Ước Mơ Đàng Sau Khánh Nhật Truyền Giáo

0
1241

Kieran Kneaves, NTBA
Fx. Đức chuyển ngữ

Tôi có một ước mơ!

Thánh Vinh Sơn không phải là Martin Luther King. Ngài không đưa ra bài diễn văn nào có khả năng gây tiếng vang qua nhiều thập kỷ, nhưng ngài đã sống một ước mơ mà ước mơ ấy vẫn còn sinh động suốt 4 thế kỷ sau. Và ước mơ ấy cũng là ước mơ của Đức Thánh Cha về ngày Khánh nhật Truyền giáo.

Dường như ước mơ ban đầu của thánh Vinh Sơn là đem lại tiện nghi cho bản thân và gia đình. Sau đó vào năm 1617 tại Chatillon và Folleville, ngài đã được thức tỉnh bởi Sứ mạng và Ước mơ của chính Đức Giêsu là đem Tin Mừng đến cho người nghèo. Chúng ta biết ngài đã sử dụng quãng đời còn lại như thế nào để thực hiện Ước mơ của Thiên Chúa. Chúng ta biết ngài đã làm được nhiều đến mức trong đám tang của ngài, người ta đã nói rằng: “Ngài đã thay đổi bộ mặt nước Pháp”.

Tuy nhiên, có một điều chúng ta thường quên mất là ngài đã không làm việc một mình. Các chuyên viên về Vinh Sơn đã lần theo các dấu vết và chỉ ra rằng ngài là một bậc thầy trong việc lôi kéo người giáo dân, đặc biệt là các phụ nữ. Ngài cũng đã thay đổi các hệ thống bằng một cách thế đơn sơ là thường xuyên đặt câu hỏi “tại sao” và chỉ ra căn nguyên của chúng.

Ngài không chỉ nhận ra là mình có sứ mạng bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Thêm vào đó, Ngài còn trực giác thấy vị thế của người giáo dân trong Giáo Hội. Họ được ví như người khổng lồ đang ngủ yên. Ngài đặc biệt ý thức rằng người nữ có một sức mạnh phi thường trong việc thực thi Ước mơ của Thiên Chúa. Chúng ta đều biết rõ phần tiếp của câu chuyện lịch sử này. Chúng ta là một phần của Ước mơ đó và là sự nối dài của Ước mơ đó cho ngày hôm nay.

Ước mơ của thánh Vinh Sơn trong quá khứ và hiện tại

Bức hình trên là “Biểu đồ sức sống của Gia đình Vinh Sơn.” Đó là minh hoạ về ước mơ của thánh Vinh Sơn qua 4 thế kỷ. Nó cho thấy các thời kỳ thăng trầm: lúc đi xuống, lúc mở rộng, lúc thịnh vượng và lúc suy vi. Hãy lưu ý những đỉnh cao đã được ghi dấu ấn bởi các nhà lãnh đạo ngoại thường, những người thấm đậm tinh thần của thánh Vinh Sơn và thánh Louise.

Mặt khác, sự hiện diện sống động của các ngành trong gia đình Vinh Sơn cho chúng ta thấy ước mơ kia đã thành hiện thực như thế nào trong thời đại hôm nay: số lượng người cùng chia sẻ ước mơ ấy thực sự ấn tượng – trên 4 triệu, theo số liệu thống kê gần đây nhất.

Đáng buồn là chúng ta không thực sự biết rõ có bao nhiêu người khác cùng chia sẻ ước mơ của thánh Vinh Sơn. Chúng ta không ý thức đủ về sức mạnh của ước mơ ấy khi chúng ta cộng tác với nhau để cùng biến nó thành hiện thực. (Thật không may, định nghĩa về sự cộng tác hiệu quả trong Gia đình Vinh Sơn lại là: “Bạn và tôi hãy cộng tác với nhau trong kế hoạch của tôi.”)

Cho đến hôm nay, ước mơ của thánh Vinh Sơn đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài, với vô vàn thách đố mới khi tiến về tương lai, trong thế kỷ thứ năm. Đó là ước mơ nhìn ra điều khác biệt từ những gì chúng ta đã từng nghĩ là tương đồng. Thánh Vinh Sơn đã nói: “Tu Hội trong hiện tại không phải như nó đã từng là và cũng không phải như nó sẽ là.”

Sứ mạng và ước mơ của chúng ta hôm nay là một sự diễn tả mới mẻ ước mơ của thánh Vinh Sơn về việc thức tỉnh người giáo dân trong sứ vụ mang Tin Mừng đến cho những người bị cách ly và bị quên lãng.

Biểu đồ sức sống trên cũng chỉ ra những thách đố và cơ may cho chúng ta ngày hôm nay. Hãy nhìn vào góc dưới bên phải – chỗ cuối cùng trên tấm bản đồ: đường đồ thị hướng lên trên. Tại đó, chúng ta thấy sự trở lại của người giáo dân: Giới trẻ Con Đức Mẹ, Hội Thừa Sai Giáo Dân Vinh Sơn, và Các Nhóm Thiện Nguyện Vinh Sơn…

Dưới đây là một số ngành trong Gia đình Vinh Sơn hiện nay:

  • Hiệp hội Các Bà Bác ái: Họ là hiệp hội nữ giáo dân được thành lập sớm nhất. Có khoảng 250.000 thành viên, phục vụ tại 50 quốc gia.
  • Tu Hội Truyền Giáo: có khoảng 3.000 thành viên, phục vụ tại 85 quốc gia.
  • Tu Hội Nữ Tử Bác Ái: có trên 23.000 chị em, thi hành sứ vụ tại 96 quốc gia.
  • Hiệp Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô: là hiệp hội giáo dân đông đảo nhất trong Giáo Hội với 650.000 thành viên, trong 135 quốc gia.

Ước mơ bao phủ trái đất bằng mạng lưới bác ái của Chân phước Ozanam vẫn còn sống động. Cha Thomas Agustine Judge, CM (+1933) đã mơ rằng mỗi người Công Giáo là một Tông đồ.

Khánh nhật Truyền giáo và ước mơ của thánh Vinh Sơn

Chủ đề cho Khánh nhật Truyền giáo năm nay là “Được rửa tội và sai đi: Giáo Hội Chúa Kitô thi hành sứ mạng giữa lòng thế giới.”

Hãy làm vang vọng mạnh mẽ những lời của Thánh Vinh Sơn về ơn gọi của chúng ta là bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo! Chúng ta được mời gọi trở về với trực giác của thánh Vinh Sơn khi ngài kêu gọi người giáo dân đón nhận chính sứ mạng mà chúng ta đang sống trong dịp Khánh nhật Truyền giáo năm nay.

Ước mơ của thánh Vinh Sơn và thánh Louise cũng là ước mơ của chúng ta – đó là một ước mơ có quá khứ, một ước mơ đã được sống trong hiện tại và là một ước mơ mời gọi chúng ta đi đến những hình thức phục vụ mới mẻ cho những người bị gạt ra bên lề xã hội đang phải tìm kiếm Tin Mừng và niềm hy vọng trong sự liều lĩnh.

Vài gợi ý suy ngẫm nhân ngày Khánh Nhật truyền giáo

Tôi có sống sứ mạng truyền giáo mỗi ngày trong năm nay không?

Tôi có ý thức rằng sứ vụ truyền giáo mời gọi chúng tôi cộng tác với nhau không?

Ngày Khánh nhật Truyền giáo phải mang một ý nghĩa đặc biệt đối với tất cả những ai có liên hệ đến Tu Hội Truyền Giáo. “Đức Giêsu chính là quy luật của Tu Hội Truyền Giáo” và cũng là trung tâm đời sống và hoạt động của Tu Hội. (SV, XII, 130).