Thánh Vinh Sơn Phaolô, con người của Lời Chúa

0
1183

Những dòng suy tư ngắn gọn này giúp cho chúng ta khám phá thánh Vinh Sơn không chỉ như vị thánh của lòng bác ái, của người nghèo, của các chủng viện, của các sứ vụ, và là người đồng sáng lập của Nữ Tử Bác Ái, mà còn là con người của Lời Chúa. Khai triển chủ đề này theo cách thức rút gọn sẽ cần rất nhiều thời gian, nhất là vì di sản vĩ đại mà thánh nhân đã để lại trong các tác phẩm của mình. Mục đích trên hết là kích thích người đọc học hỏi từ thánh Vinh Sơn tình yêu và sự cảm nếm với Lời Chúa. Thật vậy, việc trình bày những trang sách này không nhằm mục đích điều tra hoặc phân tích Kinh Thánh. Trên hết, với ý định là, theo một cách nào đó, nuôi dưỡng tâm hồn mình vừa bằng tinh thần của thánh Vinh Sơn vừa từ mẫu gương của thánh nhân. Nghĩa là, họ trau dồi hoặc tiếp tục gia tăng khả năng của mình để đào sâu nghệ thuật Lời Chúa ở mọi cấp độ, thậm chí là lecito divina, ngõ hầu nó trở thành nền tảng cơ bản và hình thành cấu trúc linh đạo để mang đến cho người nghèo “thông điệp về ơn cứu độ”. Thánh Vinh Sơn đã viết: “Con Thiên Chúa là biểu tượng mà qua đó chúng ta phải định hình nên cuộc sống của mình.” Ở đây, thánh Vinh Sơn, trong cách đọc và suy niệm Kinh thánh của mình, xét về bản chất, được đặt trong luồng tư tưởng các Giáo phụ của Giáo hội.

Cụ thể hơn, hầu hết tất tả các tác phẩm của thánh Vinh Sơn đều được sử dụng với mục đích như một sự chú giải nhỏ về một số điểm trong tác phẩm chủ đạo của ngài: “Luật chung của Tu Hội Truyền Giáo”, một cuốn sách nhỏ mà thánh nhân đã phân phát cho các nhà truyền giáo của Tu Hội vào năm 1658, sau khi cộng đoàn và thánh Vinh Sơn đã trải nghiệm qua những quy tắc này bằng việc tuân thủ thực hành trong một vài thập kỷ.

Cuốn sách nhỏ tuyệt vời này, vốn cần phải được cập nhật và liên kết theo dòng chảy của Công đồng Vatican II và cơ quan có thẩm quyền của Tu Hội, luôn là một quy tắc tâm linh cơ bản, ngay cả đối với những người được dành cho Thiên Chúa, nhất là cho những ai có đặc sủng trong việc chăm sóc, phục vụ và truyền giáo cho người nghèo. Cũng bởi vì “Anh em luôn có người nghèo ở bên cạnh” (Ga 12: 8). Tuy nhiên, chúng tôi không có ý định chỉ đưa ra những suy tư về một số điểm của quy tắc tâm linh này, bởi vì một nhận định phong phú sẽ đòi hỏi một loại cam kết khác. Những gì chúng tôi dự định làm là rảo qua tư tưởng của thánh Vinh Sơn để khám phá sự gắn bó của ngài với Lời Chúa. Và vì nhiều người trong Giáo hội đã và đang nhìn thấy Chúa Kitô nơi người nghèo và người nghèo trong Chúa Kitô, chúng tôi nghĩ rằng họ có thể tìm thấy, trong giáo huấn của thánh Vinh Sơn, một sự hỗ trợ tuyệt vời cho con đường loan báo Tin Mừng và phục vụ người nghèo. Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI, trong buổi triều yết với các tín hữu ngày 24 tháng 10 năm 2007, chủ đề về thánh Ambrose, nói rằng thánh giám mục đã bắt đầu thực hành lectio divina ở phương Tây, “Phương pháp lectio đã hướng dẫn tất cả các bài giảng và tác phẩm của Ambrose, khởi xuất chính xác từ việc lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện”. Đây là chìa khóa để hiểu mối tương quan giữa thánh Vinh Sơn và Sách Thánh. Như nơi thánh Ambrose, Lời Chúa cũng đã hướng dẫn toàn bộ cuộc đời của thánh Vinh Sơn, lời rao giảng và các công việc của ngài, luôn bắt đầu từ việc “lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện”. Đức Giáo hoàng Benedicto cũng nói, trong cùng một buổi gặp gỡ với các tín hữu, trích lời của thánh Augustinô, người đã cảnh báo nhà giảng thuyết: “Ngõ hầu anh em không trở thành… một người rao giảng về Lời cách rỗng tuếch, một người không biết lắng nghe Lời từ bên trong”. Thánh Vinh Sơn chắc chắn đã học được cách lắng nghe này từ bên trong, và sự chuyên cần trong việc đọc Kinh thánh với thái độ cầu nguyện, để cho Lời của Chúa đi vào tâm hồn của chính mình. Theo cách này, ngài hoàn toàn tương thích với tư tưởng của Augustine và Ambrose với tư cách là con người của Lời Chúa.

Thánh Vinh Sơn yêu cầu các nhà truyền giáo đọc mỗi ngày một chương của Tân Ước, có thể là quỳ xuống, cầu khẩn Chúa trước và sau khi đọc. Ngài đã để lại cho các nhà truyền giáo quy tắc thực hiện một giờ cầu nguyện mỗi ngày, nhất là để nuôi dưỡng “sự hấp dẫn của việc hiệp thông với Chúa chúng ta”, và với những mẫu gương và xúc cảm của Người. Đây là bí mật để lắng nghe “từ ngữ của Chúa” trong sâu thẳm, trước khi rao giảng ra bên ngoài.

Thánh nhân cảnh báo cộng đoàn không được đặt bất kỳ cuốn sách hay đối tượng nào khác lên trên bản văn của Kinh thánh, vì như vậy không tôn kính Lời Chúa. Ngài không muốn Kinh Thánh được trích dẫn như một trò chơi, hoặc cho một mục đích hài hước. Mọi tư tưởng và lời giảng dạy của ngài đều dựa trên mẫu gương của Chúa chúng ta bởi vì Ngài “đã lắng nghe Lời Chúa từ bên trong”.

Cuối cùng, mục đích của cuốn sách nhỏ này không phải là để trình bày các chỉ dẫn trong việc tổ chức các dự án hữu ích và có lợi cho người nghèo, hoặc tìm ra những cách thức và phương tiện mới để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết và không bao giờ cạn kiệt của họ. Hiện đã có rất nhiều người, và nhiều người trong số họ rất nhiệt thành, tích cực bước vào ngoại vi hiện sinh này. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng những ai có ý định làm việc ở các vùng ngoại vi này phải tuân theo chương trình tuyệt vời đó, đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô trình bày tại Aparecida (từ ngày 29 đến 30 tháng 7 năm 2017), được tóm tắt trong hai từ: “Chúa Ki-tô và người nghèo”. Và người ta nói rằng với những ai hỏi Đức giáo hoàng ba lần liên tiếp, chương trình của cuộc gặp gỡ khó quên này là gì, ngài trả lời mỗi lần theo cùng một cách: về Chúa Kitô và người nghèo. Không bao giờ là đủ để phục vụ người nghèo, để tiêu hao thời gian và của cải cho họ, để tổ chức các dự án cho họ nếu chúng ta không bắt đầu và kết thúc với mầu nhiệm và tình yêu của Chúa Giêsu được Giáo Hội rao giảng. Mầu nhiệm này trở thành cho tất cả mọi người, và cách riêng cho người nghèo, trung tâm của sự hấp dẫn và nguồn tình yêu trong một cuộc sống mới. Trong cùng mạch văn đó, không đủ để rao giảng về Chúa Kitô với lòng nhiệt thành lớn lao và đạo lý phong phú, nếu chúng ta không đi gặp anh chị em nghèo của chúng ta giống như cách người Samaria nhân hậu đã làm.

Italo Zedde, CM
Đức Thuận chuyển ngữ