Thánh Giuse có thật sự phi thường? – Suy niệm lễ Thánh Giuse

0
1006

(Lc 2,41-51a)

Đọc đoạn Tin Mừng theo thánh Luca chúng ta vừa nghe, cùng với vài đoạn Tin Mừng khác có sự xuất hiện của ông Giuse, chúng ta chẳng thấy ông nói lời nào cả. Con thắc mắc, không biết ông Giuse có thể nói không nữa. Đặt vấn đề như thế, con muốn chỉ ra rằng thánh Giuse mà chúng ta vẫn thường cao rao ca tụng là thánh cả, dường như khi tại thế, ngài cũng chỉ như một người bình thường. Vậy ông Giuse đã là một con người bình thường hay phi thường?

Con xin phép được đọc lại tiểu sử thánh Giuse qua các sách Tin Mừng để cho thấy ngài là một con người bình thường.

Nếu ai đó đọc gia phả của Đức Giêsu  trong Matthêu chương 1, họ sẽ thấy tên ông Giuse, chồng của bà Maria đặt giữa những người tội lỗi lẫn người công chính. Tên ông được nhắc lướt qua chỉ như phông nền cho Đức Maria, như một gạch nối giữa Đức Giêsu và dòng dõi vua Đavít. Chúng ta cũng gặp điều tương tự ở Lc 3,23.

Tiếp đến, trong Mt 1,18-25 kể về gốc tích Đức Giêsu, ông Giuse được nhắc đến như người “định tâm lìa bỏ Đức Maria cách kín đáo.” Những hành động này của Giuse có gì quá đặc biệt chăng? Ở đời, chúng ta lâu lâu vẫn thấy có những người chịu chấp nhận phần thiệt về mình chứ không thích tố giác, đôi co với người khác. Vậy nên hành động của Giuse cũng chẳng có gì đặc biệt.

Chưa hết, việc ông Giuse đưa vợ về Bêlem (Lc 2,4) và phải sinh con trong chuồng bò lừa (Lc 2,16) cho thấy gia cảnh của ông bình thường, hay dưới mức bình thường một chút. Nghèo thì phải ở những nơi tồi tàn hơn những người khác là lẽ đương nhiên.

Còn việc ông phải đưa con chạy trốn qua Ai Cập (Mt 2, 13-22) cũng chẳn có gì lạ. Thấy cảnh giết chóc trẻ thơ, ai có lương tâm mà lại chẳng giúp trẻ nhỏ trốn tránh bạo lực, máu đổ.

Đến ngày lễ thanh tẩy, như bao người Do thái mộ đạo khác, ông cùng bà Maria dâng con trên đền thờ (Lc 2,22). Tại đây, ông Giuse được ông Simêon nói tiên tri về trẻ Giêsu (Lc 2,33), ông im lặng. Cũng thế, khi tìm lại được Đức Giêsu bị lạc trong đền thờ, ông cũng lặng im không nói gì.

Ông Giuse im lặng, không nói gì, không có nghĩa là ông là một người ngu ngơ, chẳng biết gì. Bởi lẽ, ông “ngạc nhiên” khi nghe ông Simêon nói tiên tri về Đức Giêsu, hay khi tìm thấy trẻ Giêsu đứng giữa các thầy dạy trong đền thờ, ông “sửng sốt.” Còn khi ở Ai Cập, dù biết vua Hêrôđê qua đời, ông sợ không dám về Israel, vì nghe biết Ác-khê-lao kế vị vua cha là Hêrôđê. Ông chỉ về miền Galilê, ở Nadarét khi được báo mộng. Điều đó cho thấy ông Giuse cũng biết tính toán thiệt hơn. Vậy ra, ông Giuse cũng là người bình thường, chứ không phải dạng khờ khờ, không biết gì.

Vậy bởi đâu ông Giuse, một người bình thường, chẳng thấy nói năng gì, lại được gọi là thánh, mà còn được gọi là thánh cả nữa.

Đúng là Giuse đã chẳng để lại lời nói hùng hồn nào, hành động nào quá to tác, đến độ không ai có thể làm được, Tuy nhiên, qua vài đoạn Tin Mừng ít ỏi nói về Giuse, ta thấy ngài luôn chú tâm thực thi thánh ý Chúa, luôn tin tưởng, cố gắng chu toàn bổn phận mà Thiên Chúa trao phó. Hơn nữa, nếu muốn chu toàn bổn phận cách liên lỉ như thế, chắc hẳn Giuse cũng đã dành trọn vẹn tình yêu trong bổn phận của mình.

Tìm hiểu về con người thánh Giuse, bằng cách tạm gác những gì là hào quang mà con người khoác lên một vị thánh, chúng ta có thể thấy được một Giuse rất bình dị, gần gũi, có nhiều nét mà chúng ta có thể học theo, nhưng lại luôn sáng lên lòng trung tín, gắn bó với Chúa.

Vậy ai muốn bước theo một vị đã có đời sống bình thường, trong sự trung tín với thánh ý Chúa, để nên thánh? Hãy đến cùng Giuse.

Đằng Giao