Thánh Vinh Sơn Phaolô Và Giới Trẻ

0
1801

Có thể nói, tuổi trẻ là quãng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời của một con người. Đó chính là giai đoạn con người mang trong mình sự sung mãn của sức khỏe, vẻ đẹp, và cả tài năng. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn con người có nhiều ước mơ, hoài bão, nên người trẻ thường tràn đầy nhiệt huyết và khát khao cống hiến. Vì vậy, giới trẻ luôn có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, vì đang trên quá trình trưởng thành, những người trẻ vẫn còn thiếu sự chín chắn, sự vững vàng, bản lĩnh cũng như những kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống. Vì lẽ đó, giới trẻ luôn cần được giúp đỡ, giáo dục, định hướng để tiến tới sự trưởng thành cả về nhân cách, về đức tin cũng như những giá trị căn bản của đời người. Giới trẻ là đối tượng luôn được Giáo Hội quan tâm, và việc đồng hành, hướng dẫn cho họ cũng là đường hướng mục vụ quan trọng, đặc biệt là với các vị mục tử.

Sinh thời, thánh Vinh Sơn Phaolô cũng là một vị mục tử tốt lành. Trong thiên chức linh mục, ngài đã tận hiến bản thân mình cho công cuộc phục vụ, rao giảng Tin Mừng cho người nghèo và đào tạo hàng giáo sĩ. Thánh nhân là người luôn thao thức cho hạnh phúc của tha nhân và nhiệt tâm với sự thăng tiến con người. Bởi vậy, trong số những đối tượng được ngài yêu thương, nâng đỡ chắc chắn phải có những người trẻ. Chính thánh Vinh Sơn cũng đã là một người trẻ, đã trải qua tuổi trẻ và chứng kiến cuộc sống của những người trẻ trong thời đại của mình. Từ đó, ngài hiểu được những tâm tư, những khó khăn, cũng như những điều cần thiết cho cuộc sống của người trẻ. Thánh Vinh Sơn đã thể hiện sự yêu thương, quan tâm dành giới trẻ bằng những việc làm cụ thể và thiết thực. Tất cả những gì mà thánh nhân dành cho giới trẻ cũng có thể là bài học quý giá cho chúng ta ngày nay.

Vì vậy, trong bài viết này, tôi xin trình bày về thánh Vinh Sơn và giới trẻ. Cụ thể, để làm rõ hơn đề tài này, tôi sẽ trình bày khái quát về tuổi trẻ của thánh Vinh Sơn; những công việc nổi bật mà ngài đã làm cho những người trẻ trong thời đại của ngài; và từ đó, rút ra bài học cho chúng ta ngày nay trong việc việc quan tâm, đồng hành và thăng tiến những người trẻ.

1. Tuổi trẻ của thánh Vinh Sơn[1]

Theo các tài liệu về thánh Vinh Sơn, ngài được sinh ra trong một gia đình nông dân đạo đức ở Pouy, một ngôi làng nhỏ gần Dax, trong vùng Landes, xứ Gasconge, miền nam nước Pháp. Cũng như những trẻ em miền quê khác, ngài sớm quen thuộc với các công việc phụ giúp gia đình như: giữ em, chăn gia súc, trồng trọt…Tuy nhiên, so với các anh em và bạn bè, Vinh Sơn nổi bật hơn với sự thông minh, nhạy bén. Thân phụ của Vinh Sơn đã sớm nhận ra cậu bé này được tiền định cho những điều khác, có thể lớn lao hơn việc chăn nuôi gia súc ở miền quê, nên ông quyết định gửi Vinh Sơn đến trường đi học. Vì vậy, vào một ngày đẹp trời đầu thu năm 1594 hoặc 1595, khi thánh Vinh Sơn được 15 tuổi, ngài được đưa đến tu viện Phanxico ở Dax. Tại đây, thánh Vinh Sơn bắt đầu hành trình học vấn với các tu sĩ Dòng Phanxicô trong khoảng 2 năm. Sau đó, ngài được một người quen cũ của gia đình là luật sư de Comet đưa ra khỏi Dòng Phanxico, rồi đến tạm trú tại nhà ông và làm gia sư cho các con ông. Nhờ vậy, ngài có thể tự trang trải chi phí việc học tập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Theo đề nghị của ông Comet, Vinh Sơn lãnh nhận các chức nhỏ vào ngày 20 tháng 12 năm 1595 tại Bidache, khi chỉ mới hơn 15 tuổi. Năm sau, ngài được đi học đại học ở Toulouse và một thời gian ngắn ở Saragose, Tây Ban Nha. Trong thời gian học thần học, thân phụ của ngài qua đời nên cuộc sống của ngài gặp nhiều khó khăn. Để có thể tiếp tục học tập và trang trải những chi phí cho cuộc sống, ngài đã mở một ký túc xá dành cho sinh viên trọ học ở Buzet – sur – Tarn, cách Toulouse 30 km. Lúc này, ngài vừa đi học, vừa đi dạy nên cuộc sống của ngài thật khó khăn và bận rộn. Để thoát khỏi tình trạng này, giải pháp hay nhất cho ngài là trở thành một linh mục. Vì vậy, ngài quyết định trở thành linh mục.

Để tiến đến chức linh mục, thánh Vinh Sơn đã chịu chức phụ phó tế và phó tế từ tay Đức Cha Sauver Diharse vào ngày 13 tháng 9 và 19 tháng 12 năm 1598. Và đến ngày 23 tháng 9 năm 1600, tại Perigueux, Đức Cha Francois de Bourdeille đã truyền chức linh mục cho ngài. Với việc lãnh nhận chức linh mục, thánh Vinh Sơn vĩnh biệt thời thơ ấu và thời niên thiếu. Lúc này, ngài đang ở trên ngưỡng cửa của tuổi thành niên, tuổi nắm bắt thông tin, tuổi nghiên cứu, tuổi của những kế hoạch. Lúc này, ngài đã đạt đến điều mà cha ngài hằng mong ước. Tuy nhiên, đối với ngài, thiên chức linh mục không phải là một cuộc sống, nhưng là một phương tiện mưu sinh.

Một thời gian ngắn sau khi được chịu chức linh mục, cha Tổng đại diện Dax đã bổ nhiệm ngài làm cha sở Tilh, nhưng giáo xứ này cũng được Tòa Thánh bổ nhiệm cho một cha khác. Vì vậy, năm 1601, thánh Vinh Sơn đến Tòa Thánh với hy vọng nhận được giáo xứ Tilh, nhưng ngài đã không may mắn hơn vị linh mục tranh chấp với ngài. Sau đó, ngài trở về Toulouse, tiếp tục dạy học và nghiên cứu.

Năm 1604, lúc được 24 tuổi, ngài quyết định dừng việc học đại học. Đối với ngài, học tập là một phương tiện chứ không phải là cứu cánh và ngài không bao giờ cảm thấy có một ơn gọi về tri thức thuần túy. Cũng trong năm này, ngài đã được viện hàn lâm Toulouse cấp chứng chỉ chứng nhận ngài đã học thần học trong 7 năm. Thánh Vinh Sơn bắt đầu mơ mộng trở lại, và những giấc mơ của ngài ngày càng nhiều tham vọng hơn, lúc này ngài khát khao được cai quản một giáo phận.

Năm 1605, sau khi đến Marseille để đòi lại số tiền ngài được thừa kế đã bị một kẻ xấu chiếm đoạt và bỏ trốn, ngài trở về bằng đường biển. Nhưng thật không may, chiếc thuyền mà ngài đi đã bị cướp biển Thổ Nhĩ Kỳ tấn công và những người trên thuyền bị bắt làm tù binh. Thánh Vinh Sơn cũng bị bắt và mất tích suốt hai năm. Sau khi được tự do và trở về, thánh Vinh Sơn đến Roma một lần nữa. Tại đó, ngài ở trong dinh thự của vị phó đặc sứ Montorio, người luôn hứa cho ngài một học bổng. Trong thời gian chờ đợi, ngài bắt đầu học tập trở lại và tiếp xúc với một vài sáng kiến mục vụ ở đây như Hội Bác Ái ở bệnh viện Chúa Thánh Linh, Hiệp hội Saint – Laurent de Damas… Những điều này đều có giá trị cho các công trình bác ái của ngài sau này. Tuy nhiên, sau một thời gian chờ đợi nhưng không nhận được những gì ngài đã được hứa, ngài trở về nước Pháp.

Cuối năm 1608, ngài đến Paris, vì chỉ có ở Paris ngài mới có thể tìm được học bổng đáng mơ ước và cần thiết cho việc ổn định cuộc sống. Nhưng tại đây, vào năm 1609, ngài cũng gặp tai họa, đó là việc ngài bị tố cáo ăn cắp tiền của vị thẩm phán ở chung phòng trọ. Mặc dù bị vu khống nhưng ngài chỉ phản ứng cách nhẹ nhàng: “Thiên Chúa biết sự thật”“chúng ta hãy để cho Chúa quan tâm bộc lộ bí mật của những lương tâm.”[2] Phản ứng này đánh dấu một sự chuyển hướng có ý nghĩa trong cách đối nhân xử thế của ngài. Trong năm 1610,  trong tâm hồn của thánh Vinh Sơn đã bắt đầu có những sự biến chuyển sâu sắc hơn, ngài vừa vượt qua ranh giới giữa thời trai trẻ và thời chín chắn. Có lẽ, đây là năm quyết định cho cuộc đời của ngài, năm bắt đầu cho tiến trình trở lại, sau khi đã hết những sự ảo tưởng và những nỗi thất vọng.

Như vậy, từ những nét khái quát về khoảng thời gian 30 năm đầu đời của thánh Vinh Sơn, chúng ta có thể thấy được ngài đã trải tuổi thơ bình dị ở thôn quê, rồi đến quãng thời gian miệt mài học tập nơi các thành phố lớn, và thời thanh niên nhiều biến động trong thiên chức linh mục. Qua đó, chúng ta cũng thấy được ngài là một người trẻ có lòng đạo đức, chăm chỉ học tập, có ý chí tiến thủ, và nhiệt thành giúp đỡ tha nhân, đặc biệt là các bạn trẻ trong con đường học vấn. Mặc dù, ngài đã có nhiều tham vọng khi tìm kiếm chức linh mục như một phương tiện để thăng tiến bản thân và phụ giúp gia đình, nhưng theo quan điểm lịch sử thời đại và môi trường sống của ngài thì điều này đáng được thông cảm.

2. Thánh Vinh Sơn và giới trẻ

Như đã nói ở trên, thánh Vinh Sơn là người luôn biết thao thức cho hạnh phúc tha nhân và nhiệt tâm với việc thăng tiến con người. Điều đó không chỉ được thể hiện trong những công trình bác ái dành cho người nghèo mà còn ở những việc làm cụ thể ngài dành cho những người trẻ.

Từ khi còn là sinh viên, thánh Vinh Sơn đã có sáng kiến mở một ký túc xá cho sinh viên trọ học ở Buzet – sur – Tarn, cách Toulouse 30 km. Sáng kiến này không chỉ giúp ngài có thu nhập để vượt qua khó khăn trong cuộc sống mà còn giúp ích cho nhiều sinh viên khác. Từ kinh nghiệm lĩnh hội được trong nhà ông Comet và thời kỳ nội trú nơi Dòng Phanxicô, ngài đã điều hành ký túc xá hoạt động rất tốt và có được danh tiếng nhất định trong vùng. Nhiều sinh viên được gửi đến ở trong ký túc xá của ngài, ngay cả những sinh viên  từ Toulouse. Thậm chí, có cả các sinh viên thuộc các gia đình danh giá, vì họ mong muốn có một môi trường kỷ luật dành cho con cái mình. Khi thánh nhân quay lại Toulouse để tiếp tục công việc học tập, ngài dẫn theo những sinh viên nội trú này với sự thỏa thuận và ủng hộ của các phụ huynh.[3] Đặc biệt, theo như tu huynh Robineau đã thuật lại, trong số các sinh viên này, có mười người được xem là “những học trò mà ngài đã nuôi dưỡng và dạy dỗ để phục vụ Chúa.[4] Tất cả điều đó cho thấy rằng ngài đã thành công với công việc này, và thành công đó chắc chắn là thành quả của lòng yêu mến và sự nhiệt thành mà ngài dành cho các sinh viên.

Trong vai trò một mục tử, thánh Vinh Sơn có một sáng kiến khác để giúp đỡ giới trẻ. Đó là vào năm 1612, khi thánh nhân được bổ nhiệm làm cha sở tại ngôi làng nhỏ Clichy, ngài đã tập hợp một nhóm 12 thanh niên khao khát sống đời linh mục, cho họ sống gần ngài để hướng dẫn và huấn luyện họ.[5] Một trong số những người đó là Antoine Portail, lúc bấy giờ trạc 20 tuổi. Sau này, người học trò này trở thành một trong những người đồng hành và cộng tác đắc lực nhất của thánh Vinh Sơn; cha Portail cũng là một trong những thành viên tiên khởi của Tu hội Truyền giáo. Có thể nói, đây là một sáng kiến mục vụ xuất phát từ lòng yêu mến những người trẻ của thánh Vinh Sơn. Đồng thời, việc ngài định hướng cho họ đi theo ơn gọi linh mục cũng cho thấy ngài chú trọng đến việc thăng tiến người trẻ trong đời sống thiêng liêng. Bởi vì, khi đến Clichy làm một cha sở tốt lành, ngài đã được sống trong thiên chức linh mục mười hai năm nên đã cảm nghiệm được sự cao quý của thiên chức này.

Trong cương vị Bề trên Tổng quyền của Tu hội Truyền giáo, ngài cũng chăm lo cho giới trẻ trong tầng lớp dân tị nạn, đặc biệt là các cô gái trẻ. Vào tháng 6 năm 1652, khi có các cô gái trẻ miền quê đến các thành phố tị nạn, ngài nhận thấy họ có nguy cơ bị hãm hại và việc để cho họ đi lang thang trên các đường phố là một cách đơn giản đặt họ vào mọi hình thức cám dỗ. Vì vậy, ngài đã tập hợp họ lại (100 người) và đưa vào ở trong một ngôi nhà ở Faubourg – Saint – Denis, tìm kiếm cho họ tất cả những gì họ cần để gìn giữ cả linh hồn lẫn thân xác. Hơn thế nữa, đối với những người không ở trong tình trạng ân sủng, ngài đã tổ chức một cuộc đại phúc đặc biệt để thúc giục họ thực hiện một cuộc xưng tội chung cho quãng đời đã qua, nhờ vậy họ được giao hòa với Thiên Chúa.[6] Qua những việc này, chúng ta thấy được thánh Vinh Sơn luôn quan tâm, chăm lo cho giới trẻ, đặc biệt là cho đời sống tâm linh của họ.

Như vậy, từ những việc làm cụ thể mà thánh Vinh Sơn đã làm cho những người trẻ, chúng ta có thể thấy ngài là ngươi yêu thương, quan tâm đến giới trẻ. Từ lòng yêu mến đó, ngài đã có những sáng kiến để giúp đỡ những người trẻ sống, học tập, và thăng tiến trong đời sống nhân bản cũng như đời sống đức tin.

3. Bài học cho chúng ta ngày nay

Từ việc tìm hiểu tuổi trẻ của thánh Vinh Sơn và những công việc cụ thể ngài đã làm cho giới trẻ trong thời đại của ngài, chúng ta cũng có thể rút ra được những bài học thiết thực trong việc đồng hành với giới trẻ ngày nay.

Trước hết, đó là việc chăm lo cho đời sống tâm linh của giới trẻ. Từ mẫu gương của thánh Vinh Sơn, chúng ta được mời gọi phải biết quan tâm, đồng hành, và nâng đỡ đời sống tâm linh của giới trẻ. Bởi vì sự trưởng thành đời sống tâm linh của giới trẻ là một trong những ưu tư hàng đầu của Giáo hội. Giáo hội luôn mời gọi các vị mục tử và những người có trách nhiệm giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô, Đấng đang sống, nhờ cầu nguyện với Lời Chúa, tôn thờ Thánh Thể, tham dự phụng vụ cách tích cực. Để thực hiện mục tiêu này, các mục tử và giáo lý viên cần canh tân việc dạy giáo lý cho giới trẻ bằng cách tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận theo chuyên đề, nhất là những vấn đề thiết thân với giới trẻ.”[7]

Thứ đến, noi gương thánh Vinh Sơn, bên cạnh việc nâng đỡ đời sống tâm linh của giới trẻ, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc đồng hành, giúp đỡ người trẻ phát triển tri thức, văn hóa. Bởi vì, nếu người trẻ không được tiếp cận và phát triển văn hóa, họ không thể hướng đến sự trưởng thành toàn diện, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác quyết:“Không thể tách rời việc đào tạo tâm linh ra khỏi đào tạo về văn hóa. Đào tạo văn hóa đích thực là phát triển sự khôn ngoan, tức là tri thức nhân văn và phát triển nhân bản…”[8] Vì vậy, trong khả năng của cá nhân cũng như của cộng đoàn, chúng ta cần có các chương trình cụ thể để hỗ trợ cho việc học hành của giới trẻ. Thậm chí, chúng ta có thể áp dụng những sáng kiến của thánh Vinh Sơn, vì những sáng kiến đó vẫn có thể mang lại hiệu quả thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

Cuối cùng, riêng với các thành viên Gia đình Vinh Sơn và những ai đi theo linh đạo Vinh Sơn, có một cách thế đặc trưng để đồng hành và thăng tiến giới trẻ. Cách thế đặc trưng đó chính là việc đồng hành và cỗ võ cho sự phát triển Hiệp hội Giới trẻ Vinh Sơn Maria.[9] Bởi vì, Hiệp hội này đã ra đời như một sự đáp ứng của Giáo hội và của Gia đình Vinh Sơn đối với người nghèo và người trẻ bị gạt ra bên lề xã hội. Và vì được linh ứng bởi đặc sủng Vinh Sơn, Hiệp hội này có thể giúp các bạn trẻ dấn thân trong việc phục vụ bác ái xã hội, việc loan báo Tin Mừng, và sứ mạng đến với muôn dân (Ad Gentes). Từ đó, những người trẻ được nâng đỡ để thăng tiến bản thân cũng như thực hiện sứ mạng làm chứng nhân Tin Mừng cho tha nhân, đặc biệt là cho các bạn đồng trang lứa. Vì như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói:“Người trẻ là niềm hy vọng của sứ vụ truyền giáo. Con Người của Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng mà Người công bố tiếp tục thu hút nhiều người trẻ… Đẹp thay khi thấy rằng các người trẻ đang là ‘những người rao giảng ngoài đường’, vui sướng đem Chúa Giêsu ra mọi nẻo đường, mọi quảng trường của thành phố, đến mọi ngóc ngách của trái đất!”[10]

Từ những điều đã được trình bày trên đây, chúng ta có thể thấy được thánh Vinh Sơn là một vị thánh có lòng yêu mến giới trẻ. Bên cạnh đó, ngài còn có sự thấu cảm và những kinh nghiệm cần thiết trong việc đồng hành và thăng tiến giới trẻ. Bản thân ngài, vì được sinh ra ở miền quê nên ngài trải qua thời niên thiếu bình dị như những trẻ em miền quê khác. Tuy nhiên, nhờ được Thiên Chúa phú ban cho trí thông minh và tinh thần nhạy bén, thánh Vinh Sơn đã được cha ngài định hướng theo một hướng đi khác với các anh em và bạn bè. Nhờ vậy, ngài được sống, học tập, và làm việc nhiều năm nơi các thành phố lớn, đặc biệt là những năm tháng đầy biến động sau khi lãnh nhận chức linh mục. Tuy nhiên, có lẽ là  nhờ vậy mà ngài có thể thấu hiểu những khó khăn, những nhu cầu của giới trẻ trong thời đại của ngài. Từ lòng yêu mến và sự thấu cảm đó, ngài có những sáng kiến thiết thực để trợ giúp và nâng đỡ cuộc sống của họ, giúp họ thăng tiến đời sống nhân bản cũng như đời sống tâm linh. Từ mẫu gương của thánh Vinh Sơn, chúng ta có thể rút ra được những bài học thiết thực cho cá nhân cũng như cộng đoàn trong việc quan tâm và chăm cho cho giới trẻ. Những bài học đó cũng hữu ích cho chúng ta trong việc cộng tác với Giáo hội đồng hành với giới trẻ hướng đến sự trưởng thành toàn diện, đặc biệt là hướng dẫn họ tham gia vào công cuộc truyền giáo. Bởi vì, giới trẻ luôn là thành phần quan trọng trong đời sống của Giáo hội cũng như xã hội, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói:“Chúng ta không thể chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới. Họ là hiện tại của thế giới; họ góp phần làm cho thế giới được phong phú. Người trẻ không còn là trẻ con, họ ở trong giai đoạn bắt đầu đảm nhận những trách nhiệm, khi cùng với người lớn tham gia vào việc phát triển gia đình, xã hội và Hội Thánh.” [11]

Đaminh Trịnh Công Sơn


[1] Xem: Fr José Maria Roman C.M, Saint Vincent de Paul – A Biography. Sr Joyce Howard D.C dịch. London: Melisende, 1999, tr 27 – 89

[2]  Xem Fr José Maria Roman C.M, Saint Vincent de Paul – A Biography. Sr Joyce Howard D.C dịch. London: Melisende, 1999, tr 89

[3] Xem Fr José Maria Roman C.M, Saint Vincent de Paul – A Biography. Sr Joyce Howard D.C dịch. London: Melisende, 1999, tr 46 – 47

[4] Fr. John Rybolt C.M. In the footsteps of Saint Vincent de Paul. Chicago: DePaul University Vincentian Studies Institute, 2007.

[5] Ibid, tr 121

[6] Fr. Pierre Coste C.M, The Life and Works of St. Vincent de Paul – Volume I,II, III. Joseph Leonard C.M dịch. Newyork: New City Press, 1987, tr 483 – 484

[7] Thư Chung Hội Đồng Giám mục Việt Nam 2019

[8] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 223.

[9] Vincentiana, tháng 7 – 8 năm 2006, tr 243 – 250

[10] Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ Điệp Truyền Giáo năm 2018.

[11] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 64.