Tình yêu thương huynh đệ – Lời Chúa Chúa nhật II Phục Sinh – Kính lòng thương xót Chúa – năm B

0
1084

1. Các bài đọc

Bài đọc 1: cv 4:32-35

Trích sách Công vụ Tông đồ: các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên chia sẻ tài sản của mình và không ai bị thiếu thốn.

Đáp ca: Tv 118:2-4,13-15,22-24

Thánh vịnh 118: lòng thương xót của Thiên Chúa tồn tại đến muôn đời.

Bài đọc 2: 1 Ga 5:1-6

Thư thứ nhất thánh Gioan tông đồ: tất cả những ai yêu mến Chúa sẽ giữ giới răn của Người.

Tin Mừng: Ga 20:19-31

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan: ông Tôma tin, vì ông đã nhìn thấy Chúa.

2. Chia sẻ

Cả thế giới hơn một năm nay sống chung với dịch bệnh covid-19. Bên cạnh những cảnh tang tóc chết chóc, thì ở rất nhiều nơi, chúng ta vẫn thấy được bức tranh của tình liên đới giữa các thành phần trong xã hội. Đó là các nhân viên y tế nỗ lực hết mình cứu chữa người bênh. Đó là các các nhân và tổ chức quan tâm lo lắng cho những người thất nghiệp những người thiếu lương thực và đói khổ ở khắp năm châu…

Vào Chúa nhật thứ II Phục sinh hôm nay, chúng ta cử hành lễ kính lòng thương xót Chúa. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta những suy tư rất tích cực, trong bối cảnh hiện tại chúng ta đang sống.

Sự chia sẻ và yêu thương

Trong bài đọc một, sách Công vụ Tông đồ nói về cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Họ đã sống trong tình huynh đệ, người giàu bán đi những của cải của mình, đặt dưới chân các môn đệ, để chia sẻ với những người thiếu thốn. Cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã sống tâm tình của lòng thương xót, khi họ biết quan tâm và chia sẻ với nhau cả tinh thần lẫn vật chất.

Đầu năm nay, năm 2021, trong thông điệp Ngày hòa bình Thế giới, Đức giáo hoàng Phanxicô đã đề ra cho chúng ta “một nền văn hóa của sự quan tâm”, trong bối cảnh giúp đỡ cho những ai bị thiệt thòi vì dịch bệnh covid, trong đó có đoạn viết “Tình liên đới thể hiện một cách cụ thể tình yêu thương đối với người khác, không phải như một tình cảm mơ hồ mà là một “quyết tâm vững chắc và kiên trì hoạt động vì công ích, nghĩa là vì hạnh phúc của mọi người và mỗi người vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm với mọi người”.

Điều này trong thư thứ nhất, thánh Gioan tông đồ cũng đã quả quyết “cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái Thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người” (1 Ga 5,2). Thực hành các điều răn của Chúa, trong đó có điều răn yêu thương. Như thế, tình yêu Thiên Chúa cần được thể hiện bằng sự quan tâm đến người khác, chăm lo cho hoàn cảnh sống của họ, để ý đến những thân phận kém may mắn… Đó chính là thực thi lòng thương xót của Chúa cho mọi người, như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã sống.

Chân lý từ Thiên Chúa

Câu chuyện của ông Tôma trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ ai cũng thuộc lòng từng chi tiết. Ông Tôma đã tỏ ra nghi ngờ thông điệp của các anh em mình và qua đó ông cũng không tin tưởng vào quyền năng phục sinh của Thiên Chúa. Ông tỏ ra hoài nghi. Cái hoài nghi của ông Tôma không thiếu trong cuộc sống thường ngày.

Nhiều người đã tỏ ra nghi ngờ quyền năng của Thiên Chúa, có thể đó là quyền năng tha thứ, quyền năng chữa lành, quyền năng ban ân sủng… Nhiều khi họ nghi ngờ cả Kinh thánh và Giáo lý, cũng như giáo huấn của Giáo hội. Nhưng cuối cùng, ông Tôma đã thấy được chân lý, đó là sự thật, như các tông đồ đã thuật lại với ông, khi Chúa hiện ra. “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Ông Tôma đã thiếu niềm tin nơi anh em mình, dù các ông đã từng sống với nhau và được Chúa Giêsu huấn luyện. Và dường như trong mối tương quan của họ còn chưa thực sự tin tưởng nhau. Vì thế, xây dựng các mối tương quan dựa trên niềm tin là điều rất quan trọng. Trong đó có niềm tin với Chúa và anh chị em với nhau. Một sự hoài nghi có thể xuất hiện ở ngay trong chính tập thể, trong cộng đoàn của mình.

Chúa Giêsu chính là chân lý, như trong bài đọc hai, thánh Gioan đã khẳng định “có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý” (1 Ga 5,6). Vì thế nơi Ngài là sự thật. Câu chuyện của ông Tôma giúp mỗi người nhìn lại đức tin của mình. Những điều gì còn đang làm tôi nghi ngờ về Thiên Chúa và tình thương của Ngài. Có những điều không thể thấy, nhưng tôi có đủ tin rằng Chúa đang thực hiện những điều tốt đẹp cho tôi không?

Ơn bình an

Lời đầu tiên khi Chúa hiện ra với các môn đệ là câu “Bình an cho các con” (Ga 20,21). Bình an của Chúa khác với bình an của con người. Đó là sự bình an tuyệt đối, một thứ bình an nội tâm có Thiên Chúa hiện diện. Kinh nghiệm của ông Tôma nghi hoặc là một sự thiếu bình an nội tâm. Ông không đủ tin tưởng Chúa có thể làm được những điều mà người ta không nghĩ đến.

Ngày nay nhìn vào thế giới, chúng ta cũng cần tìm kiếm bình an. Thế giới này đang thiếu sự bình an giữa những cơn khủng hoảng, mà cũng như trong thông điệp đầu năm mới 2021 Đức giáo hoàng cũng đã cảnh báo “Thật đau lòng khi thấy rằng, bên cạnh nhiều chứng từ về tình bác ái và liên đới, nhiều hình thức khác nữa của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại, cũng như các cuộc chiến tranh và xung đột vốn chỉ gieo chết chóc và hủy diệt, nay lại có thêm lực đẩy.”

Vì thế, Chúa nhật lòng thương xót hôm nay kêu gọi mọi người hãy thực thi tình liên đới với người khác, qua sự quan tâm và tránh những thói dửng dưng, để xây dựng một cộng đoàn Kitô hữu, một cộng đồng nhân loại sống trong bình an và hạnh phúc. Cách thế đó được thể hiện qua lối sống thường ngày của chúng ta. Đó là cách để sống lòng thương xót. Và điều này cần bắt đầu bằng cách quan tâm và yêu thương những người từ trong chính gia đình, cộng đoàn của chúng ta.

Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức giáo hoàng Phanxicô đã mời gọi chúng ta cùng nhau hành động, làm sống lại trong lòng mọi người “một lòng khao khát phổ quát về tình huynh đệ” (s.8), cùng nhau mơ ước (s.9), để “khi đứng trước các mưu toan ngày nay nhằm loại bỏ hay phớt lờ người khác, chúng ta có thể chứng tỏ khả năng đáp trả với tầm nhìn mới về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội…” (s.6).

Xin Chúa Giêsu cho chúng con có một vững tin vững mạnh nơi Chúa và một lòng yêu thương thiết đối với anh chị em của chúng con.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM