Tin Mừng Phục Sinh, Alleluia – Lời Chúa – Chúa nhật Phục Sinh – Năm B

0
928

1. Các bài đọc

Bài đọc 1: Cv 10, 34a. 37-43

Trích sách Công vụ Tông đồ: thánh Phêrô rao giảng về cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu.

Đáp ca: Tv 118,1-2,16-17,22-23

Thánh vịnh 118: đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

Bài đọc 2: Cl 3,1-4

Thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côlôsê: Đức Kitô đã vâng lời cho đến chết và Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài.

Tin Mừng: Ga 20,1-9

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan: những người phụ nữ đã thấy hòn đá đã lăn ra khỏi cửa mộ và thiên thần đã nói rằng: Đức Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết.

2. Chia sẻ

Hôm nay toàn thể Giáo hội vui mừng hân hoan cử hành long trọng lễ Chúa Phục Sinh. Tất cả Kitô hữu đều vui mừng trong niềm vui ngày Chúa sống lại. Bầu khí vui mừng hân hoan, háo hức ấy không chỉ diễn ra ngày hôm nay, nhưng nó kéo dài mãi trong đời sống của người Kitô hữu.

Thực vậy, nhìn vào bối cảnh các bài đọc Kinh thánh hôm nay, chúng ta có dễ dàng nhận ra được niềm vui ngày Chúa phục sinh đã chan hòa ngay từ thời Giáo hội sơ khai. Chính những con người thời đại đó đã trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm niềm vui Phục sinh. Vì thế ngày lễ Phục sinh gợi lên cho tôi vài suy nghĩ:

Chúa đã phục sinh thật

Lời tuyên bố hùng biện nhất cho sự kiện này, mà chúng ta thấy từ các bài đọc Lời Chúa hôm nay, là từ diễn từ của ông Phêrô. Ông đã mạnh dạn đứng trước mặt dân chúng và công bố “Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại”(Cv 10,3).

Đây là lời rao giảng đầu tiên hết của các tông đồ về Tin Mừng Phục sinh, sau khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại. Và chính vì Tin Mừng này, mà các tông đồ đã dám đổ máu mình, hy sinh chính mạng sống mình, mà làm chứng cho Tin Mừng ấy.

Sở dĩ ông Phêrô đã can đảm làm chứng cho biến cố có một không hai này, là vì ông đã là một trong những nhân chứng trước nhất trong ngày Chúa phục sinh. Ông đã cùng với Gioan và Maria Madalêna, chứng kiến cảnh ngôi mộ trống. Chính các ông đã thấy và ông tin, vì những gì các ông đã được nghe về sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, giờ đây đã được ứng nghiệm. Và các ông nhận ra ngay Đức Giêsu đã sống lại thật.

Tin Mừng Phục sinh

Cả ông Phêrô, Gioan và bà Maria Madalena và tất cả các tông đồ, không giữ vinh dự chứng nhân Tin Mừng Phục sinh cho riêng bản thân mình, nhưng đã loan báo Tin Mừng ấy cho tất cả mọi người, để họ cũng tin và được ơn cứu độ.

Thật vậy, kể từ ngày thứ nhất trong tuần, khi Chúa Giêsu phục sinh cho đến hôm nay, Tin Mừng ấy không ngừng được loan báo cho tất cả mọi loài thụ tạo. Đức Giêsu đã sống lại và Ngài đã vượt ra khỏi không gian và thời gian. Cho nên Tin Mừng phục sinh của Ngài cũng vượt qua mọi rào cản và địa lý, ngôn ngữ và văn hóa mà đến với người khác.

Tất cả người Kitô hữu được mời gọi đem Tin Mừng ấy đến khắp mọi nơi, để cho mọi người nhận ra ánh sáng cứu độ là Đức Giêsu. Tin Mừng phục sinh không thể bị “mai táng trong mồ”, nhưng phải là Tin Mừng sống động ở mọi nơi. Chính vì điều này, mà tông đồ Phaolô đã thốt lên “khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng” (1 Cr 9,16).

Tôi được mời gọi giới thiệu hình ảnh ngôi mộ trống cho những ai chưa biết Chúa, những ai còn đang bị thế giới u mê tăm tối này che phủ, để mọi người được thấy ánh vinh quang và ánh sáng cứu độ của Chúa. Đó là sứ vụ đầu tiên mà bà Maria Madalêna đã làm, khi báo cho các người anh em của bà về Chúa phục sinh. Hình ảnh ngôi mộ trống phải khơi lên nơi mỗi người tín hữu niềm “ngạc nhiên thiêng liêng” và trở nên nguồn động lực, để đi nói điều ấy cho người khác, như Maria Madalêna và những tông đồ khác đã làm.

Đời sống thuộc về Chúa phục sinh

Biến cố Chúa phục sinh là biến cố của đức tin, chứ không phải chỉ là biến cố truyền thông. Nếu là biến cố truyền thông thì các nhà báo và các nhà đưa tin đã loan tin và mọi người đều biết hết. Lúc ấy, những người Kitô hữu không cần phải đi loan báo Tin Mừng ấy nữa, thậm chí, không phải đổ máu làm chứng cho Tin Mừng ấy. Thế nhưng, đây là biến cố đức tin, nên người ta không dễ dàng gì để chấp nhận Tin Mừng ấy.

Người Kitô hữu thuộc về Chúa cũng nhờ bởi đức tin và rồi qua đức tin, người ta được thánh hóa và trở nên con cái Thiên Chúa. Hôm nay, mừng lễ Chúa phục sinh, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Côlôsê về một đời sống gắn liền với Chúa phục sinh “nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1).

Đức Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Mọi sự trần gian không còn thể trói buộc Ngài bất cứ điều gì, vì bây giờ Ngài đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa trong vinh quang hằng hữu của Chúa Cha. Vì thế, chúng ta cũng được chia sẻ cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ vinh quang ấy. Và như thế, chúng ta hãy tìm kiếm những gì thuộc về thiên đàng, giá trị vĩnh cửu. Vì sự tìm kiếm những gì là vật chất và thể lý không còn thích hợp với biến cố phục sinh “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (Lc 24,5). Họ không thể tìm thấy Đức Giêsu phục sinh, nếu chỉ muốn đi tìm “cái xác” của Ngài trong mồ.

Chúa Phục sinh đã biến đổi thân xác của Ngài, cho nên, người Kitô hữu được tháp nhập vào thân xác phục sinh của Ngài cũng cần được biến đổi đời sống như thế. Những nhu cầu mang tính trần tục và lối sống thuộc thế gian không còn thích hợp, nhưng phải được thay đổi. Tôi thay đổi đời sống thế nào khi sống Tin Mừng phục sinh của Chúa?

Chúa Phục sinh mang đến niềm vui cứu độ. Ngài hoàn tất lời hứa từ ngàn xưa mà Thiên Chúa đã giao ước với dân người. Mỗi ngày sống là mỗi ngày Tin Mừng phục sinh cần được reo vang và loan báo. Mỗi ngày sống giữa những đau khổ, lo lắng, sợ hãi thì Tin Mừng phục sinh cần được công bố hơn. Như thế, đó chính là niềm hy vọng để sống Tin Mừng Phục sinh ấy. Vì “Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin” (Rm 1,16).

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM