Lc 11,29-32; Gn 3,1-10
Chúng ta thường hay được nghe câu thành ngữ “Quay đầu là bờ”. Nó như một lời khuyên để giúp chúng ta hoán cải trước những cơn mê, những lầm lỗi của chúng ta. Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi mà trở về cùng Thiên Chúa.
Ở bài đọc 1, dân thành Ni-ni-vê khi nghe ông Giô-na công bố lệnh trừng phạt của Thiên Chúa xuống thành, thì từ nhà vua cho đến các thần dân cùng súc vật đều ăn chay, mặc áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Họ đã nhận ra tội lỗi của mình và Thiên Chúa đã không giáng phạt họ; Còn trong bài Tin Mừng, người Do-thái muốn xin dấu lạ từ Đức Giê-su, nhưng Ngài đã lên án họ vì họ không nhận lòng thương xót mà Thiên Chúa đã ban cho họ qua Đức Giê-su.
Để đáp lại lời mời gọi này, trước tiên, chúng ta cần thật lòng ăn ăn, sám hối. Là con người, chúng ta vốn yếu đuối và bất toàn, dễ vấp ngã và phạm tội khi có thể. Vì thế, điều cần thiết đối với chúng ta trên con đường đi về với Cha là phải thật lòng sám hối, nhìn nhận những lầm lỗi của mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Hãy nhìn vào lịch sử các vị thánh trong Giáo Hội, không phải các ngài sinh ra đã là thánh, nhưng phần lớn các ngài đều là những con người đầy yếu đuối và tội lỗi, nhưng các ngài đã biết “quay đầu lại”, thật lòng ăn năn thống hối, chẳng hạn như thánh Phao-lô, thánh Augustinô và nhiều vị thánh khác nữa.
Kế đến, chúng ta cũng cần có lòng tin vào lòng thương xót của Chúa. Khi ông Giô-na rao giảng về sự sám hối, thì sự việc này đã trở nên dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê. Giờ đây chính Đức Giê-su qua các lời rao giảng, chữa lành các bệnh tật, trừ quỷ và nhất là qua cái chết và phục sinh của Ngài, đã là dấu lạ đích thực để cứu độ con người. Thế mà dân Do-thái đã không nhận ra được dấu lạ là lòng thương xót của Thiên Chúa được ban cho họ. “Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy”. Trong đời sống hằng ngày, cũng có quá nhiều dấu lạ đến với mỗi chúng ta, liệu chúng ta có nhận ra đó là những ân ban mà Thiên Chúa dành cho thân phận tội lỗi của chúng ta hay không? Nếu có, liệu chúng ta dám xác tín vào lòng thương xót của Ngài và thật lòng ăn năn, sám hối, trở về với Ngài như người con hoang đàng hay không?
Cuối cùng, điều chúng ta cần làm là khiêm nhường nhận ra mình là người tội lỗi. Khi nghe được lời rao giảng của ông Giô-na, nhà vua đã từ bỏ ngai vàng, từ bỏ cẩm bào, mặc áo vải thô và ăn chay cầu nguyện, tỏ lòng sám hối trước những tội lỗi của mình và của dân thành Ni-ni-vê. Hoàng hậu Phương Nam cũng thế, bà từ bỏ nơi phồn vinh để đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn. Những người ấy đã nhận ra sự yếu đuối của bản thân và khiêm nhường lắng nghe những lời khôn ngoan của Thiên Chúa qua những người Chúa chọn. Đức Giê-su khẳng định Ngài còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. Thế mà người Do-thái lại không nhận ra Đấng mà Thiên Chúa ban cho họ, vì họ không có lòng khiêm tốn.
Như vậy, để đáp lại lời mời gọi sám hối, trước tiên, chúng ta cần phải thật lòng nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình; thứ đến, chúng ta cũng cần có niềm tin vào lòng thương xót của Chúa và sau cùng, chúng ta cần có thái độ khiêm nhường để nhận ra những ân huệ mà Chúa ban cho ta qua cuộc sống hàng ngày.
Antôn Văn Chung