José Vicente Nacher, C.M.
Một linh mục đã hỏi bạn của ngài về một cuộc đại phúc vừa được hoàn tất tại giáo xứ của cha đó: “Cuộc đại phúc đã để lại điều gì phía sau?”
Và “Điều gì xảy ra sau cuộc đại phúc?” cũng là một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta. Nó dường như không phải là một câu hỏi quá quan trọng đối với chúng ta, nhưng điều không thể nghi ngờ là tương lai của các cuộc đại phúc phụ thuộc nhiều vào những tác động mà các linh mục và các tác nhân mục vụ nhìn thấy được trong cuộc đại phúc ấy.
Các cuộc đại phúc, một khi đã được thực hiện tốt và kết thúc với những kết quả thỏa đáng dành cho các địa điểm và các người yêu cầu tổ chức cuộc đại phúc, sẽ là sự thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho những yêu cầu mới và là mục tiêu duy nhất mà chúng ta có thể hy vọng. Các cuộc đại phúc là một công tác dành cho Giáo Hội và như thế, phải hữu ích và hiển hiện! Một cuộc đại phúc không tồn tại chỉ để là một cuộc đại phúc: nó nhắm tới đối tượng của việc rao giảng Tin Mừng, và nó được nhận biết trong một bối cảnh mục vụ rộng lớn hơn.
Vì lý do này, những kết quả thu được trở thành nền tảng của cuộc đại phúc và chúng ta không thể gạt bỏ chúng trong kế hoạch nghiêm túc của chúng ta dành cho tác vụ này.
Những câu hỏi chúng tôi tự đặt ra và cố gắng trả lời trong phần trình bày ngắn gọn này là:[1]
-
-
- Vào thời điểm sau một cuộc đại phúc, các nhà truyền giáo có trách nhiệm như thế nào đối với sự nhiệt thành truyền giáo của cộng đoàn?
- Những phương pháp, chất liệu, và động lực nào cần được sử dụng để duy trì sau cuộc đại phúc.
- Nhóm đại phúc có nên quay trở lại không? Thường xuyên không?
- Với quá nhiều phong cách và khái niệm mục vụ khác nhau, có thể nào đưa ra những câu trả lời cho những nhu cầu thực tế của Giáo Hội ngày nay hay không?
- Cuối cùng, làm sao chúng ta có thể duy trì cách hiệu quả?
-
Truyền Thống Kinh Thánh và Vinh Sơn
Cũng như Thiên Chúa không bỏ rơi dân Người, các vị mục tử đồng hành với giáo dân của họ trên con đường đức tin. Chính thánh tông đồ Phaolô đã duy trì sự liên lạc đều đặn với các cộng đoàn mà ngài đã từng rao giảng Tin Mừng: ngài đã luôn ý thức được những gì xảy đến với họ. Ngài viết thư cho họ và gởi những cộng tác viên đến với họ.
Vinh Sơn Phaolô và những nhà truyền giáo đầu tiên đã không chỉ thiết lập các Hội Bác Ái tại các cộng đoàn nơi họ đã tổ chức cuộc đại phúc, nhưng họ còn tổ chức việc duy trì liên tục. Chúng ta hãy nhớ lại sự kiện Louise de Marillac bắt đầu sự cộng tác của cô với thánh Vinh Sơn trong tư cách là một người đi thăm viếng các Hiệp Hội Bác Ái.
Những năm từ 1940 đến 1965, tại Tây Ban Nha và các quốc gia khác, là một thời gian nhiệt thành cho các cuộc đại phúc. Nhiều giáo xứ, theo giáo luật tại thời điểm đó, một cách hệ thống, đã thực hiện cuộc đại phúc mỗi 10 năm. Theo một cách thức nào đó, tính đều đặn của các cuộc đại phúc tạo nên sự củng cố cho cuộc đại phúc. Tại nhiều nơi, điển hình như trong các giáo xứ của chúng tôi, thật không phải là ý kiến tồi để tái lập truyền thống này.
Định nghĩa
Trong một nhóm như thế này, với sự phong phú về các kinh nghiệm và các tiến trình, chúng ta phải làm rõ những gì chúng ta đang đề cập khi chúng ta nói về sự duy trì, củng cố, hay hậu đại phúc của cuộc đại phúc. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến thời điểm vài tuần ngay sau khi nhóm đại phúc được thực hiện.
Cụ thể hơn, ở đây chúng tôi quan tâm đến việc duy trì cuộc đại phúc trong mức độ những gì các nhà truyền giáo có thể ảnh hưởng tới nó: nghĩa là, tiên liệu nó trong giai đoạn lập kế hoạch hay trù tính nó một cách hoàn thiện hơn trong chính kỳ đại phúc đó. Điều này nói lên rằng, ngày nay, việc củng cố là một phần của mỗi cuộc đại phúc. Vì lý do này, nhà truyền giáo nhận thấy có trách nhiệm nào đó cho phần sứ vụ này. Điều này được thực hiện bởi sự liên kết với các nhân viên mục vụ chịu trách nhiệm thường xuyên trong cộng đoàn.
Chúng ta không được nhầm lẫn giữa việc duy trì cuộc đại phúc với việc lặp lại cuộc đại phúc, hay đơn giản là việc bồi dưỡng một vài nhóm được khai mào trong kỳ đại phúc. Ý tưởng duy trì nhắm đến đến một vài mục tiêu của cuộc đại phúc (các động lực truyền giáo, phong cách, thông điệp, nhóm, thừa tác viên giáo dân, sự phục vụ…) Đó là những mục tiêu mà cuộc đại phúc hướng đến khi thực hiện. Vì thế, việc thực hiện một kỳ đại phúc sẽ hiệu quả hơn nếu ngay từ khâu chuẩn bị, có một vài mục tiêu mở rộng tập trung vào việc duy trì hay củng cố.
Theo một cách thức đặc biệt, chính cuộc đại phúc là một phần trong sự bền bỉ của công tác mục vụ thông thường. Sự duy trì được đưa vào công tác mục vụ tổng thể, và tiếp sức cũng như hỗ trợ các mục tiêu mục vụ cơ bản của nó. Trong quá trình củng cố cuộc đại phúc, các tín hữu của cộng đoàn đương nhiên phải gánh chịu tâm thức thử thách của nhà truyền giáo. Hệ quả là giáo xứ tự khẳng định như là một nhà truyền giáo lâu dài trong tất cả các hoạt động và cơ cấu của mình.
Một cách ngắn gọn, chúng ta có thể nói rằng nếu công cuộc đại phúc có nghĩa là truyền giáo, hiệp thông, hòa giải, loan báo, thấu hiểu, dấn thân cho người nghèo… thì khi đó, việc củng cố cuộc đại phúc phải bao gồm sự bền bỉ và phát triển của những yếu tố này (truyền giáo, hiệp nhất…) được thực hiện cách chủ động bởi cộng đoàn Kitô hữu đã tham gia cuộc đại phúc.
Cuối cùng, như chúng tôi đã cố gắng để làm sáng tỏ hơn những khái niệm, chúng tôi cũng xin làm rõ về những điều mà chúng tôi nghĩ là việc củng cố cuộc đại phúc không nên là:
-
-
- Không nên là cái gì mang tính “tô son đánh phấn” tại giáo xứ để che dấu những khiếm khuyết;
- Không nhất thiết phải có một sự gia tăng trực tiếp trong việc tham dự các bí tích;
- Không nên là một điều gì đó thường xuyên, khiến các cha xứ làm việc ít hơn;
- Không nên chỉ là một ký ức ấm áp mà không ảnh hưởng gì trên tâm hồn của các tín hữu hay trên các hoạt động mục vụ thông thường.
-
Những kinh nghiệm, thử thách và quan điểm
Các cha xứ đã tổ chức một cuộc đại phúc nói gì về đại phúc:
Trong một bảng câu hỏi đã được đưa ra ba năm trước tại các giáo xứ, nơi đã có một cuộc đại phúc, chúng tôi khám phá ra những giá trị riêng biệt mà các cha xứ dành cho cuộc hậu đại phúc. Họ không xem xét nó như là một yếu tố riêng lẻ thiết yếu nhất khi nhìn vào một tổng thể bức tranh. Ý kiến chủ đạo của họ là cuộc hậu đại phúc thì quan trọng cũng như các giai đoạn khác của cuộc đại phúc.
Khi được hỏi về âm hưởng của cuộc đại phúc trên đời sống giáo xứ, không ai trả lời rằng có rất ít hay chẳng có kết quả gì, mặc dù có vài người nói rằng nó hời hợt. Phần lớn các cha xứ đánh giá cao cuộc đại phúc như là rất quan trọng, điều đó nói lên rằng cuộc đại phúc đã để lại phía sau một ảnh hưởng phong phú và lâu dài.
Trong tất cả các thực tế cụ thể ít nhiều vẫn được duy trì như là kết quả của cuộc đại phúc, các cha xứ coi trọng hơn cả là việc thành lập các nhóm mới trong giáo xứ (cho người lớn tuổi, các cặp vợ chồng, giáo dục người trưởng thành…)
Thông thường, các cộng đồng gia đình, các nhóm gặp gỡ và các cuộc họp mặt giáo xứ đã được bắt đầu trong cuộc đại phúc vẫn tiếp tục nhóm họp. Đã có một sự duy trì bất cân đối, trong các giáo xứ nội thành nhiều hơn so với các làng rất nhỏ, nơi thật khó để tìm thấy cá nhân được chuẩn bị để giữ những vai trò của người trung gian hay người linh hoạt. Trong một vài trường hợp, chính linh mục phải tổ chức các buổi Giáo Lý Gia Đình tại những tư gia. Ở một số nơi khác, trong khi những khó khăn của việc gặp gỡ tại tư gia đã được khắc phục trong cuộc đại phúc, vấn đề tương tự lại xuất hiện sau đó và ngăn cản động lực của những nhóm nhỏ.
Tại một số giáo xứ nhất định, chính các mục tử chứng thực rằng sự tham gia tích cực của những giáo dân đã gia tăng và các ngài nhận thấy một sự tăng trưởng việc quan tâm đến vấn đề truyền giáo trong chính giáo xứ.
Trong khi tại một vài giáo xứ có một sự gia tăng đáng kể về số lượng người tham gia trong các hoạt động đạo đức của giáo xứ, thì tại các giáo xứ khác, không có nhiều thay đổi.
Với thời kỳ củng cố, các Cộng Đoàn Gia Đình, vì sự năng động đặc thù của họ, cần một số tài liệu được chuẩn bị cách đặc biệt dành cho họ. Đôi khi, họ sử dụng những tài liệu đã được cung cấp bởi các nhà truyền giáo, và cũng có khi, họ sử dụng những tài liệu mà chính họ soạn theo cách thức riêng của họ, và thỉnh thoảng họ sử dụng các chương trình đào tạo dành cho người trưởng thành của giáo phận.
Khi tham khảo ý kiến các cha xứ về khả năng quay trở lại của các nhà truyền giáo (Lặp lại cuộc đại phúc), chúng tôi nghĩ những câu trả lời phản ánh kinh nghiệm của họ thì đa dạng. Một vài cha xứ cho rằng việc quay lại của chúng tôi là không cần thiết, và một vài cha xin chúng tôi quay lại vào năm tới hoặc năm thứ hai. Phần đa nghĩ rằng cha xứ yêu cầu chúng tôi tổ chức một cuộc đại phúc là đủ. Họ không muốn đóng cửa, nhưng họ cũng không muốn đi đến chỗ cực đoan. Chúng tôi đã để ý rằng nếu các cha xứ thực sự ước mong có sự giúp đỡ (hay cần đến nó), thì họ sẽ thực hiện nó để họ không có áp lực nhiều hơn họ muốn.
Một vài cha đề nghị lặp lại cuộc đại phúc mười năm một lần, như đã thường được thực hiện. Có một vài người đề nghị duy trì sự thăm viếng của các nhà truyền giáo không chỉ với tư cách là những người bạn, nhưng với tư cách là những người rao giảng Tin Mừng.
Các giáo hội địa phương đặt vào các cuộc đại phúc niềm hy vọng lớn lao của họ trong việc canh tân giáo xứ, đặc biệt vì sự quay trở lại của những người đã từng tách lìa khỏi Giáo Hội. Việc củng cố phải được hòa nhập vào các đường hướng riêng của giáo xứ và giáo phận như là một cuộc đại phúc tổng thể.
Các suy nghĩ của các nhà truyền giáo của chúng tôi:[2]
Chúng tôi thừa nhận rằng công cuộc hậu đại phúc hay việc củng cố vẫn còn là phần yếu kém nhất của cuộc đại phúc. Chúng ta nên thực hiện điều đó, nhưng, về cơ bản, nó vẫn là phần công việc mục vụ thông thường, chúng tôi nghĩ rằng một cách đúng đắn, quyền chủ động là của các cha xứ, những người phải điều phối tất cả các hoạt động diễn ra sau cuộc đại phúc. Đừng bao giờ để người ta nói rằng chúng ta có tham vọng thay thế ngài trong vài trò này.
Trong một vài cuộc đại phúc, sau một vài năm, các Cộng Đoàn Gia Đình mà chúng tôi đã thiết lập không những được duy trì, mà các cộng đoàn mới cũng còn được phát triển nhờ những cộng đoàn này. Nhưng hầu hết thường có một sự thuyên giảm từ từ, thậm chí đi đến chỗ lụi tàn sau ba hay bốn năm sau đó.
Mặt khác, chìa khóa cho việc duy trì cuộc đại phúc tùy thuộc vào nhóm các bạn trẻ đã có gia đình, được thành lập trong cuộc đại phúc.
Các bạn cố gắng dự đoán cách thức để các nhóm khác nhau có thể duy trì sau cuộc đại phúc, tháp nhập chính họ vào đời sống của giáo xứ và làm cho giáo xứ thêm phong phú. Những người đã bất ngờ gặp gỡ Thiên Chúa lần đầu tiên trong cuộc đại phúc, và những người ấy đã quay trở về cùng Thiên Chúa, cần được sự quan tâm đặc biệt, nhờ đó họ có thể nuôi dưỡng chính họ cách thích đáng trong nhận thức mới của mình.
Nhìn chung, chúng tôi đã để ý thấy rằng các tác động về lâu về dài phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị và sự nhiệt thành của những người trung gian trong Cộng Đoàn Gia Đình. Các nhà truyền giáo đã xác nhận rằng công cuộc hậu đại phúc được tiền định bởi những bước đầu của chúng ta trong quá trình chuẩn bị.
Việc củng cố thì dễ dàng hơn ở nơi có một kế hoạch cộng đoàn rõ ràng. Ở những nơi không có điều này, chúng tôi biết là không có ai thay thế, lo liệu việc củng cố. Luôn luôn cần có những người tại giáo xứ để gắn kết chính họ một cách đặc biệt với sứ vụ này.
Chúng tôi đã nhận thấy có một sự hiểu biết tốt hơn giữa các giáo dân về giáo xứ của họ sau cuộc đại phúc. Luôn luôn có một vài người trở nên rất năng động, hết lòng cộng tác với chúng tôi. Trong quá trình củng cố, hoạt động làm việc nhóm được tăng cường.
Và đã có những lúc chính các linh mục trải qua một cuộc canh tân lớn lao về tinh thần và những mơ ước mục vụ của họ.
Một vài khó khăn
Những khó khăn được tỏ bày bởi các mục tử
Đánh mất lòng nhiệt thành là một trong những khó khăn đầu tiên chúng tôi gặp phải nơi các giáo xứ trong quá trình củng cố. Lòng nhiệt thành vốn đã hoạt động rất tốt trong cuộc đại phúc, chỉ kéo dài một thời gian ngắn ngủi. Một vài người đi hoang đã trở về lại tiếp tục đi hoang. Những người đó đã bị mắc kẹt phải trở về bổn phận thường ngày của họ và không thể làm gì hơn. Các mục tử lại cảm thấy đơn độc khi không có sự hỗ trợ của các thừa sai. Với sự biểu lộ “nó thiếu mạnh mẽ” của họ, các mục tử ám chỉ cảm nhận rằng cuộc đại phúc đã không đạt được mục đích của nó – nó được mong muốn nhưng không thể thực hiên, bởi thiếu người có khả năng để duy trì cuộc đại phúc. Có một nhu cầu rõ ràng và một sự ưu tiên thực tế trong việc đào tạo các tác nhân mục vụ.
Một vài người nhấn mạnh nhu cầu có đủ vật liệu, mặc dù một vài tỉnh dòng rất thuận lợi về vấn đề này. Những đề nghị của các nhà truyền giáo cần cụ thể hơn.
Những khó khăn mà các truyền giáo trải qua
Đối với các nhà truyền giáo, tiền đại phúc dự báo trước việc củng cố sẽ như thế nào. Trong cuộc đại phúc, nhóm truyền giáo có thể làm việc để sửa chữa những thiếu sót trong quá trình chuẩn bị; nhưng sau cuộc đại phúc, những sai sót trong tiền đại phúc có thể tái hiện.
Một khó khăn thực tế khác khiến phần đa các nhóm truyền giáo tỉnh dòng không thể thực hiện việc củng cố, đơn giản là vì họ không có đủ thời gian. Lịch trình của họ đầy ắp bởi các cuộc đại phúc trong năm này và tiền đại phúc sắp tới. Việc lên kế hoạch củng cố là vô cùng quan trọng và cần được thực hiện, nhưng nó lại phụ thuộc vào thời gian thực tế mà các nhà truyền giáo dành cho nó. Chúng ta thực sự cần có các nhà truyền giáo được dành riêng cách đặc biệt cho việc củng cố.
Và chính các linh mục, trong một vài trường hợp, lại là sự trở ngại cho việc củng cố tốt đẹp. Điều này có lẽ không gây bất ngờ cho một số người trong các bạn. Đôi khi vấn đề là sự thụ động: những bước cần thiết không được hoàn tất để tổ chức và linh hoạt. Những lần khác, các linh mục đơn giản là không muốn thay đổi bất kể thứ gì đã có từ trước, và thích tiếp tục một cách chính xác những gì đã từng có. Trong một vài trường hợp, cuộc đại phúc chỉ trở thành một câu chuyện để kể.
Trong nhiều trường hợp, không có đủ nhân lực mục vụ để giúp lãnh đạo các nhóm mới, vì thế, các bạn gặp một nhóm các bạn trẻ mới mà không có một người điều hành trẻ tuổi, những cặp vợ chồng không có người cố vấn, các Cộng Đoàn Gia Đình không có đủ số những người điều hành, hay không có người để chuẩn bị cho họ… Thông thường, những người thích hợp nhất cho công việc này lại bị quá tải với nhiều bổn phận mục vụ, thậm chí cả trước khi cuộc đại phúc bắt đầu. Một lần nữa, chúng tôi xin lặp lại, việc cần ưu tiên là nhận biết và đào tạo các tác nhân mục vụ.
Một vài sự chọn lựa cho việc củng cố:
1) Chọn lựa đầu tiên, nó có vẻ như là chọn lựa đơn giản nhất dành cho chúng ta, là không có hậu đại phúc. Ngay khi nhóm truyền giáo kết thúc công việc của họ, nhóm chào tạm biệt và những người làm việc tại giáo xứ thông thường sẽ đảm nhận bổn phận làm bất cứ công việc gì để củng cố cuộc đại phúc. Hay nói cách khác, họ khôi phục những bổn phận trước đây của mình – nhưng có một vài sự thay đổi về số lượng và chất lượng nhờ cuộc đại phúc. Sự chọn lựa này sẽ dựa trên sự tin tưởng rằng những người này từ đây sẽ chăm lo công việc truyền giáo của chính họ.
2) Những chọn lựa khác, mặt khác, không chỉ tiên liệu việc củng cố, nhưng còn xem cuộc đại phúc như là được thiết kế và phát triển trong ba giai đoạn đã được thực hiện hơn ba năm liên tiếp. Điều này có thể nói là, giống như ba cuộc đại phúc tiếp nối nhau, với một kế hoạch duy nhất được tổ chức thực hiện trong một khoảng thời gian dài.
3) Một chọn lựa triệt để hơn là đảm nhận trách nhiệm đối với giáo xứ từ Đức Giám Mục trong hai hay ba năm. Trong suốt thời gian này, giáo xứ sẽ thường xuyên ở trong tình trạng đại phúc. Khi hợp đồng kết thúc, chúng ta sẽ rời giáo xứ, với hy vọng sẽ được canh tân hoàn toàn. Tuy nhiên, hình thức đại phúc này có những khó khăn riêng của nó.
4) Sự lặp lại của cuộc đại phúc là thường xuyên nhất. Nhóm đại phúc sẽ quay lại cộng đoàn nơi họ đã tổ chức đại phúc, thông thường là vào năm tiếp theo, trong một thời gian ngắn – ba ngày hay một tuần – để duyệt lại, hồi sinh và canh tân cuộc đại phúc. Điều này có thể bao gồm: một cuộc họp lượng giá cùng các cha xứ và những người điều hành của các Cộng Đoàn Gia Đình; một hội nghị (kéo dài ba ngày) với các Cộng Đoàn Gia Đình đã giữ trách nhiệm trong cuộc đại phúc, bao gồm cả những ai đã không kiên trì; cầu nguyện và thánh lễ hàng ngày; thăm viếng những người đau bệnh trong các gia đình; các buổi họp mặt giới trẻ; các buổi hội họp thiếu nhi; thánh lễ trong các cộng đoàn. Đều có thể tổ chức những sự kiện khác nhau và các đối tượng riêng biệt.
5) Trong “cuộc đại phúc diện rộng” có thể có những vùng hay những giáo xứ không được tác động bởi cuộc đại phúc. Thật tốt khi sau đó, thỉnh thoảng tổ chức cuộc đại phúc khác tại khu vực đó, có thể cố gắng sửa chữa những sai lầm trước đó hay tập trung vào những khía cạnh vẫn còn yếu kém trong lần cố gắng đầu tiên.
6) Đôi khi, sự ràng buộc gắn kết các nhà truyền giáo với giáo xứ là những “khoảnh khắc đặc biệt” mà họ đã chia sẻ. Chúng có thể là những lễ hội quan trọng của giáo xứ hay một vài sự kiện đặc biệt trong lịch trình hoạt động. Chúng ta có thể cố gắng khơi gợi lại một cái gì đó của tinh thần đã được sống và cảm nhận trong cuộc đại phúc. Một hình thức của tình bạn riêng tư có thể phát sinh với một cộng đoàn, nơi các nhà truyền giáo đã thực hiện cuộc đại phúc.
7) Có những người, ngay từ khi khởi đầu cuộc đại phúc, trình bày một kế hoạch chi tiết về nội dung và chiến lược cho việc củng cố. Việc này nên được xem xét là một phần các hoạt động mà chính giáo xứ và nhóm truyền giáo cùng cam kết với nhau. Các nhà truyền giáo quay trở lại:
-
-
-
- Trong một tháng, để lượng giá cuộc đại phúc và lên kế hoạch cho hậu đại phúc.
- Trong sáu tháng, để triệu tập một cuộc họp các Cộng Đoàn Gia Đình;
- Trong một năm, để lặp lại cuộc đại phúc.
-
-
8) Một vài người trong các bạn đã thực hiện đại phúc với thời gian khác nhau, nhưng tôi không rành về điều đó. Tôi chờ đợi sự đóng góp của các bạn.
Những đề nghị
Vì những lợi ích của đại phúc có thể tồn tại lâu dài, điều quan trọng nhất là tất cả các thành viên của giáo xứ đều được thuyết phục về tầm quan trọng của việc truyền giáo và vì thế họ tập trung tất cả những hoạt động và các tổ chức khác nhau của họ cho mục đích này. Một thời gian dài sau khi các nhà truyền giáo đi khỏi, mục tiêu này cần được duy trì, và bao gồm một sự lặp lại rõ ràng của cuộc đại phúc.
Những đề nghị và gợi ý khác nhau được đưa ra ở đây là để giúp làm điều đó. Và xin nhớ rằng, bằng cách này hay cách khác, chúng đã được sử dụng, mặc dù riêng biệt, tại nhiều nơi chốn khác khau:
-
-
- Việc củng cố (ai sẽ thực hiện nó, cách thức, thời gian, động lực, sáng kiến, nơi chốn?) phải được lên kế hoạch trước khi kết thúc phần chính của cuộc đại phúc. Các nhà truyền giáo và các linh mục đều phải đồng thuận về điều này, thậm chí trước khi phần chính của cuộc đại phúc diễn ra.
- Một kế hoạch chi tiết cần tính đến:
- Những bước cần thiết và thời gian cần có.
- Nhân sự đảm trách mỗi nhiệm vụ mới.
- Tính thường xuyên của những cuộc họp.
- Các tài liệu và những vật tư khác cần được sử dụng.
- Lên kế hoạch trước cho những cuộc thăm viếng tiếp theo [hay không] bởi các nhà truyền giáo.
- Ai sẽ đảm trách việc chuẩn bị cho những người điều hành?
- Các cuộc họp của giáo xứ.
- Cuộc họp mặt các Cộng Đoàn Gia Đình do ai mời và khi nào?
- Các buổi hội họp trong giai đoạn chính của cuộc đại phúc với các Cộng Đoàn Gia Đình.
- Những đánh giá về cuộc đại phúc và việc củng cố.
- Triệu tập những người đã tình nguyện hợp tác trong việc dấn thân thực hiện cuộc đại phúc.
- Cuối cuộc đại phúc, đào tạo và để lại nhóm truyền giáo thường trực (thay thế Ủy Ban Đại Phúc Giáo Xứ giữ chức năng trong phần chuẩn bị và phần chính của cuộc đại phúc).
-
Mỗi giáo xứ nên có một nhóm truyền giáo thường trực, có thể được đào tạo từng phần bởi các thành viên của Ủy Ban Đại Phúc Giáo Xứ.
Nhóm truyền giáo này khác biệt so với Hội Đồng Giáo Xứ hay bất kỳ một nhóm hay phong trào nào khác trong giáo xứ. Mục đích của nó như sau:
-
-
- lưu ý rằng giáo xứ là một giáo xứ loan báo Tin Mừng trong mọi cách thức có thể.
- đó là một giáo xứ truyền giáo.
- là một “lương tâm truyền giáo” của giáo xứ.
- tạo ra những sáng kiến truyền giáo mới.
- là những mục tử vươn xa tới những người bị bỏ rơi.
- lưu tâm đến đến tính bền bỉ của các Cộng Đoàn Gia Đình.
- duy trì và phát triển đầu vào của cuộc đại phúc vốn sẽ làm phong phú giáo xứ.
- nuôi dưỡng sự cộng tác với các vùng truyền giáo nước ngoài.
-
Mặc dù đã đề cập từ trước, chúng tôi xin nhấn mạnh lại tầm quan trọng của một thông tin đầy đủ về tác nhân mục vụ và sự chuẩn bị các tài liệu.
Như trong tất cả các lĩnh vực đời sống, những “yếu tố con người” nhỏ bé đó lại vô cùng quan trọng như: viết thư cho các Cộng Đoàn Gia Đình (dịp lễ Giáng Sinh), thăm viếng các linh mục, tham dự một vài lễ hội của giáo xứ.
Để hợp nhất công việc này với mục tiêu cơ bản khác của Tu Hội Truyền Giáo thì sẽ là rất tốt nếu quy tụ tất cả những linh mục đã dấn thân vào cuộc đại phúc của chúng ta, mỗi lần một khoảng thời gian, để có một cuộc tĩnh tâm, hay đơn giản là cuộc họp mặt hoặc một buổi họp lượng giá.
Trao sự hiểu biết mới cho họ về cuộc đại phúc, xin họ cầu nguyện cho cuộc đại phúc mới, và cộng tác cùng những thừa tác viên mới.
[1] Chúng tôi áp dụng các kinh nghiệm của Tỉnh dòng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mà đã được trình bày tại Valencia trong Cuộc họp liên tỉnh dòng về các nhóm đại phúc, vào năm 1994.
[2] Dựa trên những kinh nghiệm của Các Nhóm thuộc các Tỉnh dòng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.