Cha Vicícius Augusto Teixeira, CM
Tỉnh Dòng Rio de Janeiro –Brasil
Ngày 02/7, (trong Tổng Đại Hội lần thứ 42 của Tu Hội Truyền Giáo), cha Tomaž Mavrič, trong bài chia sẻ đầu tiên của ngài, đã mời gọi chúng ta tái khám phá và phát triển chiều kích thần bí ơn gọi của chúng ta…cũng như linh ứng thần bí của thánh Vinh Sơn về truyền giáo. Lời mời gọi này được lặp lại trong thư luân lưu đầu tiên của ngài (19/9/2016), gửi đi nhân dịp Lễ thánh sáng lập của chúng ta. Trong thư này, cha Tổng Quyền kêu gọi từng người trong chúng ta trả lời câu hỏi : làm sao và làm thế nào tôi có thể mô tả thánh Vinh Sơn là nhà thần bí bác ái. Chúng ta biết rằng một số người nổi tiếng về tu đức học và tiểu sử Vinh Sơn đã trả lời cách chính xác. Điều đó đã rõ trong thư luân lưu của Cha Tổng Quyền, ngài đã chia sẻ kiến thức của ba nhà truyền giáo về chủ đề này: cha H.O’Donnel, cha R. Maloney và cha T. McKenna.
Đồng thời, ngài cũng biết ơn các bút tích và công trình của L. Abelly, H. Brémod, A. Dodin và J.M. Ibáñez. Để bổ túc danh sách (các vị đã an nghỉ), chúng ta có thể thêm vào nhiều người khác: A. Orcajo, G. Toscani, L. Mezzadri, J.P. Renouard, G. Grossi… chúng ta cám ơn các nhà chuyên môn này về những soi sáng của họ…chúng ta chịu ơn họ, cách xác đáng và lòng đam mê, họ đã thăm dò con tim của thánh Vinh Sơn, và đã trao tặng chúng ta những trực giác của khoa thần bí này, các trực giác có khả năng giải khát cho chúng ta, có khả năng thúc đẩy việc tìm kiếm Chúa và làm cho lòng bác ái và việc truyền giáo của chúng ta đem lại thành quả cho người nghèo.
Cho dù ý nghĩa và sự chính xác mà các đóng góp này của các sử gia nổi tiếng đem lại có thế nào đi nữa, thì vấn đề về nền thần bí Vinh Sơn vẫn còn đó, và bổn phận tái tạo nó không mất đi gì tính khẩn trương. Việc cử hành kỷ niệm 400 năm khởi công của đoàn sủng (năm 2017) phải được coi như thời gian thuận tiện để đặt mới lại vấn đề và khởi sự lại bổn phận…như thế là tạo cơ hội cho việc tái tiếp sức sống về tinh thần và việc tông đồ cho toàn thể gia đình Vinh Sơn đang được nuôi dưỡng bằng nền thần bí Vinh Sơn. Thật vậy, nền thần bí này đang hâm nóng đoàn sủng thánh Vinh Sơn đã nhận và truyền lại, đang khi làm cho nó năng động, hấp dẫn, cũng như có khả năng cho việc canh tân đức tin và táo bạo. Sự năng động này xuất hiện trong các hoàn cảnh và bối cảnh khác nhau, trong đó, các thành viên của gia đình Vinh Sơn được tiếng kêu của người nghèo, các lời kêu gọi của Giáo Hội và các dấu chỉ thời đại chất vấn. Không là một nền thần bí được canh tân nuôi dưỡng bằng một hình ảnh sâu xa về Thiên Chúa, thì đoàn sủng Vinh Sơn và việc truyền giáo sẽ mất đi nền tảng, mất đi sức sống và chiều kích ngôn sứ…Điều đó sẽ giống như ngôi nhà xây trên đất lún, trên cát.
*Các nhà thần bí: một mầu nhiệm về ân sủng và tự do
Trong nghĩa nào chúng ta có thể coi một người là một nhà thần bí? Có nhiều câu trả lời cho vấn nạn này. Không một ai chối bỏ sự kiện rằng có một vài đặc trưng dùng định nghĩa một người là nhà thần bí hoặc là người có đời sống nội tâm sâu xa, một cá nhân có những xác tín mạnh mẽ, được soi dẫn bằng một lý tưởng lớn và được hướng dẫn bằng một lương tâm chính trực…tất cả các điều ấy diễn ra nơi một con người quân bình, cách làm gắn bó chặt chẽ và lâu bền và một yêu sách đạo đức. Theo cách nhìn Kitô giáo, tất cả các nhà thần bí đều nêu rõ nét có cảm nghiệm về Thiên Chúa, sự đồng hóa say mê với Đức Giêsu Kitô, và sự ngoan ngoãn đối với tác động của Chúa Thánh Thần. Theo cách nhìn này, các nhà thần bí là những người biết rằng mình được yêu thương và đỡ nâng bởi một Tình yêu lạ thường mà họ dấn thân vào. Đồng thời, Tình yêu này soi sáng sự hiểu biết của họ, huy động ý muốn và động viên tự do. Tình yêu này không thể lầm lẫn với một vài sức mạnh vũ trụ, tình cảm mau tàn hoặc vài khái niệm trừu tượng nào đó. Tình yêu ngôi vị này là Thiên Chúa, Đấng tự hiến cho những người khác làm ân ban và làm nguồn mạch một cuộc gặp gỡ đích thật, Đấng ban cho con người nhờ ân sủng một niềm vui khôn tả khi cảm nghiệm, tiếp nhận và ngâm nga ân ban này…mà không khai thác hết ân ban này được. Việc cảm nghiệm Chúa, sự tiếp nhận tình yêu Chúa và sự hiểu biết Mầu nhiệm Thiên Chúa trong việc bước theo Đức Giêsu Kitô và bằng việc tiếp nhận các Ơn Chúa Thánh Thần. Thuyết thần bí Kitô giáo không phải đơn thuần là một thực tại nội tâm hay một thứ cảm xúc nào đó…nó cũng không đòi những hiện tượng siêu nhiên để người ta kiểm chứng sự đích thật hay tính hữu hiệu của nó. Sự thâm sâu của nền thần bí được mạc khải qua cái cách mà các nhà thần bí thực thi các nhân đức thần linh: đức tin tự tin, đức cậy năng động, và đức ái hoàn toàn bền vững. Nói cách khác, nếu ân ban cảm nghiệm thần bí vang lên nơi thâm sâu của hữu thể, thì cảm nghiệm đó cũng trao tặng những người khác hoa trái cảm nghiệm của họ và họ trao hiến trong đời sống hằng ngày, trong các tương quan bình thường, trong cách đối xử đạo đức, những lời nói đơn sơ, trong việc dấn thân quảng đại, trong chứng từ thuyết phục và xác tín về chân lý. Thế nên, thuyết thần bí là mầu nhiệm về ân sủng và tự do, mầu nhiệm về ân ban và sự dấn thân, một ân ban trao tặng và tiếp nhận…một ân ban trong đó sáng kiến của Thiên Chúa kết hợp với con người hiến mình cho Thiên Chúa, Đấng tuôn đổ ân ban của Ngài cho họ.
*Vinh Sơn: nhà thần bí đích thật
Nếu chúng ta suy tư về đời sống của thánh Vinh Sơn, chúng ta có một phác thảo về một nền thần bí đa dạng đã neo móc trong cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa và trong việc hiện thân tinh thần của Đức Giêsu Kitô…chúng được nuôi dưỡng qua một tiến trình tiệm tiến và một hoán cải đã được thử thách bằng một lòng trung tín không lay chuyển cho việc phục vụ người nghèo. Vinh Sơn bước đi theo bước chân của Chúa vì Thiên Chúa, Đấng đầu tiên, đã đặt bước chân Ngài trong cuộc sống của Vinh Sơn, đã chiếu soi đường đi, linh hoạt các giai đoạn của Vinh Sơn, sửa chữa những quanh co, chỉ rõ những hướng đi mới, biến con người đầy tham vọng và hoạt động không ngơi thành một dụng cụ về lòng bác ái hiền phụ và bao la của Ngài, mà Ngài đã thử thiết lập và tuôn trào trong các tâm hồn[1]. Sự hiểu biết nội tâm về mầu nhiệm này đã hướng dẫn thần bí học của thánh Vinh Sơn và đã tác thành nơi người một con tim trở nên có khả năng xúc động với nỗi khốn khổ đang bao vây mình, và phân định những tiếng gọi của Chúa Quan Phòng trong mỗi cuộc gặp gỡ, và giải gỡ những thách thức mà cuộc gặp đưa ra. Đó là việc đã xảy ra, chẳng hạn, ở Gannes-Folleville (tháng giêng, năm 1617) khi Vinh Sơn gặp một người đàn ông nghèo hấp hối ước ao bình an…một bình an mà chỉ sự tha thứ của Chúa mới có thể ban. Cuộc gặp gỡ này đã khiến Vinh Sơn ý thức được sự bỏ rơi các dân miền quê. Đức tin đã khiến Vinh Sơn nhận ra tiếng kêu mời dấn thân cho việc truyền giáo giảng Tin Mừng cho người nghèo…kết hiệp quanh mình các linh mục khác cũng quan tâm đến tình trạng này. Ở Chatillon-les-Dombes (tháng 8/1617), Vinh Sơn lại đã khám phá một phương diện khác về sự mất mát của con người khi gặp một gia đình bị ốm, và không còn khả năng giúp nhau trong những nhu cầu cơ bản để sống còn. Bị chất vấn bởi hoàn cảnh này và bị đảo lộn bởi lòng quảng đại tự ý của nhiều người, con tim của Vinh Sơn đã nghe được tiếng gọi vào một hình thức phục vụ của bác ái xót thương, có tổ chức. Bây giờ chúng ta cũng có thể lưu ý cuộc gặp gỡ của Vinh Sơn với vị giám mục nhiệt tâm của giáo phận Beauvais (năm 1628) và việc chất vấn làm điều gì đó để chữa chạy cho tình trạng không đạo đức và dốt nát của một số giáo sĩ. Cuộc gặp gỡ này đã đưa Vinh Sơn vào những con đường không biết trước, chúng sẽ dẫn ngài tiến hành cuộc cải tổ hàng giáo sĩ (một cuộc cải tổ sẽ mau chóng được nhiều người cảm nhận). Qua cách đọc chiêm niệm các biến cố, bằng các việc đáp ứng tiếng gọi của các hoàn cảnh…trong tất cả các sự việc đó, chúng ta có thể khám phá ra đức tin bao la của Vinh Sơn và chúng ta cũng khám phá ra sự phong phú của thuyết thần bí Vinh Sơn.
Chắc chắn rằng nơi con người Vinh Sơn, chúng ta gặp gỡ một nhà thần bí đích thật, một bậc thầy về tu đức có thẩm quyền, một nhà chiêm niệm trong hành động và trong kinh nguyện, một người có khả năng nhận biết và xác quyết tác động của Chúa Quan Phòng trong đời mình và trong lịch sử. Thế nên, như truyền thống Tôma gợi ý, Vinh Sơn đã thông chia cho người khác những gì ngài đã chiêm niệm. Công trình bác ái của con người này, người đã có thể đặt xuống hàng thứ yếu những nhu cầu cá nhân và dấn thân vào việc phục vụ những người khác, đã đưa sức năng động vào trong tương quan của mình với Chúa. Nhiệt tình tông đồ của Vinh Sơn tuôn tràn từ một đời sống được Chúa Thánh Thần tăng sức và ban thành quả (như một cây sinh hoa trái vì nó có những rễ vững chắc). Mọi sự Vinh Sơn đã làm là một tia sáng mặt trời đem lại cho chúng ta ánh sáng nội tâm thâm sâu của ngài. Tương quan của Vinh Sơn với Chúa, một tương quan làm nền cho những xác tín, việc dấn thân của ngài và sự thanh liêm của ngài đã trở thành nguồn lực cho các hoạt động cụ thể của ngài, cho lòng bác ái táo bạo và cho nhiệt tình truyền giáo. Thuyết thần bí của Vinh Sơn, một thuyết thần bí mở rộng mắt đã làm nảy sinh sức mạnh sứ ngôn. Trong thinh lặng của kinh nguyện, Vinh Sơn đã trau chuốt cái nghệ thuật tạo lập và biến đổi. Chúng ta nêu ra ở đây những lời của Đức Phanxicô, ngài nhắc chúng ta rằng “không có kinh nguyện, tất cả các hoạt động của chúng ta có nguy cơ không còn sinh hoa trái, và sứ điệp của chúng ta thành trống rỗng. Đức Giêsu muốn các nhà rao giảng Tin Mừng hãy công bố Tin Mừng không chỉ bằng lời nói, mà trên hết mọi thứ phải bằng một đời sống được biến hình nhờ sự hiện của Thiên Chúa (Evangelii Gaudium, #259)”.
Được biến hình nhờ sự hiện diện của Chúa, cuộc đời của Vinh Sơn Phaolô đã trở nên một phản chiếu lòng xót thương của Đức Giêsu đối với những người nghèo. Chính nơi người nghèo mà Vinh Sơn đã có khả năng chiêm niệm và đã cảm nghiệm hình ảnh của Chúa, của Thầy. Chính những người nghèo đã đánh động lương tâm và con tim Vinh Sơn, chúng được mở rộng ra và được Ân sủng soi sáng. Sử gia đầu tiên về Vinh Sơn đã lưu giữ những lời sau đây để nói về nền thần bí của ngài: “chúng ta không thể hy vọng nhiều nơi một con người, mà họ không nói chuyện liên tục với Chúa, vậy nếu ai đó họ không phục vụ Chúa như đáng lẽ phải phục vụ, chính bởi họ không gắn bó đủ với Chúa, và đã không xin Ngài ân phúc bằng một lòng trông cậy hoàn hảo [2].
Thuyết thần bí của Vinh Sơn được tỏ ra thực sự trong việc nhấn mạnh liên tục của ngài về chủ đề giá trị cần thiết của đời sống thiêng liêng. Trong một dịp, lúc Vinh Sơn định giúp một nhà truyền giáo khắc khổ hoàn toàn tận hiến toan tính nhập dòng Chartreux, ngài nói: “đời sống tông đồ không loại trừ việc chiêm niệm, nhưng đời tông đồ bao gồm việc chiêm niệm, nhờ đó mà hiểu biết hơn những chân lý vĩnh cửu mà đời tông đồ phải công bố” (III, 344). Trong một dịp khác, Vinh Sơn đã vén mở những xác tín của ngài về nhu cầu các nhà truyền giáo phải vun trồng chiều kích chiêm niệm của ơn gọi. Vinh Sơn huấn dụ các môn sinh trung thành với kinh nguyện: “Hãy cho tôi một người cầu nguyện, người đó có thể làm mọi sự; người đó có thể nói như thánh Tông đồ; “tôi có thể làm mọi sự trong Đấng đỡ nâng và ban sức mạnh cho tôi”. Tu Hội Truyền Giáo sẽ chỉ sống còn bao lâu Tu Hội trung thành với việc suy gẫm, suy gẫm như thành lũy không thể đánh chiếm, sẽ bảo vệ Các Nhà Truyền Giáo chống lại mọi cuộc tấn công” (XI, 76). Kết thúc buổi lặp lại việc suy gẫm, Vinh Sơn đã nói mạnh hơn khi ngài nói: “Chúng ta hãy chuyên cần cách sùng kính thực hành việc nguyện gẫm, nhờ nguyện gẫm, nhiều điều tốt lành đã đến với chúng ta. Nếu chúng ta kiên vững trong ơn gọi, chính là nhờ sự nguyện gẫm; nếu chúng ta thành công trong công việc chính nhờ nguyện gẫm; nếu chúng ta không sa ngã phạm tội chính là nhờ nguyện gẫm; nếu chúng ta ở lại trong bác ái chính là nhờ nguyện gẫm; nếu chúng ta được cứu chuộc, tất cả là nhờ Chúa và nhờ nguyện gẫm. Như Thiên Chúa không từ chối gì trong nguyện gẫm, thì Ngài cũng không ban gì mà không qua nguyện gẫm…vậy nên, chúng ta hãy xin Chúa cách thật khiêm tốn giúp chúng ta nuôi dưỡng việc thực hành này.” (XI, 361). Chỉ những nhà thần bí đích thật mới có thể nói về chỗ đứng đặc biệt của nguyện gẫm và nói về nó như là một việc thực hành chuẩn bị những con người tiếp nhận các ân ban của Thiên Chúa làm cho đời họ sinh hoa trái và sứ vụ tông đồ hoàn hảo. Khi nói với các Nữ Tử Bác Ái, những người được kêu gọi thành những thánh Têrêxa khác, đấng sáng lập của chúng ta bảo đảm với họ rằng “việc nguyện gẫm tuyệt vời tới mức chúng ta không bao giờ nguyện gẫm quá nhiều đâu và khi chúng ta suy gẫm chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa; chúng ta càng nguyện gẫm, thì càng muốn nguyện gẫm (IX,325). Thánh Vinh Sơn còn nhấn mạnh hơn nữa: “Đối với một Nữ Tử Bác Ái, không thể sống mà không cầu-nguyện?” (X, 468)
Nếu cha Vinh Sơn đã không có một đời sống thiêng liêng mãnh liệt thấm nhiễm vào đời sống hằng ngày, và linh hứng cho hoạt động khôn tả của ngài, thì chúng ta sẽ không có nhà truyền giáo táo bạo này và người tôi tớ những người nghèo, một người đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt Giáo Hội và xã hội thời ngài và đã trở nên vị thánh bác ái và vị thánh truyền giáo cho các thế hệ sau. Như H. Brémond, chúng ta không ngần ngại khẳng định sự thánh thiện của cha Vinh Sơn đã được diễn tả nơi đức ái hiệu quả và xác thực. Song chúng ta phải nói thêm là Lòng Bác Ái của cha Vinh Sơn (được chấp nhận trong đức tin và được tỏ ra trong các việc phục vụ) phải được coi như nét căn bản của sự thánh thiện. Nếu một đàng, không phải người nghèo đã hiến trao Vinh Sơn cho Chúa, nhưng chính Chúa đã trao ban Vinh Sơn cho người nghèo, thì đàng khác, chính người nghèo (được yêu thương trong tim và trong thừa tác vụ của Vinh Sơn) đã mở đường cho phép Vinh Sơn gặp gỡ Chúa trong đời sống và trong ơn gọi, và chính ngài để cho những tâm tình và thái độ của Đức Giêsu Kitô hướng dẫn, chính ngài mặc lấy tinh thần của Đức Giêsu Kitô. Như trong nhiều dịp, Vinh Sơn đã nói khi ngài nói với các anh em: “điều quan trọng là chúng ta hãy mặc lấy Thần khí của Đức Giêsu Kitô! Đó chính là phương thế lớn lên trong sự thánh thiện, hữu ích cho việc phục vụ con người cũng như cho việc phục vụ hàng giáo sĩ; chúng ta phải ra sức lao công bắt chước sự hoàn thiện của Đức Giêsu Kitô và chiến đấu để đạt được. Điều đó muốn nói cho chính chúng ta rằng, chúng ta không thể làm được. Chúng ta phải được tinh thần Đức Kitô linh hoạt” (XII, 93).
Thuyết thần bí, sự thánh thiện, lòng bác ái và việc truyền giáo theo Vinh Sơn đòi hỏi một khả năng đột biến nào đó, vì tất cả mọi sự đều xuất phát từ con tim Chúa Cha, tìm được điểm qui chiếu trong Đức Kitô, và được nuôi dưỡng trong quyền năng sáng tạo của Chúa Thánh Thần. Nói với một nhà truyền giáo trẻ vừa được bổ nhiệm làm bề trên chủng viện, Vinh Sơn nói: “Cha phải làm mình ra trống rỗng để được đầy tràn Đức Giêsu Kitô” (XI, 311).
Khi đó Vinh Sơn nói về lòng trung thành với kinh nguyện như một phương thế cần thiết để mặc lấy tinh thần Đức Kitô: “Điều quan trọng tôi muốn nói với cha là: cha phải kết hiệp sâu xa với Chúa trong nguyện gẫm; đó là bình chứa dự trữ nơi cha phải tìm được những điều khuyên dạy mà cha cần để sống thừa tác vụ của cha” (XI, 311). Sống và hành động hợp với tinh thần của Đức Kitô là bí quyết của đời sống cha Vinh Sơn; chính đó là những gì đã tăng sức sống cho thuyết thần bí của Vinh Sơn. Chính đó là cảm nghiệm mà Vinh Sơn muốn truyền giao cho chúng ta.
*Một thuyết thần bí sống và chia sẻ
Thuyết thần bí của thánh Vinh Sơn được phám phá trong những lời đức tin và những hoạt động xót thương. Lời nói và hành động phát xuất từ con tim Vinh Sơn, điều đó đã mang lại hoa trái nhờ Ơn sủng. Trong một dịp, một linh mục truyền giáo đã nói với một linh mục khác: “Tôi không thể nói cho cha biết bao thiện cảm thế nào và biết bao sự phong phú thế nào của Thần Khí Chúa, và nhiệt tình thế nào sức mạnh thế nào, tôi có thể chỉ nói tim tôi đầy tràn và hạnh phúc vì điều đó” (XI, 107). Để hiểu sức mạnh thuyết phục lời nói của đấng sáng lập, một sức mạnh có khả năng đổ đầy niềm vui vào con tim các môn đệ của ngài, chúng ta không có chứng từ nào khác hơn là chứng từ của thầy Ducournau, người thư ký trung thành của thánh Vinh Sơn: “Dù khi cha Vinh Sơn nói về những điều bình thường, thì mọi người đều biết rằng cha nói với một sức mạnh khôn tả; nhờ tài hùng biện và ơn sủng linh hoạt ngài, để bàn thảo những việc vô vị nhất bằng một lòng đạo đức mà ngài luôn luôn đánh động các khán giả, in trong tâm hồn họ sự kính trọng và sự chú tâm kính cẩn đối với tất cả những gì liên quan đến Thiên Chúa, đến lòng yêu mến Quy luật và những thực hành trong nhà. Đó là chính lý do mà mỗi người đã rất chú ý khi ngài nói, nhiều người đã thích nghe ngài, và những ai vắng mặt thường tìm biết những gì ngài đã nói, tỏ ra tiếc đã không có mặt…Ngài là ai mà nói những điều ngài đã nói với một sự phân định như thế, một hiệu quả, và bằng một tình mến tự nhiên, không phô trương như thế ?…ngài là người thủ lãnh được Chúa chọn để phả tinh thần và sức sống cho các thành viên của Tu Hội” (XI, xxix, xxx). Những lời của đấng thánh, hơn bất cứ lời khuyên lý thuyết nào, phát ra từ con tim bừng cháy nhiệt thành của ngài…các lời của Vinh Sơn diễn tả về một nền thần bí tươi mát, bừng cháy lòng bác ái của Đức Kitô.
Những lời của cha Vinh Sơn đã là những lời thuyết phục và đã tạo nên thiện cảm nơi những người khác vì những lời đó phát sinh từ những xác tín mà ngài đã tiếp nhận trong đức tin và ngài đã thực hành hàng ngày. Chúng ta có một minh họa về niềm đam mê truyền giáo này mà Vinh Sơn đã thường thông chia cho các môn sinh và cho những ai đã khám phá thừa tác vụ của ngài. Khi Vinh Sơn đã 70 tuổi, ngài đã viết cho một nữ cộng tác viên trung tín, đang có nhiệm vụ hướng dẫn các hội bác ái, ngài nói: “tôi sẽ tiếp tục công việc truyền giáo ở Sevran cách đây bốn dặm, như tôi đã thông báo. Tôi không tin tôi có thể bỏ đó đi họp được. Thưa bà, xin bà xin lỗi Đại Hội cho tôi. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ xúc phạm Chúa nếu tôi không làm tất cả những gì tôi có thể làm cho người nghèo của miền quê vào dịp năm thánh này” (IV, 561). Khi những cơn đau và những nhức nhối của tuổi già hành hạ, Vinh Sơn đã hoảng sợ vì không còn khả năng đi giảng đại phúc trong một vài thành phố và những làng quê bị bỏ rơi. Chẳng có gì quan trọng hơn, chẳng còn gì làm thỏa lòng hơn là hiến dâng đời ngài, cùng với các linh mục khác và các thầy của dòng, cho trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho người nghèo: “Thật là xấu hổ cho chúng ta, nếu chúng ta lơ là bổn phận ra đi giúp các tâm hồn khó nghèo! Bởi chúng ta đã hiến dâng đời chúng ta cho công việc đó và Chúa đã tin tưởng chúng ta” (XI,122). Vậy nên, khi vén mở nhiệt tình tông đồ thâm sâu của ngài, Vinh Sơn kết luận: “Đối với tôi, dù tuổi tác, tôi cũng không được miễn chước bổn phận này trước mặt Chúa, tôi phải lao công cho phần rỗi của dân nghèo; ai có thể ngăn tôi làm việc đó ? Nếu tôi không giảng được mỗi ngày, tôi sẽ giảng hai lần một tuần! nếu tôi không thể giảng dài, tôi sẽ cố gắng giảng ngắn; nếu có lần người ta không hiểu tôi vì giảng ngắn, thì ai có thể ngăn tôi nói cách rõ ràng và đơn sơ cho những con người tốt lành ấy theo cái cách mà tôi bây giờ đang nói với anh em, qui tụ họ lại bên mình, như anh em đây? (XI,123). Lời nói và hành động trong một hòa điệu hoàn hảo…đó là thành quả của một nhà thần bí có căn rễ sâu xa, người không giờ bị lạc lõng trong tư duy trừu tượng hoặc những suy nghĩ lý thuyết, người không bao giờ bị chia cắt, cũng không bao giờ đối kháng sự chiêm niệm mãnh liệt với hoạt động có hiệu quả… không bao giờ chia cách cũng không bao giờ đem đối kháng sự thâm thúy thiêng liêng với hoạt động thực tiễn.
Ít nhà truyền giáo đã biết làm nhà thần bí theo hình ảnh Vinh Sơn, chỉ một ít trở thành vừa là nhà thần bí hoạt động và là ngôn sứ về bác ái và về truyền giáo. Khái niệm về nhà truyền của Vinh Sơn, quả thật, là khái niệm hình ảnh về hình nền thiêng liêng nổi bật của ngài: một Nhà truyền giáo – Nhà truyền giáo đích thật – một người của Chúa, một người đầy Thần Khí Chúa (XI,191). Để kết luận, chúng ta trích dẫn ra đây, lời kinh tuyệt vời xuất phát từ con tim thần bí của đấng sáng lập chúng ta, khi ngài nói với các nhà truyền giáo: “Ôi lạy Chúa! Xin ban cho con ơn được Tình Yêu của Chúa in sâu rõ ràng trong tim con, và điều đó có thể trở nên sự sống cho đời con và trở nên linh hồn mọi hành động của con, xin cho nó cũng xuất hiện ra bề ngoài của con, thì con cũng sẽ có thể đi vào và làm việc trong các tâm hồn của những người mà con sẽ gặp gỡ” (XII, 215). Thế là chúng ta đang đi sâu vào sự hiểu biết sâu xa cuộc đời của thánh Vinh Sơn. Nguồn cội thuyết thần bí của ngài là tác động liên lỉ của tình yêu…một tình yêu được khắc trong thâm sâu tim ngài, một tình yêu lây nhiễm cho tất cả những ai đã gặp ngài, một tình yêu trước hết đã mặc áo cho những người nghèo trần trụi và cho những ai đang khổ đau, một tình yêu lau sạch nước mắt của những ai đang trong tang thương, làm vơi đi đau thương, một tình yêu ban lại hy vọng và sự chắc chắn cho những ai được Chúa chọn để họ trở nên giàu có trong đức tin và trở nên những người thừa tự của Nước Trời được hứa ban cho những người Người yêu”(Ga 2,5)
Lm GB Nguyễn Quốc Thư C.M. chuyển ngữ