STANISŁAW WYPYCH, CM
Dẫn nhập
Đời sống gương mẫu và giáo huấn của thánh Vinh Sơn đã ảnh hưởng đến nhiều người nổi tiếng trong Giáo hội và trong xã hội, cũng như các nhóm khác nhau, một cách đặc biệt ngài đã ảnh hưởng đến những cộng tác viên thân cận nhất của ngài, các ứng sinh của Tu Hội Truyền Giáo, và cả những giáo dân nhờ thánh nhân linh hướng. Thật thú vị khi khảo cứu thánh Vinh Sơn có ảnh hưởng gì đến việc đào tạo các nhóm và Tu hội khác nhau: Hội Bác Ái, Các Bà Bác Ái, Nữ Tử Bác Ái, và Dòng Thăm Viếng.[1] Chúng ta tin chắc rằng thánh Vinh Sơn là một trong những bậc thầy về đời sống thiêng liêng và là một trong những nhà đào tạo nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, bài viết này chúng ta chỉ giới hạn suy tư qua việc trình bày thánh nhân như một người đào tạo hàng giáo sĩ.
Trước hết, chúng ta phải nhớ một điều quan trọng là niềm xác tín sâu xa của thánh Vinh Sơn vào Thần Khí của Thiên Chúa là nhà đào tạo đầu tiên và chính yếu của con người. Thần Khí kêu gọi, trao ban ân sủng và sức mạnh, và tiếp tục tỏ lộ vai trò của mình là Vị Linh Hướng cho con người hay cộng đoàn.[2] Nhiệm vụ này là một nhiệm vụ cao cả đến nỗi thánh Gregory Cả gọi nó là ars atrium regimen animarum [chăm sóc các linh hồn là nghệ thuật của các nghệ thuật], Thiên Chúa Quan Phòng, trong tình yêu sâu thẳm, kêu gọi những nhà truyền giáo bất xứng, những người trước tiên phải mặc lấy tinh thần của Đức Kitô và liên tục tự hỏi mình rằng Đức Kitô sẽ làm gì trong hoàn cảnh tương tự.[3]
1. Đào tạo bằng gương sáng và lời khuyên
Ở đây chúng ta nhớ lại ảnh hưởng về gương sáng của Vinh Sơn đối với các linh mục và những người Tin Lành tại Châtillon-les-Dombes: thánh nhân thức dậy lúc 5 giờ sáng, dành nửa giờ cầu nguyện, dành nhiều giờ trong tòa giải tội, thăm viếng người bệnh, đặc biệt là người nghèo và những người cần được giúp đỡ, tất cả đều được tổ chức cách tốt đẹp. Cách sống của thánh nhân đã đánh thức lương tâm của các linh mục và là một thách thức đối với những người Tin Lành.[4]
Chúng tôi muốn đề cập đến ở đây một hoạt động rất quan trọng, đó là các khoá tĩnh tâm tại nhà Saint-Lazare. Bắt đầu từ năm 1635, các thừa sai Vinh Sơn đã chào đón những người muốn tìm kiếm và phát triển ơn gọi của họ một cách nghiêm túc. Người nghèo và giàu, trẻ và già, sinh viên và bác sĩ, linh mục, những người làm việc trong nghị viện và trong hệ thống tòa án, doanh nhân, nghệ nhân, binh lính và người hầu, tất cả đều tìm cách ở lại đó một thời gian. Từ năm 1635 đến năm 1660, chúng tôi ước lượng có khoảng 20.000 người đã tham gia vào những khoá tĩnh tâm mà nhà Saint-Lazare cung cấp. Tuy nhiên, đây không phải là những khóa tĩnh tâm được tổ chức và hướng dẫn bởi một ai đó, mỗi người tham gia có thể đề nghị một số lời khuyên từ các thừa sai, hoặc từ các ứng sinh linh mục. Sự hiện diện của thánh Vinh Sơn đã tạo ra một bầu khí tin tưởng và bình an. Một trong những người tham dự thú nhận rằng anh ta vẫn bị mê hoặc bởi tính cách của Vinh Sơn, và không thể nói hết tình yêu thương mà ngài dành cho anh khi chào đón anh ta vào nhà.[5] Trên thực tế, thánh Vinh Sơn đã nhận được rất nhiều lòng biết ơn từ các linh mục và giáo dân đã đã cảm nghiệm được về lòng hiếu khách của thánh nhân.[6]
Ở đây chúng ta nên nhớ mối quan tâm của thánh Vinh Sơn đối với việc đề cử những người xứng đáng vào các nhiệm vụ có trách nhiệm của Giáo hội trong thời gian ngài là thành viên của Hội đồng Lương tâm, từ năm 1643 cho đến khi vua Louis XIII qua đời. Ảnh hưởng của thánh Vinh Sơn trong việc lựa chọn các ứng viên xứng đáng để đề cử làm giám mục đã đóng góp nhiều vào việc cải cách Giáo hội ở Pháp trong thế kỷ 17, mặc dù mối quan hệ không dễ dàng với Hồng y Mazarin khiến cho nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn.
2. Động cơ dấn thân vào công việc đào tạo
Bây giờ chúng ta sẽ mô tả các phương pháp tổ chức của việc đào tạo hàng giáo sĩ, vốn có ảnh hưởng lớn đến việc canh tân đời sống tôn giáo ở Pháp trong khoảng thời gian liên quan đến chúng ta. Thánh Vinh Sơn dần dần bước theo Chúa Quan Phòng, không chậm trễ cũng không vội vàng nhưng theo những bước Chúa Quan Phòng bày tỏ.[7] Nhìn vào thực trạng đời sống tôn giáo của người dân quê, thánh nhân tin chắc rằng Chúa Quan Phòng đang kêu gọi mình đến với việc truyền giáo cho những người dân miền quê nghèo, bị bỏ rơi…, và không có kiến thức đức tin cơ bản cần thiết cho ơn cứu rỗi. Ngài đã nhanh chóng đi đến kết luận rằng, để duy trì thành quả tốt đẹp của các sứ vụ đã được rao giảng, cần có những linh mục được chuẩn bị cách chu đáo và đầy nhiệt huyết. Thánh Vinh Sơn cũng tin chắc rằng việc canh tân đời sống tôn giáo trong Giáo hội phải bắt đầu bằng việc cải cách hàng giáo sĩ. Việc cải tổ các linh mục thực sự bắt đầu từ quá trình đào tạo của họ. Sau nhiều năm kinh nghiệm dày dặn, thánh Vinh Sơn thú nhận: “Lúc đầu, chúng tôi không nghĩ phục vụ được Giáo Hội gì nhiều, chúng tôi chỉ nghĩ đến bản thân và những người nghèo…. Ban đầu, Tu hội cũng chỉ lo cho cuộc sống của riêng mình và công việc với người nghèo…. Thiên Chúa cho phép chúng ta chỉ có thể theo cách này, nhưng khi đến lúc, Ngài kêu gọi chúng tôi đóng góp vào việc đào tạo các linh mục tốt lành, trao ban các mục tử tốt lành cho các giáo xứ, và chỉ cho họ những gì họ phải biết và thực hành.”[8]
Theo nhu cầu này, ba cách thức đào tạo đã được tạo ra: Tĩnh tâm cho các tiến chức, Hội thảo ngày thứ ba và các chủng viện.[9] Các hoạt động này khá nhanh chóng được đưa vào số những mục đích chính của Tu Hội. Thánh Vinh Sơn đã viết rằng Tu hội của chúng ta có hai mục đích chính: dạy dỗ những người nghèo ở nông thôn và đào tạo hàng giáo sĩ.[10] Mục đích này cũng như mục đích kia cả hai đều có tầm quan trọng như nhau, và chúng ta có nghĩa vụ với cả hai.[11] Do đó, thánh nhân khẳng định: nếu một số anh em nói rằng họ chỉ được giao nhiệm vụ truyền giáo cho những người dân quê nghèo, và không sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ đào tạo hàng giáo sĩ, người ấy sẽ chỉ là một nửa nhà truyền giáo, vì người ấy được trao phó cho cả hai nhiệm vụ.[12]
3. Tĩnh tâm cho các tiến chức
Poirier, Giám mục Beauvais, đã nhờ thánh Vinh Sơn giảng tĩnh tâm cho các tiến chức của giáo phận vào tháng 9 năm 1628. Khi thấy những kết quả tuyệt vời của những cuộc tĩnh tâm đã được thực hiện, việc tổ chức các cuộc tĩnh tâm này đã được giới thiệu tại Paris, và sau đó là ở các giáo phận khác của Pháp, và thậm chí bên ngoài biên giới nước Pháp, tức là tại Genova và Rome. Trong sắc lệnh Salvatoris nostri, những cuộc tĩnh tâm này được liệt kê là một trong những hoạt động chính của Tu hội. Thánh Vinh Sơn tin chắc rằng Chúa Quan Phòng đã giao công việc này cho Tu hội để chuẩn bị tốt cho các tiến chức tiến tới chức linh mục. Các linh mục được chuẩn bị kỹ càng sẽ rao giảng Tin Mừng như là những người chăm sóc mục vụ, các mục tử và thậm chí là giám mục. Thánh Vinh Sơn đã đón nhận công việc này trong tinh thần khiêm nhường. Thánh nhân muốn các anh em giảng trong các hội thảo với tinh thần đơn sơ, không tìm kiếm sự hùng biện, thánh nhân tin chắc rằng đơn sơ sẽ soi sáng các ứng viên và sự thật được trình bày trong đơn sơ sẽ sẵn sàng được đón nhận.[13]
Trong thời gian tĩnh tâm kéo dài từ 10 ngày đến 2 tuần, thánh Vinh Sơn không muốn đưa ra một bản tổng hợp thần học vì thánh nhân tin chắc rằng các ứng viên đã được hướng dẫn tốt bởi các thừa sai của mình: “họ không bị ấn tượng bởi các kiến thức, hoặc bởi những điều tốt đẹp mà chúng ta nói với họ, bởi vì họ thông thái hơn chúng ta… mà nên nói với họ: những nhân đức mà họ phải thực hành ”(SV. XI, 11). Vì vậy, mục đích của các cuộc tĩnh tâm là chuẩn bị ngay lập tức và thiết thực cho bí tích truyền chức thánh. Trong các buổi hội thảo, trong bầu khí cầu nguyện và đối thoại về Bí tích Sám Hối, các ứng sinh phải tự bảo đảm về ơn gọi của mình để đạt đến bậc giáo sĩ, và tham gia vào việc phục vụ với một ý định trong sáng, nghĩa là vì vinh quang của Chúa và vì phần rỗi của chính họ.[14] Thánh Vinh Sơn đã giúp họ đào sâu tinh thần cầu nguyện, lưu ý đến thần học thực hành, học cách cử hành các bí tích. Ngài dạy họ bằng lời nói, nhưng trên hết là bằng gương cầu nguyện và cách thức gương mẫu khi cử hành Thánh Thể. Tất cả các thừa sai đều tham gia vào việc đào tạo các ứng sinh, kể cả các tu huynh.
Lúc đầu, thánh Vinh Sơn đã chuẩn bị chương trình cho buổi tĩnh tâm. Sau đó (vào năm 1634-1635), 4 anh em đã chuẩn bị một chương trình tỉ mỉ. Một anh em được đề cử làm giám đốc, tổ chức buổi tĩnh tâm và các anh em khác cộng tác với ngài. Cộng đoàn chào đón các ứng sinh vào ngày họ đến, cho họ xem phòng của họ và giải thích cho họ về chương trình của ngày.[15]
Các nguyên tắc cơ bản của thần học luân lý, Mười điều răn, Giáo luật, Bí tích và Kinh Tin kính của các Tông đồ đã được giải thích vào buổi sáng. Công việc này bao gồm cũng như giải thích về các nghi thức của bảy bí tích, trên hết là cử hành Thánh Lễ. Vì có 75-90 người tham gia vào mỗi cuộc tĩnh tâm nên họ được chia thành các nhóm từ 12-15 người, sau mỗi lần giải thích và được hướng dẫn bởi một anh em, họ thảo luận về các chủ đề được trình bày trong buổi thuyết trình, có thể là một lời khuyên hoặc một sự bàn luận. Công việc này được chuẩn bị cho việc cử hành Thánh vụ bằng các giờ kinh thông thường và giờ kinh trong cộng đoàn. Ngay từ ngày đầu tiên, các ứng sinh đã chuẩn bị tinh thần cho lần xưng tội chung của cả cuộc đời họ, hoặc ít nhất là từ lần xưng tội chung cuối cùng của họ.
Thánh Vinh Sơn đã làm chứng rằng Chúa đã ban phúc lành cho công việc này. Các linh mục được chuẩn bị cho việc truyền chức theo cách thức này, vẫn trung thành với việc suy niệm, cử hành gương mẫu trong Thánh lễ và các bí tích khác, và thậm chí thực hành việc xét mình, đến thăm người bệnh trong bệnh viện, trong nhà tù nơi họ giảng dạy chân lý đức tin, các hội thảo, và nơi họ giải tội cho các tù nhân. Những người tham gia tĩnh tâm sống một cách gương mẫu, và nhiều người trong số họ đã đảm nhận những chức vụ quan trọng trong Giáo Hội.[16]
4. Hội thảo ngày thứ ba
Đây là sự tiếp nối tốt đẹp của kinh nghiệm tích cực trong các kỳ tĩnh tâm và là một ví dụ rất thú vị về cách thực hiện việc đào tạo liên tục. Thánh Vinh Sơn thú nhận đã biết đến sự tồn tại của các buổi hội thảo trong đó những người tham gia suy tư về các chủ đề thần học, trên hết là về thần học luân lý; ở những người khác họ thảo luận về các nố lương tâm; nhưng thánh nhân không có bất kỳ hiểu biết nào về các cuộc họp trong đó thảo luận về các nhân đức của bậc giáo sĩ, đời sống gương mẫu của một linh mục và việc thực hiện vững chắc các nhiệm vụ của linh mục. Trong các buổi nhóm họp do thánh Vinh Sơn tổ chức, những người tham gia suy tư về động cơ để đạt được các nhân đức liên quan đến bậc giáo sĩ, với bản chất của chúng, những biểu hiện của chúng, và về những cách thức cần thiết để thực hành. Họ cũng suy tư về bổn phận của hàng giáo sĩ, đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.
Trong bản nội qui dành cho Hội thảo ngày thứ ba, chúng ta đọc thấy: “Nhóm này bao gồm các giáo sĩ… với mục đích là tôn vinh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, linh mục đời đời, gia đình thánh của Ngài, và tình yêu của ngài đối với người nghèo. Vì vậy, mỗi người trong số họ phải cố gắng làm cho cuộc sống của mình trở nên giống Chúa Giêsu, ‘để đạt được vinh quang của Chúa trong bậc giáo sĩ, trong gia đình thánh và giữa những người nghèo, ngay cả giữa những người ở miền quê, tùy theo chức vụ và tài năng mà Thiên Chúa đã ban cho họ.”[17] Vì vậy, phần cuối của Hội thảo là việc đào tạo những người tham dự vào chức tư tế vĩnh cửu của Chúa Giêsu Kitô và của Gia đình Thánh, và cả trong tình yêu của Người đối với người nghèo. Những người tham gia tự nhận thức về nhu cầu của người nghèo, những người mà họ phải phục vụ; họ cũng chuẩn bị tinh thần để truyền giáo.
Nhóm điều phối viên bao gồm: một giám đốc, một trưởng nhóm, hai trợ lý và một thư ký. Các linh mục, phó tế và phụ phó tế cũng tham gia trong các buổi họp. Trước khi chấp nhận một thành viên, những người phụ trách đã hỏi thông tin về anh ta. Sau khi được chấp nhận, ứng viên thực hiện một kỳ tĩnh tâm 8 ngày và xưng tội chung. Các thành viên gặp nhau vào thứ Ba hàng tuần tại nhà Saint-Lazare hoặc ở trường Bons-Enfants. Tất cả đều buộc tham gia mọi cuộc họp. Lời cầu nguyện “Xin hãy đến, Lạy Đấng Sáng Tạo” bắt đầu mỗi cuộc họp, kết thúc bằng bài ca về Đức Mẹ. Chủ đề của cuộc hội thảo là về các ngày lễ phụng vụ sắp tới, các sự kiện thời sự, những thói xấu và các vấn đề của xã hội. Những chủ đề này đã được thông báo trong buổi hội thảo trước. Các hội nghị và các cuộc thảo luận diễn ra theo Phương pháp nhỏ, sinh động bởi sự đơn sơ. Với một cách khiêm tốn và đơn giản, bằng văn bản hoặc đọc thành tiếng, mỗi người tham gia chia sẻ suy nghĩ của họ về việc thực hành các nhân đức. Bí tích Thánh Thể, suy niệm hàng ngày, Các Giờ Kinh Phụng Vụ, đọc Tân Ước, xét mình vào buổi trưa và buổi tối, tất cả cũng tạo thành các chủ đề cho việc suy ngẫm. Vào Thứ Năm Tuần Thánh, những người tham gia đã làm mới lại lời hứa rửa tội và lời hứa vâng phục của họ.
Như chúng ta đã nói, các thành viên của buổi Hội thảo tự nhận thức về nhu cầu của người nghèo. Từ năm 1641, họ đã giảng đại phúc cho các nô lệ chèo thuyền, trong nhà tế bần của những ngôi nhà nhỏ ngoại ô Paris. Việc giảng đại phúc vào năm 1641 tại khu phố Saint-Germain-des-Prés đã có những kết quả phi thường. Có những cuộc hoán cải, hòa giải và bồi thường, sửa chữa những vụ bê bối, những thay đổi đáng ngạc nhiên của cuộc sống. Những nhân vật chính của sự việc bất ngờ đáng kinh ngạc đó đã nói, ở đây có bàn tay của Chúa. Chúng ta có thể nói rằng bàn tay của Chúa đã hướng dẫn những công việc đáng tin cậy và khiêm tốn của thánh Vinh Sơn.[18]
Từ năm 1633 cho đến khi thánh nhân qua đời, hơn 250 người tham dự Hội thảo đã được ghi danh. Nhiều người trong số họ giữ các vai trò quan trọng trong Giáo hội: 40 tiến sĩ thần học, 22 giám mục, các đấng sáng lập các cộng đoàn dòng tu, nghị sĩ, tuyên úy trong triều đình, các kinh sĩ và các cha xứ.
Hội thảo được thành lập tại Puy (1636), Pontoise (1642), Angoulême (1647), Angers, Bordeaux, và ở các thành phố khác không được ghi ở đây.[19] Hội thảo cũng được thành lập ở Ý và ở Ireland.[20]
5. Các chủng viện
Việc tổ chức và điều hành các chủng viện đã góp phần rất quan trọng vào việc cải tổ Giáo hội ở Pháp vào thế kỷ 17. Các giám mục đã cố gắng tổ chức các chủng viện vào thế kỷ 15: Ở Ý (Pistoia, Florence, Bologna, Venice, Rome) và ở Pháp (Rheims, Aix, Châlon, Avignon). Tuy nhiên, những nỗ lực này đã không mang lại kết quả như mong đợi.
Nhận thấy sự cần thiết của việc chuẩn bị vững chắc cho chức linh mục và đưa ra một số kỷ luật đối với hàng giáo sĩ, vào ngày 15 tháng 7 năm 1563, Công đồng Trento đã ra lệnh thành lập các chủng viện. Thánh Vinh Sơn tin chắc rằng sắc lệnh này đến từ Chúa Thánh Thần.[21] Tuy nhiên, ở Pháp, những cải cách của Công đồng Trento được áp dụng sau một thời gian trì hoãn. Quốc hội Pháp đã chấp nhận các sắc lệnh của Trento vào ngày 7 tháng 7 năm 1615.
Trong công cuộc canh tân hàng giáo sĩ, những người được chú ý thời đó đã tự giao cho mình nhiệm vụ này, chẳng hạn như Hồng Y Bérulle, Charles de Condren, A. Bourdoise, J. J. Olier, A. Duval, và thánh Vinh Sơn Phaolô.[22] Những nỗ lực đầu tiên để tổ chức các chủng viện đã không thành công, trên hết là vì sự khác biệt về tuổi tác của các ứng viên. Rất khó để chuẩn bị một chương trình tốt đáp ứng các độ tuổi khác nhau như vậy. Thánh Vinh Sơn chia các chủng sinh thành hai nhóm. Đối với các chủng sinh nhỏ tuổi, thánh nhân thành lập các tiểu chủng viện và với những người lớn tuổi, những người đang chuẩn bị trực tiếp cho chức linh mục, thánh nhân thành lập các đại chủng viện.
Có ba loại trong số các đại chủng viện: chủng viện giáo xứ chuẩn bị các ứng sinh cho sứ vụ linh mục một cách thiết thực; chủng viện nội trú nơi các sinh viên sống và nhận được việc đào tạo tri thức trong các trường đại học hoặc cao đẳng; và cuối cùng là chủng viện – nơi đào tạo tri thức, thiêng liêng và phụng vụ. Các chủng viện được điều hành bởi các thừa sai Vinh sơn thuộc loại thứ ba này, với trọng tâm là việc chuẩn bị mục vụ.
Hai chủng viện đầu tiên được trao cho các thừa sai Vinh Sơn được thành lập ở Annecy và ở Alet, và sau đó ở Marseille, Périgueux, và Montpellier. Các giám mục khác cũng yêu cầu thánh nhân tổ chức một chủng viện trong giáo phận của họ. Vào năm thánh Vinh Sơn qua đời, Tu hội đã điều hành 16 chủng viện ở Pháp. J. M. Román trích lời H.Kaman, khẳng định rằng “công việc quan trọng nhất và ảnh hưởng quyết định nhất mà của thánh Vinh Sơn có đối với công cuộc cải cách nước Pháp là đóng góp của thánh nhân vào việc đào tạo hàng giáo sĩ: biến đổi các Kitô hữu bằng cách biến đổi các linh mục của họ.”[23]
Thánh Vinh Sơn thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo thiêng liêng cho hàng giáo sĩ, thánh nhân chú ý đến các thực hành đạo đức hàng ngày: cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, Giờ Kinh Phụng vụ, suy niệm và xét mình. Thánh Vinh Sơn viết rằng việc đào tạo hệ tại “đặc biệt vào đời sống nội tâm, thực hành cầu nguyện và các nhân đức; bởi vì đọc kinh, cử hành thánh lễ và một chút thần học luân lý thì không đủ để chứng minh cho việc đào tạo tốt; điều chính yếu là đào tạo cho họ một lòng đạo đức và lòng tận tụy vững chắc.”[24] Bí tích Sám hối và Bí tích Thánh Thể là cột trụ chính. Thánh nhân nhấn mạnh sự thiết yếu của các nhân đức cần thiết đối với bậc giáo sĩ, cách đặc biệt là vâng phục và khiết tịnh: “Nhân danh Chúa chúng ta, điều mà tôi muốn khuyên anh em là hướng dẫn những người mà anh em chịu trách nhiệm đi vào đời sống nội tâm của họ. Họ sẽ không thiếu kiến thức nếu họ có các nhân đức, họ sẽ không thiếu nhân đức nếu họ dâng mình cầu nguyện, điều đó được thực hiện tốt và chính xác, điều đó sẽ vô tình dẫn họ tới việc thực hành khổ chế, từ bỏ thành công, vâng phục trong tình yêu, nhiệt thành với các linh hồn và bình an với các nghĩa vụ của họ.”[25] Mục đích là để các chủng sinh bước đầu làm quen với cử hành phụng vụ sốt sắng, trong các bài hát của Giáo Hội, và trong việc dạy giáo lý. Sau đó, tùy theo độ tuổi của họ, họ phải học các môn học khác nhau.
Thánh Vinh Sơn tin chắc rằng mục đích của việc đào tạo không phải là đào tạo quá nhiều về tri thức, nhưng đúng hơn là đào tạo về thiêng liêng và mục vụ. Kể từ đây, thánh nhân nhấn mạnh về tầm quan trọng của các thực hành mục vụ. Thánh nhân mong muốn đào tạo nên các mục tử tốt, những người sẽ biết cách giảng, dạy giáo lý, cử hành các bí tích và giải quyết các vấn đề lương tâm. Tóm lại, thánh nhân muốn đào tạo nên các mục tử tốt lành, nhân hậu, đạo đức và nhiệt thành.
Vì lý do này, thánh Vinh Sơn đã chấp nhận các giáo xứ trong khu vực của chủng viện để cung cấp cho các ứng sinh khả năng trải nghiệm mục vụ: “vì kinh nghiệm đã giúp chúng tôi nhận ra rằng, nơi nào có chủng viện, thật tốt khi nơi đó có giáo xứ để các chủng sinh học tập tốt hơn các nhiệm vụ của đời sống linh mục trong việc thực hành cũng như lý thuyết.”[26] Các sinh viên cũng tham gia trong việc truyền giáo cho người nghèo miền quê.
Thánh Vinh Sơn nhận thức được tầm quan trọng to lớn của công việc mà Chúa Quan Phòng đã giao cho mình. Ngài nói rằng các ứng viên cho chức linh mục là kho tàng quý giá nhất của Giáo hội, và việc đào tạo họ là nhiệm vụ cao cả nhất trong Giáo hội, nhưng cũng là khó khăn nhất. Một lần nọ, thánh nhân nói với các anh em rằng: “Hỡi Đấng Cứu Rỗi! Những nhà truyền giáo nghèo phải tận hiến cho Chúa biết bao để góp phần đào tạo nên hàng giáo sĩ tốt, vì công việc này là khó khăn nhất, mệt mỏi nhiều nhất, và quan trọng nhất để cứu rỗi các linh hồn và cho sự thăng tiến Kitô giáo.”[27] Vì lý do này, thánh nhân đã giao những công việc tốt nhất và chuẩn bị kỹ càng nhất này cho các nhà thừa sai của mình. Thánh Vinh Sơn tin rằng chúng ta phải tự mình có được các giá trị và sau đó chia sẻ chúng với những người khác. “Và đối với điều này, thưa Cha, chúng ta phải là người đầu tiên biết đến họ, bởi vì việc giảng dạy về những điều tốt đẹp trên cho các chủng sinh dường như vô ích nếu không trở thành những tấm gương sống cho họ. Chúng ta phải giống như những cái bể chứa đầy nước để làm cho những nguồn nước của chúng ta tuôn ra mà không làm chúng ta cạn kiệt, và chúng ta phải sở hữu tinh thần này điều mà chúng ta mong muốn các chủng sinh được đầy sinh khí, bởi vì không ai có thể cho những gì mình không có. Chúng ta phải tha thiết nài xin Chúa chúng ta, và chúng ta hãy tự cầu xin Ngài ban cho ân sủng để làm cho lối cư xử và hành động của chúng ta rập khuôn theo lối cư xử của Chúa… Chúng ta sẽ học nơi Chúa chúng ta đã làm như thế nào để bổn phận của chúng ta phải luôn luôn đi kèm với sự khiêm nhường và ân sủng, để thu hút lòng người và không để ai quay lưng lại với mình.”[28] Thánh nhân cũng viết: “Tôi chỉ có thể giúp bạn tưởng tượng rằng Chúa muốn họ trở thành những giáo sĩ tốt và hoàn hảo, rằng Ngài muốn họ làm tất cả trong khả năng của mình để trở nên như vậy, chứ không phải bỏ qua lời cầu nguyện, bài giảng, rèn luyện, hoặc gương mẫu. Thưa Cha, kho tàng của Hội Thánh mà Chúa đã trao cho cha là ở việc đào tạo các giáo sĩ tốt lành, và là lãnh vực mà cha phải biết quý trọng những ân sủng mà Ngài đã ban cho cha.”[29] Đây phải là một cam kết liên tục, đầy nghiêm túc, khiêm tốn và được thúc đẩy bởi tinh thần đức tin sâu sắc.
Kết luận
Nhiều phương thế và hình thức được thánh Vinh Sơn sử dụng vẫn giữ được giá trị và sự mới mẻ cho chúng ta. Chúng tôi muốn đề cập đến một vài trong số những phương thế này: sự phân biệt giữa tiểu chủng viện và đại chủng viện, đào tạo bằng gương mẫu và lời nói, làm việc chung của cả cộng đoàn, làm việc theo nhóm, nhấn mạnh vào việc đào tạo thiêng liêng, mục vụ, cộng đoàn và tri thức, tĩnh tâm trước khi chịu chức, thực hành công việc mục vụ, chuẩn bị tốt cho việc cử hành các bí tích một cách xứng đáng, chuẩn bị tốt cho việc dạy giáo lý.[30] Nhưng một cách đặc biệt, chúng ta phải nhấn mạnh sự cần thiết của việc đào tạo trường kỳ các linh mục và thành viên của các dòng tu trong suốt cuộc đời của họ, cũng có một bằng chứng tương tự trong các tài liệu của Đức Giáo Hoàng cũng như của giáo triều Rôma.[31]
Một trong những lĩnh vực làm cho sự cụ thể hóa được nhấn mạnh trong Hiến pháp hiện nay của chúng ta là việc đào tạo hàng giáo sĩ: “Mục đích của Tu Hội Truyền Giáo là bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin mừng cho người nghèo. Mục đích này được thực hiện khi các thành viên, trong tư cách cá nhân và cộng đoàn, trung thành với thánh Vinh Sơn…trợ giúp đào tạo giáo sĩ và giáo dân, và dẫn đưa họ tham gia trọn vẹn hơn trong việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.”[32] Vì vậy, chúng ta được mời gọi giúp đỡ các giáo sĩ và giáo dân trong việc đào tạo họ và gần gũi với họ để họ tham gia vào việc truyền giáo cho người nghèo. Trong chương về hoạt động tông đồ, chúng ta đọc thấy: “Việc đào tạo các giáo sĩ trong các chủng viện, một công việc của Tu hội ngay từ ban đầu, phải được canh tân một cách hiệu quả khi cần. Thêm vào đó, các thành viên cần phải trợ giúp về mặt thiêng liêng cho các linh mục, trong công cuộc đào luyện liên tục cũng như nâng đỡ lòng nhiệt thành mục vụ của họ. Các thành viên cần phải khuyến khích họ ước muốn thực hiện lựa chọn của Giáo Hội dành cho người nghèo.”[33]
Trong lịch sử của Tu Hội, nhiều tỉnh dòng đã viết nên một trang đẹp đẽ về việc đào tạo hàng giáo sĩ. Bây giờ, chúng ta phải thú nhận rằng số lượng anh em tham gia vào việc phục vụ này là không đủ và đáng buồn là đang giảm dần. Bề Trên Tổng Quyền thông báo cho chúng ta biết rằng có những giám mục, nhất là ở các vùng truyền giáo, yêu cầu anh em chúng ta giảng dạy và điều hành các chủng viện. Những yêu cầu này không đến từ các quốc gia trên các lục địa khác. Nhưng tôi tin chắc rằng các giám mục sẽ yêu cầu chúng ta phải có đủ khả năng và chuẩn bị trong vai trò linh hướng, cả trong các chủng viện và các khu vực của giáo phận, với tư cách là người giải tội cho các linh mục và chủng sinh, như những người giảng giải trong các buổi tĩnh tâm và các buổi thảo luận về đào tạo trường kỳ.
Chúng ta có thể tìm cách khác để giúp các giáo sĩ trong việc đào tạo của họ, chẳng hạn: tổ chức các trung tâm đào tạo trường kỳ; tạo ra trong nhà riêng của chúng ta (có thể ngay cả với chúng ta) khả năng thực hiện một khóa tĩnh tâm, hoặc những ngày tĩnh tâm; hướng dẫn cho các linh mục có thể cử hành bí tích Sám Hối; chào đón các linh mục vào nhà của chúng ta; quan tâm đến các linh mục lớn tuổi; giảng dạy trong các chủng viện; cộng tác một cách gương mẫu với hàng giáo phẩm của giáo phận khi chúng ta tham gia vào các sáng kiến khác nhau của họ. Giá trị của gương mẫu trong cuộc sống của chúng ta luôn còn nguyên giá trị. Chúng ta cũng có thể viết sách và tạp chí về linh đạo linh mục, và cuối cùng chúng ta có thể cầu nguyện cho việc tông đồ và sự thánh thiện của họ. Chính ở đây mà cách diễn đạt nổi tiếng về vị thánh của chúng ta cũng có thể được nhận ra: “Tình yêu sáng tạo đến vô tận…”[34]
[1] x. J. Corea, “San Vicente de Paul, Formador,” trong Vincentiana 28 (1984), 667-678; “La Formation,” trong Au temps de St.-Vincent-de-Paul. et aujourd’hui, Cahier 38, Bordeaux, 1986; L. Mezzadri, La sete e la
sorgente, Roma 1992, I, 69-71.
[2] X. SV. I, 26; II, 356; VII, 613.
[3] x. SV. XI, 348.
[4] x. J.M. Román, San Vincenzo de’ Paoli. Biografia (trad. Italiana) Milano 1986, 108.
[5] x. SV. XIII, 134.
[6] x. J.M. Román, op. cit., 310-315.
[7] x. SV. I, 68.
[8] SV. XII, 83-84
[9] x. M. A. Roche, Saint Vincent de Paul and the Formation of Clerics, Fribourg 1984; J.M. Román, “La formation de clergé dans la tradition vincentienne,” Vincentiana 27 (1983), 136-153; C. Sens, “La formation du clergé,” Vincentiana 31 (1987) 751-762; and J.M. Román, op. cit., 317-336; R. McCullen, “Ministry to Priests and the Vincentian Charism of Service to Clergy, Yesterday and Today,” Vincentiana 34 (1990) 220-229.
[10] x. SV. III, 273.
[11] x. SV. V, 489.
[12] x. SV. VII, 561.
[13] x. SV. II, 339.
[14] x. SV. XIII, 141-141.
[15] x. J.M. Román, op. cit., 320-322.
[16] x. SV. I, 204.
[17] SV. XIII, 128
[18] Abelly, I, part 2, cap. 3, 261-264, trích bởi J.M. Román, op. cit., 335
[19] x. J.M. Román, op. cit., 331.
[20] x. SV. I, 537; II, 491.
[21] x. SV. II, 459.
[22] x. L. Nuovo, “Seminarios”, in Diccionario del Espiritualidad Vincenciana, Salamanca 1995, II, 563-565 (with the selected bibliography); also L. Mezzadri, “La Chiesa di Francia nel XVII secolo,” Vincentiana 31 (1987) 438-456; J. Dukała, Organizacja Studiów I przygotowanie do kapłańista alumnóww Seminariach Diecezjalnych pod zarządem Zgromadzenia Księży Misjonarzy w Polsce w latach 1675-1864 (doctoral thesis) Kraków 1975; L. Mezzadri, J.M. Román, Historia Zgromadzenia Misji (Polish translation) Kraków 1995, I, 245-288.
[23] op. cit., 331.
[24] SV. IV, 597
[25] SV. VIII, 3
[26] SV. VII, 253-4
[27] SV. XI, 7-8
[28] SV. IV, 597
[29] SV. VII, 30
[30] x. Pastores dabo vobis (exhortation of John Paul II) Vatican City 1992;
- La formazione negli instituti religiosi “Potissimum institutioni,” Vatican City 1990.
[31] A Zakręta, La formazione permanente dei religiosi. Studio giuridico-teologico Rome 1998.
[32] LC I
[33] LC XV
[34] SV. XI, 146