Thánh nữ Catherine Labouré, ngày lễ 28/11

0
9186

Catherine Labouré (sinh ngày 02 tháng 05 năm 1806 – mất ngày 31 tháng 12 năm 1876) là một nữ tu thuộc Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn và được tuyên phong hiển thánh vào năm 1947. Chị nổi tiếng là một Nữ tử hết mình phụng sự cho đức tin vào Thiên Chúa, tham gia nhiều các hoạt động bác ái xã hội, giúp đỡ người nghèo khổ và có tầm ảnh hưởng lớn đối với các tín hữu Công giáo cũng như không Công giáo ngày nay.

1. Tiểu sử

Catarina Labouré sinh và lớn lên trong một thôn nhỏ ở xứ Bourgogne nước Pháp. Chị là con thứ 9 trong gia đình có 11 người con. Mẹ của chị mất khi chị mới 9 tuổi. Chị theo gia đình chuyển đến ở Saint- Rémy, một ngôi làng cách nhà cũ 9 cây số. Năm 12 tuổi, chị giúp cha coi sóc trang trại, vườn rau, chuồng bò, nuôi gia cầm…. Chị làm việc chăm chỉ và luôn dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho gia nhân.

Catarina theo học các lớp vỡ lòng trong hai năm tại một trường nội trú của một người bà con. Tại đây, chị thường vào nhà thờ cầu nguyện. Vào năm 16 tuổi, cha chị muốn chị lập gia đình, nhưng chị nhất mực từ chối, ông đành phải gửi chị lên Paris ở với người bác ruột.

Ngày 21 tháng 04 năm 1830, sau nhiều biến cố, chị trở lại Paris xin gia nhập Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn tại phố Du Bac và được mặc áo dòng vào ngày 25/04 và trở thành nữ tu Catarina. Từ đây, chị có những đóng góp lớn cho công tác thiện nguyện và có nhiều lời tiên tri, đoán biết được tương lai. Trong thời kỳ biến động của nước Pháp, chị đã tận tình chăm sóc những người bệnh, người già, giúp đỡ người nghèo, người di cư, thậm chí cả lính tráng, cảnh sát ẩn nấp khi bị Công xã Paris lùng bắt.

Catherine Labouré mất ngày 31 tháng 12 năm 1876. Thi hài chị vẫn nguyên vẹn sau nhiều năm và ngày nay được đặt trong hòm thủy tinh tại nhà nguyện số 140 phố Du Bac, Paris.

2. Đức Mẹ hiện ra với chị Catherine Labouré và mẫu ảnh Đức Mẹ Ban Ơn

Ðêm 18 rạng ngày 19 tháng 07 năm 1830, Ðức Maria đã hiện ra với chị Catherine Labouré, tập sinh Tu hội Nữ tử Bác ái, tại nhà Nguyện của Tu hội ở Paris.

Chị kể lại: khoảng 11 giờ rưỡi đêm, khi đang ngủ, tôi nghe tiếng gọi tôi ba lần liền, tôi kéo mùng ra, phía có tiếng gọi và thấy một em bé độ 4-5 tuổi, rất xinh đẹp, thân mình em trắng tinh, tỏa ra ánh sáng.

Em bảo: “Hãy đến nhà nguyện, Ðức Mẹ đợi chị”. Catherine thầm sợ, nhưng em bé bảo: “Ðừng sợ, 11 rưỡi đêm rồi, ai nấy đều ngủ hết, tôi sẽ dắt chị đi”.

Chị trỗi dậy, lật đật mặc áo và theo em bé. Ðèn bật sáng khắp nơi khiến chị rất ngạc nhiên. Vừa đến cửa Nhà nguyện, em bé chỉ vào cửa và tự nhiên cửa mở hẳn ra làm chị càng ngạc nhiên thêm. Trong nhà nguyện, đèn sáng trưng như đêm lễ Giáng Sinh. Chị bước vào và đến quỳ bên Cung Thánh, âm thầm cầu nguyện.

Catherine Labouré nóng lòng vì chưa thấy Ðức Mẹ. Khoảng nửa đêm em bé bảo: “Mẹ đến kìa”. Chị nghe một tiếng động trong cung thánh, phía bên sách lễ, và đồng thời, chị nghe tiếng loạt soạt như tiếng áo lụa dài lê trên gạch. Tiếp đó một Bà rất xinh đẹp đến ngồi trên ghế nơi cung thánh, chị Catherine theo tiếng giục trong tâm, hối hả đến quỳ bên Bà, linh tính chị nhận ra Bà là Ðức Maria, hai tay chị chắp lại để trên đầu gối Bà, lòng tràn ngập sự an vui, êm dịu không thể tả được. Hồi lâu Bà biến mất.

Catherine thấy em bé vẫn còn đứng bên Cung Thánh. Chỗ chị quỳ đợi. Em bé nói: “Mẹ đi rồi”, đoạn em sang bên mé tay trái chị và dẫn chị về giường ngủ như lúc em dẫn chị đi.

Về đến giường đúng 2 giờ sáng, Catherine không sao ngủ lại được.

Ngày 27 tháng 11 năm 1830, lúc 5 giờ chiều, trong giờ cầu nguyện thầm lặng, chị Laboure được phúc thấy Đức Nữ Vương Thiên Đàng hiện đến, chân đứng trên quả địa cầu, hai tay Mẹ nâng lên một quả địa cầu khác nhỏ hơn trước ngực, như thể Mẹ đang hiến dâng cho Thiên Chúa. Những chiếc nhẫn hột ngọc trên các ngón tay Mẹ bất chợt bật ra những tia sáng chói lóng lánh tứ phía và bao phủ cả áo và chân Mẹ với ánh sáng rực rỡ.

Ðức Mẹ nhìn chị và nói vang lên trong lòng chị: “Quả địa cầu con thấy đấy là hình bóng vũ trụ và mỗi cá nhân cách riêng. Các tia sáng chiếu xuống biểu trưng các ơn Mẹ sẽ đổ xuống trên những ai xin Mẹ.”

Rồi một khuôn hình bầu dục sáng rực bao xung quanh Mẹ, có khắc bằng chữ vàng câu: “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ!”

Mẹ duỗi hai tay xuống và nói: “Hãy làm ra ảnh vảy theo mẫu này, những ai mang ảnh này sẽ được hưởng nhiều ơn, nhất là những ai mang nơi cổ, muôn vàn ơn sẽ tuôn xuống cho những ai có lòng trông cậy Mẹ, như được biểu trưng qua những làn ánh sáng từ tay Ðức Mẹ tỏa ra.”

Khuôn ảnh xoay lại mặt sau có chữ M, trên có Thánh giá và dưới có hai Quả Tim, một quả bị quấn gai và quả kia bị luỡi gươm đâm thâu qua, chỉ Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim đau khổ của Mẹ Maria.

Hai năm trôi qua, kể từ khi Ðức Mẹ hiện ra, ảnh vảy được làm ra theo mẫu với sự chấp nhận của Ðức Cha Quelen, Tổng Giám mục Paris, và từ đó, ảnh này được lan tràn cách lạ lùng trên khắp thế giới với các ơn lành bệnh, ơn bầu chữa lúc nguy hiểm, ngặt nghèo, ơn dứt bỏ tội lỗi và được quay về con đường lương thiện.

Vì những ơn lạ người ta được nhờ mang ảnh này, nên người ta gọi là “Ảnh Phép Lạ”.

Ảnh phép lạ là một ân huệ của trời, vì chính Mẹ Maria đã từ trời đem đến cho chúng ta, chúng ta hãy mang ảnh phép lạ với lòng cung kính và đọc câu: “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con đang chạy đến cùng Mẹ”, thì sẽ được nhiều ơn.

Chị Catherine Labouré được tuyên phong hiển thánh ngày 27 tháng 07 năm 1947 và lễ nhớ ngày 28 tháng 11 hàng năm.

3. Hiệp hội Giới trẻ Con Đức Mẹ Vinh Sơn (VMY)

Kinh nghiệm Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, mỗi lần Thiên Chúa mời gọi và yêu cầu một sự đáp trả từ ai đó thì đó là để Người sai kẻ đó thực hiện một sứ mạng. Cũng như Sa-mu-en, Giê-rê-mi-a, Đức Maria … Catherine đã nghe theo tiếng gọi ấy ở miền quê Fain-les-Moutiers của chị, và chị đã đáp lại tiếng Chúa bằng cách gia nhập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái ở Paris, trở thành một Thỉnh sinh vào năm 1829 và sau đó chị bước vào giai đoạn Tập viện tại Nhà Mẹ vào tháng 04 năm 1830. Chúng ta biết sứ mạng mà Thiên Chúa đã tỏ bày với Catherine, qua Cuộc hiện ra của Đức Maria-Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm Nguyên Tội. Biến cố lịch sử này đã khởi đầu cho Hiệp hội Con Đức Mẹ. Đây là cách Catherine giải thích sứ mạng của mình trong cuộc nói chuyện với vị Giám đốc là cha Aladel: “Đức Trinh Nữ mong muốn trao cho cha một sứ mạng. Cha sẽ là người sáng lập và là giám đốc của Hiệp hội Con Đức Mẹ và các thành viên của Hiệp hội sẽ được ban dư tràn ân sủng. Một thông điệp khác của Đức Trinh Nữ là: Mẫu Ảnh Phép Lạ sẽ là huy hiệu của Hiệp hội ấy.”

Ngay từ đầu, Thánh Vinh Sơn Phaolô cũng như Thánh Louise de Marillac đã khắc sâu trong lòng con cái mình một tình yêu sâu sắc và lòng sùng kính lớn lao đối với Đức Maria. Thiên Chúa đã ban thưởng cho sáng kiến của các ngài và đã chọn một Nữ Tử Bác ái đơn sơ làm sứ giả của Người, và một Linh mục Truyền giáo làm trung gian của sứ điệp. Vào năm 1830, Catherine Labouré, một thôn nữ trẻ đang tập tành để trở thành Nữ Tử Bác Ái, đã chứng kiến cuộc hiện ra của Đức Mẹ trong nhà nguyện ở Paris-Pháp. Chị là mẫu mực cho tất cả những người trẻ ngày nay: Chị đã trải qua những vui buồn của đời sống gia đình; Chị đã quen thuộc với những khó khăn trong khu vực quanh mình và những ảnh hưởng của xã hội trong thời ấy.

Hiệp hội Giới trẻ Con Đức Mẹ Vinh Sơn (VMY) được biết đến là một Hiệp hội Giới trẻ quốc tế, được khởi xướng vào năm 1830 khi Đức Mẹ hiện ra với chị Catherine Labouré. Ngoài việc phổ biến Mẫu ảnh Mẹ Ban Ơn, Đức Mẹ còn truyền thiết lập một nhóm các bạn trẻ mang tên của Mẹ và Người còn hứa hẹn “những ân sủng sẽ được tặng ban cho những bạn trẻ ấy”. Ngày nay, nhóm giới trẻ này đã mở rộng khắp thế giới ở 40 quốc gia với hơn 200.000 thành viên! Mục đích của nhóm là làm cho đức tin của họ mạnh mẽ bằng cách liên kết chặt chẽ hơn với Đức Giêsu Kitô và với tha nhân.

NDĐ