Trở nên những tá điền chân chính – Lời Chúa Chúa Nhật XVII Thường niên Năm A

0
931

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Is 5,1-7

Trích sách Tiên tri Isaia: Chúa đã so sánh nhà Israel giống như hình ảnh của vườn nho.

Đáp ca: Tv 79,9 và 12. 13-14. 15-16. 19-20

Thánh vịnh 79: Thiên Chúa bảo vệ vườn nho của Ngài là nhà Israel.

Bài đọc II: Pl 4,6-9

Trích thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê: Thánh Phaolô khích lệ tín hữu Philipphê giữ trung thành với những giáo huấn mà họ đã lãnh nhận từ ngài.

Tin Mừng: Mt 21,33-43

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu: Đức Giêsu kể về dụ ngôn những tá điền bất nhân.

2. Chia sẻ

Hình ảnh vườn nho là một hình ảnh rất thân thuộc với người Do thái, giống như hình ảnh cánh đồng lúa với người Việt Nam vậy.

Hôm nay các bài đọc Lời Chúa gợi lên hình ảnh những vườn nho; hình ảnh giữa ông chủ vườn nho và những người tá điền. Vậy những hình ảnh về vườn nho sẽ gợi lên cho chúng ta điều gì? Thưa nó muốn minh họa một mối tương giao giữa Thiên Chúa và dân của Ngài, giữa Đức Giêsu và các lãnh đạo tôn giáo trong dân Israel về việc nhận biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ.

Quả thật, bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay nối tiếp bối cảnh Tin Mừng của Chúa nhật tuần trước, khi Đức Giêsu đang tranh luận với các lãnh đạo Do thái về sự yếu kém niềm tin nơi các ông. Và hôm nay, Ngài muốn thể hiện điều này rõ hơn, khi kể về dụ ngôn người làm vườn nho.

Trong bài Tin Mừng, chúng ta có thể nhận ra các nhân vật tương ứng: vườn nho là đại diện cho dân Israel; chủ vườn nho là đại diện cho Thiên Chúa; những người đầy tớ đại diện cho các ngôn sứ; những tá điền đại diện cho những vị lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ.

Đức Giêsu chính là đứa con thừa tự của Thiên Chúa đến để thu hoa lợi của vườn nho từ những người tá điền. Nói như vậy, vì có nhiều người Do thái ắt hẳn biết Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế. Họ đã nhận biết rõ điều này như những tá điền nhận biết rõ về đứa con thừa tự của ông chủ vườn nho.

Nhưng sự đố kỵ và độc ác khiến họ trở nên mù lòa đến nỗi nhất quyết không thừa nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, như những tên tá điền quyết không tha cho đứa con thừa tự. Do đó, chính Thánh Phaolô đã nói rằng “nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá” (1 Cr 2,8). Đấy là thánh Phaolô muốn nói tới những người dân thường, còn các thủ lãnh của họ không thể không hay biết gì về sự thật ấy. Nên đây là một sự cố chấp và cứng cỏi của đức tin.

Trong Ga 15,22-25, Chúa Giêsu tuyên bố rằng những kẻ cố chấp này không thể tự bào chữa cho sự ngoan cố của mình bằng bất kỳ lý do nào. Động cơ duy nhất khiến họ rắp tâm hãm hại Chúa chúng ta chỉ có thể bắt nguồn tự sự căm ghét Thiên Chúa và Con của Ngài. Vì thế Thiên Chúa sẽ lấy lại vườn nho, tức là nước Thiên Chúa sẽ bị tước khỏi những kẻ không tin và bất trung và được ban cho những kẻ trung thành. Vì thế,  Lời Chúa hôm nay cho thấy:

Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc vườn nho của mình và mong nó sinh hoa trái tốt

Vườn nho là tài sản của Thiên Chúa, Ngài yêu thương và Ngài chăm sóc để nó sinh hoa trái. Ngài đã làm mọi thứ như xây thành, đắp lũy, đào hào là vì Ngài muốn có được sản phẩm tốt từ vườn nho và để bảo vệ vườn nho an toàn khỏi sự phá hoại của súc vật. Điều này chúng ta thấy rất rõ nơi Bài đọc một, sách ngôn sứ Isaia khi một người kể về tình thương của Chúa dành cho vườn do, tức dân của Ngài. Ngài dành cho vườn nho sự chăm sóc tốt nhất, thế nhưng, hoa lợi Ngài thu được lại là những trái nho dại “trông mong nó sinh quả nho, nhưng nó lại sinh toàn nho dại”. Hỏi vậy sao ông chủ vườn nho không thể đau lòng sao được!

Điều nay minh họa về hình ảnh người Do thái, nhưng cũng là cho chúng ta ngày nay. Đó là chúng ta cũng giống như những cây nho được Chúa yêu thương chăm sóc qua Giáo hội của Ngài. Chúng ta ngay từ nhỏ đã được đến nhà thờ để học giáo lý, học kinh, lãnh nhận các bí tích; hằng ngày hằng tuần đến nhà thờ nghe lời Chúa, nghe giảng Tin Mừng, thế nhưng đôi lúc có những người Kitô hữu lại sinh những ra những việc làm bất chính thay vì những việc làm tốt lành. Thay vì được chăm sóc dạy dỗ từ Giáo hội, thì chúng ta sẽ phải trở nên những người Kitô hữu tốt lành, thì lại trở nên gương xấu, nào là cướp giật, gian dối, lọc lừa, thô bỉ, bất chính…. Và muôn vàn những điều khác tương tự trong xã hội.

Như vậy, điều này giống như những trái nho dại trong đời sống người Kitô hữu. Điều mà Thiên Chúa không mong muốn để có những trái nho như thế. Và một khi vườn nho không được Chúa yêu thương săn sóc thì nó sẽ có cảnh tượng thật xót xa “tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ? Khách qua đường mặc sức hái mà ăn! Heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang” (Tv 80,13-14).

Ngược lại với hình ảnh những trái nho dại thì là những trái nho tốt lành. Đó là những hoa trái được sinh ra từ một đời sống Kitô chân chính. Điều này trong thư thứ hai thánh Phaolô cũng đã nói “hỡi anh em, những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy” (Pl 4, 8). Đấy là những trái nho ngọt, những cây nho sinh hoa trái tốt lành mà Thiên Chúa mong ước. Chúng ta được mong ước để sinh ra những hoa trái ấy.

Thứ đến là trở nên những tá điền công chính

Chính khi chúng ta sống với những phẩm chất tốt lành là cách chúng ta thể hiện sự kính trọng và nhận biết của mình về đứa con thừa tự là Đức Giêsu. Đừng trở nên những kẻ cứng đầu trong câu chuyện tá điền bất nhân, nhưng hãy là những tôi tớ trung thành của Thiên Chúa. Khi ông chủ vườn nho trao gia sản cho tá điền là vì Ngài tin tưởng họ. Nhưng cuối cùng lại là một “cái kết đắng.”

Chúng ta là những người được Chúa trao cho những gia sản là Tin Mừng cứu rỗi. Chúng ta có nhiệm vụ làm cho Tin Mừng ấy sinh hoa trái. Đừng vì sự thù hận đức tin hay toan tính thiệt hơn với Chúa mà đôi lúc chúng ta tìm cách tiêu diệt điều này. Thiên Chúa thử thách lòng trung thành khi Ngài cho chúng ta giàu có, cho chúng ta sung sướng, tiện nghi, cho chúng ta quyền cao chức trọng. Khi ấy Ngài muốn thấy chúng ta còn giữ tinh thần của người được sai đi làm vườn nho hay là muốn “nhảy” lên làm ông chủ. Nghĩa là muốn “chiếm đoạt” những điều thuộc về Thiên Chúa. Hãy khiêm tốn và làm cho vườn nho của Chúa sinh hoa trái. Đừng vì những gì ta có bây giờ mà nghĩ rằng đã được thừa hưởng Nước Trời.

Dụ ngôn này thật hay để thấy một đời sống nội tại – tức cây nho sinh hoa trái tốt và đời sống ngoại tại – những tá điền canh giữ vườn nho của đời sống người Kitô hữu. Chúng ta được mời gọi để sống cả hai chiều kích đó trong đời sống hằng ngày, hầu làm cho Tin Mừng cứu độ của Chúa trở thành những bồn đạp nho ứ đầy những rượu thơm ngon tốt lành.

Hành vi giết người con thừa tự của các tên tá điền bất nhân là hành vi muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Tức là họ muốn phủ nhận ngài là Đấng cứu độ. Các thủ lãnh Do-thái, những kẻ theo đúng lẽ phải làm nhiệm vụ xây nên ngôi nhà của Thiên Chúa đã loại bỏ Đức Giêsu vì không tin vào Ngài.

Nhưng như những gì Kinh Thánh viết, chính viên đá mà họ tưởng rằng có thể bỏ đi ấy sẽ trở nên đá tảng góc tường của một ngôi nhà vững chắc hợp nhất người Do thái với dân ngoại, đó là Hội Thánh Chúa Kitô. Vậy những hành vi nào trong đời sống của tôi đang làm cho tôi loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời tôi? Tôi muốn làm những tá điền bất nhân hay chân chính trong cuộc đời này khi tin theo Chúa?

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM