SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ TRUYỀN TIN NGÀY 25 THÁNG 03

0
1120
Lc 1, 26-38
Xin vâng
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe kết thúc bằng hai tiếng “xin vâng” của Đức Mẹ. Hai tiếng xin vâng có ảnh hưởng tới chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi con người cộng tác vào chương trình của Người mà biến cố truyền tin trong Tin mừng hôm nay là một minh chứng cụ thể. Thiên Chúa, qua lời sứ thần Gápriel, đã ngỏ lời mời Mẹ Maria, cô trinh nữ miền quê Nazarét, cộng tác vào chương trình cứu độ của Người trong thiên chức làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Đứng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, Mẹ đã mau mắn đáp lời xin vâng. Với tất cả niềm tin và sự phó thác, Mẹ đã từ bỏ những dự tính của bản thân để thi hành thánh ý Chúa. Mẹ đã phó thác hoàn toàn cuộc đời của mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, dẫu rằng Mẹ chưa hoàn toàn hiểu hết thánh ý của Người.
Thiên Chúa có chương trình tốt đẹp cho loài người. Nhưng để chương trình ấy thành công, cần có sự tham gia, đồng thuận, vâng phục của con người. Chúa muốn con người được hạnh phúc nhưng nếu con người từ chối thì Ngài không thể ban hạnh phúc cho con người. Như chúng ta biết, chương trình đầu tiên của Người đã thất bại vì ông bà nguyên tổ không vâng lời Thiên Chúa. Trái lại, Đức Mẹ đã tham gia, đã đồng ý, đã vâng phục, nên chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Kế hoạch cứu độ loài người của Thiên Chúa có sự cộng tác đắc lực của Mẹ khởi đi từ lời thưa xin vâng.
Hai tiếng xin vâng của Đức Mẹ cũng là bài học lớn lao cho chính cuộc đời của bản thân tôi. Tôi biết rằng, tôi cũng có một chương trình mà Thiên Chúa đã vạch sẵn cho mình trong cuộc đời này. Nếu đi theo con đường và huấn lệnh của Thiên Chúa thì cuộc đời tôi sẽ được bình an và hạnh phúc. Điều đó có nghĩa là tôi phải ý thức được mình phải vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Người ta vẫn thường cho rằng vâng phục là đánh mất bản thân, không có sự tự chủ, là gạt bỏ tự do, xúc phạm nhân phẩm. Thực ra, sự vâng phục giúp tôi sử dụng tự do của mình cách đúng đắn hơn, và có được sự tự chủ hơn. Bản thân tôi cũng học được cách kiềm chế bản thân, sống khiêm nhường, luôn mở lòng mình ra cho những khả thể mới. Nhờ đó, tôi sẽ trưởng thành hơn, chín chắn hơn, chứ không còn bảo thủ, cố chấp hay cứ luôn khăng khăng với ý riêng của bản thân.
Là một người Kitô hữu, tôi phải sống đúng với bổn phận của một người theo Chúa là sống vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sống vâng theo đúng ý muốn của Thiên Chúa đã định cho bản thân tôi qua giáo huấn của Giáo Hội.
Hơn nữa, là một người tu trì tôi phải ý thức được tiếng Chúa nói qua ý định của bề trên. Ý của bề trên là những lời chỉ bảo trực tiếp, những quyết định trực tiếp đến sứ vụ của tôi trong Tu Hội. Ý của bề trên cũng thể hiện một cách dán tiếp qua các chương trình chung và nội quy của cộng đoàn nhằm hướng dẫn tôi đi đúng với chương trình chung của cộng đoàn.
Đứng trước nhiều lựa chọn tôi phải đặt ý của bề trên lên hàng đầu và cân nhắc suy nghĩ để đưa ra quyết định cuối cùng với đầy đủ tự do và trách nhiệm. Điều đó có nghĩa là việc xin vâng ý Chúa qua ý của bề trên không phải là việc xin vâng đầy mù quáng và mang tính áp lực lên con người của tôi, nhưng là một hành vi hoàn toàn mang đầy đủ tính nhân linh của chính bản thân tôi.
Lạy Chúa, giữa biết bao tiếng ồn ào trong cuộc sống, xin cho con biết nhận ra và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Xin cho con luôn biết khiêm tốn mở lòng ra để đón Chúa đến làm chủ cuộc đời của con. Amen.
An tôn Nguyễn Văn Lộc