I. Các bài đọc
Bài đọc 1: 1 V 19,4-8
Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất: Thiên Chúa nuôi ngôn sứ Êlia, tăng sức cho cuộc hành trình của ông tới núi Horeb.
Đáp ca: Tv 34,2-3,4-5,6-7,8-9
Thánh vịnh 34: ca ngợi Thiên Chúa vì sự tốt lành của Người.
Bài đọc 2: Ep 4,30—5,2
Trích thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Êphêsô: người Êphêsô được khuyến khích trở nên những người bắt trước Đức Kitô.
Tin Mừng: Ga 6,41-51
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan: Đức Giêsu đáp trả lại tiếng xì xầm của đám đông, khi họ thắc mắc điều đó có nghĩa là gì? khi Ngài nói “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống.”
II. Chia sẻ
Một sự tiếp nối bài đọc Tin Mừng tuần trước, khi Đức Giêsu nói mình là “bánh hằng sống” từ trời xuống. Hôm nay các bài đọc Lời Chúa cho chúng ta khám phá một cách sâu xa hơn nữa, chiều kích của Thánh Thể. Nguồn lương thực nuôi hồn chúng ta trên con đường hành hương về quê trời.
Thánh Thể nguồn sống
Câu chuyện của ngôn sứ Êlia là một câu chuyện hay nói về mầu nhiệm Thánh Thể. Ông đã được Chúa nuôi dưỡng bằng những chiếc bánh nướng trên đường đi, để ông có đủ sức đi đến núi Horeb. Thế nhưng, dường như ông không thiết tha gì đến điều ấy: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông con” (1 V 19,4). Ông đã ăn, nhưng “rồi ngủ lại” (1 V 19,5). Sự “ngủ lại” của Êlia nói đến một chán chường mà ông đang gặp phải. Ông “ngủ lại”, tức là ông muốn rằng, giấc ngủ này sẽ là giấc ngủ ngàn thu, để ông khỏi trỗi dậy nữa. Và như thế, không phải đối đầu với những thách đố trong cuộc đời của ông, mà ông sắp đối diện.
Thế nhưng, Thiên Chúa không để ông trốn chạy khỏi sứ vụ đó, bằng cách cho Thiên Thần đánh thức ông lần nữa. Và lại cho ông ăn bánh nướng. Như vậy, Chúa không lấy mạng ông đi như ông mong ước, nhưng lại cho Thiên Thần mang bánh đến cho ông ăn và ông được khỏe mạnh lại.
Điều này diễn tả sức mạnh và nguồn trợ lực của thứ lương thực thiêng liêng trong cuộc sống con người. Đôi khi người ta cũng chẳng còn gì hy vọng và niềm vui cho cuộc sống, rồi muốn chết đi, để khỏi đối diện với những nỗi thống khổ của cuộc đời. Thế nhưng, nhờ bánh là thứ lương thực Thiên Thần ban, mà Êlia đã tìm lại được sức mạnh cho cuộc sống. Bánh hằng sống sẽ là nguồn an ủi và niềm vui giữa những đớn đau thất vọng trong cuộc sống hằng ngày. Chúa luôn luôn là người đồng hành và ban bánh đó cho chúng ta. Thánh Thể là nguồn sống cho chúng ta giữa những “chết chóc” của cuộc đời này.
Trong nhiều tuần lễ nay, tại một số nơi ở Việt nam, người tín hữu đã không còn được tham dự thánh lễ với cộng đoàn của mình cách thực thể. Họ chỉ có thể dự lễ online vì covid 19, vì thế, đời sống thiêng liêng cũng đã bị thiệt thòi rất nhiều, nhất là việc được rước Mình Máu Thánh Chúa và lãnh nhận các bí tích. Qua những ngày này, nhiều người tỏ ra khát khao được đi lễ và rước lễ trở lại.
Người Kitô hữu cảm thấy có một điều gì đó thiếu thốn trong đời sống thiêng liêng. Họ mong mỏi được rước Chúa, vì lòng tin tưởng vào nguồn sức mạnh từ bí tích Thánh Thể mà họ sẽ đón nhận. Đây là một tâm tình rất thích hợp với tâm tình mà thánh Phaolô nói trong bài đọc hai hôm nay, tâm tình khát khao tình yêu thương của Chúa: “Hãy sống trong tình thương, như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó Mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta” (Ep 5,2). Mình Máu Thánh Chúa là để ban tặng cho chúng ta, để nuôi sống chúng ta và mang lại cho chúng ta sự sống.
Thiên Chúa mặc khải chính mình cho chúng ta hằng ngày
Trong bài Tin Mừng, sau khi nghe Đức Giêsu tuyên bố: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống” (Ga 6,41), dân chúng đã trở nên nhốn nháo và thắc mắc về nguồn gốc của Ngài: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao?” (Ga 6,42). Họ biết rõ về điều thuộc về thể lý của Ngài, nhưng không biết rõ về căn tình thuộc linh của Ngài “từ trời mà xuống”. Họ không có khát vọng sâu xa để nhận biết Ngài, nhất là để chấp nhận về những điều mới mẻ mà Ngài mới tuyên bố.
Họ đã từ chối Đức Giêsu cách khéo léo về sứ điệp của Ngài, mà như thánh Phaolô nói trong bài đọc hai: “Chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa” (Ep 4,30). Họ đã khước từ Thần Khí, Đấng dẫn đến những điều mặc khải mới mẻ nơi Chúa Giêsu. Cả Gioan và Phaolô đều nhắc nhớ một điều quan trọng, là Thiên Chúa không ngừng mặc khải chính mình cho chúng ta. Vì thế, chính chúng ta phải sẵn sàng mở lòng mình ra và đón nhận điều ấy. Qua đó, Thiên Chúa cho thấy Ngài luôn luôn nuôi dưỡng chúng ta qua Lời của Ngài. Lời mà chính Ngài đã tuyên bố: “Tôi là bánh từ trời xuống”. Qua Lời và qua Thịt Máu Ngài cho thấy Chúa Giêsu trao ban trọn vẹn chính Ngài cho chúng ta. Chính Êlia cũng đã muốn khước từ hồng ân sự sống mà Chúa đã ban cho ông. Ông đã không muốn đón nhận điều Chúa muốn mặc khải cho ông trong chặng đường sắp tới.
Chúa Giêsu cũng đã mặc khải cho chúng ta về bí tích Thánh Thể khi Ngài thể hiện điều đó dưới hình bánh bé nhỏ. Xem ra người ta khó chấp nhận, như dân Do thái xưa cũng khó chấp nhận Ngài. Nhưng thật sự, trong đời sống hằng ngày, Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục mặc khải chính mình cho chúng ta qua mọi biến cố, đôi khi lại rất tầm thường. Chúng ta cần sáng suốt để nhận ra điều ấy.
Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Ngài dựng nên con cho Chúa và linh hồn con khắc khoải cho tới khi nào nghỉ yên trong Chúa”. Chính Chúa đã trao hiến bản thân mình như Bánh Bởi Trời để cho chúng ta được sống. Đó là sáng kiện diệu vợi của tình yêu. Vì cách duy nhất để hiểu thấu về Thiên Chúa, là qua Chúa Giêsu Kitô: “Không ai đến với cha mà không qua thầy.” Chỉ qua cách đụng chạm đến Chúa Giêsu cách sâu xa nhất, qua việc đón nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta mới được đổi mới. Chúa Giêsu chính là điều Chúa Cha muốn mặc khải cho chúng ta: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6,44).
Thánh Thể chính là con đường dẫn chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn. Chúng ta có để cho cơn đói khát thiêng liêng dày vò chúng ta? Chúng ta có đói khát Chúa thực sự không?
Sự hiện diện của Chúa trong đời sống, sẽ ban ơn cho ta để chúng ta trở nên bánh cho người khác. Khi chúng ta biết đón nhận bánh hằng sống ban cho chúng ta, thì chúng ta cũng biết như thế nào để trở nên bánh ngon thơm cho người khác. Người mà chúng ta mong muốn mang đến cho họ niềm vui bình an và hạnh phúc. Nhất là để làm sao, họ cũng tìm được sự sống đời đời.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM