1. Các bài đọc
Bài đọc I: Gn 3, 1-5.10
Trích sách Ngôn sứ Giona: Thiên Chúa tha thứ cho dân thành Ninivê vì họ đã lắng nghe sứ điệp của Chúa qua ông Giona.
Đáp ca: Tv 24,4bc-5ab. 6-7bc. 8-9.
Thánh vịnh 24: Thiên Chúa dạy chúng ta đường lối của Ngài.
Bài đọc 2: 1 Cr 7,29-31
Trích thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô: Thánh Phaolô cảnh báo dân thành Côrintô rằng họ sẽ phải hành động khác, vì thế giới này và các hình thức của nó sẽ qua đi.
Tin Mừng: Mc 1,14-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô: Đức Giêsu kêu gọi bốn ngư phủ đầu tiên làm môn đệ của Ngài.
2. Chia sẻ
Khởi đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng về Nước Thiên Chúa. Khi nói về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu kêu gọi tâm tình hoán cải. Thông điệp này nổi bật trong bài đọc Lời Chúa hôm nay.
Có lẽ dân Do-thái đang rất háo hức lắng nghe những lời Chúa Giêsu dạy dỗ khi Ngài bắt đầu sứ mạng rao giảng công khai. Trước đó, họ cũng đã nghe ông Gioan Tẩy giả nói về việc hoán hải và phép rửa sám hối. Họ đã tin vào ông Gioan Tẩy giả và đã làm theo điều ông chỉ bảo.
Chúa Giêsu cũng tiếp tục thông điệp đó của Gioan Tẩy giả khi nói về sứ điệp hoán cải “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Từ các bài đọc Lời Chúa hôm nay, gợi lên cho tôi hai điều chính yếu:
Hoán cải là nhìn thấy “bộ mặt thật” của mình
Dân thành Ninivê trong bài đọc một – sách ông Giona đã hoán cải sau khi nghe ông nói về những gì Thiên Chúa sắp làm với dân. Họ nhận ra tình trạng đời sống tội lỗi của mình và đã sám hối. Con đường họ đang đi không phải là con đường mà Chúa muốn, nên họ quay trở lại với Chúa. Họ nhận ra tội lỗi mà họ đang theo đuổi và quyết tâm hoán cải.
Trong bài đọc hai, thánh Phaolô cũng chỉ cho dân thành Côrintô về những gì thuộc về thế gian. Tất cả chỉ là tạm bợ “vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7,31).
Hoán cải là nhận ra sự thật về chính mình. Hoán cải là từ bỏ những gì là tạm bợ là phù phiếm để theo Chúa và hướng về Chúa.
Cơn đại dịch covid 19 phần nào cho tôi thấy được cái “bộ mặt” của thế gian. Tất cả đã phải thay đổi theo một trật tự mới. Những gì xem ra “không thể thiếu” thì giờ vẫn “có thể thiếu”. Mọi thứ đã thay đổi và người ta cần thích nghi để sống cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Sự tạm bợ của thế gian đã bộc lộ điểm yếu của mình qua đại dịch này. Và giờ đây người ta nhận ra rằng: thế gian không phải là tất cả hay là vĩnh cửu. Vì, tất cả những gì thuộc về thế gian này chưa phải là hoàn hảo, cho nên “khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần, có hạn sẽ biến đi” (1 Cr 13,10). Tâm hồn chúng ta cũng có thể cần được nhìn trong chiều kích giống như thế khi đang còn mải mê với những gì thuộc “tinh thần thế gian”.
Cho nên hoán cải là đi tìm sự hoàn hảo. Ơn gọi của bốn môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cái khát vọng đi tìm hoàn hảo ấy. Các môn đệ cũng đã “bỏ lưới theo Người” (Mc 1,18) và “bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (Mc 1,20).
Từ bỏ những gì thuộc về thế gian để theo Chúa là tiến trình hoán cải tận căn. Có như thế người ta mới có thể sống phù hợp với tinh thần của Nước Trời và chiếm được nước ấy.
Hoán cải đòi hỏi phải hành động
Cả dân thành Ninivê và các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay đã hành động, đã “sống” thực sự với thông điệp của Nước Trời. Họ đã không chỉ lắng nghe rồi bỏ qua, nhưng tất cả đều đi đến sự hành động. Đó là sự từ bỏ lối sống cũ của mình để đi con đường mới. Cho nên, sự hoán cải không phải chỉ là những gì gây ra sự đau đớn hay sầu não hay đau khổ, nhưng là con đường mở ra niềm hy vọng và niềm vui.
Dân thành Ninivê đã có “con tim vui trở lại” khi Thiên Chúa: “Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã không giáng xuống nữa” (Gn 3,10) và các môn đệ cũng được hứa hẹn một cuộc hành trình theo Chúa với nhiều điều mới mẻ và hy vọng khi từ bỏ mọi thứ mà theo Chúa.
Từ hoán cải hay sám hối (meta-noia) theo nguyên nghĩa là: meta có nghĩa là “thay đổi” và noia có nghĩa là “tâm trí”, như vậy, metanoia có nghĩa là thay đổi tâm trí của bạn. Điều này muốn nói một sự thay đổi tận căn từ tâm trí, con tim cho đến ước muốn, để dẫn đến một đời sống khác giống như nhộng cần phải thay đổi tận căn để hóa thành những con bướm xinh đẹp. Sự thay đổi đó chính là câu chuyện đẹp của hành trình ơn gọi của bốn môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, khi họ dám chấp nhận “thay đổi” để bước vào một lối sống mới.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay mang lại cho tôi niềm hy vọng để hoán cải. Nó không gây ra đau đớn hay sự mất mát, nhưng là mở ra một cánh cửa của niềm vui và sự hạnh phúc khi tôi thành tâm hoán cải. Những gì tôi cần sửa đổi đời sống, những gì tôi cần thay đổi bản thân khi Lời Chúa đang mời gọi tôi hoán cải?
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM