Thánh Vinh Sơn Phaolô: Một Cuộc Đời Được Biến Đổi

0
2182

Đời sống của người Kitô hữu là cuộc đời được biến đổi. Lời kêu gọi theo Chúa Kitô là lời kêu gọi tiến trình hoán cải suốt đời. Nó đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ những bản sắc cũ của mình – được xây dựng trên những đặc ân, những thành tựu và vị thế xã hội của chúng ta – để đón nhận một bản sắc mới trong Đức Kitô, như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đặt câu hỏi: “Hoán cải thực sự nghĩa là gì? và ngài trả lời: Hoán cải có nghĩa là tìm kiếm Thiên Chúa, đi với Thiên Chúa, vâng theo những lời giáo huấn của Con Ngài, Đức Giêsu Kitô. Hoán cải không phải là một cố gắng tự thể hiện chính mình, bởi vì con người không phải là đối tượng của định mệnh vĩnh cửu của chính mình. Không phải chính chúng ta tự tạo nên bản thân mình. Do đó tự thể hiện chính mình là một nghịch lý và là điều thật ít ỏi đối với chính mình. Chúng ta có một định mệnh cao hơn. Chúng ta có thể nói rằng sự hoán cải chính là đừng coi mình như ‘những tạo hoá’ cho chính mình mà là khám phá ra chân lý, bởi vì chúng ta không phải là tác giả của chính chúng ta.”[1]

Sự hoán cải yêu cầu chúng ta gạt bỏ những mục tiêu và theo đuổi ích kỷ của mình để thực hiện một loạt các ưu tiên và giá trị mới. Nó mời gọi chúng ta trở thành những người thay đổi: những người có cuộc sống được đặc trưng bởi tình yêu, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, từ tâm và khiêm tốn. Nó kêu gọi chúng ta đối xử với mọi người mà chúng ta gặp với phẩm giá và sự tôn trọng, vì họ cũng được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5,17).

Một sự biến đổi sâu sắc như vậy đã diễn ra trong cuộc đời của thánh Vinh Sơn Phaolô, người mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Tác giả Robert Ellsberg mô tả cuộc sống ban đầu của thánh Vinh Sơn như sau:

“Vinh Sơn Phaolô được sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng Gascony (vùng Tây Nam nước Pháp). Mặc dù sau này ngài đã đạt được danh tiếng vì sự cống hiến của mình cho người nghèo, cuộc sống ban đầu của ngài đã trải qua một cuộc đấu tranh quyết tâm, để thoát khỏi nguồn gốc khiêm tốn của mình. Gia đình của ngài cũng chia sẻ tham vọng này, hy vọng rằng sự nghiệp linh mục sẽ tốt hơn cho gia đình. Vì vậy, khi còn là một cậu bé, Vinh Sơn đã được giao cho các tu sĩ dòng Phanxicô chăm sóc và cuối cùng được thụ phong linh mục ở độ tuổi mười chín. Có vẻ như thái độ ban đầu của Vinh Sơn đối với ơn gọi của mình, không kém gì so với thái độ của cha mẹ ngài. Chức linh mục là một cách để thoát khỏi trang trại và cuộc sống nông dân bần cùng đói khổ. Một lần, trong trường học, ngài được cha mình đến thăm, nhưng vì bộ quần áo nông dân tồi tàn của người bố đã làm cho cậu Vinh Sơn xấu hổ, đến nỗi cậu không dám nhận ông là bố của mình.”[2]

Vinh Sơn thông minh và có sức cuốn hút, và sớm gia nhập vào các tầng lớp cao nhất của xã hội Pháp thời của ngài. Ngài đã tìm kiếm và có được những vị trí béo bở, như tuyên úy cho những người giàu có và làm gia sư cho con cái của họ. Ngài đã kết giao với những gia đình giàu có nhất ở Paris.

Nhưng ở tuổi 29, cuộc đời ngài đã thay đổi. Được mời để giải tội cho một tá điền đang hấp hối trong lãnh thổ của một gia đình giàu có nhất thành phố, Vinh Sơn đã vô cùng xúc động trước đức tin của người đàn ông và khát vọng của anh ta, đồng thời trải nghiệm một sự hiểu biết mới về mức độ nghiêm túc của thiên chức chăn dắt các linh hồn của ngài. Kể từ ngày đó, Vinh Sơn quyết định rằng, chức linh mục của mình sẽ được dành riêng cho việc phục vụ người nghèo.

Cuộc đời ngài đã mãi mãi thay đổi. Thay vì tập trung vào những khát vọng và mong muốn của bản thân, ngài lại tập trung vào việc giải phóng sự bần cùng về tinh thần, cũng như vật chất của những người nghèo ở vùng nông thôn. Ngài đã thành lập một Tu hội gồm các linh mục truyền giáo, những người đã cống hiến hết mình cho việc đào tạo các giáo sĩ và truyền giáo khắp vùng nông thôn.

Thánh Vinh Sơn cũng đã lập nên các bệnh viện và trại trẻ mồ côi, đồng thời tiếp cận với các tù nhân và nô lệ chiến thuyền. Với sự giúp đỡ của một góa phụ đạo đức là thánh Louise de Marillac, ngài đã thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, một Tu hội gồm phụ nữ không phải bị bó buộc sống trong bốn bức tường tu viện, nhưng đi ra ngoài để chuyên phục vụ người nghèo và người bệnh. Hình thức tu trì mới này, là một mô hình cách mạng của đời sống tu trì, ngài viết: “tu viện của họ là phòng bệnh, nhà nguyện của họ ở nhà thờ giáo xứ, tu phòng của họ trên các đường xá của thành phố.” [3]

Vinh Sơn đã tìm thấy Chúa Kitô trong những người nghèo. Linh đạo của ngài dựa trên cuộc gặp gỡ với Đức Kitô trong nhu cầu của những nghèo lân cận. Trong một lá thư của mình, ngài đã tiết lộ cách nhìn mới mẻ này:

“Đức Kitô đã chọn sinh ra trong cảnh nghèo khó và kêu gọi các môn đệ của Ngài từ trong hàng ngũ những người nghèo; chính Ngài đã trở thành đầy tớ của người nghèo và vì vậy, chia sẻ điều kiện của họ với người nghèo bằng bất cứ cách nào, thì như Ngài nói rằng, Ngài sẽ coi như đã làm cho chính mình. Vì Thiên Chúa yêu thương người nghèo, nên Ngài cũng yêu thương những người yêu thương người nghèo… Sau đó, chúng ta đến thăm họ, chúng ta cố gắng quan tâm đến những người yếu đuối và thiếu thốn, chúng ta chia sẻ những đau khổ của họ, đến nỗi như tông đồ Phaolô, chúng ta cảm thấy mình đã trở nên mọi sự cho tất cả mọi người. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng tham gia sâu sắc vào sự quan tâm và nỗi buồn của người lân cận và cầu xin Chúa khơi dậy lòng trắc ẩn và lòng nhân từ, lấp đầy trái tim chúng ta và giữ chúng luôn đầy tràn tình yêu ấy.”[4]

Rõ ràng, thánh Vinh Sơn cũng là một người gây quỹ hiệu quả vì những mục tiêu mà ngài đã ủng hộ. Như Ellsberg nhận xét rằng: “cha Vinh Sơn đã sử dụng các mối quan hệ rộng rãi của mình trong tòa án và xã hội thượng lưu để tổ chức nhiều hoạt động bác ái. Ngài đặc biệt thành thạo trong việc thu hút sự phục vụ của phụ nữ quý tộc. Ngài đã thuyết phục một số người trong số họ từ bỏ những thói quen tiêu xài hoang phí và thực hiện chức vụ cá nhân cho người nghèo và người nghèo khổ.”[5]

Đối với thánh Vinh Sơn, tình yêu với người nghèo không có nghĩa là tôn thờ tình cảm. Ngài khinh miệt những người thích ở trong lĩnh vực của những hành động bác ái tưởng tượng. Tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa phải ‘thiết thực’, như ngài đã nói “chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa… bằng sức mạnh của đôi tay và mồ hôi đổ trên trán của chúng ta. Thông thường, nhiều hành động yêu mến Thiên Chúa, lòng nhân từ, thiện ý, và những khuynh hướng tương tự khác và những thực hành nội tâm của một trái tim dịu dàng, mặc dù tốt và rất đáng được mong đợi, vẫn bị nghi ngờ, khi chúng không dẫn đến việc thực hành tình yêu thương thiết thực”. Thánh Vinh Sơn tin rằng tình yêu thương “thiết thực” đối với Thiên Chúa và người lân cận, đòi hỏi chúng ta phải nhúng tay vào việc phục vụ người khác.

Sự biến đổi của cuộc đời của ngài cũng kéo theo sự biến đổi về tính cách và cá vị của ngài. Trong những năm đầu tiên của mình, dường như cha Vinh Sơn là một người tính khí nóng nảy, và như ngài từng chia sẻ về bản thân rằng, nếu không có ân sủng của Chúa, tôi đã luôn “cứng rắn và đáng ghét, cộc cằn và thô lỗ.” Nhưng theo thời gian, ngài đã trở thành “dịu dàng và trìu mến, và rất nhạy cảm với nhu cầu của người khác”… Mặc dù được tôn vinh bởi những người vĩ đại trên thế giới, ngài vẫn giữ lòng khiêm tốn đến sâu xa.

Một cuộc sống được biến đổi như vậy đang nói với chúng ta cách sống động. Điều này kêu gọi chúng ta nhìn lại chính mình, để xem những cách thức mà chúng ta cũng đã được trở nên ‘mới’ trong Đức Kitô. Nó truyền cảm hứng để chúng ta tự hỏi bản thân:

    • Tôi đang sống trong thân phận mới của mình với tư cách là một đứa con yêu dấu của Chúa, hay tôi vẫn đang dựa vào những thành tích và thành công bên ngoài để xác định tôi là ai?
    • Tôi đã nội tâm hóa các giá trị của Đức Kitô chưa và chúng có được phản ánh trong cách tôi sống cuộc đời mình không?
    • Sự chú ý của tôi dành cho nhu cầu của những người xung quanh – và đặc biệt là nhu cầu của người nghèo – hay tôi chỉ tập trung vào những tham vọng và lợi ích tự cho mình là trung tâm?
    • Tính khí của tôi, cách tôi cư xử với người khác, có phản ánh bản chất mới mà Chúa Giêsu Kitô đã tháp nhập vào tôi không, hay tôi vẫn còn bị giam giữ bởi sự tức giận, kiêu hãnh, tự thương hại, ghen tị và những thứ tương tự?
    • Tôi đã thay đổi như thế nào, và bây giờ tôi được mời thay đổi như thế nào, khi cho rằng việc thay đổi cuộc sống của chúng ta là một quá trình suốt đời không bao giờ trọn vẹn trong cuộc đời này?

Với gương mẫu của thánh Vinh Sơn về sự hoán cải, mỗi thành viên Vinh Sơn cũng được kêu gọi để hoán cải bản thân mỗi ngày “tất cả các con cái của Giáo Hội, được Chúa Cha kêu gọi “lắng nghe” Ðức Ki-tô, tất nhiên cảm thấy đòi hỏi sâu xa là phải hoán cải và nên thánh. Tuy nhiên Thượng hội đồng giám mục đã nhấn mạnh rằng đòi hỏi hoán cải và nên thánh trước tiên liên hệ đến đời thánh hiến. Quả thế, ơn gọi của những người tận hiến hãy đi tìm kiếm Nước Thiên Chúa trên hết mọi sự, tiên vàn là một lời mời gọi hoán cải hoàn toàn, từ bỏ chính mình để sống hoàn toàn cho Chúa, ngõ hầu Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi loài. Vì đã được kêu gọi chiêm ngưỡng và làm chứng cho dung nhan biến hình của Ðức Ki-tô, những người tận hiến cũng được kêu gọi sống một cuộc đời ‘được biến hình’ (Tông huấn đời sống thánh hiến Vita Consecrata, #35).

Đức Kitô đã chiếm được trái tim của thánh Vinh Sơn Phaolô, và đã đóng ấn sự hoán cải của thánh nhân, là Đấng đã hướng dẫn mọi sự phân định và hành động của cha Vinh Sơn. Với thánh Vinh Sơn, Đức Kitô Đấng được mặc khải trong Kinh Thánh với tư cách là Người rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, là nguồn gốc và khuôn mẫu của mọi hành động Bác ái. Vì vậy, đối với thánh Vinh Sơn Phaolô, ý muốn của Thiên Chúa phải được thực hiện theo cách Chúa Giêsu Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Hoàn thành điều đó trong lời nói và việc làm: công bố vương quốc của Thiên Chúa bằng cách loan báo Tin Mừng về sự cứu rỗi cho người nghèo với “ý định về sự vinh quang thuần khiết của Thiên Chúa”.

Theo nhà thần học Bernard Lonergan, sự hoán cải hệ tại trong việc được thúc đẩy bởi điều đụng đạm đến chúng ta cách tuyệt đối. Có nghĩa là đạt tới sự “yêu mến trong một cách siêu thế”, hay là “sự hiến mình, phó dâng trọn vẹn và mãi mãi một cách không điều kiện và không giới hạn nào cho Thiên Chúa”. Đó là sự trở về, gắn bó và sống hoàn toàn cho Đấng Tuyệt Đối bằng một tình yêu như Kinh Thánh nói: “Yêu mến Thiên Chúa, hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Dnl 6,5). Điều này diễn tả một tình trạng khi được hoán cải, một người: trước hết, là yêu mến Thiên Chúa với toàn bộ con người chúng ta. Thứ đến, là đặt Thiên Chúa ở chỗ nhất và quan trọng nhất trong bậc thang giá trị để chọn lựa, phán đoán và hành động, và từ đó, “yêu thương anh em như chính mình vậy” (Mt 19,19).

Thánh Vinh Sơn Phaolô đã được ơn hoán cải toàn vẹn con người và thiên chức linh mục của mình như thế, để phục vụ Thiên Chúa nơi người nghèo. Cuộc đời của ngài đã được Thiên Chúa biến đổi, để làm cho trở nên khí cụ hữu hiệu của tình yêu Thiên Chúa dành cho những ai nghèo khổ và bị loại trừ ra khỏi xã hội trong thời của ngài. Và từ nguồn linh đạo ấy, ngày nay, biết bao nhiêu những người nam nữ đã bước theo ngài, để sống đoàn sủng ấy trong việc thánh hóa bản thân và tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu rỗi cho tất cả những ai chưa được biết Chúa.

Xin cho chúng con, những đồ đệ của thánh nhân, không ngừng hoán cải bản thân và sứ vụ, để đạt đến sự tiếp chạm thiêng liêng với Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo và có một cuộc gặp gỡ đích thực với Đấng ấy, nơi những người nghèo khổ, qua sự hiến thân trọn vẹn trong ơn gọi Vinh Sơn.

Lễ thánh Vinh Sơn Phaolô 2022

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM


[1] ĐGH Benedicto XVI, Bài Giáo Lý Thứ Thư Lễ Tro, (21/02/2007). https://www.simonhoadalat.com/giaohoi/Nam2007/Thang2/05HoanCai.htm

[2] Ellsberg, Robert, All Saints: Daily Reflections on Saints, Prophets, and Witnesses for our Time; (New York: Crossroads Publishing, 1997); p.420-421.

[3] Ibid

[4] Atwell, Robert (compiler), Celebrating the Saints: Devotional Readings for Saints’ Days; (Norwich [England]: Canterbury Press, 1998); p.338.

[5] Ellsberg, Robert, All Saints: p  420.