Tầm quan trọng của Thông Tin trong đời sống và bút tích của thánh Vinh Sơn Phaolô
Robert Maloney, CM
Truyền thông đại chúng là một hiện tượng thời đại. Việc sử dụng rộng rãi truyền thông đã mở ra một kỷ nguyên mới. Ngày nay, chúng ta ngay lập tức biết về, và thậm chí xem – sống – các sự kiện đang xảy ra hàng ngàn dặm cách xa nơi của chúng ta. Trên hết, chúng ta liên tục nghe biết và bắt đầu sử dụng các phương tiện truyền thông mới, đang được phát minh qua từng tháng và từng năm.
Với sự bùng nổ về truyền thông, chúng ta thấy mình phải vật lộn với những câu hỏi mang tính đạo đức mới: phải chăng vì có quá nhiều thông tin, nên đã khiến chúng ta bị điếc lác trước những tiếng nói sâu sắc nhất của thực tại? Cùng với thông tin, chúng ta cũng đang tiếp nhận thông tin sai lệch? Làm thế nào chúng ta có thể học cách sử dụng khôn ngoan, chừng mực các phương tiện truyền thông và dạy cho những người khác, đặc biệt là những người trẻ, sử dụng phương tiện truyền thông một cách ích lợi? Làm thế nào để xã hội dân sự, Giáo Hội, gia đình và cá nhân, có thể đối phó với nội dung khiêu dâm tràn ngập, mà chỉ cần một cú nhấp chuột là có sẵn ngay lập tức?
Đó là tất cả những câu hỏi còn tương đối mới. Nhưng nhu cầu cho việc thông tin đúng không phải là mới. Thánh Vinh Sơn Phaolô đã từng nói về nó cách thường xuyên và hùng hồn. Trong một buổi họp với Ban Tổng cố vấn của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái vào ngày 20 tháng 6 năm 1647, ngài đã thốt lên: “Ôi Chúa ơi! Đúng! Đó là một nhu cầu thực sự: thông tin chặt chẽ với nhau; chia sẻ mọi thứ. Không có gì là cần thiết hơn. Nó kết hợp những trái tim với nhau và Thiên Chúa chúc lành cho lời khuyên đã nhận được, với kết quả là mọi thứ trở nên tốt hơn.”[1]
Tất nhiên, rất lâu trước thánh Vinh Sơn, các nhà triết học đã phân tích những gì cần có, để truyền tải thông tin đúng. Vì thế, Aristotle, trong bài hùng biện (Rhetoric) của mình, đã xác định ba yếu tố, sử dụng ba từ Hy Lạp để nói về việc thông tin, bao gồm: 1) ethos – tính cách cá nhân của người nói; 2) pathos – não trạng của thính giả; và 3) logo – ngôn từ của chính thông điệp.[2]
Kỹ năng giao tiếp rất quan trọng đối với mọi người, nhưng đặc biệt đối với những ai trong vai trò lãnh đạo. Những người lãnh đạo có những ân ban phong phú. Một số là nhà tổ chức tuyệt vời. Một số là những nhà tư tưởng đổi mới. Một số là chính trị gia thông minh. Nhưng một ân ban không thể thiếu ở một người lãnh đạo, đó là: khả năng giao tiếp.[3] Nếu một người lãnh đạo có kỹ năng giao tiếp kém, sẽ có ít người theo.
Thông tin là một quá trình hai chiều, đòi hỏi tương tác qua lại đáng kể. Các nhà lãnh đạo không chỉ truyền đạt ý tưởng của họ một cách thuyết phục, nhưng họ cũng phải lắng nghe tốt các cộng sự của họ. Nếu tầm nhìn của họ không cộng hưởng với nhu cầu của những người theo họ, thì thất bại là điều không thể tránh khỏi. Ngược lại, nếu những người đi theo, không biết lắng nghe các người lãnh đạo của họ – như Môsê thường phàn nàn là một điển hình[4] – thì sẽ không có có sự tiến triển xa hơn.
Trong bài viết này, tôi sẽ mô tả, dưới sáu tiêu đề, những gì thánh Vinh Sơn nói về sự thông tin[5] và ngài đã áp dụng nó vào thực tế như thế nào:
-
- Thông tin liên vị
- Những lá thư như một công cụ để thông tin
- Đàm luận với các Nữ Tử Bác Ái
- Đàm luận với Tu Hội Truyền Giáo
- Các “Phóng sự”
- Thông tin chính thức giữa Bề trên và thành viên của cộng đoàn
Nhưng, trước tiên cho phép tôi có hai chú ý:
1- Một điều hiển nhiên, đó là thánh Vinh Sơn sống ở một thời đại khác. Những thay đổi nhận thức lớn đã diễn ra trong xã hội dân sự và Giáo Hội từ thế kỷ XVII. Tôi đã từng đề cập nhiều thay đổi với độ dài khác nhau.[6] Ở đây, cho phép tôi chỉ đơn giản gợi lại một vài điều có ảnh hưởng đến chủ đề thông tin một cách đáng kể.
a) Thánh Vinh Sơn đã sống trong một bối cảnh như thế, một xã hội nhiều giai tầng, với các vị vua và hoàng hậu, quý tộc, giáo sĩ và nông dân. Trong xã hội đó, mỗi giai tầng có địa vị của nó và các quy tắc cho sự thông tin giữa các giai tầng được xác định rõ. Trong khi các xã hội nhiều giai tầng vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay, Cách mạng Pháp đã mang lại một sự thay đổi mạnh mẽ, trên chính mảnh đất (Pháp) của thánh Vinh Sơn và ở nhiều nơi khác.
b) Trong thời của thánh Vinh Sơn, mối tương quan bề trên – bề dưới được nhấn mạnh cách chú trọng. Chẳng hạn, 63 trong số 142 khoản, trong Luật Chung của Tu Hội Truyền Giáo đều nói về mối tương quan bề trên – bề dưới.[7] Phong thái ngày nay thì khác: các luật lệ của hầu hết các cộng đoàn đều nhấn mạnh đến đối thoại và tham gia vào việc ra quyết định.
c) Trong thời kỳ đó, các tu huynh thường bị coi là thấp kém hơn các linh mục. Bản thân thánh Vinh Sơn cũng có mối tương giao tốt với các tu huynh và đã nói rất nhiều về họ. Chẳng hạn, thầy Bertrand Ducournau là một người bạn tâm giao, một người thư ký và có lẽ là người bạn thân nhất của ngài. Tuy nhiên, đôi khi thánh Vinh Sơn nói những điều về các tu huynh mà độc giả ngày nay dường như khó hiểu.[8]
d) Cũng trong thời của thánh Vinh Sơn, đời sống cộng đoàn có xu hướng thiên về luật lệ hơn ngày nay; nó ít nhấn mạnh đến tính liên vị. “Hãy giữ luật và luật sẽ giữ anh em”, đã là một châm ngôn thường được trích dẫn.[9] Thánh Vinh Sơn, trong khi nhấn mạnh vào việc tuân thủ các quy luật, cũng đã nhận thức rõ ràng rằng, sự linh hoạt là cần thiết và đôi khi các quy luật phải được “lách”, vì đức ái là nữ hoàng của tất cả các nhân đức.[10]
2 – Mặc dù chúng ta có nguồn tài nguyên phong phú để thực hiện nghiên cứu trong mười bốn tập về Thư Từ, Đàm Luận và Tài Liệu của thánh Vinh Sơn, nhưng chúng ta chỉ sở hữu một phần nhỏ những gì mà thánh Vinh Sơn đã nói và đã viết. Đáng buồn thay:
-
- Mặc dù thánh Vinh Sơn đã thành lập Tu Hội Truyền Giáo để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo và mặc dù, chính ngài đã giảng nhiều cuộc đại phúc, nhưng chúng ta chỉ có một vài trong số các bài giảng mà cha đã giảng.
- Chúng ta hầu như không có gì, về tất cả những gì ngài đã nói với các nữ tu Dòng Thăm Viếng ở Paris trong nhiều năm, những người mà thánh Phanxicô de Sales đã ủy thác cho ngài vào năm 1622.
- Chúng ta gần như không có gì, về những gì mà ngài đã nói trong các buổi Hội Thảo Ngày Thứ Ba, việc mà đã bắt đầu từ năm 1633, ngài và một nhóm các cộng sự đã tổ chức mỗi tuần tại Paris.[11] Thánh Vinh Sơn vẫn là chủ tọa cho các buổi hội thảo ấy cho đến khi ngài qua đời.
- Chúng ta chỉ có một phần nhỏ những gì mà ngài đã nói với các Bà Bác Ái (Ladies of Charity), người mà ngài đã gặp thường xuyên từ năm 1634 trở đi.
- Trong suốt ba mươi lăm năm, thánh Vinh Sơn đã chủ tọa khoảng hai ngàn lần các buổi lặp lại lời cầu nguyện (Repetitions of Prayer) cho các linh mục và tu huynh của Tu Hội Truyền Giáo. Thế nhưng, chúng ta chỉ có bản văn của năm mươi hai trong số này, được đề cập phần lớn trong những năm 1655-1657. Ngài cũng đã tổ chức các buổi đàm luận thường xuyên cho họ. Trong số những bản văn này được đưa ra trước năm 1655, chúng ta chỉ có tổng cộng khoảng 60 trang, phần lớn là các đoạn trích hoặc tóm tắt.
- Trong khi chúng ta có nhiều các bài đàm luận của ngài với các Nữ Tử Bác Ái, nhiều bài khác đã bị thất lạc. Nhiều hợp đồng được ký bởi thánh Vinh Sơn vẫn chưa được công bố. Riêng năm 1650, chúng ta biết đến 20 tài liệu đã công chứng như thế.[12]
- Chúng ta có sự giới hạn tiếp cận với vào các tờ rơi, được gọi là “Phóng sự”, mà thánh Vinh Sơn đã thường công khai các nỗ lực cứu trợ.[13] Sẽ có nhiều thông tin hơn về vấn đề này dưới đây.
Thật đáng tiếc khi chúng ta sở hữu quá ít những gì thánh Vinh Sơn đã nói. Nhà giảng thuyết vĩ đại, Bossuet, người biết rõ thánh Vinh Sơn, đã viết cho Đức Giáo hoàng Clement XI, chứng thực rằng, khi ngài nghe thánh Vinh Sơn, ngài cảm thấy những lời của thư thứ nhất thánh Phêrô dường như đã được ứng nghiệm “ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa” (Pr 4:11).[14]
1. Thông tin liên vị
Như rõ ràng từ tuyên bố của ngài với Ban Tổng cố vấn của Nữ Tử Bác Ái, được trích dẫn ở trên, thánh Vinh Sơn khích lệ sự thông tin đúng.
Trong một buổi đàm luận vào ngày 28 tháng 7 năm 1648, ngài đã nói với các Nữ Tử Bác Ái:
Một phương tiện tuyệt vời để chống lại tinh thần của thế gian, thưa chị em, là nghĩ về những người đã sống theo tinh thần của Chúa Giêsu Kitô. Cuộc sống của các thánh thì đầy tràn điều ấy; nếu không, họ sẽ không bao giờ trở thành thánh. Đừng nghĩ rằng chị em phải tách biệt khỏi thế gian để có được nó. Các tông đồ đã gìn giữ nó khi sống giữa dân chúng và tương giao với dân chúng qua các cuộc trò chuyện của họ, vì cuộc trò chuyện thì bắt nguồn từ Versatio, có nghĩa là việc tuôn ra những suy nghĩ và cảm xúc trong tâm trí của một người, sang suy nghĩ của người khác bằng cách thông tin qua lại.[15]
Chỉ một tháng trước khi chết, thánh Vinh Sơn đã nói với các chị em, với một chút hoài niệm, như thế nào các quyết định được làm và nên được đưa ra trong các cuộc gặp mặt với Ban Tổng cố vấn của họ:
Chị em thấy đấy, mọi việc chúng ta làm đều được thảo luận ở đó; chúng ta đến với nhau và hỏi ý kiến của các chị em. Đó là những gì chúng ta đã làm khi cô Le gras còn sống. Cha Portail, cô Le gras, các chị em của chúng ta và tôi đã gặp nhau, và chương trình kế hoạch đã được trình bày. Chúng tôi đã hỏi các chị em của chúng ta về suy nghĩ của họ, sau đó, mỗi chị cho ý kiến riêng và chúng tôi đã đưa ra ý kiến ấy cho tất cả chúng ta. Các chị em của chúng ta không bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác, và đôi khi có một suy nghĩ hoàn toàn khác so với cô Le Gras và những người khác; nói một cách dễ hiểu, chỉ có Chúa mới biết điều đó.[16]
Thánh Vinh Sơn đã nói với Bernard Codoing, Bề trên của Tu Hội Truyền Giáo ở Richelieu:
Tôi ước ao muốn thấy một chút tương giao và tin tưởng hơn nữa giữa cha và cha Maillard, quản lý nhà của cha. Tôi đảm bảo với cha rằng, cha có thể làm việc với cha ấy như với người khôn ngoan nhất, trung thành nhất, hiểu biết nhất mà tôi biết trong số chúng ta và cha ấy rất yêu mến và quan tâm đến Tu Hội.[17]
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thánh Vinh Sơn thường nói với những người theo ngài tránh giao tiếp với người khác. Danh sách này dài, và những lý do thì rất nhiều.[18]
Ở đây là một vài ví dụ:
-
- Những người của phái Jansen. “Một sự thật là Năm Luận Đề của Jansenius đã từng bị lên án, nhưng các tiến sĩ bảo vệ họ vẫn chưa bị bắt buộc ký vào bản kiểm duyệt, vì họ đã bị bắt buộc làm theo sự kiểm duyệt của Sorbonne, về hai luận đề cuối cùng của ngài Arnauld, điều khác với những người khác. Vì vậy, trước khi sử dụng biện pháp nghiêm trọng này với những tiến sĩ từ chối, hãy đợi cho đến khi Đức Thánh Cha chọn để công bố về toàn bộ vấn đề. Trong khi đó, có lời khuyên rằng, nên tránh giao tiếp quá thân với họ.”[19]
- Các nữ tu. “Cha đáng kính của chúng ta, là Đức Giám mục của Genève (thánh Phanxicô de Sales) đã diễn đạt điều này rất hay trong cuốn Dẫn vào đời sống đạo đức: ‘Nếu một Giám mục muốn theo tinh thần của một tu sĩ thánh Bruno (Carthusia – Chartreux) và sống như một người, không hành động theo tinh thần mà Chúa đã ban cho chức vụ của vị ấy, và do đó, vị ấy đã không làm trọn trách nhiệm của mình.’ Vì vậy, với các nữ tu thì điều này là quan trọng, rằng anh em không có liên lạc với các nữ tu. Nhưng, đừng nói điều đó với họ, bởi vì họ có thể nghĩ rằng đó là sự coi khinh.”[20]
- Các bác sĩ phẫu thuật, dược sĩ và nhân viên bệnh viện. “Để tránh nhiều điều bất tiện, họ (các Nữ Tử Bác Ái) sẽ không giao tiếp với các bác sĩ phẫu thuật, dược sĩ và các nhân viên khác của Hôtel-Dieu, và không nhận bất cứ điều gì từ họ với bất kỳ lý do gì…”[21]
- Các linh mục. “Liên quan đến các linh mục, thưa chị em, không bao giờ có bất kỳ liên lạc nào với họ ngoài việc xưng tội; vì chúng ta thấy điều xấu gây ra bởi điều này, và thực sự là phần lớn các rối loạn phát sinh trong cộng đoàn tu sĩ là do bởi giáo sĩ chúng ta gây ra.”[22]
Trích dẫn cuối cùng này cho chúng ta một ý tưởng, thánh Vinh Sơn đã nhận xét hàng giáo sĩ trong thời của ngài!
2. Các lá thư như một công cụ của sự thông tin
Các lá thư là một trong những công cụ chính của thánh Vinh Sơn, trong việc duy trì các mối tương giao.[23] Ngài là một người có khả năng viết thư phi thường. Người ta ước tính rằng, trong nhiều năm, ngài và các thư ký của mình, là thầy Bertrand Ducournau và thầy Louis Robineau, đã viết hơn 30.000 lá thư. Ngày nay chúng ta chỉ có khoảng 10% trong số chúng. Các thư từ thường xuyên nhất của ngài là với thánh Louise de Marillac, như người ta có thể tưởng tượng, Firmin Get (Bề trên ở Brussilles), Jean Martin (Bề trên ở Turin), Edmond Jolly (Bề trên ở Rome), Charles Ozenne (Bề trên ở Warsaw) và Etienne Blatiron (Bề trên ở Genève). Sau đó thì đến Bernard Codoing, thầy Jean Parre, Antoine Portail, Louis Rivet, Jacques Pesnelle và Marc Coglée, tất cả đều là thành viên của Tu Hội Truyền Giáo. Trong nhiều năm, ngài đã viết hàng tuần cho các Bề trên nhà Vinh Sơn ở Brussilles, Rome, Genova, Torino, Warsaw và những nơi khác.
Cho đến năm 1645, thánh Vinh Sơn đã tự viết những lá thư. Sau đó, thầy Ducournau và thầy Robineau đã viết thay, mặc dù thánh Vinh Sơn tiếp tục tận tay viết thư cho thánh Louise de Marillac. Cho dù theo đúng nghĩa đen, thánh Vinh Sơn đã đọc cho hai thầy viết, hoặc cho phép họ, tự do đôi chút trong việc soạn các lá thư khác nhau, đặc biệt là tùy khi cha bận rộn như thế nào và trong những năm sau đó, khi sức khỏe ngày càng suy yếu.[24] Cha Pierre Coste cảm thấy rằng, những lá thư được viết bởi chính tay của thánh Vinh Sơn thì ngắn gọn, sống động và có thần thái hơn những lá thư chỉ mang chữ ký của ngài.[25]
Thánh Vinh Sơn đã bận rộn đến nỗi, đôi khi ngài đã viết khi đang ở ngoài đường, như ngài đã nói với Jean Martin vào ngày 28 tháng 7 năm 1651[26]: có phải anh sẽ đi cùng, sẽ chép cho thầy Ducournau không? Có phải anh sẽ ngồi trong xe ngựa với một trong những anh em và sẽ chép kịp công việc? Đôi khi ngài mệt mỏi đến mức ngủ gật trong khi viết, như khi ngài đã thú nhận thẳng thắn với Lambert aux Couteaux vào năm 1638,[27] một người chắc chắn tự hỏi liệu ngài có ngủ thiếp đi không? Trong một kết thúc của một lá thư dài, ngài đã viết cho cha Pierre Escart là thưa bà![28]
Những lá thư của ngài thật sống động, nhiều tin tức và ấm áp. Đôi lúc ngài cũng rất kiên quyết, nhất là khi đưa ra lời khuyên răn hoặc xử lý rắc rối. Khi ngài viết, linh đạo của ngài tuôn ra một cách tự nhiên.
Ngài thường mở lòng và viết với tình cảm lớn lao. Một số lá thư của ngài gửi cho thánh Louise de Marillac đã khép lại bằng những dòng chữ đầy sự dịu dàng nhân văn. Vào tháng 10 năm 1627, ngài đã nói với thánh nữ:
Tôi đang viết thư cho cô vào khoảng nửa đêm và cảm thấy hơi mệt. Hãy tha thứ cho trái tim của tôi nếu nó không được cởi mở trong bức thư này. Hãy trung thành với người yêu chung thủy của cô là Chúa của chúng ta và Mẹ chí thánh của Ngài.[29]
Vào ngày đầu năm mới 1638, ngài đã kết thúc lá thư của mình gởi cho cô với những từ ngữ:
Tôi chúc cô có một trái tim trẻ trung và một tình yêu trong thời kỳ thanh xuân nhất dành cho Ngài, Đấng yêu thương chúng ta không ngơi và dịu dàng bao nhiêu có thể, như thể Ngài mới bắt đầu yêu chúng ta. Tất cả các điều yêu thích của Thiên Chúa thì luôn mới mẻ và đầy tràn sự phong phú, mặc dù Ngài không bao giờ thay đổi. Tôi ở trong tình yêu của Ngài, với một tình cảm như những ước muốn tốt lành của Ngài và những gì tôi nợ Ngài ngoài tình yêu dành cho Ngài, thưa cô, người tôi tớ khiêm tốn nhất của cô…[30] Trong một lá thư khác, ngài đã ghi dấu cả sự hiền dịu lẫn sự hài hước: tôi không xin cô nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện, bởi vì tôi biết rõ rằng, sau đứa con nhỏ của cô (đứa con trai bệnh tật của cô), thì cô đã luôn nhớ đến tôi liền sau nó.[31]
Thánh Vinh Sơn viết cho thánh Jane Frances de Chantal như “mẹ rất đáng mến của chúng con, mẹ là của riêng con và là người con yêu mến và trân trọng hơn bất kỳ đứa trẻ nào từng trân trọng và yêu mến mẹ của nó vì Chúa của chúng ta; và dường như với con, rằng con làm như vậy, đến chừng mức, con có đủ lòng tự trọng và tình yêu để có thể chia sẻ nó với cả thế giới; và điều đó, trong thực tế, không cường điệu chút nào cả.[32]
Trong khi vui mừng với nhiều lá thư của Vinh Sơn mà chúng ta sở hữu, thì chúng ta cũng phải than phiền rằng, chúng ta đã để mất nhiều lá thư khác.
3. Đàm luận với Tu Hội Truyền Giáo
Trong phần giới thiệu về tập thứ mười một trong các tác phẩm của thánh Vinh Sơn,[33] cha Pierre Coste đã tuyên bố rằng: nếu có sự cẩn thận để thu thập và bảo tồn tất cả các bài đàm luận của thánh Vinh Sơn với các anh em của ngài tại trường Bons-Enfants hoặc tại nhà Saint-Lazare, có lẽ mười tập dày đã không đủ chứa chúng. Cha Vinh Sơn nói chuyện với họ thường xuyên: mỗi Thứ Sáu, đề tài vào buổi sáng và đàm luận vào buổi tối; vào Chúa nhật, Thứ Tư và các ngày lễ trọng; và tại buổi lặp lại lời cầu nguyện. Trong những dịp như vậy, ngài đã nói về những nhân đức đặc trưng cho một nhà truyền giáo, giải thích Luật Chung và đưa ra những bài học có thể rút ra từ những ngày lễ. Ngoài ra, ngài đã đưa tin tức về những gì đang xảy ra ở Madagascar, Algiers, Scotland, Ireland, Hebrides, Ba Lan và Ý. Thông thường, ngài đã có quá nhiều điều để nói, đến nỗi ngài đã không nhận ra mình đã nói chuyện được bao lâu và thường quá giờ.
Lời lẽ của ngài thì thường tuôn chảy cách đơn sơ và tự nhiên. Nếu ngài không thể nhớ một cái gì đó, ngài đã hỏi một người mà có thể biết. Trong một buổi đàm luận, ngài đã nói: “Chúng ta đã từng thấy các triết gia cổ đại, người mà đã coi khinh sự giàu có ở mức độ rất cao, mặc dù họ là người ngoại đạo; nhìn vào một người trong số họ – tôi quên tên ông ta rồi,- cha De la Fosse cha có nhớ tên ông ta không? Jacques de la Fosse, một giáo sư về triết học cổ đại, nói rằng đó là Diogenes. Thánh Vinh Sơn dường như chưa cảm thấy đúng, ngài nói tiếp, đúng rồi, Diogenes, nếu ông ta là triết gia ấy.”[34]
Đôi lúc, giọng nói của ngài thì hùng hồn, thậm chí là thần bí. Khi cha nói về Chúa Kitô, ngài đã nói cách say mê. Năm 1655, ngài đã thốt lên: “Chúng ta hãy xin Chúa ban cho Tu Hội tinh thần này, trái tim này, trái tim này khiến chúng ta đi khắp nơi, trái tim này của Con Thiên Chúa, trái tim của Chúa chúng ta, trái tim của Chúa chúng ta, trái tim của Chúa chúng ta (lặp lại ba lần), trái tim mà đã hối thúc chúng ta phải ra đi như Người đã ra đi, Người sai chúng ta, giống như các tông đồ, để mang ngọn lửa đến khắp mọi nơi, để mang ngọn lửa thiêng liêng này, ngọn lửa tình yêu này.”[35]
Thỉnh thoảng ngài bị cuốn vào huyền nhiệm của tình yêu của Thiên Chúa, đến nỗi những lời nói của ngài tự nhiên bộc bạch rằng, ngài đã được hiệp nhất thân mật với Chúa như thế nào:
“Chúng ta hãy nhìn vào Con Thiên Chúa; thật là một trái tim của lòng bác ái; thật là một ngọn lửa của tình yêu! Xin cho chúng con biết, ôi Chúa Giêsu – ai đã kéo Chúa ra khỏi thiên đàng để đến, để chịu đựng lời nguyền rủa của thế gian và nhiều cuộc bắt bớ và đau khổ mà Ngài đã phải chịu? Ôi Đấng Cứu Tinh! Nguồn mạch tình yêu đã khiêm nhường, thậm chí trở nên như chúng con và đến với một cơn đau đớn khốn cùng – ai đã chỉ cho thấy, trong đó, tình yêu lớn đối với tha nhân hơn cho chính mình? Chúa đã đến để đặt bản thân Ngài mở ra cho tất cả những bất hạnh của chúng con, để trở nên giống như một tội nhân, để sống một cuộc đời đau khổ và trải qua một cái chết nhục nhã vì chúng con; có tình yêu nào như vậy không? Nhưng có ai khác có thể yêu theo cách nổi bật như vậy không? Chỉ có Chúa chúng ta, Đấng đã say mê với tình yêu của các tạo vật, đến mức đã rời bỏ ngai vàng của Chúa Cha, để đến để mặc lấy một thân phận yếu hèn. Và tại sao? Để thiết lập giữa chúng ta, bằng lời nói và gương mẫu của Ngài, tình yêu dành cho người thân cận. Đây là tình yêu đã đóng đinh Ngài và mang lại công trình tuyệt hảo về ơn cứu chuộc của chúng ta. Ôi, nếu chúng ta chỉ có một chút tình yêu đó thôi, thì liệu chúng ta có đứng khoanh tay không? Lẽ nào chúng ta có thể đứng nhìn những người mà chúng ta có thể cứu giúp rơi vào chỗ hư mất? Ôi không! Bác ái thì không ăn không ngồi rồi, nó thúc đẩy chúng ta làm việc vì ơn cứu độ và sự an ủi của người khác.”[36]
Cử chỉ của cha rất sống động, đến nỗi đôi khi ngài cảm thấy rằng ngài đã dùng nó quá lố và đã xin lỗi cộng đoàn về điều ấy. Có ai đó đã chỉ ra điều này cho ngài, khi mà vào ngày 16 tháng 8 năm 1655, ngài đã nói với các linh mục và tu huynh: “Thứ Sáu tuần trước, tôi đã làm cho Tu Hội bị tai tiếng, vì tôi đã la mắng và vỗ tay lớn tiếng, rằng dường như tôi đã khó chịu với ai đó; đó là lý do tại sao tôi xin Tu Hội bỏ qua cho tôi về điều ấy?”[37]
Thánh Vinh Sơn cũng không ngần ngại đưa ra lời khuyên. Nhưng thông thường, khi ngài làm như vậy, ngài đã coi bản thân mình cũng phạm cùng một lỗi ấy. Trong thực tế, ngài thường xuyên hạ mình xuống, áp dụng cho chính mình lời Thánh Vịnh 73:22: Con quả đã ngu si chẳng hiểu, trước mặt Ngài, như thú vật nào hơn,[38] một trích dẫn có thể khiến giật mình những người đang nghe ngài.
Thật không may, Tu Hội Truyền Giáo chỉ ngộ ra một cách chậm chạp trước cơ hội đã bị bỏ lỡ, khi không bảo tồn được các bài đàm luận của thánh Vinh Sơn. Vào ngày 15 tháng 8 năm 1657, thầy Ducournau đã viết một bản ghi nhớ mạnh mẽ, thuyết phục cha René Alméras, kêu gọi ai đó ghi chép các bài nói chuyện, mặc dù thánh Vinh Sơn thì thường miễn cưỡng.[39] Thầy đã đề xuất, làm thế nào nó có thể được thực hiện một cách lén lút và đã tự mình làm công việc này!
4. Đàm luận với các Nữ Tử Bác Ái
Các Nữ Tử Bác Ái đã quan tâm nhiều hơn về vấn đề đó.[40] Thánh Louise de Marillac luôn quan tâm đến việc đào luyện các chị em, vì vậy, bà đã bắt đầu làm công việc này ngay từ sớm để những bài nói chuyện của cha Vinh Sơn được ghi lại và thậm chí, bà còn tìm cách để đề nghị thánh Vinh Sơn cộng tác trong kế hoạch. Tuy nhiên, không có nghĩa là tất cả những buổi nói chuyện của ngài với các Nữ Tử Bác Ái đã được bảo tồn. Hai buổi đầu bị mất tích; buổi thứ ba, được ghi vào ngày 31 tháng 7 năm 1634, và các bài sau đó là một quãng sáu năm!
Thánh Vinh Sơn đã gặp các Nữ Tử tại Nhà Mẹ của họ, đôi khi vào Chủ Nhật và đôi khi trong tuần. Chỉ có mười hai chị em có mặt tại buổi nói chuyện của ngài vào ngày 31 tháng 7 năm 1634. Trong những năm sau đó, số lượng của họ dao động trong khoảng từ tám mươi đến một trăm. Ngài kêu gọi họ đừng bỏ lỡ những buổi nói chuyện ấy. Trên thực tế, ngài đã tuyên bố rằng các buổi đàm luận nên được ưu tiên hơn kinh chiều, các bài giảng và các nghĩa vụ khác. Ngài đã nói với họ: “Thưa chị em, vì đây là một buổi họp liên quan đến Chúa, nên Ngài sẽ rất hài lòng với điều ấy như với việc chị em đọc kinh chiều (Vespers). Đó là để rời Chúa vì Chúa. Trong mùa đông, vui lòng cố gắng sẵn sàng để chúng ta có thể bắt đầu đúng giờ vào lúc ba giờ và đừng lo lắng về việc đọc kinh chiều.”[41]
Cha Portail thường đi cùng thánh Vinh Sơn. Cha ấy hoặc một người khác đã thay thế vị trí của thánh Vinh Sơn, nếu vì lý do nào đó, Đấng Sáng Lập đã không thể thực hiện được điều ấy. Một thông báo đã được gửi trước thời hạn tới các nhà ở Paris và vùng ngoại ô để thông báo cho họ về ngày và giờ, cũng như chủ đề và các điểm của buổi đàm luận. Chúng ta vẫn có một trong những thông báo được phân phát trước buổi đàm luận ngày 3 tháng 7 năm 1660. Nó nói rằng, chủ đề cho buổi đàm luận thứ bảy vào lúc hai giờ liên quan đến cô Le Gras quá cố. Điểm đầu tiên: những lý do tại sao Nữ Tử Bác Ái nên thảo luận về các nhân đức của các chị em của họ người mà đã về với Chúa, đặc biệt là những nhân đức của người Mẹ rất thân yêu của họ, cô Le Gras quá cố. Điểm thứ hai: những nhân đức mà mỗi chị em lưu ý nơi cô là gì? Điểm thứ ba: những nhân đức nào khiến họ ấn tượng nhất và họ muốn bắt chước với sự giúp đỡ của Chúa?
Các cuộc tập họp thực sự là buổi đàm luận, chứ không phải độc thoại. Các chị em quan sát, đặt câu hỏi và tự hạ mình xuống. Trong cuộc gặp ngày 26 tháng 4 năm 1643, thánh Vinh Sơn đã giới thiệu một phương pháp mới. Ngài giải thích, trong các đàm luận trước: “Tôi nhận thấy rằng chị em cần một số trợ giúp trong việc tìm kiếm động cơ hoặc lý do cho những gì đã được đề xuất cho chị em. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy sẽ tốt hơn nếu thay đổi phương pháp để giúp chị em dễ hiểu hơn những gì chị em sẽ được dạy, và điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho chị em trong việc cầu nguyện. Tôi sẽ hỏi các chị em câu hỏi, như đã được thực hiện cho các bài học giáo lý.”
Để khuyến khích những người nhút nhát và ít học hơn, ngài nói thêm, nếu bất kỳ ai không thể đưa ra câu trả lời, xin đừng lo lắng về điều đó, bởi vì những người ít nói, đôi khi làm tốt hơn và những người nắm bắt nhanh chóng và không gặp khó khăn khi thảo luận về những gì đề nghị với họ, đôi khi không làm tốt, mặc dù có một số người phát biểu và làm tốt như vậy. “Những người phát biểu tốt, thưa chị em, nên hạ mình xuống một cách sâu sắc – đây là một ơn ban mà họ nên bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa – và những người khó hiểu những gì được đề xuất, hoặc gặp khó khăn trong việc bày tỏ suy nghĩ của họ, nên đặt mình vào bàn tay của Thiên Chúa và quyết tâm đổi mới để làm tốt.”[42]
Một số người không biết cách đọc hoặc chưa bao giờ phát biểu trước công chúng rất lo lắng về việc bị gọi phát biểu. Thánh Vinh Sơn khuyến khích họ cố gắng hết sức và chúc mừng họ vì đã có câu trả lời tốt: chị nói đúng rồi! hay thật đúng như chị nói! hay tạ ơn Chúa thưa chị!
Nhiều người, như thánh Louise de Marillac, người luôn chuẩn bị kỹ lưỡng, đã viết ra những suy nghĩ của họ trước buổi gặp và đọc chúng.
Có rất nhiều cảnh cảm động. Vào ngày 15 tháng 3 năm 1648, một chị, người mà đang nói về việc sử dụng tốt việc sửa lỗi, đã thêm vào, “gần đây, con rất tự hào rằng, khi con đã bị khiển trách về một lỗi bởi một trong các chị em của con, người mà chính con đã xin sự bác ái để nhắc nhở con, nhưng khi chị sửa lỗi thì con đã đã chỉ ra rằng con không làm như thế. Con thành thật xin lỗi về điều này, và con xin lỗi chị ấy người đã làm cho con hành vi bác ái.” Nghe vậy, chị kia quỳ xuống và nói, “thưa chị, em mới là người xin lỗi. Em đã không làm đúng như em đã phải làm, bởi vì những người khác đang có mặt ở đấy.” Thánh Vinh Sơn đã thốt lên, “không phải là quá tuyệt vời sao! Một người buộc tội bản thân vì đã không thực hiện tốt lời khiển trách, và người kia đã không đưa ra đúng cách; bằng cách này, mỗi người cố gắng khiển trách chính mình.”[43]
Vào cuối các buổi đàm luận, thánh Vinh Sơn luôn chúc lành cho mọi người. Vào ngày 30 tháng 5 năm 1647, nhớ lại lỗi lầm của chính mình, ngài nói, “tôi sẽ cầu xin chính Chúa Giêsu Kitô ban cho chị em phước lành của Ngài, và tôi sẽ không nói những lời ấy hôm nay, vì những lỗi lầm tôi đã phạm đến chị em và nó làm cho tôi không xứng đáng để làm điều ấy. Tôi xin Chúa chúng ta là người làm điều đó.” Sau đó, ngài đã hôn lên sàn nhà, đọc kinh nguyện kết thúc như thường lệ và đứng dậy, rồi đi ra. Nhưng thánh Louise và các chị em đã không muốn để ngài đi mà không chúc lành cho họ và ép ngài phải làm điều ấy.[44]
Sớm nhất bao nhiêu có thể, sau khi các buổi đàm luận kết thúc, các chị Nữ Tử Bác Ái đã viết nó chính xác nhất có thể. Những người đã đặt câu hỏi sẽ đưa ra các ghi chú của họ. Thánh Louise không ngần ngại hỏi thánh Vinh Sơn về phác thảo của ngài. Bà đã viết cho thánh Vính Sơn vào ngày 25 tháng 1 năm 1643: “Con hy vọng rằng, đó là các chị em của chúng con sẽ sử dụng tốt những chỉ dẫn bác ái của cha đã nói hôm nay. Con tim của họ đầy khát vọng để làm điều này và họ thực sự muốn nhớ nó mãi mãi. Điều này khiến con phải nài nỉ cha một cách khiêm tốn nhất, để gửi cho chúng con bản ghi nhớ nhỏ về những điểm cha đã ghi trong đó. Dường như với con, rằng điều này sẽ giúp con nhớ lại một phần lớn những gì Thiên Chúa tốt lành của chúng con đã nói với chúng con qua miệng của cha.”[45] Các thư ký chính của các buổi đàm luận là chính thánh Louise, Elizabeth Hellot, Julienne Loret và Mathurine Guérin (người sau đó đã được bầu làm Mẹ Tổng Quyền cho bốn khóa liền và phục vụ tổng cộng 21 năm, từ 1667 đến 1697!)
Ít nhất, đôi khi, khi các Nữ Tử hoàn thành việc đưa ra một bản thảo của buổi đàm luận, họ đã đưa nó cho thánh Vinh Sơn để sửa chữa. Điều này rõ ràng từ những gì ngài đã viết cho thánh Louise vào ngày 25 tháng 8 năm 1646: “được đính kèm là một bản tóm tắt về buổi đàm luận của các chị em thân mến của chúng ta, được viết bởi Chị Hellot thân yêu. Tôi chỉ mới đọc một phần của nó và phải thú nhận rằng, tôi đã để rơi một vài giọt nước mắt ở đôi ba chỗ.”[46]
5. Các “Phóng sự”
Các Bà Bác Ái đã đưa ra ý tưởng rằng, sẽ rất tốt nếu công khai những nỗ lực cứu trợ ở những vùng bị tàn phá bởi chiến tranh. Nhận ra rằng đây sẽ là một công cụ gây quỹ tốt, họ đã thu thập các trích đoạn từ những lá thư của những người làm việc ở các khu vực đó, in chúng dưới dạng tờ rơi và được phân phát ở Paris và các thị trấn lớn khác. Những ấn phẩm này được gọi là “Phóng sự”. Đáng chú ý là, rất ít điều đã được viết về chúng, mặc dù cha Pierre Coste thỉnh thoảng cảnh báo người đọc về những phần của những lá thư đã được viết cho thánh Vinh Sơn đều đã xuất hiện trong đó.[47] Một bộ sưu tập dài 130 trang trong Bibliothéque Nationale ở Paris.[48] Ấn bản đầu tiên xuất hiện vào tháng 9 năm 1650; lần cuối cùng xuất hiện vào tháng 12 năm 1655. Trong năm năm đó, các Phóng sự đã xuất hiện hàng tháng, mặc dù có một số khoảng trống.
Chúng có độ dài khoảng bốn đến tám trang. Hơn 4000 bản đã được in. Kiểu cách của chúng là trực tiếp và kịch tính. Mỗi tờ rơi kết thúc với lời kêu gọi trực tiếp về hỗ trợ tài chính, yêu cầu về việc đóng góp được gởi đến các cha xứ hoặc cho các Bà Bác Ái như bà de Lamoignon và bà de Herse. Là một công cụ gây quỹ, chúng đã thành công rực rỡ.
Nhiều điều có thể được viết về vai trò của Charles Maignart de Bernières (1616 -1662) trong ấn phẩm Phóng sự. Cha Pierre Coste đã viết về ông:
“Sự thành công của những ấn phẩm này phụ thuộc vào kỹ năng của người chỉ đạo chúng. Điều cần thiết là các trích dẫn phải được lựa chọn và trình bày tốt, với một lời mở đầu nhỏ, một lời bình luận ngắn, và cuối cùng, một lời kêu gọi khẩn cấp cho việc bác ái. Sự lựa chọn đã rơi vào Charles Maignart de Bernières, một nhân vật có trình độ học vấn cao, thông thạo kiến thức về Thánh Kinh và các giáo phụ và cũng rất nhiệt thành bởi ngọn lửa bác ái … Bernières, đúng là, từ trường Port-Royal, nhưng những gì được hỏi về ông ta đã không liên quan đến đạo lý và những người liên quan đã bị kết án, và có lẽ lời hứa của ông ta, rằng ông ta sẽ tự giam mình trong lĩnh vực bác ái, mà không đi sâu vào lãnh vực chính trị. Lời kêu gọi để giúp đỡ từ một người phái Jansen, được thực hiện bởi thánh Vinh Sơn và các bà bác ái bên cạnh ngài, có vẻ xa lạ, nhưng dù sao thì chắc chắn là vậy.”[49]
Các định dạng về cơ bản là giống nhau trong mỗi ấn bản. Các tờ rơi trích dẫn các bức thư, thường được viết bởi các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo làm việc ở những vùng nghèo nhất nước Pháp, thường xuyên trong các khu vực chiến tranh. Chúng chứa các mô tả họa tiết về sự nghèo đói gặp phải ở đó. Ví dụ, độc giả của ấn bản tháng 1 năm 1651 đã học được rằng, tại các ngôi làng của tu viện trưởng Guise, các nhà truyền giáo đã tìm thấy 500 người bệnh và 300 người bị thương. Họ cũng đang cố gắng hỗ trợ hơn 600 người, “người mà nỗi khổ của họ là như vậy, vì đã ăn một lượng nhỏ ngũ cốc mà họ nhặt được ở đâu đó, họ đã phó mặc bản thân vào xác chết của những con chó và những con ngựa, sau khi những con sói đã no nê chúng.”
6. Thông tin chính thức giữa một Bề trên và một thành viên của cộng đoàn
Thánh Vinh Sơn rất quý trọng một thực hành được gọi là việc thông tin hay thông tin nội tâm. Ngài kêu gọi các Nữ Tử Bác Ái và các anh em của ngài của tham gia vào thực hành này một cách đơn sơ và đều đặn, nói với họ bằng, trong nhiều lá thư, là hãy mở lòng ra với Bề trên. Việc thực hành thông tin này đã trở thành một phần trong luật của cả Tu Hội Truyền Giáo[50] và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái.[51] Nó liên quan đến việc gặp gỡ bề trên một lần mỗi tháng hoặc mỗi ba tháng (hoặc viết thư cho cha bề trên hoặc chị phục vụ), hoặc trình bày với vị giải tội và với sự cởi mở. Những lá thư và các bài đàm luận của thánh Vinh Sơn chứa rất nhiều lời cổ vũ để trung thành với việc thông tin nội tâm. Một vài ví dụ sau đây:
-
- “Họ (các linh mục và tu huynh) thực hiện thông tin (trình bày) nội tâm mỗi tháng cách chính xác.”[52]
- “Tôi đã bỏ qua việc nói với anh em về sự cởi mở của con tim mà chúng ta nên có để thổ lộ chính xác với Bề trên những ảo tưởng, lỗi lầm và những đau khổ nội tâm của chúng ta; tắt một lời, để thực hiện thông tin của chúng ta với ngài.”[53]
- “Một số người cũng thực sự mở lòng trong việc thông tin, như tôi đã nói, và đã có rất nhiều tiến bộ trong việc này mà tất cả các anh em đều biết rằng nhiều người, trước khi thực hiện thông tin, hãy xin Tu Hội cầu nguyện cho họ, rằng Thiên Chúa có thể vui lòng ban cho họ ân sủng để nhìn thấy lỗi lầm của họ một cách rõ ràng, làm cho chúng được biết đến và thực sự đưa vào thực hành những lời khuyên hoặc lời nhắc nhở đã được khuyên để sửa lỗi chính họ. Thật là một lý do tuyệt vời để ca ngợi và cảm ơn Chúa vì ân sủng này mà Ngài đã dành cho Tu Hội!”[54]
- “Đừng bỏ cuộc. Đây là một thử thách Thiên Chúa đang gửi cho anh em. Và mặc dù anh em nghĩ rằng mình chẳng biết phương hướng nào, đừng mệt mỏi khi làm điều đó bởi vì, khi thông tin được thực hiện với những người mà nó nên được thực hiện, nó có tác dụng tương tự đối với tâm hồn giống như dòng máu luân chuyển trong cơ thể vậy. Vì vậy, do đó, hãy trung thành với thực hành này.”[55]
- “Vì vậy, khi chị em tương giao với vị giải tội – cha Portail hoặc cha khác – điều chính là nói cho cha ấy biết niềm đam mê chính của chị em là gì, và điều gì gây ra cho chị em nhiều rắc rối nhất, để rồi cha ấy có thể mang đến cho chị em một số phương tiện về việc vượt qua chính mình. Tùy thuộc vào linh hướng hoặc linh mẫu, người mà đã hỏi chị em, khi chị em trình bày với cha ấy hay sơ ấy ‘thưa chị, bây giờ tới phần chị trình bày đam mê nào mang đến cho chị nhiều rắc rối nhất?’ Và chị đã trả lời, ‘dạ đó chính là chị Bề trên’! ô, tốt thôi, thưa chị! Hãy cố gắng dùng mọi cách để thoát khỏi nó, và vì mục đích đó hãy thực hành nhân đức ngược lại.”[56]
- “Lá thư này là một kiểu thông tin thiêng liêng để hỏi xin lời khuyên của sơ liên quan đến các tình huống đã phát sinh, để rồi tôi có thể biết cách hành động với những điều ấy. Nó cũng sẽ tiết lộ cho chị em kiểu tính cách nào phải sống ở chỗ này.”[57]
- “Chị em nên trình bày về bản thân với linh mẫu ít nhất mỗi tháng một lần để đưa ra một sự chú ý về hành vi của mình. Thật là một thực hành thiêng liêng của Tu Hội của chị em, thưa chị em! Đừng nản về điều ấy, nhưng hãy để thông tin của chị em chân thành và thân mật. Hãy nói vào lúc đó không chỉ về những thất bại của chị em mà còn về những điều tốt đẹp mà chị em đang làm nhờ ân sủng của Chúa …”[58]
Từ những trích dẫn này, nó cho thấy một bằng chứng về tầm quan trọng của việc thực hành thông tin nội tâm đối với thánh Vinh Sơn. Ngài coi đó là một trong những biểu hiện của sự đơn sơ của con tim, điều nên đặc trưng cho Gia Đình của ngài.
Lời Cuối
Năm 1941, C.S Lewis đã viết một loạt các văn phẩm châm biếm, trong đó một con quỷ cao niên, Screwtape, người hướng dẫn cho cháu trai của hắn, một con quỷ trẻ tên là Wormwood. Screwtape vui mừng trước sự lan rộng của “Vương Quốc Ồn Ào”, nơi mọi người thiếu sự an bình và yên tĩnh cần thiết cho sự suy tư và thông tin đúng.
“Âm nhạc và sự thinh lặng – cả hai thật đáng ghét như thế nào! Chúng ta thật mang ơn biết bao khi kể từ khi (Satan) đã vào địa ngục – mặc dù lâu hơn con người, tính theo những năm ánh sáng, đã diễn tả – không có một centimet vuông của không gian địa ngục và thời gian địa ngục nào đã từng bỏ qua trước một trong những thế lực đáng sợ đó, nhưng tất cả đã bị chiếm giữ bởi sự ồn ào – sự ồn ào, một động lực lớn, biểu hiện rõ ràng của tất cả những gì cao ngạo, tàn nhẫn và độc ác – sự ồn ào bảo vệ một mình chúng ta khỏi những điều ngớ ngẩn, những mánh khóe tuyệt vọng và những ham muốn không thể. Chúng ta sẽ làm cho toàn bộ vũ trụ là một tiếng ồn ào cho đến tận cùng. Chúng ta đã làm tốt những hướng dẫn này trên thế gian. Những giai điệu và sự im lặng của thiên đường sẽ được vang lên vào lúc cuối. Nhưng chúng ta thừa nhận rằng chúng chưa đủ lớn, hoặc bất cứ điều gì tương tự. Sự tìm tòi đang được tiếp tục.”[59]
Thế giới càng trở thành ồn ào bao nhiêu, kể từ lúc đó! Những thách đố của lối thông tin rõ ràng, đơn sơ, hấp dẫn càng lớn hơn bấy nhiêu!
Manila, March 2020
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM
(chuyển ngữ từ https://vfhomelessalliance.org/)
[1] CCD: XIIIb:281. CCD được viết tắt theo bộ sách: Saint Vincent de Paul. Correspondence, Conferences, Documents, biên tập: Pierre Coste, 14 tập, bản tiếng Anh (New York: New city press). Ví dụ: CCD:XIIIb:281- số La mã chỉ số tập và số kế tiếp chỉ số trang.
[2] Aristotle. Rhetoric, book 1, part 2.
[3] Nhà lãnh đạo thiếu kỹ năng cá nhân này đôi khi sử dụng người khác làm người phát ngôn của họ. Như độc giả sẽ nhớ lại, Môsê gặp khó khăn khi nói. Xem Xuất hành 4:10: “Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con, từ hồi nào đến giờ, ngay cả từ lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi.” Do đó, Thiên Chúa cho phép Aaron nói thay cho Môsê. Cf., cũng trong , Xh 6:12. Theo một trong nhiều truyền thống của người Do Thái, Môsê không thể phát âm các từ, b, f, m, p, v. Một số Rabbis, suy tư trong Xh 4:10, đã kết luận rằng Môsê là một người nói lắp, mà một câu chuyện midrash quy cho việc ông đã đốt lưỡi của mình trên than nóng khi còn trẻ con. Mặc dù nhiều điều đã được viết về khiếm khuyết lời nói của Môsê, nhưng hầu hết những gì được nói là suy đoán thuần túy.
[4] Cf. Xh 6:12.
[5] Bài viết này không đề cập đến việc sử dụng kỹ thuật của từ thông tin, mà thánh Vinh Sơn đã sử dụng nhiều lần khi ngài nói về thông tin về đặc ân dành riêng. Trong nhiều thế kỷ, cụm từ này được sử dụng phổ biến trong các cộng đoàn tu sĩ và đôi khi vẫn còn. Điều đó có nghĩa là, trong một số điều kiện nhất định, các cộng đoàn có thể được hưởng các đặc quyền được cấp cho các cộng đoàn khác (như nghe giải tội ở một số nơi đích xác, xá giải các tội đã phạm trước đó, miễn trừ khỏi các nghĩa vụ nhất định, v.v.). giáo luật 63 của Bộ Giáo Luật năm 1917 đã nói rõ ràng về việc giành được các đặc ân bằng cách thông tin. Thánh Vinh Sơn khá biết về thủ tục pháp lý này. Ví dụ, ngài đã viết: “Đức Khâm Sứ đã cho tôi vinh dự khi ngài đến gặp tôi, để nói với tôi rằng, vì các đấng bậc về tín lý Kitô giáo đã chấp nhận về việc được làm những lời khấn đơn như chúng ta làm, họ cũng muốn thực hiện các việc truyền giáo như chúng ta. Đức Khâm Sứ cũng nói rằng là ngài đến để hỏi tôi rằng chúng ta có phản đối gì không. Tôi trả lời rằng, ngoài việc gặp rắc rối bởi điều ấy, chúng ta sẽ rất vui mừng nếu họ và nhiều dòng tu khác làm việc một cách nghiêm túc cho sự hướng dẫn và ơn cứu độ của dân chúng. Khi ngài yêu cầu tôi tuyên bố bằng văn bản về điều đó và nói thêm rằng những đấng bậc tốt lành đó sẽ rất vui mừng nếu tu hội của chúng ta chia sẻ với họ bằng cách truyền đạt (thông tin) những đặc quyền ấy” (CCD: VII: 484).
[6] Cf. R. Maloney. The Way of Vincent de Paul, a Contemporary Spirituality in the Service of the Poor (New York: New City Press, 1992) 48-52, 90-96.
[7] Về một xử sự về các khía cạnh thể chế của cộng đoàn trong luật chung. cf. Jaime Corera. “La Congregación de la Misión: La comunidad en las Reglas Comunes” in Diez Estudios Vicencianos (Salamanca: CEME, 1983) 89-106.
[8] Cf. Luật Chung V, 16: “Không một Tu huynh nào của chúng ta ước mong học tiếng Latin, hay ước mong trở thành giáo sĩ, bởi vì nhiệm vụ của họ là nhiệm vụ của Matta. Nếu ai đó trong các Tu huynh cảm thấy mình có lòng ao ước này, thì hãy cố gắng xóa bỏ nó, xem đó như là điều đến từ ma quỷ, chính ma quỷ có thể làm cho người ấy ra hư hỏng bởi lòng kiêu ngạo được ngụy trang dưới lòng nhiệt thành phục vụ các linh hồn. Họ cũng cần được Bề trên Tổng quyền cho phép một cách minh nhiên, thì mới được học đọc và học viết.”
[9] Cf. Diarmuid O’Murchu. Religious Life in the 21st Century: The Prospect of Refounding (Maryknoll, NY: Orbis, 2016) chap. 8.
[10] CCD:VII:473; IX:226.
[11] Cf. Alison Forrestal. “Venues for Clerical Formation in Catholic Reformation Paris: Vincent de Paul and the Tuesday Conferences and Company,” Journal of the Western Society for French History, 38 (2010) 44-60.
[12] Bernard Pujo. Vincent de Paul: the Trailblazer, translated by Gertrud Graubart Champe (Notre Dame, Indiana: Notre Dame Press, 2003) 188 and 301.
[13] Ibid., 195 and 303-304.
[14] CCD:XI:XVII-XVIII.
[15] CCD:IX:343.
[16] CCD:X:593.
[17] CCD:IV:40.
[18] Cf. CCD:4:127-128; CCD:4:217; CCD:5:434-435.
[19] CCD:5:587.
[20] CCD:9:460; CCD:13b:207.
[21] CCD:13b:207-208.
[22] CCD:13b:280-281.
[23] Trong phần này của bài viết, tôi đã dựa rất nhiều vào phần giới thiệu của Pierre Coste, về những thư từ của thánh Vinh Sơn được tìm thấy ở phần đầu của tập I. Tôi đã bổ sung điều này, vì người đọc sẽ thấy trong phần chú thích, với các nguồn khác nhau.
[24] Cf. CCD:VI:412.
[25] CCD:I:XXVII.
[26] CCD:IV:237.
[27] CCD:I:454.
[28] CCD:II:122.
[29] CCD:I:28.
[30] CCD:I:408.
[31] CCD:I:375.
[32] CCD:II:101.
[33] Trong phần này của bài viết, tôi đã dựa rất nhiều vào phần giới thiệu của Pierre Coste, về các đàm luận của thánh Vinh Sơn cho các linh mục và tu huynh của Tu hội, được tìm thấy ở đầu tập XI. Tôi đã bổ sung điều này, như người đọc sẽ thấy trong phần chú thích, với các nguồn khác.
[34] CCD:XI:156.
[35] CCD:XI:264.
[36] CCD:XII:216.
[37] CCD:XI:236. Thánh Vinh Sơn lặp lại chính phê bình này một tuần sau đó; xem CCD: XI: 267. Ngược lại, trong một lần, ngài xin lỗi các chị em vì đã nói quá nhỏ đến nỗi họ không thể nghe được. các Nữ Tử đã ngay lập tức sửa lời ngài, nói rằng họ nghe ngài khá rõ! Cf. CCD: IX: 491.
[38] CCD:X:561; XI:179; XII:192, 248, 310.
[39] CCD:XI:XXVII.
[40] Đối với phần này của bài viết, tôi đã dựa rất nhiều vào phần giới thiệu của Pierre Coste, về các đàm luận của thánh Vinh Sơn với các Nữ Tử Bác Ái, được tìm thấy ở đầu tập IX. Tôi đã bổ sung điều này, như người đọc sẽ thấy trong phần chú thích, với các nguồn khác.
[41] CCD:X:556.
[42] CCD:IX:XII.
[43] CCD:IX:300.
[44] CCD:IX:260.
[45] CCD:II:392.
[46] CCD:III:28.
[47] Cf. CCD:IV:94 and 151; V:79-80; VII:348.
[48] Bên cạnh bộ sưu tập này, nhiều tài liệu từ “Phóng sự” có thể được tìm thấy trong Alphonse Feillet, La Misère au Temps de la Fronde et Saint Vincent de Paul, ấn bản lần thứ mười bốn được rút ngắn và sửa chữa (Paris: Didier et Cie, 1868). Thật không may, chỉ các mảnh và tờ của “Phóng sự” đã được dịch từ tiếng Pháp gốc sang các ngôn ngữ khác. Vì các nhà sử học đã biết về “Phóng sự” trong nhiều thế kỷ, tôi thấy lạ là những tờ rơi này không được chú ý nhiều hơn. Maynard, Coste và Román đều đề cập đến chúng, nhưng họ cung cấp một vài chi tiết về nội dung của chúng, có lẽ vì tờ rơi không tập trung vào chính thánh Vinh Sơn. Cf. Abbé Maynard, Saint Vincent de Paul (Paris: Ambroise Bray, 1860) IV, 143f.; .; Pierre Coste, The Life and Labours of Saint Vincent de Paul, translated by Joseph Leonard (London: Burns, Oates & Washbourne, 1935) II, 403f.; José-María Román, St. Vincent de Paul, a Biography, translated by Joyce Howard, D.C. (London: Fox Communications, 1999) 572. Chi tiết hơn có thể được tìm thấy trong Alexandre Féron, La Vie et les Œuvres de Charles MAIGNART de BERNIÈRES (Rouen, 1930).
[49] Pierre Coste. “Saint Vincent de Paul au secours des provinces désolées,” Revue des Questions Historiques, n° de janvier 1930.
[50] Luật Chung X, 11.
[51] CCD:XIIIb:158-159.
[52] CCD:2:403.
[53] CCD:12:290.
[54] CCD:12:291.
[55] CCD:10:359.
[56] CCD:10:485-86.
[57] CCD:3:570.
[58] CCD:9:177.
[59] C.S. Lewis. The Screwtape Letters, Letter XXII. Sách có thể tìm thấy ở nhiều chỗ, chẳng hạn:
http://www.truechristianity.info/en/the_screwtape_letters_download.php Cf. also Letters XXIX and XXXI.