Nhắc đến tinh thần truyền giáo cho người dân tộc, theo dòng thời gian, đã có rất nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, đã dấn thân không mệt mỏi cho sứ vụ này. Một trong những nhà truyền giáo cho người dân tộc ở Việt Nam rất đáng tự hào để nhắc đến, có lẽ là Đức cha Jean Cassaigne, khi ngài được cử lên “thí điểm truyền giáo” Di Linh năm 1927, thuộc giáo phận Đà Lạt. Chính từ khởi điểm này, mà phong trào truyền giáo cho đồng bào dân tộc đã được quan tâm, phát triển và các cha Lazarists (Vinh Sơn) người Pháp cũng đã tham gia sứ vụ truyền giáo này, ngay những ngày đầu tại vùng truyền giáo Kadơn – Đơn Dương.[1]
Cách giáo phận Đà lạt không xa, giáo phận Kontum cũng là một trong các giáo phận có tỷ lệ người anh em đồng bào rất đông. Theo lịch sử, vùng đất này cũng đã được các nhà truyền giáo để tâm từ rất sớm, dù rằng địa hình rất hiểm trở và khó khăn, nhất là việc truyền giáo cho các anh em đồng bào dân tộc ở đây. Một trong những sử sách ghi lại công cuộc truyền giáo điển hình tại đây có lẽ là cuốn “Dân Làng Hồ” của cha Piere Dourisboure. Khi nói về các cha truyền giáo đầu tiên đến vùng đất Kontum này, trong đó có tác giả, cha Combe, thầy Sáu Do[ii] đã tìm đường cho các nhà truyền giáo lên Tây nguyên từ năm 1848.[iii]
Chỉ xin được nêu lên ở trên hai trường hợp điển hình, như là gương mẫu và ưu tư da diết cho việc truyền giáo cho các anh em dân tộc. Tuy những tiếp cận ban đầu với các nhóm dân tộc này không hề dễ dàng về ngôn ngữ, văn hóa, địa lý… nhưng những “người gieo giống” đã không nản lòng, chùn bước, để dấn thân cho sứ vụ truyền giáo cao cả này.
Sứ vụ truyền giáo cho anh chị em dân tộc
Về bản chất tổng quát, việc truyền giáo luôn luôn là một lệnh truyền quan trọng, mà Chúa Giêsu đã yêu cầu với các môn đệ của mình trước khi về trời: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho hết mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15), vì “truyền giáo là một sự khẳng định về tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Đó là một sự rao giảng về Thiên Chúa đã yêu thương toàn thể nhân loại như thế nào trong Đức Giêsu Kitô. Truyền giáo là một lời mời gọi đến và xem sự đầy tràn, sự phong phú của Thiên Chúa về vương quốc của Ngài được nhận biết như thế nào. Đó là một thách đố để đi ra nói cho mọi người về sự dồi dào này cả trong lời nói và hành động” (nissen 2004:193).[iv]
Đó là nói về việc truyền giáo cách tổng quát, còn việc rao giảng Tin Mừng cho “các dân tộc” đã được nói rõ hơn trong Thông điệp Evangelii Nuntiandi số 24. Đức Phaolô VI đã mở rộng khái niệm hơn: “Phúc Âm hóa, như Ta đã nói, là một diễn tiến phức tạp gồm nhiều yếu tố: Canh tân nhân loại, làm chứng loan báo công khai, làm việc tông đồ. Những yếu tố này có vẻ đối lập nhau. Thực ra chúng bổ túc và làm giàu cho nhau. Luôn luôn phải nhìn chúng trong sự liên hiệp với những cái khác.”
Để truyền giáo, một yếu tố quan trọng cần thiết không thể thiếu, đó là đối thoại. Đối thoại là một phần của rao giảng Tin Mừng, như Đức Gioan Phaolô II nói đến đối thoại với ba yếu tố: với các nền văn hóa, người nghèo và tôn giáo (Tông huấn Giáo hội tại Á châu, chương 4 và 5). Cả ba yếu tố này trong đối thoại có thể gồm tóm đầy đủ tính chất rõ rệt trong trong việc truyền giáo cho các anh chị em dân tộc: “Trong quá trình gặp gỡ các nền văn hoá khác nhau của thế giới, Giáo Hội không những truyền đạt các chân lý và những giá trị của mình và đổi mới các nền văn hoá từ bên trong, nhưng Giáo Hội cũng tiếp thu từ các nền văn hoá khác nhau, những yếu tố tích cực có sẵn trong các nền văn hoá đó. Đó là con đường bắt buộc cho những nhà rao giảng Tin Mừng khi trình bày đức tin Kitô giáo và làm cho nó trở nên một thành phần của di sản văn hoá của một dân tộc.”[v] Nơi anh chị em dân tộc, chúng ta sẽ thấy hầu như có đủ ba khía cạnh (giàu tính văn hóa phong tục – phần lớn là nghèo – tín ngưỡng và tập tục thờ cúng riêng) của cuộc sống cần sự Phúc Âm hóa.
Tuy nhiên, trong giới hạn, bài viết chỉ đề cập đến việc truyền giáo cho người đồng bào cách chung chung, chứ không bàn sâu về việc hội nhập văn hóa như một phương thức truyền giáo mà đã có rất nhiều tác giả và bài viết khác đã đề cập. Thêm một điểm nữa, là muốn tập trung vào việc nhìn lại việc truyền giáo cho các anh em dân tộc do các anh em Vinh Sơn đảm trách, từ trước tới nay theo dòng lịch sử trong những tư liệu có được.
Trước hết, ta có thể thấy một khái niệm về người dân tộc: “dân tộc có thể chỉ một cộng đồng người chia sẻ một ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc, nguồn gốc, hoặc lịch sử. Tuy nhiên, nó cũng có thể chỉ những người có chung lãnh thổ và chính quyền (ví dụ những người trong một quốc gia có chủ quyền) không kể nhóm sắc tộc. Trong trường hợp gắn liền với một quốc gia dân tộc, dân tộc còn được gọi là quốc dân. “Dân tộc” mang nhiều nghĩa và phạm vi nghĩa của thuật ngữ thay đổi theo thời gian.”[vi]
Người dân tộc thiểu số gồm hậu duệ hiện có của các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ hiện tại của một quốc gia hoặc một phần, vào thời điểm khi những cá nhân thuộc một nền văn hóa hoặc nguồn gốc dân tộc khác đến đó, từ các khu vực khác trên thế giới, đã khuất phục họ, bằng cách chinh phục, định cư hoặc các phương tiện khác, họ được tự do và không bị thuộc địa; những người ngày nay sống phù hợp với các phong tục và truyền thống xã hội, kinh tế và văn hóa cụ thể của họ hơn là với các thể chế của đất nước mà họ thuộc về, dưới một cấu trúc nhà nước bao gồm chủ yếu các đặc điểm dân tộc, xã hội và văn hóa của các bộ phận dân cư khác đang chiếm ưu thế. [vii]
Năm 1991, Ngân hàng Thế giới đã thông qua định nghĩa sau về dân tộc thiểu số. Người dân tộc thiểu số có thể được xác định ở các khu vực địa lý cụ thể, bằng sự hiện diện ở các mức độ khác nhau của các đặc điểm sau: [viii]
a) gắn bó mật thiết với lãnh thổ của tổ tiên và với tài nguyên thiên nhiên ở những khu vực này;
b) tự xác định và nhận dạng bởi những người khác là thành viên của một nhóm văn hóa riêng biệt;
c) ngôn ngữ bản địa, thường khác với ngôn ngữ quốc gia;
d) sự hiện diện của các thể chế chính trị và xã hội theo phong tục; và
e) sản xuất chủ yếu theo định hướng tự cung tự cấp
Hay trong Tông huấn Querida Amazonia (Amazon Yêu Quý) về vùng Amazon, thì họ được định nghĩa “cách đơn giản họ chỉ là hậu duệ của những nền văn hoá khác và của những nền văn minh khác vốn rất phát triển trước đây” (số 29).
Ngay từ sau Công đồng Vaticanô II, công việc rao giảng Tin Mừng cho các truyền thống dân tộc khác đã được chú ý. Trong đó Giáo hội mời gọi các Kitô hữu hãy tham gia tích cực trong công cuộc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc khác, với lòng kính trọng và khám phá Hạt giống của Lời đang có sẵn trong các phong tục, tập quán của họ. Để rồi từ đó, khi họ đón nhận Tin Mừng, thì hạt giống Lời ấy sẽ phát sinh và Tin Mừng được đâm rễ trong tâm hồn họ, như trong Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội đã vạch ra: “để có thể làm chứng cho Chúa Kitô cách hữu hiệu, các Kitô hữu phải tìm đến mọi người chung quanh với thái độ tôn trọng và yêu thương, phải ý thức về tư cách là thành viên của cộng đồng đang chung sống, tham gia đời sống văn hoá, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động nhân văn; phải thân thiết với các truyền thống dân tộc và tôn giáo; hãy khám phá với niềm vui và trân trọng những hạt mầm của Lời Chúa đang tiềm ẩn trong đó; đồng thời cũng phải quan tâm đến những chuyển biến sâu xa đang diễn ra giữa các dân tộc, hãy nỗ lực giúp cho con người thời nay đừng vì quá chú tâm đến khoa học và kỹ thuật của thế giới hiện đại mà xa rời những thực tại tâm linh, nhưng biết khao khát mãnh liệt hơn nữa để đạt đến chân lý và tình thương như Chúa đã mặc khải” (Ad gentes – Đến với muôn dân, số 11).
Hay nói khác đi, đó là một cuộc đối thoại không ngừng nghỉ với các nền văn hóa, hầu khơi lên những mầm mống Tin Mừng đã có sẵn nơi các nền văn hóa đó. Nhất là trong bối cảnh truyền giáo cho các anh chị em dân tộc, thì không những có sự đa nguyên về văn hóa, mà còn có sự đa nguyên trong tôn giáo, lối tín ngưỡng hoặc tập tục thờ cúng dân gian, bản địa. Cho nên như trong Đối thoại và Rao giảng (dialogue and proclamation), số 9 đã nói rằng: “Từ ngữ đối thoại có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Trước hết, ở cấp độ thuần tuý con người, nó có nghĩa là truyền thông cho nhau nhằm đưa đến một mục đích chung hoặc, ở một cấp độ sâu xa hơn, nó nhằm nói đến một sự hiệp thông liên nhân vị (giữa con người với nhau). Thứ đến, từ ngữ đối thoại có thể sử dụng theo nghĩa một thái độ cung kính và thân thiện, thấm nhập hoặc cần thấm nhập tất cả các sinh hoạt cấu tố nên sứ mệnh truyền bá Phúc âm của Giáo hội. Đúng hơn có thể gọi là “tinh thần đối thoại”. Nghĩa thứ ba nằm trong một bối cảnh của thực trạng đa nguyên tôn giáo, từ ngữ đối thoại có nghĩa là “toàn bộ những tương quan liên tôn, tích cực và xây dựng, với những người và những cộng đồng của các tín ngưỡng dị biệt, nhằm tìm cách quen biết nhau và làm phong phú cho nhau”, trong sự tuân phục chân lý và tôn trọng tự do của mỗi người. Nó vừa hàm ngụ việc làm chứng vừa là nỗ lực đào sâu những xác tín tôn giáo liên hệ. Tài liệu này sử dụng từ ngữ đối thoại theo nghĩa thứ ba này, như là một trong những yếu tố cấu thành toàn bộ sứ mệnh truyền bá Phúc âm của Giáo hội.”
Khi thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gặp gỡ các cộng đồng người thổ dân ở Guatemala vào năm 1983, ngài nói với họ: “công việc truyền giáo không phá hủy, nhưng nó được nhập thể trong các giá trị của anh chị em, giúp phát triển hạt giống đã được gieo “bởi Lời của Thiên Chúa, Đấng trước khi trở thành xác thịt để cứu độ tất cả, đã thực sự ở trên thế gian. Và quy tụ tất cả lại trong chính mình.” [ix]
Phải làm sao khơi lên nơi tất cả anh chị em dân tộc một niềm tin vững vàng vào Đức Kitô và con đường cứu cánh của ơn cứu độ, để như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói rằng: “trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao cả, mà là sự gặp gỡ với một sự kiện, một con người, mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định.” Đó chính là một cuộc gặp gỡ với Tin Mừng, với Đức Giêsu, Đấng rao giảng Tin Mừng và làm cho cuộc sống của họ được biến đổi và tìm ra con đường chân lý cho đời sống đức tin của họ.
Trong đó văn kiện về công cuộc truyền giáo trong Giáo hội, Công đồng Vatican II cũng đã nhấn mạnh đến vai trò của các linh mục tu sĩ, những người dường như có vị trí “sát sườn” với sứ mệnh truyền giáo trong Giáo hội, trong đó có sự khích lệ cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo cho tất cả anh em dân tộc: “Các linh mục bản xứ tại những Giáo Hội trẻ phải nhiệt thành dấn thân rao giảng Tin Mừng, bằng cách tiến hành hoạt động chung với những vị thừa sai ngoại quốc, họp nhau thành một Linh mục đoàn duy nhất, liên kết dưới quyền Giám mục, không những để chăn dắt các tín hữu và cử hành việc phụng tự, nhưng còn để loan báo Tin Mừng cho những người còn ở ngoài Giáo Hội. Các ngài phải luôn sẵn sàng, và khi được mời gọi, hãy hăng hái tình nguyện để được Giám mục sai đi truyền giáo tại những vùng xa xôi hẻo lánh, tại chính giáo phận nhà hoặc nơi các giáo phận khác. Các tu sĩ nam nữ và cả giáo dân cũng hãy thể hiện nhiệt tâm truyền giáo đối với anh chị em đồng bào, nhất là những người nghèo khổ” (Ad gentes, số 20).
Vì thế, đi đến với các anh chị em dân tộc cũng là một mệnh lệnh truyền giáo trọn vẹn, chứ không phải là một chọn lựa truyền giáo. Vì “là bí tích của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, Giáo hội không thể làm gì khác hơn là tham gia đối thoại với mọi dân tộc, vào mọi thời và ở mọi nơi. Để đáp trả sứ mạng đã lãnh nhận, Giáo Hội ra đi gặp gỡ các dân tộc trên thế giới, và ý thức mình là “đàn chiên nhỏ” giữa một tập thể nhân loại rộng lớn (x. Lc 12,32), nhưng cũng ý thức mình là men trong khối bột của thế giới (x. Mt 13,33)” (Tông huấn Giáo hội tại Á châu, số 20 và 29).
Sứ mạng xây dựng thế giới đòi hỏi Giáo hội đi đến với tất cả mọi dân tộc, làm cho Giáo hội trở nên dấu chỉ quy tụ mọi thành phần chi thể của Chúa Kitô và làm cho chi thể đó trở thành một thân thể duy nhất trong Đức Kitô: “Chúng tôi ước mong đối thoại cởi mở để dẫn đưa tất cả chúng ta đến chỗ trung thành đón nhận và hăng hái thực hiện những gì Chúa Thánh Thần thôi thúc. Niềm ước mong đối thoại đó chỉ do lòng yêu chân lý hướng dẫn và dĩ nhiên vẫn giữ được sự khôn ngoan thích hợp; về phần chúng tôi, niềm ước vọng này không loại trừ một ai hết: từ những người đang tôn thờ những giá trị tinh thần nhân bản cao quí mà chưa nhận biết Ðấng Tạo Thành đến những ai chống đối và bách hại Giáo Hội bằng nhiều cách. Vì Thiên Chúa Cha là nguyên lý và cùng đích mọi sự, nên tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm anh em với nhau. Và vì thế, được gọi lãnh nhận thiên chức làm người và làm con Thiên Chúa, chúng ta có thể và phải cộng tác, không bạo động, không xảo trá để xây dựng một thế giới trong hòa bình đích thực” (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 92).
Vì thế, trong cách tiếp cận truyền giáo đối với các anh chị em dân tộc, thì vấn đề về phụng vụ cũng là một yếu tố cần chú ý: “Vừa phải đảm bảo duy trì lối phụng vụ truyền thống của Giáo hội Công giáo, vừa loại trừ các hình thức lễ nghi thờ phượng cũng đã có sẵn nơi các dân tộc và nó không thích hợp với đời sống đức tin Công giáo, nhưng cũng cố gắng duy trì những nét đẹp văn hóa trong truyền thống tôn giáo tín ngưỡng của họ, mà qua đó họ có thể dễ cảm nhận về “thần linh” hơn khi thực hành các hình thức phụng vụ “những khác biệt trong các xứ truyền giáo. Dầu vẫn duy trì tính cách duy nhất thuộc bản chất của nghi lễ Roma, những biến dị chính đáng và những thích nghi với các cộng đoàn, các miền, các dân tộc khác, nhất là trong các Xứ Truyền Giáo, đều vẫn được chấp nhận, cả khi tu chỉnh các sách Phụng Vụ. Nên để ý đến qui tắc này trong việc ấn định cơ cấu các nghi lễ và việc thiết lập các qui tắc chữ đỏ” (Hiến chế Phụng vụ thánh, số 38).
Như thế, khi đến và hòa nhập vào trong nền văn hóa của các dân tộc trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, Giáo hội thực sự cần trở nên linh hoạt để vừa làm sao để Tin Mừng được rao giảng cách tinh tuyền, nhưng đồng thời cũng để cho được phong phú hơn trong các nền văn hóa ấy và trong Guadium Spes, số 58 nói rằng: “Nhưng đồng thời, Giáo hội không bị ràng buộc cách độc quyền và bất khả phân ly với một chủng tộc hay quốc gia, với một lối sống đặc thù hoặc một tập tục cũ hay mới nào, vì Giáo hội được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi nơi và mọi thời. Trung thành với truyền thống riêng và đồng thời ý thức sứ mệnh phổ quát của mình, Giáo Hội có thể hòa mình với nhiều hình thức văn hóa khác nhau. Nhờ đó, chính Giáo hội cũng như các nền văn hóa ấy đều được phong phú hơn.”
Cách riêng tại Á Châu, các dân tộc thiểu số tạo thành một bộ phận quan trọng của xã hội Châu Á và của Giáo hội ở Châu Á. Những cộng đồng này là những cộng đồng lâu đời, gắn bó và lưu giữ nhiều giá trị xã hội và nhân văn quan trọng. Ngày nay, ở nhiều nước Châu Á, quyền có đất của họ bị đe dọa và ruộng của họ bị bỏ hoang; bản thân họ phải chịu sự bóc lột kinh tế, bị loại khỏi tham gia chính trị và bị hạ thấp xuống địa vị của những công dân hạng hai, giải trừ dân tộc, một quá trình áp đặt sự xa lánh khỏi nguồn gốc xã hội và văn hóa của họ, thậm chí còn là một chính sách ẩn giấu ở một số nơi. Nền văn hóa của họ đang bị áp lực bởi các nền văn hóa thống trị và “truyền thống vĩ đại”. Các dự án hùng mạnh về khai thác tài nguyên khoáng sản, rừng và nước, thường là ở những khu vực từng là nơi cư trú của cư dân bộ tộc, nhìn chung đã gây bất lợi cho các dân tộc.
Trong xã hội đương đại của chúng ta, nơi có sự xói mòn thường xuyên các giá trị truyền thống của Châu Á, các cộng đồng dân tộc Châu Á có thể đóng một vai trò quan trọng. Gần gũi với thiên nhiên, họ vẫn giữ được các giá trị của một thế giới quan vũ trụ về cuộc sống, một sự chia sẻ vô tận và một xã hội dân chủ. Họ đã giữ gìn sự giản dị và hiếu khách của mình. Các giá trị và văn hóa của họ có thể đưa ra sự điều chỉnh đối với văn hóa của các cộng đồng thống trị, đối với các đặc tính vật chất và tiêu dùng đang nổi lên của các xã hội hiện đại của chúng ta. [x]
Thái độ và công việc của nhà truyền giáo
Nói đến việc truyền giáo cho các dân tộc thì vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa là vấn đề nổi cộm và cần ưu tiên chuẩn bị hơn trong các sứ vụ truyền giáo. Chính yếu tố ngôn ngữ và văn hóa là yếu tố quyết định một nhà thừa sai có thành công trong việc hội nhập với cộng đồng văn hóa mới hay không. Điều này cũng đồng nghĩa là công cuộc rao giảng Tin Mừng có thành công hay không. “Ngôn ngữ và văn hóa hòa quyện vào nhau. Một ngôn ngữ cụ thể thường chỉ ra một nhóm người cụ thể. Khi bạn tương tác với một ngôn ngữ khác, điều đó có nghĩa là bạn cũng đang tương tác với nền văn hóa nói ngôn ngữ đó. Bạn không thể hiểu văn hóa của một người nếu không tiếp cận trực tiếp với ngôn ngữ của họ. Khi bạn học một ngôn ngữ mới, nó không chỉ bao gồm việc học bảng chữ cái, cách sắp xếp từ và các quy tắc ngữ pháp mà còn tìm hiểu về phong tục và hành vi của xã hội cụ thể. Khi học hoặc dạy một ngôn ngữ, điều quan trọng là phải tham chiếu đến nền văn hóa nơi ngôn ngữ đó thuộc về, bởi vì ngôn ngữ đã ăn sâu vào văn hóa rất nhiều.” [xi]
Kinh nghiệm cho vấn đề học ngôn ngữ và văn hóa có lẽ trong Giáo hội có vô vàn các tấm gương của các nhà truyền giáo cho các dân tộc trong các vùng khác nhau trên thế giới. Nhưng có lẽ tấm gương của hai thánh Cyrillô và Mêthôdiô (Tông Ðồ của Dân tộc Slave) đã mang lại cho chúng ta bài học quý giá về sự hội nhập về văn hóa và ngôn ngữ trong truyền giáo, như trong Thông điệp Slavorum Apostoli (1985) đã nói. Thông điệp này nhấn mạnh và làm sáng tỏ mối liên hệ thần học giữa Nhập thể và Hội nhập văn hóa, cũng như sự hỗ tương giữa đức tin và văn hóa. Hội nhập văn hóa là “nhập thể Tin Mừng vào nền văn hóa bản xứ và cũng là du nhập những nền văn hóa này vào đời sống Giáo Hội” (Số 21).
Tài liệu này rất quan trọng để hiểu biết sâu xa hơn về ý nghĩa việc Tin Mừng hóa các nền văn hóa và hội nhập văn hóa vào trong một viễn cảnh lịch sử. Công trình của hai thánh Cyrillô và Mêthôđio vô cùng to lớn, đánh dấu bằng sự can đảm trí thức và sự khiêm tốn, vì trong thời gian mà người ta chỉ được cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa bằng tiếng Hipri, Hy Lạp hay La Tinh, hai vị thánh Tông Đồ của dân Slave đã đáp trả bằng tiếng Slave, và qua đó cho thấy mọi người có thể với Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của mình.
Điển hình thứ hai là nhà truyền giáo dòng Tên Matteo Ricci và nghi lễ Trung hoa. Matteo đã có cái nhìn về hội nhập văn hóa cách thiên kiến và đặc sắc, trước lối văn hóa cố cựu của người Trung hoa. Thế nhưng, những nhìn nhận của ông về cái gọi là “nghi lễ Trung Hoa” đã chưa được hiểu cho đúng ngay từ đầu. Cho nên đã có nhiều tranh cãi và hiểu lầm xung quanh vấn đề này và kéo dài hàng thế kỷ trong Giáo hội. Nhưng cuối cùng, công lao và sự nhạy bén về văn hóa của Matteo Ricci đã được ghi nhận. Tuy chính ông đã không được tận mắt thấy được công trạng của mình đã được chấp nhận. Trường hợp của Matteo Ricci cũng là một trường hợp điển hình trong việc truyền giáo cho các dân tộc. Nơi mà trong lối sống của họ đã tồn tại những triết lý sống, hình thức thực hành tín ngưỡng tôn giáo, vậy làm sao Tin Mừng có thể thấm nhập vào những truyền thống có sẵn này, mà không trái nghịch với đời sống đức tin? Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI đã nhận xét về Matteo Ricci như sau: “chớ gì gương của Mattêo Ricci thúc đẩy và khuyến khích chúng ta sống lòng tin Kitô giáo một cách sâu đậm, trong sự đối thoại với các nền văn hóa khác nhau, nhưng trong sự xác tín rằng nơi Đức Kitô, nền nhân văn đích thực, mở ra cho Thiên Chúa, giàu các giá trị đạo đức và tinh thần, có khả năng đáp ứng những ước muốn thâm sâu nhất của tâm hồn con người được thể hiện.”[xii]
Một kinh nghiệm trong vấn đề hội nhập văn hóa đối với một thành viên Vinh Sơn, có lẽ trường hợp điển hình nhất là cha Vincent Lebbe (tên trung hoa là Lôi Minh Viễn). Cha là một người yêu mến văn hóa Trung hoa và cha đã sống như một người Trung hoa bản xứ như để tóc đuôi sam và các vấn đề hội nhập khác. Thế nhưng, cha đã không được anh em hiểu cho, và cuối cùng cha phải nói chia hai tay với Tu Hội Truyền Giáo, để lập một hội dòng khác với linh đạo mang đậm nét văn hóa Trung Hoa, cũng như phục vụ chính yếu cho người Trung Hoa…[xiii]
Thánh Justine de Jacobis, CM cũng là một khuôn mẫu điển hình Vinh Sơn trong vấn đề hội nhập văn hóa.[xiv] Đó là vị tông đồ cả của dân chúng Abyssinia, Phi Châu (ngày nay là Eritrea và Ethiopia). Thiên Chúa đã ban cho cha Justin ơn hiểu biết sâu sắc về văn hóa và truyền thống địa phương. Cha đã học ngôn ngữ, sống với dân chúng và làm việc để thăng tiến những tương quan tốt tại địa phương. Cha đi trước thời đại trong việc hội nhập văn hóa: sử dụng những truyền thống và văn hóa của dân chúng trong khi loan báo Tin Mừng. Cha cũng là vị tiền hô vĩ đại cho công trình đại kết giữa các Kitô hữu Chính Thống và người Công Giáo.
Qua việc tiếp cận truyền giáo cho các dân tộc, chính chúng ta những nhà truyền giáo sẽ được “Tin Mừng hóa” cách nào đấy trong khi thi hành sứ vụ của mình. Đó có thể là những bài học triết lý về cuộc đời rất phù hợp với tinh thần Kitô giáo hay lối sống của Tin Mừng, mà như trong thông điệp Amazon Yêu Quý, Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói về điều này: “Trong bối cảnh ấy, các dân tộc bản xứ vùng Amazon cho thấy phẩm chất cuộc sống đích thực chẳng hạn như việc “sống tốt lành”, bao hàm sự hoà điệu của cá nhân, gia đình, cộng đồng và vũ trụ. Sự hoà điệu ấy được thể hiện trong lối nghĩ của cộng đồng về cuộc sống, qua khả năng tìm thấy niềm vui và thoả mãn trong một cuộc sống kham khổ và giản dị, cũng như trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên một cách có trách nhiệm, nhằm bảo tồn tài nguyên cho thế hệ mai sau. Những người thổ dân có thể giúp chúng ta khám phá thế nào là một cuộc sống giản dị tràn đầy hạnh phúc, và theo nghĩa ấy, “họ có nhiều điều để dạy chúng ta.” Họ biết hạnh phúc với điều ít ỏi, họ tận hưởng những hồng ân nho nhỏ Chúa ban mà không tích lũy quá nhiều, họ không phá hủy nếu không cần, họ bảo vệ hệ sinh thái và biết rằng trái đất, vừa như một nguồn tài nguyên quảng đại được tặng ban để nuôi sống họ, lại vừa như người mẹ cần phải nâng niu và tôn trọng. Tất cả những điều ấy phải được coi trọng và phải xét đến trong công cuộc truyền giáo” (Tông huấn Querida Amazonia, số 71).
Thông điệp Summi Pontificatus của Đức Piô XII ban hành ngày 20-10-1939, về việc hiệp nhất của xã hội loài người, đã nói về việc thăng tiến các giá trị “tốt lành” trong văn hóa của người dân tộc “bất cứ điều gì có trong phong tục bản địa không bị ràng buộc bởi sự tôn sùng và sai lầm, sẽ luôn nhận được sự xem xét tử tế và khi có thể, sẽ được bảo tồn nguyên vẹn.” Trong Thông điệp này, ngài nói tới “văn minh” và “phong tục”: “Cần phải hiểu biết sâu sắc về nền văn minh và các thể chế của các dân tộc, và cổ võ những phẩm tính và tài năng của họ… Tất cả những phong tục nào không nhuốm màu sắc mê tín hoặc sai lầm, thì phải nghiên cứu với lòng nhân từ và nếu có thể, gìn giữ cho nguyên vẹn.”[xv]
Chương II, Thông điệp Evangelii Praecones ((Những người rao giảng Phúc Âm) của Đức Piô XII đã nói lên quan điểm của Giáo Hội trong đối thoại với các tôn giáo: “Giáo Hội không bao giờ miệt thị, khinh chê tư tưởng cũng như nghệ thuật hoặc văn hóa của người không Công giáo. Trái lại, Giáo Hội đã từng góp phần thanh luyện hoặc bổ túc để đi đến chỗ hoàn hảo.”
Một cột mốc trong sự phát triển ý thức về hội nhập văn hóa được Đức Giáo Hoàng Piô XII (1867-1958) phát biểu với các vị Giám đốc của các tổ chức hay các nhóm Hoạt động Truyền giáo vào ngày 24 tháng 6 năm 1944. Phát biểu này quan trọng vì có lẽ đây là lần đầu tiên Giáo Hội chính thức đề cập đến vấn đề thích ứng trong truyền giáo: “Những đặc điểm, những truyền thống, những phong tục của mỗi quốc gia phải được duy trì nguyên vẹn, bao lâu chúng không trái ngược với lề luật Chúa. Nhà truyền giáo là một tông đồ của Chúa Giêsu Kitô. Công việc của ngài không phải là quảng bá văn minh Âu Châu ở các xứ truyền giáo, như là trồng cây vào mảnh đất xa lạ. Đúng hơn, nhiệm vụ của ngài là đào tạo và hướng dẫn các dân tộc khác, trong số họ có những người nổi danh trong nền văn minh cổ xưa và tinh túy của họ, để chuẩn bị họ sẵn lòng đón nhận các nguyên tắc sống và cách hành xử Kitô giáo.”[xvi]
Các khía cạnh mục vụ Vinh Sơn hiện tại dành cho các anh chị em dân tộc
Ngày nay một số lớn các bạn trẻ người dân tộc thiểu số đã đi đến các thành phố lớn để tìm kiếm công ăn việc làm. Điều này là một tín hiệu mừng cho việc cải tạo chất lượng cuộc sống và đời sống kinh tế. Nhưng mặt khác họ cũng sẽ phải đối diện với vấn đề hội nhập xã hội nơi môi trường mới mẻ này. Điều này cũng đã gây ra những khó khăn cho những anh chị em di dân này như vấn đề thực hành đời sống đức tin, sự rành rọt về ngôn ngữ, gìn giữ và duy trì những hình thức văn hóa riêng của mình. Đây là điều rất thực tế mà chính Giáo hội đã thấy và cùng trăn trở để việc chăm lo mục vụ cho họ được tốt hơn. “Những người trẻ di cư bị sống tách biệt với môi trường xuất thân và thường cảm thấy mất gốc về mặt văn hoá và tôn giáo. Tình trạng ly tán cũng ảnh hưởng đến các cộng đồng ở quê nhà vì họ bị mất đi các thành viên rắn rỏi và tháo vát nhất, và tình trạng này cũng ảnh hưởng đến các gia đình, đặc biệt là khi cha hoặc mẹ, hay cả hai, bỏ con cái ở lại quê nhà để di cư. Hội thánh có vai trò quan trọng là hướng dẫn những người trẻ thuộc các gia đình tan vỡ này. Nhưng chuyện di dân cũng là chuyện gặp gỡ giữa con người và văn hoá: đối với cộng đồng và xã hội tiếp nhận họ, di dân mang đến cơ hội để mọi người được giàu thêm kinh nghiệm và để phát triển con người toàn diện. Theo quan điểm này, những sáng kiến của Hội thánh nhằm tiếp nhận di dân đóng một vai trò quan trọng và có thể đem lại sức sống mới cho những cộng đồng có khả năng khai triển các sáng kiến ấy” (Tông huấn Christus vivit, số 93).
Năm 1974, trong tuyên ngôn kết thúc, Hiệp Hội các Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã sử dụng từ ngữ Hội nhập văn hóa trong tương quan với quyết nghị của Giáo Hội địa phương. Tuyên ngôn nói: “Giáo Hội địa phương là một Giáo Hội nhập thể trong một dân tộc, một Giáo Hội bản xứ và Hội nhập văn hóa. Cụ thể điều này có nghĩa là một Giáo Hội đối thoại liên tục, khiêm tốn và yêu mến đối với những truyền thống sống động, những nền văn hóa, những tôn giáo, nói tóm lại, với tất cả những thực tại sống của dân tộc mà Giáo Hội cắm rễ sâu xa ở đó, đồng thời vui vẻ đón nhận lấy lịch sử và đời sống của dân tộc đó làm của mình.” [xvii]
Giáo Hội phải tìm cách để chia sẻ bất cứ những gì thực sự thuộc về dân tộc đó, những ý nghĩa, những giá trị, những khát vọng, tư tưởng và ngôn ngữ, ca nhạc và nghệ thuật của dân tộc, ngay cả những mỏng manh và thất bại mà dân tộc phải gánh chịu, để hàn gắn lại. Vì Con Thiên Chúa đã đảm nhận toàn bộ thân phận nhân loại sa ngã của chúng ta (chỉ trừ tội lỗi), nhờ đó, Người đã có thể biến thân phận ấy trở nên thân phận của mình, và cứu độ nó trong mầu nhiệm vượt qua của Người.
Người bản địa làm cho Giáo hội địa phương thực sự hiện diện trong cuộc sống và nền văn hóa của các dân tộc chúng ta. Thông qua đó, tất cả thực tại con người của họ được đưa vào cuộc sống giống như thân thể của Đức Kitô, để tất cả chúng có thể được thanh tẩy và chữa lành, hoàn thiện và viên mãn. [xviii]
Sơ lược qua những điểm chính yếu ở trên, chúng ta nhận ra rằng vấn đề chăm lo truyền giáo cho các anh chị em dân tộc phải là một thành phần chính yếu trong hoạt động truyền giáo của Giáo hội.
Cách riêng với các anh em Vinh Sơn, điều này càng trở nên cấp thiết hơn vì chính thánh Vinh Sơn cũng đã là người luôn hướng về việc truyền giáo cho những vùng đất xa xôi mà chúng ta thường hiểu đó là những vùng đất của những thổ dân theo văn hóa Tây phương thời của ngài: “Thưa anh em, tôi nói cho anh em biết về những khó khăn, trước khi nó xảy ra, bởi vì rất có thể nó sẽ xảy ra. Tôi không thể kéo dài đời sống của mình, tôi sắp phải ra đi rồi. Tuổi tác, sự suy yếu, và tật xấu ghê tởm của tôi, không thể để cho Thiên Chúa chịu đựng tôi thêm được nữa ở trên thế gian này. Vậy thì sau khi tôi chết, rất có thể sẽ có những kẻ chống đối, những kẻ hèn nhát. Họ sẽ nói rằng: vì lẽ gì mà anh em lại quan tâm chăm sóc những bệnh viện này? Chúng ta lấy gì để cứu giúp từng ấy người bị sạt nghiệp vì chiến tranh, và còn tìm đến tận nhà họ để cứu giúp họ? Chúng ta gánh vác từng ấy công việc, từng ấy người nghèo, đâu có gì là hay đâu? Tại sao chúng ta lại đi hướng dẫn những cô thiếu nữ chuyên lo phục vụ những người đau ốm, và tại sao chúng ta lại chịu mất giờ với những người bị mất trí như vậy? Rồi cũng sẽ có những người phản đối những công việc này, chắc chắn là thế. Rồi cũng sẽ có những người nói rằng: là bao thầu quá nhiều, khi gửi người đến các nước xa xôi, đến Ấn Độ, đến những nước Barbarie (ở phía đông bắc Phi Châu). Tuy nhiên, ôi lạy Chúa, lạy Chúa. Chúa đã không sai thánh Tôma đến Ấn Độ, và sai các vị tông đồ khác đi khắp thế gian đó sao? Chúa lại không giao cho họ nhiệm vụ chăm sóc và hướng dẫn mọi dân nước nói chung và nhiều người, nhiều gia đình nói riêng đó sao? Mặc kệ, ơn gọi của chúng ta là: “Evangelizare pauperibus” “Rao giảng Tin mừng cho người nghèo”.[xix]
Một vài năm trước khi qua đời, thánh Vinh Sơn nói với các anh em khi đó đang qui tụ tại Nhà Mẹ Saint-Lazare: “Chúng ta có sẵn sàng đi Ba Lan, đi xứ man di (Bắc Phi), đi sang Ấn Độ, hy sinh cho Chúa những sự vui thích và mạng sống chúng ta không? Nếu có, chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa…”[xx] “Các thừa sai của chúng ta ở xứ man di (Bắc Phi) và những anh em ở Madagascar, họ đã tiến hành điều gì? Họ đã thực hiện những gì? Họ đã chịu đau khổ thế nào? Một người duy nhất đảm trách một chiến thuyền trong đó đôi khi có tới hai trăm tù nhân khổ sai: dạy dỗ, cho những người lành mạnh, những người ốm đau xưng tội chung, ngày và đêm, trong vòng mười lăm ngày; và sau thời gian đó, cha đó thiết đãi họ, đích thân đi mua một con bò, đem nấu nướng; đó là đại tiệc của họ.”[xxi]
Cho đến thời điểm hiện tại thì các anh em Vinh Sơn, Tỉnh dòng Việt Nam, đã và đang mục vụ truyền giáo cho người đồng bào tại một số cộng đoàn, giáo xứ tại một số địa phận:
Truyền giáo cho người H’mông: hiện tại Tỉnh dòng đang có một số anh em đang phục vụ tại Giáo phận Hưng hóa, tỉnh Yên Bái, với hai Giáo xứ Giàng La Pán và Phình Hồ cùng một số giáo điểm trực thuộc. Ngày 07-10-2014, cha Giuse Vũ Quốc Hội, C.M là cha xứ đầu tiên vào trong bản ở với người dân tộc H’Mông cùng với 2 cha phụ tá là cha Giuse Nguyễn Tri Hùng và cha Đaminh Savio Phan Đại Phước.[xxii] Và cho đến hiện tại, các anh em vẫn đang miệt mài trên cánh đồng truyền giáo mênh mông vùng Tây Bắc cho các anh em dân tộc H’mông.
Truyền giáo cho người Churu, K’ho: thuộc huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), Giáo phận Đàlạt. vùng truyền giáo này gồm cộng đoàn Quảng Lập, với hai giáo xứ P’ro và Kadơn. Đây có lẽ là điểm truyền giáo sớm nhất mà anh em Vinh Sơn tiếp cận kể từ khi các cha truyền giáo người Pháp còn ở Việt Nam như đã được lịch sử ghi lại: “Từ năm 1928 đã có các cha Lazariste từ Trung Hoa sang Việt Nam, đến Đàlạt, chủ yếu để lo cho các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, trong công việc tuyên uý, linh hướng (Theo tài liệu các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn). Đến năm 1960 nhân sự ngày càng nhiều. Với ơn gọi hàng đầu: “Bước theo Đức Kitô Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (Luật chung Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn), các cha Lazariste quyết định mở thêm hướng đi: Truyền giáo cho anh em dân tộc thiểu số. Lúc ban đầu các cha tìm đến các anh em Dân tộc Churu ở Krong Pha (Sông Pha) dưới chân đèo Bellvue (Ngoạn Mục). Nhưng sau này, vì hoàn cảnh chiến tranh các cha không thể tiếp tục đến với anh em Churu ở Krong Pha. Qua những lần gặp gỡ, trao đổi với cha Darricau về công viêc truyền giáo anh em Dân tộc, cha Darricau đã thoả thuận với các cha Lazariste: Các cha MEP tiếp tục lo cho anh em Kơho, chủ yếu bên này sông Đa Nhim (Labui, M’răng, M’lon…) còn các cha Lazariste (Vinh Sơn) lo cho anh em Churu, chủ yếu bên Nam sông Đa Nhim (Diom, Kađô, Proh, Kadơn …). Năm 1961, một cha Lazariste, đã đến với anh em Churu ở Diom, cha Cartier, sau đó cha Dulucq, cha Déthune, cha Jacques Gros, sau cùng là cha Berset.” Và sau đó tiếp tục: “Năm 1964 cha Déthune đi Srêboê (ngày nay thuộc vùng Đà Loan) với sự cộng tác của các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Có thể gọi Srêboê là “Trung tâm Thượng” của cha Déthune, từ đó cha đi đến các vùng xung quanh: Tùng Nghĩa, Tà In, Tà Năng… Năm 1968, vì chiến tranh, cha Déthune chuyển Srêboê ra Dagun (gần cầu Đại Ninh). Năm 1970, cha Dulucq đi Kađô. Năm 1972, cha Jacques Gros đi Kadơn với sự cộng tác của các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Cũng trong năm 1972 cha Berset từ trại phong Bến Sắn đến Diom thay thế cha Cartier, CM về Pháp.”[xxiii]
Trước đây đã có các cha Vinh Sơn miệt mài cho vùng truyền giáo này, kế sau các cha người Pháp như cha Alexis Tống Phước Hậu, cha Augustino Nguyễn Hữu Gia, cha Giuse Nguyễn Đức Ngọc. Hiện tại, các cha Vinh Sơn tại đây đã cố gắng tiếp tục phục vụ và giữ gìn các nét văn hóa truyền thống của anh em dân tộc Churu và K’ho. Điều đáng chú ý là các nhà truyền giáo Vinh Sơn cũng đã tham gia trong công trình dịch bản Kinh thánh sang tiếng K’ho và sưu tầm các văn hóa vật thể của đồng bào dân tộc nơi đây.
Truyền giáo cho người Bahnar -Jơlơng: thuộc tỉnh Kon tum, giáo phận Kon tum. Gồm hai cộng đoàn Kon Xơmluh (giáo xứ Kon Xơmluh, gồm 21 làng dân tộc, với số tín hữu: 6.419 người, thuộc sắc tộc. Đó là các làng: Kon Dơnăng, Kon Tơneh, Kon Dơxing, Kon Xơmluh, Kon Longbuk, Kon Klơng, Kon Hơdrâm, Kon Jripen, Kon Rơlang, Kon Xơlak 1, Kon Xơlak 2, Kon Bokdeh, Kon Kơtuh, Kon Xơrek, Kon Kenh, Kon Wăng, Kon Rơxa, Kon Xơmuôn, Dak Tân, Dak Ngo…)[xxiv] và Tân Lập (giáo xứ Đắc Tân) và vùng truyền giáo Măng Bút.
Ngày 01-06-2006, Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh bổ nhiệm cha Gioan Nguyễn Đức Hoà, CM làm chính xứ Kon Xơmluh với 21 làng và 6.419 giáo dân. Từ đây, giáo xứ Kon Xơmluh tách khỏi giáo xứ Kon Jơdreh và trở lại thành giáo xứ độc lập như lúc ban đầu. Kể từ đó cho đến nay anh em Vinh Sơn vẫn tiếp tục xứ vụ truyền giáo cho anh em dân tộc Bahnar tại hai điểm truyền giáo này.
Trước đó, năm 2004 thầy Gioan Nguyễn Đức Hòa, thầy Giuse Lưu Xuân Minh Trường, thuộc Tu Hội Truyền giáo Thánh Vinh sơn đã hiện diện nơi Đăk Tân đầy khó khăn. Kể từ thời điểm đấy, giáo họ Đăk Tân được đón tiếp quý cha quý thầy thuộc Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn qua nhiều nhiệm kỳ. [xxv]
Truyền giáo cho người dân tộc Mường: hiện tại tỉnh dòng có một số anh em đang mục vụ tại giáo xứ Mường Riệc, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, tỉnh Hòa Bình. Đây là một giáo xứ có sự hiện diện đông đảo của các anh chị em dân tộc Mường ở vùng này. Tuy chỉ là một điểm mới nhưng tất cả anh em đã cố gắng để làm sao đời sống tinh thần cũng như vật chất ở đây luôn luôn được thăng tiến trên con đường đạo đức.
Hướng đến tương lai
Hy vọng rằng trong tương lai, các anh em Vinh Sơn sẽ có thể đi xa hơn nữa để truyền giáo cho các anh chị em dân tộc ở các vùng khác, chẳng hạn như cho anh chị em dân tộc Khơme thuộc khu vực Tịnh Biên, An Giang, giáo phận Long Xuyên. Hay phục vụ các anh chị em người Thái, người Tày, Nùng, v.v. thuộc các tỉnh xa, biên giới thuộc giáo phận Hưng Hóa và các giáo phận khác.
Vì vậy, vấn đề truyền giáo này cũng đòi hỏi cần có sự liên kết chặt chẽ với việc mục vụ tại chỗ và lưu động trong thời đại công nghiệp hóa. Khi mà, người trong độ tuổi hay giới trẻ phải về các thành phố lớn để học tập và lao động. Điều này đỏi hỏi các nhà truyền giáo có sự cộng tác giữa các vùng với nhau để giúp cho các nhóm anh chị em dân tộc này.
Chăm lo cho anh chị em dân tộc di dân: mức độ di dân ngày càng nhiều và phức tạp và vì vậy, các cha truyền giáo tại địa phương, ngoài việc mục vụ tại chỗ, có thể liên hệ với các cộng đoàn tại các thành phố quy tụ các nhóm sinh viên, người lao động dân tộc lại thành một nhóm với nhau và có các buổi sinh hoạt mục vụ như thánh lễ, học giáo lý, chia sẻ về đời sống, v.v. cùng với nhau để giúp các anh chị em này cảm nhận được sự chăm sóc và quan tâm cũng như sự nâng đỡ tinh thần khi phải lìa xa quê hương của mình.
Chăm lo giáo dục: chắc hẳn rằng, đây luôn là vấn đề chính yếu, được quan tâm hàng đầu tại các điểm truyền giáo cho các anh em dân tộc. Vì lý do văn hóa, cũng như quan niệm về vấn đề học vấn chưa được đề cao đúng mức, nên các nhà truyền giáo cần quan tâm cổ vũ, cũng như hỗ trợ dưới hình thức học bổng, gởi học ở thành phố… cho các em người dân tộc này, để các em có cơ hội tiếp cận hơn với những hình thức học tập trình độ cao hơn, từ đó giúp cải thiện cuộc sống và nhận thức của các em.
Mục vụ ơn gọi: từ mục vụ giáo dục đến mục vụ ơn gọi gần như là đi đôi với nhau. Khi các em có được học vấn cao, cơ hội gia nhập vào chủng viện, các dòng tu nam nữ sẽ khả quan hơn và từ đó chúng ta mới có những ơn gọi từ các anh chị em này. Tổ chức các nhà nội trú cho các em dân tộc để theo học tại các trường ở thành phố.
Phụng vụ và ngôn ngữ: các nhà truyền giáo cũng được kêu gọi để duy trì và phát huy các truyền thống văn hóa tốt đẹp của các anh em dân tộc trong phụng vụ cũng như đời sống, miễn sao phù hợp với giáo lý và đời sống chung của Giáo hội. Việc học ngôn ngữ cũng được khích lệ học hỏi về những căn bản thông thường, để có thể cử hành thánh lễ, các bài đọc, giảng lễ bằng tiếng dân tộc đó cho bà con, thì luôn được cổ vũ. Chẳng hạn múa Xoang hòa điệu với tiếng cồng chiêng rập ràng của anh em Bahnar trong thánh lễ, cũng là một nét hội nhập văn hóa đặc sắc trong phụng vụ.
Lời kết
Theo Stephen B. Bevan: “Bản địa hóa ám chỉ những gì thuộc bản xứ hoặc thích hợp cho dân tộc cùng với văn hóa của những người ở đó. Thiên Chúa đang mở ra trước mắt Giáo Hội một chân trời nhân loại hết sức thuận lợi cho việc gieo vãi Phúc Âm. Tôi cảm thấy rằng đã đến lúc tất cả năng lực của Giáo Hội cần phải dấn thân vào một việc Tân Phúc Âm hóa, cũng như vào việc truyền giáo Ad Gentes. Không một tín hữu nào tin tưởng vào Chúa Kitô, không một tổ chức nào của Giáo Hội được phép tránh né nhiệm vụ trên hết này: đó là nhiệm vụ phải loan truyền Chúa Kitô cho tất cả mọi dân nước.” [xxvi]
Ngày Thế giới Truyền giáo 10-2021
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM
[1] Truyền giáo cho đồng bào dân tộc tại http://www.simonhoadalat.com/diaphan/MUCVU/thuong.html
[ii] Theo https://gpkontum.wordpress.com/2013/10/21/trung-tam-truyen-giao-cho-nguoi-bahnar-jolong-coi-nguon-dat-to/
[iii]Theo http://danlangho.blogspot.com/2014/05/dan-lang-ho-chuong-i.html
[iv] Nissen, Johannes, Testament in Mission: The Use of the New Methodological and Hermeneutical Reflections. Mision studies 23 (2) 166-199.
[v] Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia), số 21.
[vi]Theo https://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%A2n_t%E1%BB%99c_(c%E1%BB%99ng_%C4%91%E1%BB%93ng)
[vii] Roberto M. Benedito, The Emerging International Standard on Indigenous Peoples’ Rights: Issues and Implications for Mission Work in Third World Countries. Missiology : an international review 24.2 (april) 231.
[viii] Official Definitions of Indigeneity tại https://johansandbergmcguinne.wordpress.com/official-definitions-of-indigeneity/#:~:text=Indigenous%20populations%20are%20composed%20of,settlement%20or%20other%20means%2C%20reduced
[ix] Theo https://www.catholicnews.com/services/englishnews/2019/dialogue-with-indigenous-understanding-that-we-are-simple-stewards.cfm
[x] Theo https://www.ucanews.com/story-archive/?post_name=/2000/04/11/final-statement-of-seventh-fabc-plenary-assembly&post_id=1116
[xi]Theo https://www.daytranslations.com/blog/language-and-culture/#:~:text=Language%20and%20culture%20are%20intertwined,without%20accessing%20its%20language%20directly.
[xii] HĐGMVN, Hiệp Thông, số 62 (tháng 11 & 12/2010), tr 227-235.
[xiii] Frans Wijsen, Frans Jozef Servaas Wijsen, Peter Nissen, ‘Mission is a Must’: Intercultural Theology and the Mission of the Church. Amsterdam, 2002, 45 và xem thêm Gia phả Gia đình Vinh Sơn tại https://vinhson.net/pha-he-gia-dinh-vinh-son.html. Ngoài ra còn cho thấy “Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã viết về Cha Lebbe trong tác phẩm “Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng”(trang 300-303) của Ngài như sau: Hóa nên người Trung Hoa để chinh phục người Trung Hoa. Tuy là người Bỉ, cha Vincent Lebbe (1877-1940) đã tình nguyện dấn thân sang truyền giáo ở Trung Quốc. Suốt bao năm ngày, ngài luôn miệt mài thao thức, suy tư và cầu nguyện trước vấn đề khó khăn: Làm sao để dấn thân truyền giáo và phục vụ xã hội Trung Hoa cho đắc lực. Thế rồi, dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa, câu trả lời đã đến với cha: muốn đến với người Trung Hoa phải trở nên người Trung Hoa thực sự. Cha Vincent Lebbe đã triệt để dấn thân theo đường hướng ấy, từ lối cắt tóc, để râu, ăn mặc cho đến cách suy tư, cử hành phụng vụ, giảng dạy giáo lý (ngài xin nhập tịch Trung Hoa và lấy tên là Lôi Minh Viễn), tất cả đều nhắm một mục đích là làm sao để vừa phù hợp với tâm hồn người Trung Hoa, vừa bảo tồn căn nguyên bản chất Kitô giáo…https://books.google.com.ph/books?id=EfmuC6lO3RsC&pg=PA47&lpg=PA47&dq=saint+vincent+de+paul+and+mission+for+the+indigenous+groups&source=bl&ots=g1F0RXfGHf&sig=ACfU3U0vBYF41ilzM5rL9ioygcZVc6f8hA&hl=en&sa=X&ved=2ahUKEwiam_SS6czqAhXpyosBHZajBXYQ6AEwDXoECA4QAQ#v=onepage&q=saint%20vincent%20de%20paul%20and%20mission%20for%20the%20indigenous%20groups&f=false
[xiv] Theo https://vinhson.net/thanh-justin-de-jacobis-vi-muc-tu-cua-nhung-vung-sa-mac-kho-chay.html
[xv] Đức Giáo Hoàng Piô XI, Thông điệp Summi Pontificatus, Ngày 20-10-1939: AAS 31 [1939], pp. 529.
[xvi] Đức Giáo Hoàng Piô XII, Huấn Từ Với Các Vị Giám Đốc Của Các Tổ Chức Và Các Nhóm Hoạt Động Truyền Giáo, Ngày 24 tháng 6 năm 1944: AAS 36 [1944], pp. 210.
[xvii] FABC, Evangelization in modern day Asia : the First Plenary Assembly of the Federation of Asian Bishops’ Conferences (FABC): statement and recommendations of the Assembly: Taipei, Taiwan, 22-27 April 1974. Số 12 For all the people in Asia, tr11.
[xviii] Ibid số 26, tr 16.
[xix] SV XII, 89-90 (SV: tên viết tắt bộ sách về thánh Vinh Sơn của cha Pierre Coste gồm 14 cuốn, bản tiếng Pháp: Saint Vincent De Paul: Correspondance, Entretiens, Documents).
[xx] Sdd, tr 219
[xxi] Sdd, tr 229
[xxii] Theo http://www.giaophanhunghoa.org/vi/giao-phan/giao-hat-giao-xu/giao-xu–giang-la-pan-o81E2108A.html
[xxiii] Theo http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2003/13Chuong11.htm
[xxiv] Theo https://giaophankontum.com/giao-phan/giao-xu/mien-kontum/giao-hat-kontum/giao-xu-kon-xomluh
[xxv] Theo https://giaophankontum.com/giao-phan/giao-xu/mien-kontum/giao-hat-kontum/giao-xu-dak-tan
[xxvi] Stephen B. Bevans, Models of Contextual Theology (New York: Orbis Books, 1998), 48. According to Schineller, ‘indigenization’ means, “to be a native, one who is born into a particular context or culture. This contrasts, therefore, with the outsider, the translator, or the adapter.” See Peter Schineller, A Handbook of Inculturation, 18.