Tương quan trong tình yêu – Lời Chúa Chúa nhật V Phục Sinh – năm B

0
747

1. Các bài đọc

Bài đọc 1: Cv 9,26-31

Trích sách Công vụ Tông đồ: các tông đồ đón nhận ông Phaolô.

Đáp ca: Tv 22,26-27,28,30,31-32

Thánh vịnh 22: toàn thể trái đất sẽ ngợi khen Chúa.    

Bài đọc 2: 1 Ga  3,18-24

Thư thứ nhất thánh Gioan Tông đồ: Thiên Chúa kêu gọi chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô và yêu thương lẫn nhau.

Tin Mừng: Ga 15,1-8

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan: Đức Giêsu dạy rằng, Ngài là cành nho và các môn đệ là cành.

2. Chia sẻ

Chúng ta đang ở trong mùa Phục sinh. Trong các bài đọc Lời chúa hằng ngày chúng ta được nghe sách Công vụ Tông đồ. Đó là sách kể về các hoạt động của các tông đồ kể từ khi được lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, cho đến những năm tháng sau đó, với biết bao nhiêu là biến cố khác nhau mà các tông đồ đã trải nghiệm trong hành trình truyền giáo của mình. Đồng thời, chúng ta cũng có thể thấy được biết bao nhiêu là công việc mà Chúa Thánh Thần đã làm trong Giáo hội, trong những ngày đầu tiên và sự triển nở của cộng đoàn Kitô hữu.

Trong bài đọc một hôm nay, sách Công vụ Tông đồ thuật lại cuộc ra mắt của Phaolô với các tông đồ. Một cuộc hội ngộ “không tưởng” trong tông đồ đoàn. Bởi vì Saolô hay Phao lô trước đây là một kẻ bắt bớ đạo khét tiếng, mà giờ trở thành tông đồ sau biến cố Damas, thì đều làm cho mọi người bỡ ngỡ.

Thế nhưng, đó là sự thật. Các tông đồ đã chào đón ngài tại Roma, dù ít nhiều còn chút ngờ vực về sứ vụ của ngài. Nhưng với ơn Thánh Thần, các tông đồ đón nhận Phaolô và Hội thánh khắp nơi được bình an.

Câu chuyện của thánh Phaolô hôm nay gợi lên một điểm quan trọng trong các bài đọc hôm nay, là nói về các mối tương quan. Đó là mối tương quan với Chúa và mối tương quan với nhau trong tình yêu thương.

Mối tương quan giữa Chúa Giêsu và các môn đệ

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã sử dụng hai hình ảnh rất quen thuộc trong Kinh thánh Do thái, để nói về tương quan giữa ngài và các môn đệ. Đó là hình ảnh vườn nho hay nói khác đi, là sự liên lạc giữa cành nho và thân nho.

Trong mối tương quan này, Chúa Giêsu đã nói đến việc “tháp nhập” của cành vào với cây, thì mới sinh hoa kết quả tốt. Nếu không cành sẽ bị cắt bỏ và chẳng sinh ích gì.

Trong mối tương quan này, ngày nay chúng ta cũng được mời gọi tháp nhập với Chúa Giêsu qua đời sống lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Vì chính Chúa Giêsu đã chọn cách thiết lập bí tích Thánh Thể, để người có thể hiện diện cùng với con cái loài người luôn mãi cho đến tận cùng thời gian “thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,30). Qua đó, qua đời sống bí tích như nhựa cây mang chất dinh dưỡng đến cành cây nuôi sống chúng và làm cho chúng sinh nhiều hoa quả “cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy” (Ga 15,4).

Vì thế, siêng năng lãnh nhận các bí tích và Thánh Thể là cách để ở lại trong Chúa và đón nhận sức sống của Ngài. Đó là mối tương quan quan trọng nhất, thiết yếu nhất của người Kitô hữu. Sống mật thiết với Chúa mới quan trọng, còn các thứ khác chỉ là qua loa.

Tương quan với nhau

Câu chuyện trong bài đọc một, sách Công vụ Tông đồ, là câu chuyện tương quan giữa các tông đồ với nhau. Phaolô muốn ra mắt và nhiều lần ngài tự coi mình “là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1 Cr 15,8). Phaolô đã khiêm nhường nhìn nhận vị trí và vai trò của mình trong số các anh em.

Trong bài đọc hai, thánh Gioan tông đồ khẳng định “đây là giới răn của Người: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta”(1 Ga 3,18).

Như vậy, yêu thương nhau trong mối tương quan chính là lời khẳng định về tình yêu Chúa của một người. Vì không thể yêu Chúa mà lại ghét “hình ảnh của Người”. Điều này là một điều mâu thuẫn và như thế tương quan với Chúa cũng “khập khiễng”. Giới răn Chúa là mến Chúa, yêu người. Đó là hai chiều kích giúp hoàn trọn trong mối tương quan với Chúa và với nhau.

Ước gì qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay, mỗi người Kitô hữu biết cách sao “ở lại” trong tình yêu của Chúa, trong sự kết hợp thân mật với Ngài, siêng năng lãnh nhận bí tích và xây dựng tình huynh đệ với anh em được đậm đà thắm thiết.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM