Cuộc đời và tác phẩm
Thánh Vinh Sơn đã tiếp xúc với thánh Phanxicô de Sales ở Paris vào khoảng năm 1618-1619. Mặc dù thánh Phanxicô de Sales đã sống chỉ có bốn năm ở đó, các nhân đức và linh đạo, cũng như các tác phẩm của chính thánh nhân, đặc biệt là cuốn Dẫn vào đời sống đạo đức (Introduction to the Devout Life) và cuốn Khảo luận về Tình Yêu của Thiên Chúa (Treatise on the Love of God), đã có một ảnh hưởng sâu sắc trên cuộc đời của thánh Vinh Sơn.
Thánh Phanxicô de Sales sinh tại Thorens, vùng Savoy, vào ngày 21 tháng 08 năm 1567. Ngài mất tại Lyons vào ngày 28 tháng 12 năm 1622. Cha của ngài là ông François de Sales de Boisy và mẹ là bà Françoise de Sionnaz, cả hai đều thuộc về gia đình quý tộc Savoyard cũ. Ngài là anh cả trong gia đình có sáu người con. Thánh Phanxicô de Sales đã được hoạch định cho chức thẩm phán và đã tiến hành việc học ban đầu về tu từ học, văn chương và thần học tại Paris với các tu sĩ Dòng Tên.
Năm 1588, ngài đã đi Padua để học về luật và đã nhận bằng tiến sĩ ở đó. Bấy giờ, khi ngài còn là luật sư, cha ngài đã chọn cho ngài một ái nữ của dòng tộc Savoyard để làm vợ. Nhưng Phanxicô de Sales đã quyết định chọn con đường tu trì. Được chỉ định làm trưởng kinh sĩ đoàn của Geneva, một vị trí cao trọng trong giáo phận Geneva, thánh nhân được chịu chức linh mục năm 1593.
Vài năm sau sau đó, thánh Phanxicô de Sales đã được nổi danh về tài giảng thuyết, hoán cải các thành viên của phái Calvin (Tin Lành), sự học hành, tính hiền lành và sự thánh thiện của ngài. Năm 1599, ngài đã được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của Geneva và sau đó trở thành giám mục chính tòa năm 1602. Việc đầu tiên ngài làm là cải tổ việc dạy giáo lý cho các tín hữu, cả người lớn và trẻ em. Ngài đã đưa ra những chỉ dẫn khôn ngoan cho các giáo sỹ trong giáo phận của ngài. Ngài đã cần mẫn viếng thăm mục vụ các giáo xứ phân tán rải rác, trong các vùng miền núi hiểm trở, trong giáo phận của ngài. Ngài đã cải cách các cộng đoàn dòng tu.
Mọi người đều biết về sự tốt lành, tính kiên nhẫn và dịu hiền của ngài. Thánh nhân có một lòng yêu thương người nghèo cách đặc biệt, thức ăn của ngài thì giản dị, đồ dùng và các vật dụng trong nhà thì đơn sơ. Ngài đã tằn tiện với những thứ không cần thiết và đã sống với sự tiết kiệm nhất, để có thể dành số tiền dư được, cho những ai cần đến. Ngài nghe xưng tội, khuyên lơn, và rao giảng cách không mệt mỏi. Ngài đã viết vô số các lá thư (phần lớn là sự chỉ dạy) và đã dành thời gian để viết nhiều tác phẩm.
Cùng với thánh Jane Frances de Chantal, ngài đã thiết lập hội dòng Thăm Viếng năm 1607, dành cho các thiếu nữ trẻ và các bà góa, người mà cảm thấy có ơn kêu gọi trong đời sống tu trì, nhưng đã không có đủ sức khỏe, hoặc đã thiếu khả năng để có thể sống đời tu cách khắc khổ, nghiêm nhặt của các dòng lớn.
Thánh Phanxicô de Sales đã nhiệt thành cho việc mở mang giáo phận của ngài. Ngài đã đưa ra các bài thuyết giảng trong mùa vọng và mùa chay, mà cho đến nay vẫn còn nổi bật – như tại Dijon (1604), nơi mà ngài đã gặp nữ nam tước Chantal lần đầu, tại Chambéry (1606); tại Grenoble (1616, 1617, 1618), nơi ngài đã hoán cải Maréchal de Lesdiguières. Trong thời gian cuối ở Paris (từ tháng 11 năm 1618 đến tháng 09 năm 1619), ngài đã phải đến bục giảng mỗi ngày, để chiều theo lòng ước muốn đạo đức của tất cả những người đã tụ họp đông đảo, để nghe ngài giảng. Dân chúng đã nói rằng: chưa từng thấy có những bài giảng nào mà thánh thiện, và sốt sắng như thế. Ở đây (Paris), ngài đã có sự tiếp xúc với tất cả các tầng lớp tu sĩ thời đó, đặc biệt là thánh Vinh Sơn Phaolô.
Năm 1622, thánh Phanxicô de Sales đã phải đồng hành với tòa án Savoy ở Pháp. Tại Lyons, ngài đã nhất quyết để chỉ có một phòng nhỏ, với các đồ dùng nghèo nàn, trong một ngôi nhà của người làm vườn, trong tu viện của dòng Thăm Viếng. Ở đó, vào ngày 27 tháng 12, ngài đã bị xuất huyết và đã mất vào ngày hôm sau. Thánh Phanxicô de Sales được phong chân phước năm 1661. Thánh Vinh Sơn đã đưa ra những bằng chứng chi tiết về nhân đức và cuộc đời của thánh Phanxicô de Sales, trong án phong chân phước của ngài. Thánh Phanxicô de Sales đã được Đức Giáo Hoàng Alexader VII phong thánh vào năm 1665, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã tuyên phong ngài là tiến sĩ của Giáo Hội hoàn vũ năm 1877.
Ngoài hội dòng Thăm Viếng, mà thánh Phanxicô de Sales đã thiết lập, vào thế kỷ XIX đã có nhiều hội dòng giáo sĩ và giáo dân, các tu hội tu sĩ, đã ra đời dưới sự bảo trợ của ngài, trong số đó có Các Nhà Truyền Giáo Của Thánh Phanxicô De Sales, ở Annecy; Hội Dòng Salesian Don Bosco, ưu tiên trong việc mục vụ giáo dục các trẻ em của những tầng lớp nghèo nhất và các Hiến Sỹ của thánh Phanxicô de Sales, được thiết lập tại Troyes (pháp) bởi cha Brisson, người đã cố gắng nhận ra tinh thần của thánh Phanxicô de Sales trong đời sống linh mục và tu sĩ.
Tác phẩm
Thánh Phanxicô de Sales đã viết nhiều tác phẩm về đường thiêng liêng, trong đó có một số tác phẩm nổi bật như:
-
- Các tranh luận (Controversies) – các tờ rơi mà thánh Phanxicô de Sales đã phân phát cho các cư dân ở Le Chablais ngay lúc đầu, khi những người này không đến để nghe các bài giảng của ngài. Chúng được tổng hợp thành một tập đầy đủ về đức tin Công giáo. Trong phần thứ nhất, thánh Phanxicô de Sales đã bảo vệ thẩm quyền của Giáo Hội, và trong phần thứ hai và thứ ba, là về các quy tắc của đức tin, điều mà đã không được chú ý bởi các phái dị giáo. Khẳng định vai trò của thánh Phêrô (liên quan đến quyền giáo hoàng).
- Biện hộ về Cờ Hiệu của Thánh giá (Defence of the Standard of the Cross) – một minh chứng cho hiệu quả của Thánh Giá đích thực; của Thập Tự Giá; của Dấu Thánh Giá; một sự giải thích về sự tôn kính Thánh Giá.
- Dẫn vào đời sống đạo đức (An Introduction to the Devout Life) – một tác phẩm nhằm dẫn dắt linh hồn sống trên thế gian đi vào con đường đạo đức, lòng đạo đức chân thật và vững chắc. Mọi người phải cố gắng trở nên đạo đức, và “đó là một lỗi, thậm chí là dị giáo”, khi cho rằng lòng đạo đức không tương thích với bất kỳ trạng huống nào của cuộc sống. Tác phẩm này gồm có 5 phần: phần thứ nhất: gồm những chỉ dẫn và thực hành cần thiết để dẫn linh hồn từ ý muốn sống thánh thiện đầu tiên đạt đến quyết định vào hẳn cuộc sống đó; phần thứ hai: gồm những chỉ dẫn về nguyện gẫm và các bí tích, để giúp linh hồn lên cùng Chúa; phần thứ ba: gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức; phần thứ tư: các điều chỉ dẫn để chống lại các chước cám dỗ thông thường; phần thứ năm: các lời chỉ dẫn để canh tâm và duy trì linh hồn trong đời đạo đức. Cuốn sách này, là một kiệt tác về tâm lý học, đạo đức thực tế và lẽ thường, đã được dịch sang gần như mọi ngôn ngữ[i], ngay cả khi tác giả còn sống, và nó đã có vô số các phiên bản.
- Khảo luận về Tình Yêu của Thiên Chúa (Treatise on the Love of God) – một tác phẩm phản ánh cách chân thực và rõ ràng về tâm trí và con tim của thánh Phanxicô de Sales như một thiên tài và một vị thánh vĩ đại. Bộ sách gồm 14 cuốn. Bốn cuốn đầu tiên cho chúng ta một lịch sử, hay đúng hơn là giải thích lý thuyết, về tình yêu thiêng liêng, sự khai sinh của nó trong tâm hồn, sự tăng trưởng của nó, sự hoàn hảo của nó, sự suy tàn và hủy diệt của nó; cuốn sách thứ năm cho thấy tình yêu này có hai mặt – tình yêu tự mãn và tình yêu nhân hậu; cuốn thứ sáu và thứ bảy về tình yêu cảm mến, được thực hành trong cầu nguyện; cuốn thứ tám và thứ chín về tình yêu hữu hiệu, nghĩa là phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, và phục tùng ý muốn tốt lành của Ngài. Ba cuốn cuối tiếp tục về những gì đã được nói trước đây và dạy làm thế nào để áp dụng thực tế các bài học được dạy trong đó.
- Đàm luận thiêng liêng (Spiritual Conferences) – những cuộc trò chuyện quen thuộc về các nhân đức trong đạo, đã được nói với các sơ của dòng Thăm Viếng và được họ thu thập lại. Chúng ta tìm thấy nơi chúng về cảm thức thực tế, sự nhạy bén trong nhận thức và sự tinh tế của cảm thức, vốn là những đặc tính của vị thánh tốt bụng và tràn đầy sốt mến này.
- Các bài giảng (Sermons) – chúng được chia thành hai tập: tập đầu gồm những bài được viết trước đây cho sứ vụ của ngài với vai trò một giám mục, và chính ngài đã viết ra đầy đủ; và các bài diễn văn mà ngài đã đưa ra khi là một giám mục, trong đó, như một quy tắc, chỉ có các phác thảo và tóm tắt thì đã được bảo tồn. Tuy nhiên, một số bài giảng trễ hơn đã bị các thính giả của ngài lấy đi. Đức Giáo Hoàng Piô IX, trong sắc chỉ tuyên bố ngài là Tiến sĩ Hội Thánh đã gọi thánh nhân là “ngườ thầy và là người phục hưng về tài hùng biện thánh.” Ngài nói cách đơn sơ, tự nhiên từ trái tim của ngài.
- Các thư từ (Letters) – chủ yếu là thư hướng dẫn, trong đó vị thừa tác viên của Thiên Chúa xóa bỏ chính mình và dạy linh hồn lắng nghe Thiên Chúa, vị linh hướng đich thực duy nhất. Lời khuyên được đưa ra phù hợp với mọi hoàn cảnh và nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và cho tất cả những người có thiện chí. Trong khi cố gắng thể hiện cá tính của chính mình trong những lá thư này, vị thánh làm cho mình được biết đến bởi người đọc những lá thư ấy.
- Một số lượng lớn các khảo luận (treatises) hoặc opuscula.
Linh đạo
Các tác phẩm của thánh Phanxicô de Sales đã đặt ra một cách dễ dàng và chắc chắn cho con đường hướng đến sự trọn lành Kitô giáo. Đối với thánh Phanxicô de Sales, có hai yếu tố chính trong đời sống thiêng liêng – thứ nhất là cuộc đấu tranh chống lại bản tính thấp hèn của chúng ta và thứ hai là sự kết hợp các ý muốn của chúng ta với Thiên Chúa. Các đặc điểm của hai yếu tố là sám hối và tình yêu, với tình yêu là quan trọng nhất. Nếu việc đền tội được thực hành, thì nên thực hiện từ một động lực của tình yêu. Việc hãm mình các giác quan nên được thực hành, nhưng việc hãm mình tâm trí, ý chí và trái tim là quan trọng hơn. Mục tiêu hướng đến là một cuộc sống yêu thương, giản dị, quảng đại và trung thành không ngừng với ý muốn của Thiên Chúa, không gì khác ngoài bổn phận hiện tại của chúng ta. Sự thánh thiện thì có thể đạt được bởi bất cứ ai, dù trong bất kỳ trạng huống, điều kiện hoặc vai trò nào của họ trong cuộc sống. Sự thánh thiện được mang lại bởi tình yêu trong hành động. Chúa Kitô là mẫu mực cần luôn được giữ trước mắt chúng ta, và điều này đạt được bằng cách ghi nhớ sự hiện diện của Thiên Chúa, cầu nguyện thường xuyên và ý hướng ngay lành trong hành động của chúng ta.
Khó nghèo theo thánh Phanxicô de Sales
Mặc dù cả cha mẹ ngài đều thuộc về những gia đình quý tộc cũ, nhưng thánh Phanxicô de Sales không xa lạ gì với cảnh nghèo đói. Gia đình thánh nhân đã trải qua một số khó khăn tài chính nghiêm trọng trong thời gian đầu đời của ngài, và giáo phận Geneva, đã mất một số lớn tài sản và thu nhập trong các cuộc chiến giữa Pháp và Savoy, thì đã chắc chắn không giàu có về mặt vật chất. Giáo phận cũng nghèo nàn về mặt tinh thần, và một số giáo xứ không có giáo sĩ. Thánh Phanxicô de Sales đã nhìn vào huyền nhiệm của nghèo đói ở năm khía cạnh: nghèo nghĩa đen hay cái nghèo vật chất, nghèo cách tự nguyện, nghèo về mặt thiêng liêng, nghèo về mặt luân lý (những gì sẽ được thực hiện) và nghèo khó Tin Mừng (sự khó nghèo của Đức Kitô, người nghèo của Thiên Chúa trong Vương Quốc).
Loại nghèo khổ cùng cực nhất là tách biệt khỏi Thiên Chúa. Thánh Phanxicô de Sales đã có một sự chú ý đến sự yếu đuối của tình trạng con người, và đã tin rằng những khó khăn của cuộc sống này, sẽ được thay thế bằng phần thưởng ở đời sau. Ngài đã khích lệ và hy vọng cách mạnh mẽ, về sự tốt lành và lòng thương xót của Thiên Chúa, về sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và Con Người. Ngài tin rằng Chúa yêu thương nhân loại. Khám phá bản thân và những hạn chế của chúng ta, là một lý do để hướng về Thiên Chúa. Chúng ta càng cảm thấy mình thật tồi tệ, chúng ta càng phải tin tưởng vào lòng thương xót và sự tốt lành của Thiên Chúa. Chúng ta không thể nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa nếu chúng ta không muốn trọn hảo, và điều này tạo ra một mối liên kết giữa con người và Thiên Chúa. Lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa được nhân cách hóa trong Chúa Giêsu Kitô con của Người. Bằng nghèo khó – tách rời khỏi của cải vật chất – trái tim được giải phóng để đáp lại tình yêu của thiên Chúa. Tự do này là tự do của những người thân yêu. Phục vụ người nghèo có nghĩa là giải thoát họ khỏi cảnh nghèo khó, điều ngăn cản họ có thể đáp lại tình yêu của Chúa.
Thánh Phanxicô de Sales và thánh Vinh Sơn Phaolô
Thánh Phanxicô de Sales đến Paris vào tháng 11 năm 1618 và ở đó trong một năm vì công việc của Giáo Hội và ngoại giao. Trong thời gian đó, mặc dù có nền tảng xã hội rất khác nhau giữa hai vị thánh, nhưng thánh Phanxicô de Sales và thánh Vinh Sơn Phaolô đã trở thành bạn thân. Ngay cả sau cái chết của thánh Phanxicô de Sales bốn năm sau đó, ngài vẫn tiếp tục trở thành người hướng dẫn của Vinh Sơn qua các tác phẩm của mình, đặc biệt là cuốn Dẫn vào đời sống đạo đức và Khảo luận về Tình Yêu của Thiên Chúa. Cả hai tác phẩm này vẫn là một phần của các bài đọc thiêng liêng của Vinh Sơn cho chính mình, cũng như ngài đã giới thiệu nó cho người khác để đọc.
Thánh Phanxicô de Sales cùng với thánh Jane Frances de Chantal đã thành lập dòng Thăm Viếng. Từ năm 1622 (trước cái chết của thánh Phanxicô de Sales) đến một thời gian ngắn trước năm 1660, khi thánh Vinh Sơn qua đời, thánh Vinh Sơn đã là bề trên của tu viện đầu tiên của dòng Thăm Viếng tại tổng giáo phận Paris. Sau này, ngài cũng sẽ trở thành bề trên của nhà thứ hai, rồi thứ ba trong giáo phận đó (Paris). Thánh Vinh Sơn Phaolô cũng là linh hướng, trong gần hai mươi năm, cho thánh Jane Frances de Chantal (1572-1641, được phong thánh năm 1767).
Mục đích ban đầu của thánh Phanxicô de Sales là tìm ra một cộng đoàn các chị em phụ nữ có thể thực hiện việc viếng thăm những người bệnh bị bỏ rơi và thực hiện các công việc khác của lòng thương xót, mà không bị cản trở bởi việc ở trong tu viện. Rôma và các đấng bậc đã phá vỡ ý định này, và dòng Thăm Viếng vẫn bị bó buộc là một dòng tu, mặc dù với một hình thức linh đạo mới. Khi thiết lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với thánh Louise de Marillac, thánh Vinh Sơn đã có thể vượt qua những trở ngại, điều đã làm thất bại thánh thánh Phanxicô de Sales và sáng lập một cộng đoàn các thiếu nữ, người mà không bị ràng buộc bởi bốn bức tường tu viện.
Một quả cầu lửa
Có một kinh nghiệm thần bí phi thường mà chúng ta biết thánh Vinh Sơn đã có trong đời, và kinh nghiệm này liên quan đến thánh Phanxicô de Sales và thánh Jane Frances de Chantal. Nó xảy ra vào năm 1641, vào ngày mà thánh Jane Frances de Chantal qua đời. Khi thánh Vinh Sơn nhận được một lá thư nói rằng, thánh Jane Frances de Chantal đang bị bệnh nặng, thánh Vinh Sơn đã có một thị kiến về thánh Frances de Sales và thánh Jane Frances de Chantal sẽ về thiên đàng.
Thánh Vinh Sơn cũng đã có cùng một thị kiến ấy một lần nữa, khi ngài đã cử hành thánh lễ sau khi nghe tin thánh Jane Frances de Chantal qua đời. Thị kiến trong cả hai trường hợp là một quả cầu lửa nhỏ, bốc lên từ mặt đất và nối kết với một quả cầu lớn hơn và tỏa sáng hơn, cao hơn trong không trung. Sau đó, cả hai quả cầu hòa tan thành một, bay lên cao hơn trong không trung, và đã đi vào và bị biến mất trong một quả cầu khác, lớn hơn và rực rỡ hơn những quả cầu trước đó.
Thánh Vinh Sơn đã nghe thấy một tiếng nói nội tâm nói với ngài rằng, quả cầu đầu tiên là linh hồn của thánh Jane Frances de Chantal, quả cầu thứ hai là của thánh Phanxicô de Sales và cả hai hiện đang ở trong Chúa. Bản thân thánh Vinh Sơn đã thận trọng và thực tế về thị kiến này, ngài thừa nhận rằng, ngài không được thấy những thị kiến bao giờ, và đây là lần duy nhất mà ngài có cảm nghiệm này.
Những ảnh hưởng của thánh Phanxicô de Sales trên thánh Vinh Sơn Phaolô
Những bức thư và những đàm luận của thánh Vinh Sơn chứa rất nhiều những trích dẫn, từ các tác phẩm của thánh Phanxicô de Sales và chúng là các tài liệu tham khảo cho ý tưởng của ngài. Thánh Phanxicô de Sales đã mở ra cho thánh Vinh Sơn những chân trời của sự thánh thiện và phương tiện để đạt được điều ấy. Bằng sự dịu hiền của chính mình, thánh Phanxicô de Sales đã ảnh hưởng đến thánh Vinh Sơn trong việc vượt qua tính khí của sự gắt gỏng, cắu kỉnh mang tính cá nhân và sự u sầu của riêng ngài, và giúp ngài có một nhãn quan rộng hơn và nỗ lực tổ chức hơn đối với đời sống thiêng liêng và hoạt động tông đồ. Thánh Vinh Sơn đã nhìn thấy sự thánh thiện và nhân bản trong cuộc đời của thánh thánh Phanxicô de Sales, và tìm thấy nơi ngài một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đầy sống động.
Một sự nhấn mạnh về cầu nguyện, và việc thực hành lặp lại lời cầu nguyện mà thánh Vinh Sơn đã khuyến khích trong Tu Hội Truyền Giáo, thì giống như của thánh Phanxicô de Sales trong cuốn Dẫn vào đời sống thiêng liêng. Những suy nghĩ và những nguyên tắc trong cuốn Khảo luận về Tình Yêu của Thiên Chúa của thánh thánh Phanxicô de Sales, đã được thể hiện rõ trong các buổi đàm luận của thánh Vinh Sơn với các Nữ Tử Bác Ái và các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo tại nhà saint – Lazare. Cũng như thánh thánh Phanxicô de Sales, thánh Vinh Sơn cũng nói về cả tình yêu thiết thực và tình yêu cảm tính. Cầu nguyện được định hướng để hành động, và, là một phương tiện để nên thánh, có thể thích hợp với tất cả mọi người. Giống như thánh Phanxicô de Sales, thánh Vinh Sơn phân biệt giữa suy niệm và chiêm niệm. Tuy nhiên, thánh Vinh Sơn cẩn thận hơn khi điều ấy đến từ việc cầu nguyện “siêu việt” hoặc xuất thần. Khi khuyên người khác cầu nguyện, ngài có xu hướng là khuyên họ những cách cầu nguyện “gần mặt đất hơn.”
Thánh Phanxicô de Sales đã báo trước cho thánh Vinh Sơn lý tưởng rằng, sự thánh thiện dành cho tất cả mọi người, dù trong bất kỳ trạng huống nào trong cuộc sống của họ – và đây là thông điệp của cuốn Dẫn vào đời sống đạo đức. Để có được sự thánh thiện, một người không cần phải tuân theo các cơ cấu trí thức phức tạp của hồng y Pierre de Bérulle – nó thì đủ khi đi theo cách khiêm tốn và nhẹ nhàng được rao giảng bởi thánh thánh Phanxicô de Sales – tình yêu trong những hành động của cuộc sống của một người. Điều này đã trở thành một nguyên tắc cơ bản cho những gì mà bây giờ chúng ta gọi là ‘con đường của thánh Vinh Sơn Phaolô.’
Nó thì dễ dàng để nhận ra tầm ảnh hưởng của thánh Phanxicô de Sales đối với cách tiếp cận người nghèo của thánh Vinh Sơn Phaolô. Ngôn ngữ của thánh Vinh Sơn liên quan đến người nghèo, trong nhiều trường hợp, vang vọng âm hưởng, đã được sử dụng trong các tác phẩm của thánh Phanxicô de Sales. Phục vụ người nghèo có nghĩa là giải thoát họ, để cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa.
Như thánh Vinh Sơn Phaolô đã rút ra quy luật trọn lành (the rule of perfection), của cả từ hồng y Pierre de Bérulle, André Duval, và cả tác phẩm của Benet thành Canfield, lẫn từ thánh Phanxicô de Sales và các tác phẩm của ngài. Mặc dù thánh Vinh Sơn thì chiết trung, tất cả những ảnh hưởng này, thì đã được hòa nhập vào chính cuộc sống, công việc của ngài, và một linh đạo cá nhân của Giáo Hội.
Manila, March 2020
Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, CM
(theo vincentian encyclopedia)
[i] Tác phẩm này (xuất bản tại Lyon vào năm 1608) đã được cha Hoàng Minh Tuấn, Dòng Chúa Cứu Thế, dịch sang tiếng việt với tựa đề “Sống Thánh Giữa Đời” với đầy đủ 5 phần, có tổng cộng 119 chương và hai phụ trương. Có thể đọc tại: http://khoi-nguon.com/index.php?option=com_content&view=category&layout=blog&id=125&Itemid=538&limitstart=0&limit=6. (chú thích của người dịch)