nay cũng phải chịu những đau khổ tương tự như vậy. Hơn thế nữa, chính Con Một Thiên Chúa đã phải mặc lấy xác phàm và chịu đóng đinh để làm chứng cho tình yêu của Chúa Cha, thì các thừa sai truyền giáo cũng phải chịu đóng đinh như vậy mới có thể làm vinh danh Chúa. Ý thức được tầm quan trọng của thập giá và hy sinh, thánh Vinh Sơn đã nhắc nhở các nhà thừa sai: “Thân phận những ai phục vụ Thiên Chúa là phải chịu thử thách nhiều nhất, tới mức con càng phục vụ Chúa nhiều thì lòng nhân từ Chúa càng ban cho con sự tập luyện; chính nhờ những thập giá mà Chúa thánh hóa các linh hồn, như Chúa đã cứu chuộc các linh hồn nhờ chính thập giá của mình.”

Sau cùng, chứng nhân của Chúa là người luôn biết cậy dựa vào ơn Chúa. Từ việc khiêm nhường ý thức thân phận thấp hèn của mình, các chứng nhân chỉ còn biết cậy dựa vào ơn Chúa. Nếu không có quyền năng mạnh mẽ mà Thiên Chúa ban thì các Tông đồ đã không dám tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Cũng không phải tự sức mình mà các Tông đồ làm cho mọi người nên hiệp nhất, nhưng tất cả là nhờ ân sủng của Chúa. Chính Thần Khí của Chúa Thánh Thần trong Bí tích Thánh tẩy làm cho các tín hữu được sinh ra một lần nữa, được lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa. Người làm chứng cho Chúa phải có đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa qua việc cầu nguyện, nguyện gẫm, tôn sùng Thánh Thể. Phải là người có Chúa trong mình thì mới có thể nói về Chúa, làm chứng cho Chúa được. Thánh Vinh Sơn cũng để lại cho các nhà thừa sai những lời khuyên thiết thực, để họ luôn biết cậy dựa vào ơn Chúa. “Tự sức mình chúng ta không thể làm được gì cả. Chúng ta cần phải làm cho mình được tràn đầy bởi tinh thần của Đức Giêsu Kitô và được linh hoạt bởi tinh thần ấy.”

Như vậy, chúng ta luôn cố gắng để bắt chước tấm gương chứng nhân của Đức Giêsu Kitô – vị chứng nhân tình yêu của Chúa Cha. Để có thể họa lại hình ảnh của Đức Giêsu Kitô – Lời chứng hoàn hảo của Chúa Cha, chúng ta cần biết khiêm nhường nhìn nhận thân phận yếu đuối của mình để luôn biết cậy dựa vào ơn Chúa, đồng thời luôn biết đón nhận đau khổ và vượt qua những gian nan thử thách. Là những người đang dấn thân để trở nên các thừa sai truyền giáo, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta tinh thần của Người hầu cũng trở nên những nhân chứng hào hùng cho tình yêu của Chúa Cha.

Vinh Sơn Trần Phú Quốc