Từ bãi rác đến vinh quang

0
974

Xin dùng tựa đề của một phim tài liệu nói về cha Pedro Opeka, CM. để kể về tiểu sử và những công trình của ngài.

Tuy nhiên, tôi dùng tựa đề “Vinh Quang” ở đây không hề có dụng ý “tôn vinh lẫn nhau” (Ga 5,44), vì cha Pedro Opeka là linh mục cùng thuộc Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn. Nhưng xin trích dịch hai bài viết về cha Pedro để cho anh em trong và ngoài Tu Hội cùng nhìn ngài, để thấy mẫu gương phục vụ người nghèo theo lời Chúa dạy.

Từ đó, hy vọng mỗi chúng ta cùng có thêm sự thôi thúc của tình mến trong lòng hầu tìm tòi và thực hiện những sáng kiến phục vụ người nghèo.

Và tất cả là để tỏ rạng “VINH QUANG THIÊN CHÚA” (Ga 5,44) nơi những người nghèo ta gặp hằng ngày.

Vậy đâu là bãi rác mà cha Pedro đến và đi tìm VINH QUANG THIÊN CHÚA?

Pedro Opeka sinh 29/06/1948 tại San Martin, thuộc vùng ngoại ô của Ác-hen-ti-na. Cha mẹ Pedro đã di cư từ Slovenia tới San Martin để tránh chế độ độc tài của Ti-tô. Cậu đã học nghề thợ nề từ cha của mình, và cậu cũng có năng khiếu về bóng đá. Pedro biết sử dụng tiếng Slovenia, Tây-ban-nha, Pháp, Ý, Anh, và thổ ngữ của quần đảo Madagasca.

Pedro Okea lãnh nhận thiên chức linh mục 28/12/1975, và là thành viên của Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn.

Năm 15 tuổi, Pedro vào chủng viện và được đào tạo trong 20 năm ở Ljublijana, Slovenia Yugoslavia, quê quán của cha mẹ cậu. Thầy là người đầu tiên phục vụ tại Madagasca vào năm 1970, như một thợ xây tại các giáo xứ do các thừa sai Vinh Sơn coi sóc.

Sau khi lãnh tác vụ linh mục, cha Pedro được bổ nhiệm đến Vangaindrano, một giáo xứ miền quê ở vùng đông-nam Madagasca. Năm 1889, cha Pedro đã thuyên chuyển từ Vangaindrano tới Antananarivo, thủ đô của Madagasca, để điều hành chủng viện của Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn.

Tại thủ đô Antananarivo này, có hàng ngàn gia đình phải sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực. Người ta gọi họ là “những con người rác rưởi”. Một phần nhóm người này đã bị chính quyền đưa ra khỏi trung tâm thành phố đến những ngọn đồi của vùng Ambohimahitsy và Andralanitra, nơi mà không hề có sự viện trợ nào dành cho họ.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi tại thế đã từng đến thăm Madagasca và năm 1989 (từ 29/4 đến 2/5). Trong suốt chuyến viếng thăm này, cha Pedro đã đồng hành cùng nhóm người đông đảo các bạn trẻ đến tiếp kiến Đức Giáo Hoàng. Hôm ấy, có một bé gái, cõng theo em trai của mình trên lưng, không biết bằng cách nào đã vượt qua được hàng rào bảo vệ của cảnh sát và tiến đến gần Đức Giáo Hoàng đang ở trên giảng đài. Đức Giáo Hoàng đã đón cô bé trong vòng tay của mình và, cha Pedro cảm nhận: “Đức Giáo Hoàng như thể đã ôm tất cả những người nghèo khổ trên thế giới vào lòng mình.” Từ lúc đó, cha Pedro hướng sự phục vụ của mình đến đối tượng là những người nghèo khổ ấy.

Năm 1989, tại bãi rác Antananarivo, thủ đô của Madagascar. Người nghèo, sau khi bị trục xuất khỏi các thành phố và cánh đồng, đã xem bãi rác này là nơi ẩn náu cuối cùng của họ. Họ đào giữa những mảnh vỡ để tìm kế sinh nhai. Những đứa trẻ ngủ trong khi đầy ruồi nhặng phủ trên người chúng. Ở đó, khi những người già, người trẻ chết, không có ai bận tâm chôn cất họ. Gái mại dâm đầy dẫy. Những hình ảnh này, của đàn ông, phụ nữ và trẻ em sống trong điều kiện vô nhân đạo, đã làm tan nát trái tim của cha Opeka. Vì vậy, cha bắt đầu tìm cách giúp đỡ những người nghèo.

Nhờ một số viện trợ, lần đầu tiên nhận được từ các cộng đồng tôn giáo địa phương, Cha Pedro đã có thể phát triển ý tưởng của mình bằng cách giúp mọi người tìm ra đường lối tự giúp mình. Có một mỏ đá granit gần bãi rác. Bất cứ ai sẵn sàng làm việc ở đó đều có thể sản xuất gạch, phiến và sỏi, khi được bán, sẽ chỉ đủ để mua gạo và nuôi dưỡng gia đình. Theo cách này, dưới sự hướng dẫn của Cha Pedro, cư dân của bãi rác đã được gắn kết, bắt đầu bán và, với công việc của họ, một chút hy vọng đã xuất hiện.

Công trình tuyệt vời này nói lên điều đó:

–         25.000 người được hưởng lợi từ dự án xã hội và sống ở các làng Akamasoa (có nghĩa là “những người bạn tốt”). Mỗi làng này đều có trường học, trạm xá và nơi làm việc cho người lớn: mỏ đá, nề, mộc, nông nghiệp và thủ công.

–         30.000 người nghèo đến Akamasoa mỗi năm để tìm kiếm sự giúp đỡ cụ thể: thực phẩm, thuốc men và quần áo.

–         13.000 trẻ em được hưởng lợi từ nền giáo dục chính quy, nhờ các trường học được xây dựng.

–         3.000 ngôi nhà đã được xây dựng.

Vào năm 2014, Akamasoa được Nhà nước công nhận là một dự án lợi ích công cộng, xác nhận sự cần thiết của sự hiện diện và hành động của nó trong chức năng xã hội nói chung trên đảo.

Madagasca, điểm truyền giáo mà đương thời, thánh Vinh Sơn đã rất thao thức muốn truyền giáo. Đương thời, ngài đã quyết tâm gởi những nhà thừa sai của Tu Hội đến đấy để truyền giáo, dù có người chưa đi được đến nơi thì đã phải bỏ mạng trên biển.

Tạ ơn Chúa, nay quần đảo ấy đã có được cha Pedro, một trong số nhiều thợ gặt lành nghề, nhiệt tâm trên cánh đồng truyền giáo Madagasca. Cha đã cùng cộng tác với nhiều người để cho những BÃI RÁC hôi thối: BÃI RÁC của sự loại thải, BÃI RÁC của sự nghèo đói, BÃI RÁC của những tệ nạn, BÃI RÁC của sự suy đồi luân lý, BÃI RÁC của sự thiếu hụt tình thương,… sáng lên ánh VINH QUANG của Chúa.

Còn bao nhiêu “BÃI RÁC” tăm tối khác như ở Antananarivo cần được cải tạo thành những cánh đồng màu mỡ, để tạo nên những đồng lúa tốt tươi, để thắp lên ánh VINH QUANG của Chúa ? Ai sẽ là người thợ đi cải tạo đất? Ai sẽ là người gieo? Ai sẽ là thợ gặt của Chúa?

  Đằng Giao trích dịch