Có lẽ một trong các nước có truyền thống đón Giáng sinh rất đặc biệt là Phi Luật Tân. Một trong những truyền thống đó là Simbang Gabi và Caroling.
Simbang Gabi là tuần chín ngày, thánh lễ vào lúc rạng đông trước lễ Giáng sinh. Truyền thống này bắt đầu từ ngày 16/12 cho đến ngày trước lễ vọng Giáng sinh, tức nó được diễn ra trong phần thứ hai của Mùa vọng. Như vậy, coi như người công giáo Phi Luật Tân đã bắt đầu mừng lễ Giáng sinh vào phần thứ hai của Mùa Vọng rồi chứ không phải chờ đến lễ Giáng sinh. Vì thế mà việc trang trí Giáng sinh của các nhà thờ, nơi công cộng, các gia đình đều phải kết thúc trước đó. Trong các thánh lễ sáng sớm trong tuần chín ngày này, tất cả đều được cử hành cách trọng thể như mừng chính ngày lễ Giáng sinh, và các bài hát giáng sinh được cất lên trong mọi thánh đường.
Truyền thống này được giới thiệu bởi các giáo sĩ Tây Ban Nha để cho phép các người nông dân tham dự thánh lễ trước khi đi ra nông trại vào sáng sớm. Các thánh lễ được bắt đầu vào lúc 4h sáng. Simbang Gabi cũng được biết bằng tiếng Tây Ban Nha bình dân là Missa de Gallo, hay “lễ của gà trống”, vì lúc sáng sớm này là lúc gà gáy trước khi trời sáng. Các quốc gia Châu Mỹ Latinh gọi là Las Posadas hay “inns”.
Ngày xưa, chuông của các nhà thờ sẽ rung lên sớm lúc 3h sáng để mọi người thức dậy chuẩn bị đến nhà thờ, kịp dự lễ lúc 4h sáng. Vì vậy mà các nhà thờ ở khắp nơi đều mở cửa rất sớm để chào đón giáo dân đến dự lễ Simbang Gabi.
Ngày nay, truyền thống này vẫn còn được giữ dù thành phố hay nông thôn, tuy cách cử hành có thể khác nhau. Các nhà thờ trong những ngày này đều được trang trí với các đèn màu và các trang trí để mừng lễ Giáng Sinh, đặc biệt là hang đá Bê lem. Tuy nhiên, người công giáo Phi Luật Tân không quá chú trọng đến các các hình thức trang trí hang đá quá hoành tráng hay tốn kém hoặc vì thi đua. Họ trang trí rất đơn sơ và sử dụng những sản phẩm của địa phương để trang trí.
Tuy nhiên, một vài nơi vì hoàn cảnh di dân đã có thể cử hành lễ vào chiều tối vì lợi ích của giáo dân. Các cộng đoàn người Phi dù ở đâu trên thế giới cũng đều giữ truyền thống này. Đây là một nét rất đẹp trong đời sống đức tin của người dân Phi Luật Tân.
Sau các thánh lễ sáng này các nhà thờ đều chuẩn bị một chút đồ ăn nhẹ như bánh mì, trà, café, bánh truyền thống để phục vụ mọi người tham dự thánh lễ trước khi họ trở về gia đình và bắt đầu một ngày mới. Hoặc chính người dân mang một chút đồ ăn sáng đến đóng góp để chia sẻ với mọi người và thường lưu lại để chuyện vãn vui vẻ với nhau trước khi ra về.
Simbang Gabi thực sự không chỉ là truyền thống, nhưng đó là một sự chuẩn bị tinh thần để mừng lễ Giáng sinh, kỷ niệm ngày sinh của Đức Giêsu. Các cử hành đó dường như một lời cầu xin ân sủng của Chúa và người dân tin rằng nếu một người dự đủ tuần chín ngày lễ này, các ước nguyện của họ sẽ được Chúa ban cho như ý. Nhưng cũng có truyền thống khác cho rằng, vì đó là cách để họ cùng với các mục đồng và Mẹ Maria thờ lạy Chúa Hài Đồng khi Ngài được sinh ra nơi máng cỏ vào đêm đông lạnh lẽo.
Trong những ngày này, nơi các thánh đường đều rộn rã tiếng cười, tiếng nói. Người dự lễ không chỉ người già hay trung niên nhưng đủ mọi lứa tuổi và thậm chí, ai có con nhỏ thì cũng đều muốn mang chúng đến nhà thờ vào dịp này. Vì vậy, điều này tạo nên một truyền thống đạo đức tốt đẹp nơi các gia đình Công giáo ở đây. Trong những ngày Simbang Gabi, nhà thờ nào cũng đầy ắp người, thậm chí cả đến khuôn viên bên ngoài. Có nơi đông dân công giáo họ phải cử hành lễ ở sân vận động cho các ngày này. Chỉ tiếc có một điều là mùa Giáng sinh tại Philippines thì khí hậu vẫn cũng như mùa hè ở Việt Nam.
Truyền thống thứ hai đón Giáng sinh của người dân quốc đảo này là Caroling. Caroling là việc hát các bài hát Giáng sinh theo tốp hay nhóm. Điều này giống như múa lân ở Việt Nam trong dịp năm mới. Vì người dân tin rằng, khi mời hát Caroling, gia đình sẽ được sung túc và may mắn trong năm mới. Các nhóm chuyên nghiệp có thể được các gia đình hay giáo xứ, tổ chức mời đến hát và biểu diễn khi họ có tiệc mừng Giáng sinh tại gia đình hay giáo xứ. Việc hát Caroling cũng mang lại một nguồn thu nhập nhỏ nhỏ cho nhóm, vì sau khi biểu diễn, người mời sẽ phải tặng cho nhóm một phong bì với tiền thu lao tùy theo hoàn cảnh. Người dân công giáo Phi đặc biệt rất thích mời các chủng sinh đến hát, vì thường các thầy hát có tính chuyên nghiệp hơn và họ tin rằng các thầy có thể mang ơn lành của Chúa đến cho họ trong dịp Giáng sinh và năm mới. Vì vậy, vào mùa Giáng sinh, các chủng sinh ở các chủng viện cũng rất bận rộn với việc tập hát và đi đến với các gia đình.
Có lẽ mùa Giáng sinh ở Phi Luật Tân là dài nhất trên thế giới. Vì họ bắt đầu trước lễ Giáng sinh chín ngày và kéo dài đến Chúa Nhật thứ III của tháng Giêng. Vì Chúa nhật thứ III của tháng Giêng người Công giáo Phi, đặc biệt là tại đảo Cêbu sẽ tổ chức lễ hội Santo Niño (holy child) kính Chúa Hài Đồng. Truyền thống này đã có từ khi các nhà truyền giáo đến đây vào thế kỷ XVI. Theo truyền thuyết, một nhà truyền giáo tên là Ferdinand de Magallanes (Magellan) đến đảo Cêbu, ông đã trồng cây thánh giá tại ngay bờ biển của đảo này và xưng mình là vua Tây Ban Nha. Sau đó ông đã rửa tội cho một nữ chúa đảo và hàng trăm thổ dân. Món quà rửa tội cho vị nữ chúa đảo này chính là tượng Chúa Hài Đồng (Santo Niño). Khi nhận tượng này bà đã nhảy điệu truyền thống Sinulog với tượng Chúa Hài Đồng trên tay và chúc lành cho dân của mình. Điệu nhảy này có truyền thống từ đó cho đến nay. Ngày này đã trở thành lễ hội lớn với các sắc phục sặc sỡ và những điệu nhảy rất đặc sắc và thu hút rất nhiều khách du lịch từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Trong dịp Giáng sinh năm nay, chủng viện Vinh Sơn thuộc tỉnh dòng Philippines cũng đã tổ chức một buổi hòa nhạc tại khuôn viên giáo xứ Santuario de san Vincente để gây quỹ nhằm phục vụ công tác mục vụ của chủng viện. Buổi trình diễn được đóng góp bác ái bởi ca sĩ nổi tiếng của Philippines là Basil Valdez và các bạn. Số tiền bán vé sẽ được dùng vào việc cung cấp bữa trưa, nhu yếu phẩm, thuốc men cho các tù nhân nghèo hoặc bị bỏ mặc vào mỗi Chúa Nhật hằng tuần tại các nhà tù mà các chủng sinh Vinh Sơn đang mục vụ, hỗ trợ các gia đình nạn nhân của Drug War và đào giếng nước ngọt cho các gia đình nghèo ở đảo Polollio, một đảo ngoài khơi Thái Bình Dương, người dân coi như sống ở vùng ngoại biên. Các gia đình nghèo cũng đã được mời dự buổi hòa nhạc này và coi như đó là món quà Giáng sinh cho họ.
“Thực vậy, người nghèo tỏ cho thấy có một sự giàu có không bao giờ cũ, nối mặt đất và Thiên đường và đó là điều thực sự đáng sống: tình yêu.”
(ĐGH Phanxicô – bài giảng Thánh lễ Ngày Thế giới Người Nghèo lần III tại Rôma)
[envira-gallery id=”2625″]
Manila, December 14, 2019
Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, CM