Antonino Orcajo, C.M.
Kể từ sau lễ phong thánh cho cha John Gabriel Perboyre (1996), một nhà truyền giáo người Pháp tử đạo tại Trung Quốc (1840), thì một mối quan tâm mới đối với các vùng truyền giáo Ad Gentes đã làm lay động con tim của nhiều nhà truyền giáo. Về những vùng truyền giáo này, Hiến Pháp của Tu Hội Truyền Giáo đã nhắc lại tư tưởng của thánh Vinh Sơn khi nói rằng: “Trong số những việc tông đồ của Tu Hội, công việc truyền giáo nước ngoài và những sứ mạng dành cho những người ở trong một khung cảnh rao giảng Tin Mừng tương tự có một vị trí ưu việt” (Hiến Pháp số 16).
Những lời cổ vũ về chủ đề này của Đấng Sáng Lập đã ùa về trong trí nhớ của tôi, khi tôi đọc lại những lá thư của cha Robert Maloney, CM, trong đó, ngài đã báo cáo về các chuyến thăm đến Trung Quốc, Châu Phi, các vùng truyền giáo ở các quốc đảo ngoài khơi Thái Bình Dương vv… và đã đưa ra lời kêu gọi tất cả các thành viên của Tu Hội hãy đáp trả cách quảng đại, bằng cách tình nguyện tham gia và đi đến các vùng truyền giáo quốc tế đang được đảm nhận bởi Tu Hội .
Phải chăng trong hoàn cảnh hiện tại, toàn thể Tu Hội sẽ phải đưa ra bằng chứng rõ ràng hơn, hoặc hy sinh nhiều hơn về nhân sự và nguồn lực để cho thấy rằng, trên thực tế, các vùng truyền giáo chiếm giữ một “vị trí ưu việt” giữa chính những công việc này không? Tại sao không phát động lại tinh thần truyền giáo thông qua việc tình nguyện mang tính tổng động viên hơn, cho các vùng truyền giáo ở những quốc gia đang tồn tại nghèo đói một cách đáng hổ thẹn và cần sự giúp đỡ nhất? Ngày nay và luôn luôn, sự cống hiến thực sự cho các vùng truyền giáo sẽ làm sống lại tinh thần của một Tu Hội mà đã được được khai sinh thực sự là để mang Tin Mừng đến bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Ngay từ thời của thánh Vinh Sơn, các nhà truyền giáo đã trưởng thành trong ơn gọi của họ trước nhu cầu phải đến tận các đất nước xa xôi, nơi mà Tin Mừng chưa được rao giảng hoặc Giáo Hội chưa được thiết lập. Lời kêu gọi đến các vùng tuyền giáo là một lời “đánh thức” ơn gọi mà Đấng Sáng Lập đã thường xuyên sử dụng cả khi nói lẫn khi viết.[i] Điều tương tự khi nói về các vùng truyền giáo thì cũng được các vị Tổng quyền khác, tức những người kế vị thánh Vinh Sơn chú trọng, đề xướng và tái khẳng định những ơn gọi rất quý giá đối với Tu Hội Truyền Giáo khi tham gia truyền giáo nước ngoài.
Mẫu gương của thánh John Gabriel Perboyre làm chứng cho điều này. Sự cống hiến của ngài để rao giảng thông điệp Tin Mừng, đầu tiên trong các chủng viện của San Floro và Nội Chủng viện ở Paris, và sau đó ở Trung Quốc, một sự cống hiến được đánh dấu bởi một tình yêu dành cho Chúa Kitô và Giáo Hội, đã phát sinh vô vàn các ơn ích thiêng liêng trong toàn thế giới Kitô giáo và trên tất cả, trong phần nhỏ đó, là gia đình Vinh Sơn.
Niềm đam mê bước theo Đức Giêsu, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo
Sự say mê với các vùng truyền giáo bắt nguồn từ một tình yêu nồng nàn dành cho Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo theo như kinh nghiệm của các thành viên Vinh Sơn. Chúa Giêsu là khuôn mẫu đầu tiên và xuất sắc nhất cho tất cả các nhà truyền giáo. Đã Nhập thể làm người như chúng ta và được Thánh Thần xức dầu để loan báo Tin Mừng về sự cứu rỗi, Chúa Giêsu thành Nazareth đã dạy trong các hội đường, chữa lành những người bệnh tật, tha tội và kêu gọi mọi người hối cải. Nơi ngôi vị của Người, các bản văn Kinh Thánh về Đấng Mêsia được ứng nghiệm (xem Lc 4:21), rằng Người đã làm những điều tốt lành ở các thị trấn và làng mạc của Palestine, và Ngài đã từng vượt ra khỏi biên giới của họ “nếu sự khôn ngoan vĩnh cửu của Người thấy rằng nó là cần thiết để đi và rao giảng sám hối cho các quốc gia nghèo. Vì điều đó, Người đã sai các tông đồ của Người và Người cũng sai chúng ta ra đi, giống như họ, để mang ngọn lửa của Người đi khắp mọi nơi” (SV XI, 387). [ii] Đây thực sự là nhà truyền giáo cho người nghèo, đầy tình thương trắc ẩn và lòng thương xót, Đấng đã phát sinh ơn gọi của thánh Vinh Sơn Phaolô và Tu Hội mà ngài đã khai sinh, bắt đầu từ năm 1617, nhân dịp cuộc đại phúc ở Gannes-Folleville.
Việc thánh Vinh Sơn đến Chúa Giêsu là nhà truyền giáo thì luôn luôn được lạp đi lặp lại, điều mà ngài làm cho lời giáo huấn thiêng liêng, cộng đoàn và tinh thần của mình được biết đến. Một nhân chứng khẳng định với chúng ta rằng, “thánh Vinh Sơn nói cách say mê… khi nói về lòng trắc ẩn đối với người bị bệnh, chăm sóc người nghèo, nhiệt thành về phần rỗi các linh hồn … ngài đã làm như vậy trong hành động và lời nói” (SV XI, 835-836). Chúng ta có thể khẳng định với sự chắc chắn hoàn toàn rằng, sự hay lây mà thánh Vinh Sơn truyền đạt cho những người bạn đồng hành của ngài, là do tình yêu được tuyên xưng của ngài đối với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ thế gian. Kết quả là, tất cả đều bị ấn tượng bởi hành vi và lời nói của ngài và nói chung, đã sẵn sàng đi đến tận cùng trái đất để “làm cho Thiên Chúa được biết đến nơi người nghèo, loan báo Chúa Giêsu Kitô cho họ, nói với họ vương quốc của Thiên Chúa đã đến gần và vương quốc đó dành cho người nghèo” (SVP, XI, 387).
Nhiều lần người ta đã được nghe ngài nói rằng, lý tưởng lớn nhất của ngài trên trái đất này là rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo, bất kể xa xôi như thế nào, và ngài đã ghen tị với sự may mắn của các nhà truyền giáo “được sai đến tận cùng thế giới” (SVP: III, 260; XI, 28). Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng, mong muốn bắt chước Chúa Giêsu, Đấng truyền giáo cho người nghèo đã không bị cầm trói, bằng bất kỳ cách nào, bởi các động cơ xã hội học duy nhất nào.
Ai không nghe thấy trong những lời này, lời vang vọng mà chúng đã khai sinh trong các thế hệ trước đây? Về mặt lý thuyết, không có ai trong chúng ta không biết rằng, ít ra về mặt lý thuyết, ơn gọi đi theo Chúa Giêsu, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, khai sinh tự trong chính nó một quyết định sâu xa để đi đến bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nếu có bất kỳ manh mối nào để biện phân ơn gọi truyền giáo, thì đó phải là cảm thức như thánh Phaolô là “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5,14), để làm cho mọi người “nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Nếu ơn gọi không phải là như thế, người ta đã phạm sai lầm khi vào Tu Hội, “hãy có một ý định như thế, từ bỏ mọi sự, khi sự thánh thiện của Người chọn để sai đi, họ sẽ đi cách hạnh phúc.” (SV II, 214)
Đây là những gì Đấng Sáng Lập của chúng ta đã viết cho B. Codoing vào ngày 25 tháng 5 năm 1642, bày tỏ với cha ấy niềm an ủi lớn lao mà ngài cảm thấy khi Hồng y Ingoli, Tổng trưởng tiên khởi của Hội Truyền Bá Đức Tin (nay là Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các dân tộc), đã hỏi ngài trong nhiều dịp khác nhau, để phụ trách một số vùng truyền giáo. Cảm thức như vậy không phải do bất kỳ cảm xúc thoáng qua nào, mà là do niềm tin sâu sắc nhất về đức tin và đức mến dành cho Chúa Giêsu Kitô. Thánh Vinh Sơn đã luôn cho rằng đó là ở các quốc gia truyền giáo nơi sự nghèo đói rộng khắp nhất và thợ gặt thì ít, và mùa gặt thì bao la bát ngát (cf, SV X, 379). Mặc dù hơn bốn thế kỷ đã trôi qua, tình trạng này vẫn như cũ. Không có sự hoang tàn nào đáng buồn hơn trên thế giới nơi các quốc gia kém phát triển, như vô số nhân chứng chứng thực, không chỉ các thành viên cao cấp và bề trên của các hội dòng truyền giáo, mà còn bất kỳ nhà quan sát nào chú ý đến sự tiến hóa của các dân tộc.
Tình yêu dành cho Giáo Hội
Sứ vụ của Chúa Giêsu đối với thế gian và việc sai các tông đồ của Người ra đi, với nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho tất cả các dân tộc làm cho thêm hăng hái giáo huấn thánh Vinh Sơn Phaolô cho các đệ tử của mình. Sau nhiều lần giải thích về ơn gọi truyền giáo, ngài kết luận với sự hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa từ nguyên và khái niệm của thuật ngữ “nhà truyền giáo” là tương đương với từ “tông đồ.” “Vậy nhà truyền giáo có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là ‘được sai đi, được sai đi bởi Thiên Chúa.’ Chúa đã nói với anh em: anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (SV XI, 342).
Thật vậy, nhóm mười hai, vâng theo lệnh truyền của Chúa, đã phân tán khắp thế gian để làm chứng bằng lời nói và việc làm về cuộc đời của Chúa Giêsu, Đấng đã nhập thể, bị kết án cho đến chết và sống lại để cứu rỗi / giải thoát nhân loại. Để chứng minh tình yêu của họ đối với Chúa Giêsu, họ đã đối mặt với những cuộc bắt bớ, tù đày, đe dọa và thậm chí chính cái chết; và không có gì và không có ai có thể kìm bước chân của họ hoặc làm im bặt tiếng nói của họ được. Trên tất cả, tông đồ Phaolô, “bình sành” cho sự chọn lựa, là khuôn mẫu của người thợ gặt không mỏi mệt và tình yêu dành cho các cộng đoàn kitô hữu, đi hết nơi này đến nơi khác, theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Đấng đã dẫn dắt Phaolô dọc theo những con đường khác nhau.
Đấng Sáng Lập của Tu Hội không thể đọc Công Vụ Tông đồ mà không cảm thấy được linh hứng bởi cùng một Thần Khí đã thúc đẩy Phaolô thành Tarsô, để tuyên bố với dân ngoại về sự giàu có khôn dò khôn thấu của Chúa Kitô. Sau khi đọc điều ấy, thánh Vinh Sơn đã truyền cho những người bạn đồng hành của mình ngọn lửa đã thiêu đốt ngài âm ỉ từ bên trong. Những khó khăn của việc truyền giáo đã không làm ngài khiếp sợ, như với các tông đồ, thậm chí cả những cái chết trong Tu Hội là hoa trái thánh thiện của các vùng truyền giáo. Ngược lại, ngài đã nói, “đừng để những khó khăn làm nhụt chí anh em. Đây là một vấn đề về vinh quang của Chúa Cha và hiệu quả của lời nói và niềm đam mê của Chúa Con. Sự cứu rỗi của các dân tộc và sự cứu rỗi của chúng ta là một điều tốt đẹp đến mức chúng xứng đáng với bất kỳ nỗ lực nào, hoặc trả giá bằng bất cứ cách nào. Không có vấn đề gì, nếu chúng ta chết miễn là chúng ta chết với tay trong tay. Với mỗi nhà truyền giáo người hiến mạng sống vì tình yêu, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện nhiều người khác, người mà sẽ hoàn thành điều tốt đẹp đầu tiên (truyền giáo) chưa hoàn thành.” (SV XI, 290)
Lịch sử đã xác nhận lời ngôn sứ này, điều đã được Giáo phụ Tertulian đưa ra trong lời Hộ giáo của ngài: “Máu của các vị tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu.” Không thể nghi ngờ rằng, máu của các vị tử đạo của chúng ta, như thánh John Gabriel Perboyre và Francis Regis Clet, được nêu lên như hai mẫu gương, không phải là hạt giống của những ơn gọi truyền giáo dồi dào sao? Thừa nhận rằng, công việc của truyền giáo nội địa và truyền giáo nước ngoài không thể so sánh với các tác vụ khác của Tu Hội. Chúng chiếm hữu một nỗ lực đào tạo mà các tác vụ khác không thể có.
Các ngài là những khuôn mẫu đáng ngưỡng mộ của việc tự hiến cho việc truyền bá đức tin, điều đã tạo ra những ơn gọi đích thực cho Tu Hội và đã được trao ban cho hầu hết các vị thánh cho cộng đoàn. Nếu đây là trường hợp, và có thể nghi ngờ về điều đó, nếu sức lôi cuốn truyền giáo bị suy yếu, Tu Hội sẽ bị hủy hoại trong ơn gọi chính yếu của mình và sẽ có rất ít để dâng tặng cho những người, đã tự giới thiệu bản thân họ, để là người tiếp tục công việc chính của Chúa Giêsu, Đấng từ trời xuống trần gian để hoàn thành sứ mệnh được Chúa Cha trao ban.
Tình yêu nồng nàn dành cho Chúa Giêsu thì được sống trong sự kết hợp với một tình yêu dành cho Giáo Hội, nhà truyền giáo và được truyền giáo bởi chính những người mà Giáo Hội thánh hiến thợ gặt của mình. Đây là bằng chứng của tất cả những người tôi tớ của Tin Mừng. Hình ảnh Giáo Hội như là Vương Quốc của Thiên Chúa, là Chuồng Chiên và là Thân Thể của Chúa Kitô đã đưa đến cho thánh Vinh Sơn tinh thần say mê truyền giáo như đã được diễn đạt về kinh nghiệm phép thanh tẩy và chức linh mục của ngài. Như Vương Quốc của Thiên Chúa, Giáo Hội cho thấy, thông qua việc truyền giáo, Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội (SV XI, 730). Như Chuồng Chiên, Giáo Hội cần những mục tử nhiệt thành, người chăm sóc đàn chiên, tìm kiếm những chiên bị lạc, băng bó các vết thương và cuốn hút tất cả đến một chuồng chiên duy nhất của ơn cứu độ (xem Lc 15,4-7; Mt 18,12-14).
Là Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội gồm nhiều thành phần liên kết mật thiết với nhau; và các nhà truyền giáo là những người quan tâm và nhân hậu nhất đối với các thành viên đau khổ của thân thể đó (SV XI, 560-561). Trong những hình ảnh này và các hình ảnh khác của Giáo Hội, chẳng hạn như mùa gặt đòi hỏi các thợ gặt (SV XI, 734) hoặc hiền thê, người cần được làm cho thanh khiết (SV II, 377), điều nổi bật là sự tốt lành của Thiên Chúa, Đấng đã chọn những nhà truyền giáo làm “công cụ cho tình yêu phụ tử bao la của Người, tình yêu tìm cách ngự trị và lớn lên trong linh hồn con người” (SV XI, 533).
Với sự lo lắng Giáo Hội sẽ biến mất ở Châu Âu vì các cuộc chiến tranh tôn giáo và sự đồi bại của luân lý đã thúc đẩy lòng nhiệt thành của thánh Vinh Sơn. Năm 1647, ngài đã khám phá ra mối quan tâm tương tự nơi J. Dehorgny: “Tôi có thể nói với cha rằng đây, là một điều đã quở trách tâm hồn tôi trong một thời gian dài… nhưng, mặc dù Chúa không có kế hoạch này, thì chúng ta không nên đóng góp để mở rộng Giáo Hội chăng? (SV III, 143). Thực tế của vấn đề là thánh Vinh Sơn đã dành những nỗ lực lớn nhất của mình trong việc cống hiến cho việc truyền giáo và sự đào tạo hàng giáo sĩ như một bằng chứng về tình yêu của ngài dành cho Giáo Hội.
Ngọn lửa bác ái
Rõ ràng như đã đề cập ở trên, các hình ảnh của Giáo Hội có thể được áp dụng cho cá nhân và tập thể, mặc dù không phải tất cả đều có thể nhận được cùng đặc sủng của đức ái truyền giáo. Chính lòng bác ái đã đưa Con Thiên Chúa trở thành con người giống như chúng ta và để “thiết lập giữa chúng ta, bằng gương mẫu và lời nói của Người, lòng bác ái đối với người lân cận” (SV XI, 555). Nếu chúng ta phân tích kỹ về nguồn gốc của truyền giáo, chúng ta sẽ thấy đó là lòng nhiệt thành vì phần rỗi các linh hồn. Do đó, chính những người thợ gặt luôn được thúc bách bởi tình yêu và thậm chí duy trì trong một bậc sống bác ái (xem SV XI, 564).
Hiệu quả nổi bật của đức ái là lòng nhiệt thành tông đồ, sốt sắng vì vinh quang của Thiên Chúa trên trần gian, hăng say mang Tin Mừng cho tất cả các dân tộc. Đó là đức tính đặc trưng nhất của nhà truyền giáo, và là điều mà trong đó, Đấng sáng lập của việc truyền giáo đã nhấn mạnh nhất dưới những khía cạnh khác biệt.
Tất cả chúng ta đều đã nghe thấy vô số lần suy nghĩ của thánh Vinh Sơn chắc chắn được truyền cảm hứng bởi một điều tương tự về lòng đạo đức của thánh Phanxicô de Sales: “Lòng nhiệt thành bao gồm một sự khao khát thuần tuý trở nên đẹp lòng Chúa và hữu ích với người lân cận. Lòng nhiệt thành mở rộng vương quyền của Thiên Chúa, lòng nhiệt thành đem lại phần rỗi cho người lân cận. Còn điều gì hoàn hảo hơn trên thế gian so với điều này? Nếu tình yêu là một ngọn lửa, thì lòng nhiệt thành là tia lửa; nếu tình yêu là một mặt trời, nhiệt thành là tia sáng của nó. Nhiệt thành là điều thuần khiết nhất trong tình yêu dành cho Thiên Chúa (SV XI, 590). Bây giờ người ta có thể hiểu rõ hơn lý do tại sao các nhà truyền giáo là những khuôn mẫu của đức ái: “Bởi vì họ theo Chúa Giêsu, Đấng đến để mang lửa đến trái đất, để làm nó bừng lên với tình yêu của Người. Chúng ta phải làm gì khác ngoài việc để nó đốt cháy và tiêu hao tất cả?” (SV XI, 555).
Nhà truyền giáo cho thấy anh ta được hun nóng bởi đức mến, nếu anh ta cảm thấy cần phải mang lòng bác ái tương tự này cho những người nghèo khổ, mặc dù sự yếu đuối của anh ta khiến anh ta không thể làm được. Trong trường hợp này, lòng nhiệt thành của đức ái nội tâm của anh ta sẽ tạo ra những hiệu ứng vô hình, nhưng tác động thực sự trong toàn thể Thân Mình của Chúa Kitô. Nhiều người, như một hệ quả của sự thông công của các vị thánh, sẽ cảm thấy mà không biết làm thế nào, rằng một sức mạnh buộc họ phải hiến mạng sống cho anh em của họ.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II đã đặt điều này vào sự cổ vũ truyền giáo và tông thư của các ngài trong khi đề cập đến lòng nhiệt thành, hoa trái của đức ái, trong nỗ lực chung của việc truyền giáo cho các dân tộc. Mặt khác, sự thiếu vắng lòng nhiệt thành sẽ chuyển thành những tác động trái ngược với lòng bác ái, về bản chất, hướng ngoại và dễ tiêm nhiễm: nhát đảm, rụt rè, vô cảm, lười biếng và tìm kiếm sự thoải mái, những tật xấu điều mà thánh Vinh Sơn tuyên bố là kẻ thù của truyền giáo .
Nó đủ để khiến người ta nực cười khi tưởng tượng Đấng Sáng Lập của Tu Hội Truyền Giáo mỉa mai đối với những người lười biếng và thiếu nhiệt tình truyền giáo, trong khi ngài khơi dậy sự ngưỡng mộ và nhiệt tình khi ngài tán dương các tông đồ dũng cảm của Tin Mừng. Một sự nhiệt tình tương tự đã bùng phát trong ngài, khi ngài chứng kiến cuộc sống nội tâm, nhiều nhà truyền giáo đã tu luyện, lo lắng đi đến các vùng truyền giáo mặc dù tuổi cao và bệnh tật của họ; nhưng hầu hết tất cả khi ngài từng làm chứng cho việc một số bạn đồng hành đã cống hiến cả cuộc đời cho công việc chính của Giáo Hội và Tu Hội.
Những điều này ngài đã coi là hạnh phúc và may mắn. Thánh Phaolô, thánh Vinh Sơn Ferrer và thánh Phanxicô Xavier – những vị này, ngài đã coi là nhân chứng đích thực của Chúa Giêsu vì đã mang Vương Quốc của Thiên Chúa đến các dân tộc. Vì lý do này, thánh Vinh Sơn khuyến khích lòng khao khát cho việc truyền giáo, “là công việc cao cả nhất, hữu ích nhất và thánh hóa nhất trong Giáo Hội… Các tông đồ đồ và các vị thánh vĩ đại nhất đã coi đó là điều hạnh phúc khi được kêu gọi bởi điều này” ( SV IV, 348). Có một lần, khi nói chuyện về ơn gọi truyền giáo, thánh Vinh Sơn đã chỉ ra lý do để có nhiều hạnh phúc như thế: “Thật hạnh phúc biết bao khi nhà truyền giáo không có nhiệm vụ nào khác nào khác trong việc truyền giáo của mình, ngoại trừ chính thế giới có thể ở được! Tại sao giới hạn bản thân vào một điểm và giới hạn bản thân trong một giáo xứ, nếu toàn bộ chu vi của vòng tròn là của chúng ta?” (SV XI, 828-829).
Sự sẵn sàng luôn có
Lòng nhiệt thành hoặc đức ái đã nóng đỏ, đòi hỏi một thái độ của sự sẵn sàng cho các vùng truyền giáo hơn bất cứ điều gì khác. Vào thời của Đấng Sáng Lập, sự sẵn sàng là điều cần thiết và là bằng chứng của một ơn gọi đối với việc truyền giáo. Trong thực tế, “ơn gọi của chúng ta bao gồm việc đi, không phải đến một giáo xứ hay chỉ một giáo phận, mà là mọi nơi trên trái đất” (SV XI, 533). Điều ngược lại sẽ tương đương với việc từ chối các hoạch định của Thiên Chúa cho Tu Hội này, nơi mà làm chính nó phải hiện diện ở bất cứ nơi nào có nhu cầu lớn nhất đối với các “tay thợ” rao giảng.
Sẽ không có truyền giáo nếu thiếu các nhà truyền giáo sẵn sàng, tự do khỏi bất cứ ràng buộc nào: các nơi chốn, các tác vụ, các khuynh hướng thần tượng. Sự sẵn sàng thì không bị giới hạn bởi ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa hoặc phong tục. Những khó khăn hiện tại của việc truyền giáo thì không quan trọng gì đối với nhà truyền giáo, người mà đã giải thoát bản thân khỏi sự bám víu của cải mà sự dữ hứa hẹn. Những gì được kể cho anh ta là bước theo Chúa Giêsu, Đấng đã không có chốn để gối đầu.
Có sự sẵn sàng của các cộng đoàn lâu đời của Tu Hội trong cuộc khủng hoảng ngày nay không? Có phải họ có khuynh hướng tự đóng lại như con ốc trong vỏ của nó không? Có phải họ quan tâm hơn đến sự tồn tại của chính họ hơn là cho những chân trời phổ quát rộng lớn hơn không? Đánh giá từ những lá thư nói trên của cựu tổng quyền cho thấy lòng nhiệt thành truyền giáo được ghi nhận ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, ngài đã luôn nhắc đi nhắc lại những lời kêu gọi mới về sự sẵn sàng của tất cả các thành viên của Tu Hội.
Mặc dù con số ơn gọi ở Phương Tây đã sụt giảm và sự lão hóa nhân sự ở các Tỉnh dòng lâu đời là những sự thật không thể chối cãi, nhưng dường như chúng không phải là bằng chứng cho sự thiếu tinh thần đối với việc truyền giáo Ad gentes. Mặc dù có thể đúng là tổng số người bỏ cuộc và qua đời ngày nay nhiều hơn số được phong chức linh mục, nhưng mặt khác, rõ ràng rằng sự nhiệt thành truyền giáo vẫn còn rạo rực trong các anh em của chúng ta, người làm việc trong các Giáo Hội trẻ với những tương lai ơn gọi dồi dào.
Mặc dù một khuynh hướng cá nhân nhất định có thể được phát hiện khi thực hiện một số chức năng, được làm rõ trong các tài liệu của Tổng Đại Hội gần đây, đồng thời chúng ta có thể tin tưởng vào sự hợp tác quốc tế trong các dự án truyền giáo. Sự sẵn sàng của nhiều thành viên nơi các Tỉnh dòng đã làm cho lòng nhiệt thành truyền giáo luôn được hun đúc và lan tỏa đến các thế hệ theo sau.
Một số cộng đoàn lâu đời vẫn có sự cởi mở tuyệt vời đối với tác vụ của các cuộc đại phúc. Nếu, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy, thì truyền giáo tại chỗ là một dấu chỉ và sự kích thích khả tín cho cho truyền giáo nước ngoài, và ngược lại, sự sẵn sàng cho việc truyền giáo nước ngoài là một chứng minh cho sự mạnh mẽ của truyền giáo nội địa và ngược lại; tham gia tích cực – càng nhiều càng tốt – trong việc truyền giáo nước ngoài củng cố lý tưởng cho truyền giáo nội địa. Sự khẳng định này cũng được xác minh bởi lịch sử của Giáo Hội và các cộng đoàn của chính chúng ta.
Trong Tu Hội Truyền Giáo, truyền giáo Ad Gentes tuôn chảy từ sự thúc đẩy của các vùng truyền giáo đối với các cộng đoàn Kitô giáo lâu đời. Do đó, thánh Vinh Sơn đã hiểu và giải thích điều đó: “Chúng ta phải duy trì nhiệt thành ở đây với những tài sản của Giáo Hội và sự làm vui lòng của Chúa Giêsu Kitô, và trong khi đó làm việc không ngừng để thực hiện những công cuộc chinh phục mới và làm cho các dân tộc xa xôi nhất biết đến Người” (SV XI, 245). Và thánh nhân nói điều này, bằng ngôn ngữ của thời đại của ngài, sự mất mát các nhà truyền giáo và những nghịch cảnh lường trước và không lường trước được.
Không có gì và không có ai có thể cản trở tinh thần truyền giáo đó, mở ra cho bất kỳ sự sắp đặt nào của Chúa quan phòng, sống với niềm hy vọng vào tương lai. Mỗi nhà truyền giáo, ngay cả bệnh tật và già yếu, đều được kêu gọi, mỗi người theo cách riêng của mình, để tìm kiếm và thiết lập Vương quyền của Thiên Chúa. Sự bất lực về thể chất và duy trì lòng nhiệt thành truyền giáo của các thành viên xem ra là hai điều trái ngược. Liên quan đến vấn đề này, thật hữu ích khi nhớ lại cụm từ của thánh Vinh Sơn: “Chúa Giêsu Kitô và các vị thánh đã làm nhiều hơn bằng cách chịu đựng hơn là vì lao động” (SV II, 9). Với con mắt chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu bị đóng đinh, Đấng đã chết vì sự cứu rỗi của mọi dân tộc, vì vâng lời Chúa Cha và vì tình yêu dành cho loài người, các nhà truyền giáo cũng được kêu gọi để sống theo khuôn mẫu ấy, khuôn mẫu của Đấng đã hy sinh bản thân mình vì Tin Mừng và vì phần rỗi của nhân loại.
Chuyển ngữ: Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, CM
[i] Chủ đề về truyền giáo Ad gentes liên quan đến thánh Vinh Sơn đã được trích dẫn bởi nhiều tác giả khác nhau. Ở đây chúng tôi đưa ra một trích dẫn ngắn gọn về các tác phẩm của họ cf. Redondo, J., Misionología de San Vicente,(Mexico, 1960); Van Winsen, Saint Vincent et les missions ètrangères, Vincentiana (1978), pp.158-182; Esparza, C., San Vicente de Paúl y la misión “ad gentes”, Caminos de Misión (1992), no. 50, pp. 21-26; no 51, pp. 23-25; Orcajo, A., La visión misionera de San Vicente, San Vicente y la misión “ad gentes”, (CEME, Salamanca 1995,) pp.169-199.
[ii] Toàn bộ những trích dẫn giáo huấn của thánh Vinh Sơn trong bài viết này tác giả đã trích dẫn từ bản văn gốc tiếng Tây Ban Nha: San Vicente de Paúl, Obras Completas. Ký hiệu viết tắt là SV, sau đó đến số tập và số trang.