Tu Hội Truyền Giáo là bằng chứng về các hoạt động đa dạng của Chúa Thánh Thần, được thể hiện trong sự sáng tạo mục vụ của thánh Vinh Sơn Phaolô. Không còn nghi ngờ gì nữa, với sức mạnh của đôi tay và mồ hôi trên trán (CCD XI, 32), người cha của lòng bác ái này đã đảm nhận lệnh truyền của Chúa: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Sau khi được mặc lấy Thần Khí của Chúa Kitô, Đấng đã khai sáng tâm trí và làm rung động con tim ngài (CCD VI, 166), thánh Vinh Sơn tiếp tục công việc của Con Thiên Chúa ở Pháp và trên khắp thế giới. Điều này đã được thực hiện bởi Tu Hội mà ngài thiết lập vào thế kỷ 17, với mục đích rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.
Loan báo Tin Mừng là một lời mời gọi truyền giáo mạnh mẽ, được thánh Vinh Sơn biểu lộ khi tuyên bố: “Chúng ta hãy dâng mình cho Chúa để ra đi khắp thế giới, loan báo Tin Mừng của Người” (CCD XI, 365). Nếu như điều này không xảy ra, thì căn tính của Tu Hội sẽ bị che mờ, các ân huệ của nó sẽ hao mòn và sự tận hiến của các thành viên để phục vụ người nghèo sẽ ra suy yếu. Ra đi khắp nơi trên thế giới giả thiết một ý thức truyền giáo, tức là mở lòng ra với các dấu chỉ của thời đại và liên tục đọc đi đọc lại các hình thức đói nghèo mới (chẳng hạn, sự xuống cấp về đạo đức và nhân bản của những người tị nạn). Những thách đố tông đồ của chúng ta là rất lớn. Tuy nhiên, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng đã hứa nâng đỡ chúng ta, càng trở nên rõ ràng hơn trong những lúc hiểm nghèo (thậm chí chúng ta có thể cầm được rắn trong tay hay uống nhằm thuốc độc (Mc 16,18).
Động lực tông đồ của thánh Vinh Sơn được sản sinh một cách thiêng liêng từ việc lắng nghe Lời Chúa và từ việc đưa đẩy sứ vụ của ngài đi vào đêm tối của người nghèo. Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong năm 1617, khi Vinh Sơn giảng bài giảng của mình ở Folleville, cũng như trong nhiều sáng kiến bác ái, được triển khai ở thành phố đó như là kết quả của công cuộc giảng đại phúc ở đó. Dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, đặc sủng ấy không chỉ tỏa sáng qua sứ vụ của Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, mà còn qua nhiều ngành trong Gia đình Vinh Sơn trên toàn thế giới. Ngày nay, Gia đình Vinh Sơn thể hiện đặc sủng ấy như là một mạng lưới bác ái toàn cầu, phục vụ nhân danh người nghèo.
Từ những nơi xa xôi nhất mà chúng ta chưa thể hiện diện, thánh Vinh Sơn tiếp tục nói với chúng ta: Hãy chú ý, hỡi các nhà truyền giáo thân yêu. Tu Hội chỉ có lý do tồn tại khi dấn thân vào công cuộc rao giảng Tin Mừng. Hãy cẩn thận để đặc sủng của chúng ta không trở thành một loại “biển chết”. Thật thế, đặc sủng của chúng ta thì ngược lại; nó là một dòng sông trong suốt và chảy trôi không ngừng. Nếu căn tính của đặc sủng này là bác ái và nếu sứ mạng của Tu Hội là rao giảng Tin Mừng nhân danh người nghèo, thì khi đó, đừng đứng yên một chỗ nhưng hãy ra đi và loan báo Tin Mừng cho mọi người, đến tận cùng thế giới. Đừng quên thánh Vinh Sơn đã nói với chúng ta rằng sự bất trung đối với đặc sủng sẽ cướp đi khỏi Tu Hội mục đích của nó và Tu Hội sẽ sớm biến mất.
Giống như Con Thiên Chúa đã xem sự thành công của sứ vụ như là phát sinh từ việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo và từ sự kiện là những kẻ bị giam cầm được trả tự do (Lc 4,18), thánh Vinh Sơn cũng nhận thấy đặc sủng của chúng ta được chứng thực khi Tu Hội dấn thân vào hoạt động bác ái, cũng như khi ơn cứu độ được công bố cho người nghèo. Đặc sủng bác ái vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi! Con người và bối cảnh lịch sử sẽ thay đổi, nhưng bác ái sẽ không bao giờ chấm dứt. Đặc sủng của chúng ta giống như một dòng sông không bao giờ ngừng chảy… đó là công việc của Thần Khí, Đấng muốn thổi đi đâu thì thổi (Ga 3,8).
Adriano Sousa Santos, CM
Tỉnh dòng Fortaleza