KAZIMIERZ STELMACH, CM
Đào tạo là đề tài luôn được thảo luận trong Tu Hội chúng ta. Đối với thánh Vinh Sơn, việc đào tạo hàng giáo sĩ thậm chí còn là một trong những lý do để ngài thành lập Tu Hội. Ngài đã thức tỉnh trước những nhu cầu thời đại của ngài và đã nhận ra rằng, đây chính là điểm khởi đầu để canh tân Giáo Hội thực sự. Và tôi nghĩ, thánh nhân cũng muốn canh tân toàn thể xã hội bằng phương tiện này. Những vấn đề này xuất hiện rõ ràng trong một bài nói chuyện với các thành viên Tu Hội vào tháng 09/1655.
Hiện tại, Giáo hội đang trải quan thời kỳ nguy cấp. Giáo hội đang sống giữa một xã hội, theo nhiều cách thức, nhắc nhở chúng ta về xã hội thời thánh Vinh Sơn. Điều này có nghĩa là khi đối mặt với tình huống đó, chúng ta phải tự vấn, như thánh Vinh Sơn đã tự vấn trong bài nói chuyện vào tháng 09/1655: “Chúng ta phải làm gì cho mình? Hay đúng hơn, chúng ta chuẩn bị cho mình, cho các sinh viên của mình như thế nào, để họ có thể không chỉ đương đầu với tình huống đó và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thời đại, mà còn chia sẻ với sự canh tân không ngừng đối với xã hội và Giáo hội ra sao?”
Với đóng góp vắn tắt này, tôi không có ý định trả lời mọi nghi vấn đang được đặt ra, mà chỉ rút ra từ kinh nghiệm cá nhân hạn chế của tôi để nêu bật một số điều tôi coi là những khía cạnh quan trọng hơn cần được nhấn mạnh trong việc đào tạo hiện nay, hay đúng hơn là nhấn mạnh cách thức và mục đích của việc chúng ta đang chuẩn bị cho sinh viên của mình? Đó không phải là một báo cáo mang tính “giáo thuyết”, nhưng đúng hơn là sự suy tư về đời sống hàng ngày của chúng ta, và những lời mời gọi cấp bách phát sinh từ đó.
Hiến chương Đào tạo Vinh Sơn đặt sự phát triển nhân bản lên hàng đầu. Về “sự phát triển” này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điểm mà Hiến chương đề cập trong phần này. Hiến chương ghi rằng: “… để mở lòng mình ra với tha nhân, với tha nhân hơn chính mình, ngay cả khi việc chấp nhận tha nhân trở nên khó khăn.”[1] Theo ý kiến của tôi, nhìn chung, đây là một trong những vấn đề thường gặp nhất đối với người trẻ hiện nay. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, đó là một trong những vấn đề rõ ràng nhất mà tôi đã gặp với tư cách là một nhà đào tạo.
Hơn bao giờ hết, thế giới ngày nay cần những con người có khả năng “gặp gỡ”, theo mọi nghĩa của từ này. Khi cư xử với các thành viên trẻ của chúng ta, chúng ta cần phải nhấn mạnh, nhấn mạnh hơn nữa và dạy họ rằng, trong một cuộc “gặp gỡ” không chỉ đơn thuần là vấn đề chấp nhận “tha nhân” một cách thụ động. Chính Thánh Vinh Sơn đã nói về điểm này. Đối với thánh nhân, gặp gỡ một người nghèo nghĩa là “hiến thân” hoàn toàn cho người nghèo ấy. Và việc huấn luyện con người cho “sự gặp gỡ” này bắt đầu ở chủng viện. Chúng ta có thể nói rằng, nếu tôi không thể chấp nhận người anh em mà tôi đang sống, thì tôi sẽ khó thực hành nhân đức này khi tôi đi truyền giáo. Điều này có nghĩa là sứ mạng được thực hiện có thể bị giới hạn, hời hợt, hoặc chỉ đơn thuần chỉ là “được chọn”.
Khi đó, nhiệm vụ đầu tiên của một nhà đào tạo sẽ là quan sát, hiểu biết rõ sinh viên của mình rồi sau đó hành động. Điều này không dễ dàng chút nào. Mỗi nhà đào tạo phải tìm ra cách thức phù hợp để làm cho sinh viên có khả năng học cách sống mối liên hệ thân thiện với các sinh viên khác.
Dường như đối với tôi, một điểm rất quan trọng khác nữa liên quan đến việc cầu nguyện nói chung. Các chủng viện của chúng ta phải được tổ chức tốt về đời sống thiêng liêng. Nhưng đời sống chủng viện “có tổ chức” này mang một mối nguy cơ là khi ở một mình, chúng ta không thể tổ chức đời sống thiêng liêng cho mình. Điều này không mới mẻ. Nhưng tôi nghĩ rằng, đó là điểm mà chúng ta phải luôn lưu ý. Tôi không nghĩ rằng, mọi giờ giấc trong thời gian biểu ở chủng viện của chúng ta phải được tổ chức, sắp đặt. Đôi khi, cần bỏ qua thời gian biểu cho các chủng sinh tổ chức “ngày thiêng liêng”, để họ không chỉ có được khả năng cầu nguyện mà họ sẽ còn cảm nghiệm không những sự cần thiết mà trên hết là “niềm vui thỏa” của đời sống thiêng liêng. Theo cách nghĩ của tôi, điều này hướng chủng sinh tới trách nhiệm, và điều cơ bản ở đây không chỉ mang ý nghĩa là trách nhiệm trong lời cầu nguyện, mà còn trong mọi ý nghĩa khi chủng sinh ấy sẽ là một nhà truyền giáo trong tương lai.
Giai đoạn đào tạo bao gồm việc học thần học. Khi đề cập đến phạm vi đào tạo tri thức trong §31 của Hiến chương Đào tạo ghi rằng, đào tạo tri thức phải là: “… để giúp sinh viên đạt được khả năng biết cách lượng giá những điều giá trị và phản-giá trị của thế giới ngày nay, nguyên nhân nghèo đói và những trở ngại trong việc loan báo Tin Mừng.”[2]
Đôi khi, việc học thần học chỉ được coi là việc gì đó “học cho biết, thi cho qua”. Người trẻ ngày nay muốn bắt tay vào làm việc ngay, và điều đó rất tích cực. Vì vậy, các nhà đào tạo phải khám phá ra cách thuyết phục người trẻ rằng: thế giới ngày nay không hề đơn giản, và thực tế là chưa bao giờ đơn giản. Đó là lý do tại sao phải cần có một số sự chuẩn bị, để bắt tay vào làm việc, phục vụ người nghèo một cách hiệu quả. Thánh Vinh Sơn đã nhấn mạnh chính xác về điều này trong một bài nói chuyện: “Ngài đã kiên quyết khuyên họ học hành chăm chỉ… để phụng sự Thiên Chúa tốt hơn và phục vụ người thân cận hiệu quả hơn”.[3] Một điều phải được làm sáng tỏ hoàn toàn với họ: Chúng ta không phải là những “nhà công tác xã hội” đơn thuần; chúng ta phải là những nhà truyền giáo, bởi vì đó là ơn gọi của chúng ta.
Để kết luận, tôi xin nhấn mạnh một khía cạnh khác của việc đào tạo liên quan đến Tu hội như là tổng thể và sinh hoạt cộng đoàn. Sai lầm mà chúng ta thường mắc phải nhất là đối xử với Tu hội, hay đúng hơn là xem Tu hội như một điều gì đó dành cho chúng ta, và do đó “mắc nợ chúng ta một điều gì đó”. Đây là một thái độ mà tôi thường thấy. Rõ ràng, toàn bộ nỗ lực của tiến trình đào tạo không phải chỉ là để nói với họ mà còn là để cho họ thấy một cách cụ thể rằng Tu hội chúng ta là gia đình chúng ta, và ở đó tôi “ở nhà”. Và nếu đúng như thế thì “tôi” phải dành cho gia đình đó. Và điều đó không dễ dàng gì, không dễ đối với chính các chủng sinh cũng như cho các nhà phụ trách đào tạo.
Hiến chương Đào tạo nói về giai đoạn đào tạo phải hướng dẫn các sinh viên “… hòa mình vào một cộng đoàn huynh đệ và truyền giáo, phải là cách thức sống theo Tin Mừng, và là dấu chỉ tiên trưng về Nước Thiên Chúa”; việc đào tạo giai đoạn này phải hướng dẫn họ “góp phần một cách tích cực vào việc từng bước xây dựng cộng đoàn”. Tóm lại, đó sẽ là ngôi nhà của tôi, cộng đoàn của tôi mà ở đó, trước hết, tôi sẽ được trở nên “cho” ngôi nhà ấy. Gia đình có thể là hình mẫu cho chúng ta. Người cha, người mẹ hay người con không trở về đó chỉ để ngủ, mà họ ở đó để sống.
Theo ý kiến của tôi, đây chỉ là một số điểm rất quan trọng đối với việc đào tạo các chủng sinh của chúng ta, và tôi đã nhận thấy điều đó cả trong kinh nghiệm của tôi với tư cách là nhà đào tạo và trong các cuộc trò chuyện với các nhà truyền giáo nói chung. Tôi nghĩ mọi nhà đào tạo sẽ thấy những điểm khác nữa, bởi những nơi chốn và cá nhân khác nhau. Thật thú vị nếu so sánh những kinh nghiệm đó ở cấp Liên-Tỉnh dòng. Đây không chỉ làm phong phú thêm cho mỗi tỉnh dòng, nhưng hơn hết điều ấy sẽ hữu ích cho tất cả.
[1] Hiến chương Đào tạo Vinh Sơn trong Đại Chủng viện của Tu hội Truyền giáo, tạp chí Vincentiana, số 02 (1988), tr. 222.
[2] Ibid, tr 227.
[3] SV. XII, 63.