Thuộc về Chúa giữa đời thường – Lời Chúa – Chúa Nhật V Phục Sinh

0
1505

(Bài Ðọc I: Cv 6,1-7; Bài Ðọc II: 1 Pr 2,4-9; Phúc âm: Ga 14,1-12)

Hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới đang chuẩn bị dỡ bỏ lệnh phong tỏa để mở cửa trở lại các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, cũng vẫn còn rất nhiều nơi phải vật lộn với đại dịch đáng sợ này. Mọi người trở nên khiếp đảm và mỏi mệt. Họ muốn trở lại cuộc sống thường ngày để tiếp tục cuộc sống mưu sinh của mình.

Trong suốt mùa dịch nếu ai theo dõi truyền hình, truyền thanh đều thấy được cảnh người ta xếp hàng để nhận lương thực cứu trợ. Ai cũng mong mình nhận được phần ăn cho bản thân, cho gia đình và các nhân viên tình nguyện cũng cố gắng làm điều đó cho thật tốt để mọi người đều nhận được thực phẩm cần thiết.

Cả hai hình ảnh ở trên diễn tả phần nào tâm trạng của những nhân vật trong các bài đọc Kinh Thánh của Chúa Nhật hôm nay. Đó là tâm trạng bất an trong cộng đoàn tiên khởi của các Tông đồ vì do sự mất công bằng trong việc phục vụ và tâm trạng của các Tông đồ đầy lo lắng và buồn sầu, vì Chúa Giêsu tiên báo về cuộc ra đi sắp đến của Ngài về cùng Chúa Cha nơi bài Tin Mừng.

Vậy làm sao để có được một tâm hồn bình an, một sự thuộc về Chúa trong khi chính bản thân tôi đang phải sống và vật lộn với nhiều khó khăn, thử thách và lo lắng trong cuộc sống hằng ngày? Có lẽ, các bài đọc Lời Chúa hôm nay sẽ mang lại cho tôi lời giải đáp để tôi luôn có tâm tình bình an và phó thác giữa cuộc sống ấy. Để đạt được điều ấy, tôi cần:

Thứ nhất: trung thành với sứ vụ được trao phó. Ở bài đọc I sách Công vụ Tông đồ thuật lại câu chuyện các Tông đồ tuyển chọn các phó tế đầu tiên để lo phục vụ bàn ăn cho dân thánh. Bởi vì đã xảy ra một vài điều không hay trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, liên quan đến việc phục vụ. Đó là một số bà góa trong nhóm Hy Lạp bị nhóm người Do Thái khinh miệt và họ đã kêu trách các Tông đồ về điều này. Vì thế, các Tông đồ đã phải đi đến sự chọn lựa trong sứ vụ của mình: “chúng tôi bỏ việc rao giảng Lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ” (Cv 6,2).

Điều này cho thấy rằng, tôi cũng cần phải trung thành với sứ vụ mà đã được trao phó. Các Tông đồ đã không thể bỏ việc giảng dạy để đi lo việc phục vụ bàn ăn vì các ngài biết rằng đó không phải là sứ vụ mà Chúa muốn cho họ ngay từ đầu. Cho nên, các Tông đồ đã tìm các người khôn ngoan để giúp phần việc ấy, còn các ngài thì đã nói: “còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa” (Cv 6,4).

Trong đời sống mục vụ, đời sống cộng đoàn hay đời sống gia đình, điều này nhắc nhở tôi về việc trung thành với các sứ vụ mà tôi đã lãnh nhận và làm những sứ vụ này cho thật tốt. Vì thế, nó đòi hỏi tôi phải có một chọn lựa ưu tiên về sứ vụ chính yếu nào mà tôi có trách nhiệm phải thi hành.

Vì khi thực hiện đúng sứ vụ đã được trao phó thì điều này cũng đồng nghĩa là nó cần được thực hiện với cả “cái tâm.” Tình yêu dành cho sứ vụ mới là điều chính yếu chứ không phải chỉ làm được điều này hay điều kia.

Cụ thể hơn nữa, ngay cả trong cuộc sống thường ngày, tôi cũng được kêu gọi phải có một trật tự trong ngày sống, “giờ nào việc đó” không “làm việc này sọ việc kia” hay “bỏ việc này làm việc khác”… và mỗi việc phải được hoàn thành cho đến nơi đến chốn. Cụ thể đó là giờ học ra giờ học, giờ làm việc thì chú tâm cho công việc, giờ ăn thì không lấy làm giờ giải trí… Khi có chọn lựa ưu tiên trong sứ vụ và trật tự trong ngày sống, hy vọng nó sẽ giúp tôi hoàn thành tốt những gì được trao phó và chính mọi người trong cộng đoàn tôi, nơi gia đình tôi cũng được phục vụ chu đáo và công bình.

Thứ hai: nhận ra sự hiện diện của Chúa “ở đây và bây giờ.” Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói với Philipphê: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê?”(Ga 14,9). Thiết nghĩ rằng, trong đời sống đức tin, đôi lúc tôi cũng giống như Philipphê, muốn Chúa tỏ cho biết về Ngài qua điều này hay qua điều kia. Điều đáng nói ở đây là các ông đã không nhận ra sự hiện diện đích thực của Chúa trong cuộc sống, khi mà họ đang được ở với Ngài. Thật sự, đấy là một điều đáng tiếc trong đời sống đức tin.

Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống và người ta được mời gọi để nhận ra Ngài. Ngài không chỉ ở quá khứ hay tương lai, mà ở đây, ngay chính hiện tại “ở đây và bây giờ.” Philliphê đã chưa thực sự nhận ra sự hiện diện sống động của Chúa trong cuộc sống của mình, vì tâm hồn ông còn một chút hoài nghi và lo lắng, dù rằng Chúa đang ở đấy với ông.

Trong những ngày này, có nhiều người đã rơi vào cuộc khủng hoảng của đời sống đức tin. Họ đã cầu nguyện nhiều thế mà xem ra lời cầu nguyện gần như vô vọng, Chúa như chẳng hay chẳng biết chuyện gì đang xảy ra trên mặt đất này. Họ cảm nghĩ rằng Chúa đang ở đâu đó và Ngài đã bỏ quyên con người.

Không, Chúa đang ở đây và lúc này “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư?” Thiết tưởng, không phải là Chúa không ở đây nơi tâm hồn tôi, mà là vì tâm hồn tôi có quá nhiều hoài nghi và lo lắng, nên tôi không nhận ra sự hiện diện của Chúa mà thôi.

Sự hiện diện của Chúa có thể được thể hiện qua những điều rất bình thường của cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn qua cử chỉ yêu thương chăm sóc của người thân trong gia đình; qua vẻ đẹp của những bông hoa; qua những nụ cười đơn sơ của một em bé; qua những trang Kinh Thánh; qua lời nhắc nhở khích lệ của bố mẹ, thầy cô; qua sự hòa đồng của những người anh em hay bạn bè trong đời sống cộng đoàn hay đời sống tập thể…

Vì khi có nhận ra sự hiện diện của Chúa như thế, thì tôi mới biết sống trong ân sủng và tình yêu của Chúa với lòng biết ơn và cảm tạ không ngừng. Chính điều này sẽ làm tôi thoát khỏi nỗi cô đơn, lo lắng và sợ hãi giữa cuộc sống hôm nay.

Nhận ra sự hiện diện của Chúa qua cuộc sống hằng ngày là một cuộc hành trình nôi tâm. Nó cần có sự tĩnh lặng và cảm nghiệm về những gì Chúa đã làm cho bản thân chúng ta. Thánh Hồng y Henry Newman, một vị thánh có đời sống nôi tâm sâu xa đã diễn tả hành trình ấy như sau: “vì thế các trải nghiệm quan trọng của chúng ta không chỉ mang tính ngoại tại. Mỗi ngày chúng ta trải nghiệm cuộc phiêu lưu nội tâm lạ lùng của thái độ của thái độ và cảm giác, của nhạy cảm và hy vọng của chúng ta, dù cho các thế lực bên ngoài dường như độc quyền và chiếm hữu sự chú ý của chúng ta.” Đó là sự trải nghiệm nội tâm để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống thường ngày.

Thứ ba: phản chiếu hình ảnh của Chúa. Trong bài Tin Mừng, ông Philipphê thưa: “lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con” (Ga 14,9), nhưng Đức Giêsu đã nói với ông “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).  

Hình ảnh của Chúa Giêsu chính là hình ảnh của Chúa Cha. Ngài và Cha là một “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11). Đây là một hình ảnh tuyệt đẹp về hình ảnh của Thiên Chúa trong sự hiệp nhất. Điều này gợi lên cho tôi: là làm sao để tôi họa lại cho người khác hay cho người khác thấy được hình ảnh của Chúa nơi đời sống của tôi?

Điều này có thể có nhiều cách, nó được thể hiện qua thái độ, qua cử chỉ, qua lối sống của tôi. Vì nếu tôi muốn cho người khác hình ảnh Chúa nơi bản thân tôi thì tôi cũng đòi hỏi phải làm và sống những điều Ngài đã làm và đã sống. Vậy thì, cách tôi sống chính là cách tôi họa lại hình ảnh của Chúa cho người xung quanh tôi. Để làm điều này tôi cũng cần sống mật thiết và nên một với Chúa mỗi ngày như Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha và như Chúa Cha ở trong Chúa Giêsu.

Một vài suy tư để cảm nghiệm tâm tình thuộc về Chúa giữa những gì đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Hy vọng rằng, ba tâm tình này có thể giúp tôi có được mối liên kết với Chúa và sống kết hợp với ngài mọi lúc mọi nơi, hầu có được tâm hồn bình an và phó thác trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Đó là cách để thuộc về Chúa giữa đời thường mà không để tâm hồn bị những thứ lắng lo ở đời làm cho thất vọng hay âu sầu.

Khi sống được những điều ấy, đó là tôi đang trở nên những viên đá sống động xây nên tòa nhà của Thiên Chúa trong cuộc sống này như tâm tình của bài đọc II, thư thứ nhất của thánh Phêrô đã nói: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô” (1 Pr 2,5).

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM