Trái tim người mục tử – Lời Chúa Chúa nhật IV Phục Sinh – Lễ Chúa Chiên Lành– năm B

0
1110

1. Các bài đọc

Bài đọc 1: Cv 4,8-12

Trích sách Công vụ Tông đồ: thánh Phêrô đã tuyên bố chữa lành người bệnh nhân danh Đức Giêsu.

Đáp ca: Tv 118,1,8-9,21-23,26,28,29

Thánh vịnh 118: chúc tụng Chúa vì sự tốt lành của Người.  

Bài đọc 2: 1 Ga 3,1-2

Thư thứ nhất thánh Gioan tông đồ: Thiên Chúa mặc khải tình yêu của Ngài cho chúng ta bằng việc kêu gọi chúng ta làm con Thiên Chúa.

Tin Mừng: Ga 10,11-18

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan: Đức Giêsu nói rằng, Ngài là mục tử tốt lành và các con chiên Ngài biết Ngài.

2. Chia sẻ

Chúa nhật thứ IV phục sinh hay còn gọi Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Trong chu kỳ phụng vụ, các bài Tin Mừng được trích từ chương 10 Tin Mừng Gioan và năm nay đoạn trích được dẫn từ đoạn giữa của chương 10. Đó là phần mà Chúa Giêsu tuyên bố mình là mục tử nhân lành.

Chương này theo sau đoạn Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu chữa lành anh mù vừa mới sinh và các lãnh đạo Do thái đã chất vấn Ngài lấy quyền gì để làm việc đó. Để trả lời cho câu hỏi đầy thách đố này, Chúa Giêsu đã gọi mình là mục tử nhân lành.

Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã mô tả mối tương quan của Ngài với những kẻ theo Ngài, giống như mối thân tình giữa chủ chiên và đàn chiên. Chủ chiên sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đàn chiên để bảo vệ đàn chiên “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên” (Ga 10,11). Chủ chiên luôn yêu thương và bảo vệ đàn chiên khi chúng gặp nguy hiểm.

Ngược lại điều ấy, Chúa Giêsu đã nói về kẻ làm thuê không phải là chủ chiên. Vì kẻ làm thuê thì bỏ mặc đàn chiên đối mặt với thú dữ và sự nguy hiểm. Còn chủ chiên đích thực thì không làm như vậy. Ý này Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến những lãnh đạo Do thái đang tìm cách tra vấn Ngài. Hành động của chủ chiên thì hoàn toàn khác hành động của kẻ làm thuê. Giống như các lãnh đạo Do thái đã chẳng làm gì để giúp đỡ những người khuyết tật này, mà thậm chí còn cản trở Chúa Giêsu chữa họ. Vậy họ có tấm lòng nào?

Mối quan tâm của chủ chiên với đàn chiên là một phần trong nghề nghiệp của người mục tử. Thế nhưng, những hành động của chủ chiên thì dựa trên sự tiến triển mối tương quan giữa chủ chiên và đàn chiên. Điều này là cốt cõi của sự khác nhau của mối tương quan giữa chủ chiên và người làm thuê. Vì chủ chiên thì biết đàn chiên của mình và hành động bằng tình yêu thương. Trong khi người làm thuê thì không có được điều này. Tình yêu dành cho đàn chiên làm nên căn tính của một người mục tử tốt lành.

Trong bài đọc 1, thánh Phêrô cũng bị người ta chất vấn về việc người chữa lành một người tàn tật. Phêrô đã cho họ biết rằng “Chính nhờ danh Đức Giêsu Kitô Nadarét”(Cv 4,10). Quyền năng chữa lành đến từ Đức Giêsu, Đấng đã sống lại từ cõi chết. Đấng đã yêu thương con người đến cùng và hiến mạng vì chúng “ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác” (Cv 4,12). Đó chính là hình ảnh của một mục tử đã dám liều mình chết vì đàn chiên, để “chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Cái tâm tình đó là tâm tình của người mục tử tốt lành. Vì không ai có thể làm việc đó ngoại trừ Chúa, đấng là mục tử tốt lành.

Chúa nhật lễ Chúa Chiên Lành mời gọi mọi người hãy sống tâm tình của người mục tử nơi mình đang sống. Đó có thể là nơi chính gia đình, chính giáo xứ, cộng đoàn, tập thể hay bất cứ tổ chức nào mà chúng ta đang thuộc về. Tấm lòng của người mục tử đòi hỏi hành động của tình yêu, chứ không chỉ là những kỹ năng hay chuyên môn. Tình yêu đôi khi nó hành động khác và duy nhất. Cũng là ngày thế giới cầu cho ơn gọi, xin cho mọi người thêm nhiều ơn gọi tu trì nam nữ cũng như nhiều mục tử tốt lành để chăm sóc đoàn Chiên Chúa.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM