Từ chối truyền chức cho những người đồng tính?

0
1844

Jeffrey A. Mirus

Tôi không đề cập đến chi tiết cụ thể, nhưng mỗi khi Vatican đưa ra chỉ thị tuyên bố rằng: những người có khuynh hướng đồng tính rõ ràng không được tiếp nhận vào chức linh mục, thì sẽ có rất nhiều bài báo – bao gồm một số bài trên chính tờ L’Osservatore Romano (Quan Sát Viên Rôma) – trong đó các tác giả cậy dựa vào chính mình để bảo đảm chúng ta hiểu rằng, phải có (thường xuyên một cách không nghi ngờ) những ngoại lệ đối với mọi quy luật.

Bây giờ, tôi mời bạn so sánh điều này với một phản hồi cho bài bình luận gần đây của tôi đề xuất năm điều mọi người công giáo có thể làm để chấm dứt cuộc khủng hoảng về lạm dụng. Tôi đã lập luận rằng, “nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng về lạm dụng là cái nhìn méo mó của chúng ta về bản năng tính dục của con người”“nguyên nhân đặc biệt của khủng hoảng là sự kết hợp giữa rối loạn tình cảm như thế với sự phủ nhận rộng rãi rằng những khuynh hướng đồng tính luyến ái về cơ bản là bị rối loạn, và những hành vi đồng tính luyến ái về cơ bản là sự dữ”. Và hơn thế nữa: “Người ta không thể che giấu một cách đáng tin cậy đặc điểm đồng tính luyến ái [của cuộc khủng hoảng lạm dụng] bằng cách chia nhỏ hành vi đồng tính luyến ái thành các nhóm tuổi mục tiêu và làm mờ đi thực tế của nó bằng các tên gọi lâm sàng. Ngày nay, người ta không thể đề cập một cách đáng tin cậy đến “lạm dụng của giáo sĩ” (như báo chí thế tục muốn làm) mà không xác định bản chất đồng tính áp đảo của nó.”

Độc giả của chúng tôi nhìn chung nhất trí về những điểm này, nhưng một số ý kiến trái ngược lại cho rằng tôi đã giăng lưới quá rộng, rằng những người đồng tính luyến ái không nhất thiết hoặc thậm chí phần lớn là “quái vật ấu dâm”, và do đó đánh giá của tôi là hoàn toàn không công bằng. Những nhận xét này đạt tới sự đầy đủ với những tham chiếu đến tất cả những người đồng tính nam mà các phóng viên biết, những người đã có mối quan hệ lâu dài với những người đồng tính nam khác ở cùng độ tuổi.

Ngụy biện chồng chất ngụy biện

Trước khi tiếp tục nói về các phán quyết được lặp đi lặp lại của Giáo hội về vấn đề này, tôi muốn loại bỏ ba cách ngụy biện khác nằm ở gốc rễ của thách đố này, một thách đố mang tính cảm tính hơn là phân tích, và mang tính văn hóa hơn là cảm xúc thực sự.

  • Ngụy biện thứ nhất. Những giả định không thể chứng minh được: Khi chúng ta nhìn thấy những người đồng tính nam trong những gì chúng ta có thể gọi là cam kết vào những mối quan hệ bình đẳng, điều này không nói cho chúng ta biết gì về những biểu hiện khác của rối loạn tình cảm cơ bản của họ, những biểu hiện có thể được cố tình che giấu. Tất nhiên, điều này đúng với mọi tình huống, nhưng nó còn có ý nghĩa hơn nhiều khi chúng ta tương giao với những người đang cố tình theo đuổi một thứ rối loạn tình cảm thực sự dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt là trong một nền văn hóa lên án bất công một cách sâu sắc về việc hạn chế thực hiện hành vi đồng thuận của bất kỳ hình thức ham muốn tình dục. (Trong mọi trường hợp, công bằng mà nói, ít nhất là mối liên hệ chặt chẽ giữa đồng tính luyến ái và ấu dâm đã được công nhận trong nhiều thiên niên kỷ).
  • Ngụy biện thứ hai. Điều kiện văn hóa: Ngay cả sự phẫn nộ chính đáng đối với “quái vật ấu dâm” cũng có điều kiện về mặt văn hóa ở chỗ nó chỉ coi ấu dâm là một điều ác mang tính cá biệt. Đã có những nền văn hóa (bao gồm cả nền văn hóa Hy Lạp cổ đại) mà nơi đó, ấu dâm không được xem là ghê gớm chút nào. Cũng có những nền văn hóa trong đó hành vi đồng tính luyến ái giữa những người trưởng thành bị coi là ghê tởm. Vấn đề quan trọng không phải là phản ứng theo bản năng hay cảm xúc có điều kiện văn hóa của chúng ta đối với một hành vi, nhưng là tính luân lý hay vô luân của hành vi đó. Quan điểm của chúng ta về đạo đức tính dục cũng không được phụ thuộc một cách độc đoán hoặc thậm chí chủ yếu dựa vào sự đồng thuận được cung cấp một cách tự do.
  • Ngụy biện thứ ba. Bản chất của lạm dụng: Trái ngược với bức tranh thuận lợi, cuộc khủng hoảng lạm dụng không phải là cả dị tính luyến ái lẫn đồng tính luyến ái, cũng không chủ yếu là khủng hoảng ấu dâm. Phần lớn các trường hợp xảy ra là giữa các linh mục và những cậu bé đến tuổi dậy thì lớn, hoặc những thanh niên trong độ tuổi từ khoảng 13 – 18 hoặc lớn hơn, bao gồm cả các chủng sinh, nơi mà sự “lạm dụng” thường tiếp diễn như là quan hệ đồng tính đồng thuận, và sau đó biểu hiện trong các vòng quan hệ giáo sĩ đồng tính. Nhưng ở một độ tuổi nhất định, tất cả những điều này (trong nền văn hóa của chúng ta) không còn bị xếp vào loại lạm dụng. Một lần nữa, chúng ta lo lắng về sự đồng thuận – thiếu sự đồng thuận, sự đồng thuận bị giảm đi của kẻ dưới với bề trên và sự đồng thuận một cách “tự do” của những người “trưởng thành đầy đủ” có rối loạn tình cảm.

Thời gian chuyển tiếp: thập giá rất chân thực của ham muốn đồng tính

Nhiều độc giả không hài lòng với sự nhấn mạnh đến rối loạn tình cảm đồng tính này, vì họ sợ nó che dấu đi sự thiếu vắng hoàn toàn lòng thương cảm đối với những người chịu đau khổ từ việc này. Điều đó thì không phải như vậy. Một lần nữa tôi kêu gọi sự quan tâm từ các độc giả đối với bài viết rất thích hợp này, tôi đã viết về vấn đề này vào năm 2010: Tình trạng đồng tính luyến ái: một tiếng kêu đặc biệt đến tình yêu của Thiên Chúa và con người. Tôi khuyến khích mọi người hãy đọc bài viết đó trước khi thực hiện bất cứ giả định nào.

Những người chịu đau khổ với nỗi đớn đau này và tìm cách giữ sự trong sạch đáng được chúng ta thông cảm và hỗ trợ một cách toàn tâm toàn ý. Nhưng những gì tôi đang xem xét ở đây là cuộc khủng hoảng lạm dụng của hàng giáo sĩ, những nguyên do của nó, và đường hướng giải quyết. Con đường này dẫn chúng ta đi đúng hướng qua việc sắp xếp lại những thái độ về văn hóa của chúng ta đối với vấn đề tính dục, bắt đầu với ý nghĩa hôn ước của thân thể con người, và sự xuyên tạc trắng trợn về ý nghĩa đó trong cả phương pháp ngừa thai nhân tạo và tình trạng đồng tính luyến ái – những vấn đề đang tràn lan châm vào kiểu mẫu đồng tính nam đặc thù về việc lạm dụng đã đưa Giáo Hội đến tình trạng nguy hiểm, nếu không mau chóng thoát ra khỏi tình trạng nguy hiểm đó.

  • Ngụy biện thứ tư. Còn có một ngụy biện thứ tư khi phản đối cách mô tả của tôi về vấn đề lạm dụng, và điều này đơn giản là: Những người nghĩ rằng, việc tôi nhấn mạnh về tình trạng đồng tính luyến ái thì đi quá xa hoặc không thực tế, hoặc là một cảm giác miễn cưỡng để phủ nhận rằng: những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái không được giả định để được thu nhận vào chức linh mục ngay từ ban đầu. Giáo Hội đã không ra lệnh rằng: những người ấu dâm chắc chắn không được nhận vào chủng viện. Giáo Hội đã ra lệnh – và mệnh lệnh được lặp đi lặp lại nhiều lần rằng – những người rõ ràng bị ảnh hưởng bởi rối loạn tình cảm được biết đến như là đồng tính luyến ái phải bị xét là thiếu ơn gọi linh mục, và chắc chắn không bao giờ được nhận vào đào tạo ở chủng viện hoặc bị sa thải khỏi đó, và chắc chắn không được truyền chức trong thời kỳ chuẩn bị thụ phong.

Câu chuyện mới về luật cấm này vẫn còn bị những người tự cho là mình biết rõ hơn đã bỏ qua trong thực tế, bắt đầu với Tông huấn của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về chức linh mục, Pastores Dabo Vobis, vào ngày 25/03/1992. Thánh nhân đề cập đến một phần quan trọng về tình cảm, và được kết nối một cách rõ ràng với thần học về thân thể. Đây là nền tảng đương đại, vì vậy tôi sẽ trích dẫn những đoạn quan trọng nhất:

Số 44: Sự trưởng thành về mặt tình cảm giả thiết đã đạt được ý thức về vị trí trung tâm của tình yêu trong cuộc sống con người.

Tình yêu được đề cập ở đây là một tình yêu bao gồm toàn thể ngôi vị con người, trong những chiều kích và những khía cạnh thể lý, tâm lý và thiêng liêng của con người, một tình yêu được diễn đạt trong “ý nghĩa hôn ước” của thân thể con người, nghĩa là, nhờ thân thể, con người tự trao hiến mình cho người khác và đón nhận người khác… Chúng ta cần ghi nhận rằng, có một bầu khí xã hội và văn hoá phổ biến trong đó “đại đa số tầm thường hoá tính dục con người, cắt nghĩa tính dục con người một cách giản lược và nghèo nàn, chỉ đem móc nối tính dục với thân xác và với lạc thú ích kỷ…”

Trong một bối cảnh như thế, điều khó hơn nhưng cũng bức bách hơn, đó là bảo đảm có được một nền giáo dục về tính dục thật sự và trọn vẹn thiết thân cho từng cá nhân, một nền giáo dục dẫn đến sự quý chuộng cũng như lòng yêu mến đối với đức khiết tịnh, “là nhân đức phát huy sự trưởng thành đúng đắn đích thực của ngôi vị nhân linh, làm cho con người có khả năng tôn trọng và thăng tiến ‘ý nghĩa hôn ước’ của thân thể”.

Giáo dục cho con người có được tình yêu đầy trách nhiệm và làm cho con người trưởng thành về mặt tình cảm là những gì tuyệt đối cần thiết cho những người được mời gọi sống đời linh mục cũng như sống bậc độc thân, nghĩa là được mời gọi, với ân sủng của Chúa Thánh Thần và nhờ sự đáp trả tự do bằng ý muốn của riêng mình, hiến dâng toàn thể tình yêu và sự chú tâm của mình cho Đức Giêsu Kitô và cho Giáo Hội. Nhằm mục đích dấn bước sống đời độc thân, sự trưởng thành về mặt tình cảm phải có thể hội nhập vào trong những mối quan hệ nhân sinh, như tình bạn lành mạnh và tình huynh đệ sâu xa, một tình yêu nồng nhiệt, sắc bén và tự thân đối với Đức Giêsu Kitô.

Vì đặc sủng độc thân vẫn giữ nguyên những nghiêng chiều của tình cảm và những thúc đẩy của bản năng: do đó, các ứng sinh linh mục rất cần đến một sự trưởng thành về mặt tình cảm, nhờ đó mới có khả năng sống thận trọng, từ khước tất cả những gì có thể làm phương hại sự trưởng thành ấy, biết cảnh tỉnh về thể xác cũng như tinh thần, có được thái độ quý chuộng và tôn trọng những tương quan liên vị giữa những người nam và người nữ.

Luật cấm

Bây giờ chúng ta chuyển sang việc cấm thu nhận vào chủng viện và truyền chức linh mục cho những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái rõ ràng. Nói cách khác, nếu có bằng chứng rõ ràng về điều đó, thì tình cảm đồng tính này phải được coi là cơ sở để từ chối. Vấn đề đương đại này đã được giải quyết lần đầu tiên vào năm 2002 trong câu trả lời cho câu hỏi của một giám mục, được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích trả lời vào ngày 16 tháng 5:

“Việc truyền chức phó tế và chức linh mục cho những người đồng tính luyến ái hoặc những người nam có khuynh hướng đồng tính luyến ái là hoàn toàn không thích hợp và không thể xem thường, và theo quan điểm mục vụ thì rất mạo hiểm. Do đó, một người đồng tính luyến ái hoặc một người có khuynh hướng đồng tính luyến ái không thích hợp để lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh.”

Sau đó, phản ánh rõ ràng tư tưởng của thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong năm đầu tiên của triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã phê chuẩn một Huấn thị Về Chức Linh Mục và Những Người Có Khuynh Hướng Đồng Tính do Bộ Giáo dục Công giáo ban hành (tháng 11 năm 2005). Bản văn này giải quyết câu hỏi về khuynh hướng đồng tính luyến ái liên quan đến cương vị làm người cha tinh thần, thừa tác vụ có chức thánh, và sự biện phân trong việc lựa chọn các ứng viên. Bản văn nói rất rõ ràng rằng:

“Trong ánh sáng của giáo huấn này, Bộ Giáo Dục, đồng thuận với Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, tin rằng cần tuyên bố một cách rõ ràng rằng Giáo Hội, trong khi tôn trọng một cách sâu xa những người đồng tính, không thể nhận vào chủng viện hay chức thánh những ai thực hiện tình trạng đồng tính luyến ái, biểu lộ khuynh hướng đồng tính sâu bền hay ủng hộ cái gọi là “văn hóa đồng tính”. [10]

Thật vậy, những người như thế cho thấy rằng chính họ ở trong một tình huống ngăn trở một cách nghiêm trọng, không thể tương quan một cách đúng đắn với nam giới và nữ giới. Người ta không cách nào có thể bỏ qua hậu quả tiêu cực có thể xảy đến do việc truyền chức cho những người có khuynh hướng đồng tính sâu bền.

Tuy nhiên, vấn đề sẽ khác đi, với trường hợp khuynh hướng đồng tính chỉ là sự diễn tả của một vấn đề tạm thời – thí dụ, trường hợp của một người có thời thiếu niên hơi đồng tính. Dẫu sao, khuynh hướng đồng tính này phải được khắc phục một cách rõ ràng ít nhất là ba năm trước khi được truyền chức phó tế.

Một đoạn nhỏ, trong phần phân định, Huấn thị tuyên bố rằng:

“Trong sự phân định về sự thích hợp với chức thánh, cha linh hướng có một vai trò quan trọng. Mặc dù buộc phải giữ bí mật, vị này đại diện cho Giáo Hội ở tòa trong. Khi thảo luận với ứng viên, cha linh hướng phải chỉ ra một cách đặc biệt các yêu cầu của Giáo Hội liên quan đến đức khiết tịnh linh mục, và sự trưởng thành tình cảm, vốn là một đặc điểm của người linh mục, cũng như giúp ứng viên phân định liệu người ấy có phẩm chất cần thiết hay không [20]. Cha linh hướng có bổn phận đánh giá tất cả các phẩm chất về nhân cách của ứng viên, và bảo đảm rằng ứng viên không có rối loạn về bản chất tính dục, vốn là không tương hợp với chức linh mục. Nếu một ứng viên có thực hiện hành vi đồng tính hay có khuynh hướng đồng tính sâu bền, cha linh hướng cũng như cha giải tội của ứng viên phải có nhiệm vụ thải hồi ứng viên đó không được truyền chức thánh, theo lương tâm của mình.”

Tài liệu tiếp tục nói rằng các ứng viên được phong chức tự chịu trách nhiệm nghiêm trọng về vấn đề này:

“Tất nhiên, chính ứng viên chịu trách nhiệm đầu tiên cho việc huấn luyện chính mình [21]. Ứng viên phải sẵn sàng tin tưởng vào việc phân định của Giáo Hội, của giám mục là người kêu gọi ứng viên vào chức thánh, của cha giám đốc chủng viện, của cha linh hướng, và của các nhà giáo dục ở chủng viện – những người đã được vị giám mục hay bề trên thượng cấp trao phó công việc huấn luyện các linh mục tương lai. Thật là bất lương nếu ứng viên che giấu sự đồng tính luyến ái của mình, để bất chấp mọi sự mà tiến đến chức thánh.”

Quy luật hôm nay

Bất chấp luật cấm này vào năm 2005, sự nhầm lẫn được cố tình gây dựng vẫn tiếp tục ngự trị và luật cấm đã phải được tái xác nhận trong một Lá thư gửi các giám mục trên thế giới từ Bộ trưởng Ngoại giao Vatican vào tháng 5 năm 2008. Hình như, bất kể Giáo hội đưa ra quan điểm của mình về điều này rõ ràng như thế nào, thì vẫn có rất nhiều người trong Giáo Hội bị lệ thuộc văn hóa không thể tin điều đó thực sự đúng. Trên thực tế, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn: Bất chấp những phán quyết như vậy, những người đồng tính luyến ái rõ ràng và công khai vẫn thường xuyên được chịu chức mà không che giấu thực tế đó bằng bất kỳ cách nào!

Như thể điều này là không đủ, vào năm 2016, Bộ Giáo sĩ phải đưa ra quan điểm một lần nữa. Vào tháng 12 năm đó, chính Đức giáo hoàng Phanxicô đã ra lệnh xuất bản cuốn sách mới về “ratio fundamentalis” (Chỉ nam đào tạo) của Thánh Bộ nhằm hướng dẫn tất cả việc đào tạo linh mục. Đây là bản sửa đổi chỉ nam trước đó được ban hành vào năm 1985, lúc đó là bản sửa đổi nguyên lý của bản được ban hành năm 1970. Văn bản điều chỉnh hiện tại này được ban hành vào Ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chỉ cách đây chưa đầy hai năm, và có tên là Hồng Ân của Ơn gọi Linh mục.

Ngoài việc đề cập đến các chiều kích nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ của việc đào tạo linh mục, vì những lý do hiển nhiên, Thánh Bộ cảm thấy cần thiết phải đưa các ghi chú cụ thể vào phần “Tiêu Chí và Chuẩn Mực” không chỉ về sức khỏe tâm lý (VIII, b.2 ) nhưng về “Người Có Khuynh Hướng Đồng Tính Luyến Ái” (VIII, c). Ở đây, vào năm 2016, văn bản trước của hướng dẫn năm 2005 được trích dẫn gần như nguyên văn và không thay đổi ý nghĩa (x. 199,200).

KẾT LUẬN

Điều quan trọng là mọi người phải nhận ra rằng: kỷ luật hiện tại của Giáo Hội, dựa trên cơ sở thừa nhận các nguyên lý tự nhiên, tâm lý và thần học sâu sắc hơn, không chỉ cấm những người có hành vi đồng tính luyến ái mà cả những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái sâu bền. Tôi đã sử dụng thuật ngữ “rõ ràng” để mô tả xu hướng đồng tính luyến ái như thế bởi vì mục đích đặc biệt của lệnh cấm là loại bỏ khỏi sự cân nhắc của bất kỳ ai biểu hiện nhiều hơn một khuynh hướng đang trải qua, mà làm tiêu tan khuynh hướng đó trong quá trình phát triển bình thường của con người, và điều đó được thiết lập để không còn hiện diện dưới bất kỳ hình thức nào vài năm trước khi được thụ phong, ngay cả cho phó tế.

Tôi hy vọng rằng, các văn bản liên quan trong tầm tay của một ai đó sẽ trở nên hữu ích. Nhưng trong bối cảnh của bài bình luận đặc thù này, mục đích của tôi là kêu gọi sự chú ý đến ngụy biện thứ tư của những người cho rằng tôi đã giăng lưới quá rộng khi cứ khăng khăng rằng những người đồng tính luyến ái phải bị loại khỏi thiên chức linh mục, như một phản ứng đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng. Đối với các nhà phê bình, dường như họ đã quên – hoặc từ chối thừa nhận – rằng những người đồng tính luyến ái bị cấm đón nhận việc thụ phong ngay từ đầu.

Vì vậy, một cách chắc chắn, việc từ chối tuân thủ quy luật này chính là một sai lầm, và đúng hơn là cố tình nuôi dưỡng bầu không khí mà Giáo Hội chính thức tìm cách loại bỏ. Vì cả Huấn thị năm 2005 và Chỉ nam đào tạo năm 2016 đều nêu rõ trọng điểm: “Người ta không cách nào có thể làm ngơ bỏ qua hậu quả tiêu cực có thể xảy đến do sự truyền chức những người có khuynh hướng đồng tính sâu bền”.

(Trích Mệnh lệnh canh tân, các bài viết về việc canh tân Giáo hội

Nhóm dịch thuật Durando chuyển ngữ)