Sáng nay đã diễn ra lễ hội văn hóa hằng năm của các sinh viên thuộc phân khoa thần học SVST (Adamson university) trong khuôn viên trường tại thành phố Quezon. Dịp lễ hội này thường diễn ra trước tuần nghỉ lễ các thánh và sau đợt thi giữa kỳ hằng năm. Chủ đề cho lễ hội năm nay là Văn Hóa Đa Dạng, Hiệp Nhất Vì Người Nghèo (diverse cultures, united for the poor). Đây là cơ hội để mỗi sinh viên thuộc các vùng miền của Philippines, cũng như các sinh viên quốc tế đang theo học tại đây có dịp giao lưu, quảng diễn văn hóa của địa phương như trang phục, ẩm thực, nét văn hóa đặc trưng của mình. Đặc biệt lễ hội năm nay còn có sự tham dự của các em học sinh, sinh viên nghèo người dân tộc thiểu số cùng giao lưu với các sinh viên của trường.
Philippines là một quốc đảo (archipelagos) gồm có 7,641 đảo lớn nhỏ khác nhau với ba khu vực đảo chính Luzon – Manila (miền bắc), Visayas (miền trung) và Mindanao (miền nam). Hai ngôn ngữ quốc gia là Tagalog và tiếng Anh, 8 ngôn ngữ chính theo miền và có khoảng 154 thổ ngữ (dialects) khác nhau theo từng dân tộc. Đặc điểm địa lý này cũng kéo theo sự đa dạng về văn hóa và phong tục tập quán rất khác nhau.
Hiện tại năm học này (2019-2020) có khoảng 250 sinh viên (40 sinh viên quốc tế) theo học tại đây bao gồm các linh mục, tu sĩ nam nữ thuộc các hội dòng khác nhau và giáo dân trong các chương trình tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân thần học và triết học. Các sinh viên quốc tế hầu hết đến từ các nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn quốc, Viet Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Pakistan, Ấn độ, Salomon Island, Nigieria, Trung quốc, Papua New Guine. Các sinh viên quốc tế theo học ở đây hầu hết là ngoại trú vì họ có các cộng đoàn của hội dòng hoặc một số thì ở trọ trong các dòng khác. Vì sự giảm sút ơn gọi nên các cơ sở của các dòng tu lớn trước đây trở thành chỗ trọ thích hợp cho các chủng sinh hoặc tu sĩ đến từ các nước khác. Học phí trung bình cho bậc cao học từ 1500-2000 USD/ năm và chi phí ăn ở trung bình 200 USD/ tháng. Mức sống ở Manila cũng tương tự như các thành phố lớn ở Châu Á, và cũng giống như các thành phố ở Việt Nam. Ngoài ra vào mùa hè trưởng còn tổ chức các khóa học mục vụ cho các linh mục đến từ Trung Quốc Đại Lục, Hàn Quốc, Nhật Bản và mỗi khóa học kéo dài khoảng 1-2 tháng theo chương trình hợp tác giữa trường và các địa phận của các quốc gia đó.
Năm học này số sinh viên đang ở nội trú (nhà DePaul) trong khuôn viên trường khoảng 47 sinh viên, gồm các chủng sinh đến từ các giáo phận khác nhau trên toàn quốc, vài sinh viên quốc tế và 5 chủng sinh Vinh Sơn (các năm thần học). Nhà DePaul là cộng đoàn dành cho sinh viên thần học của tỉnh dòng trước đây. Nhưng vài năm trở lại đây vì giảm sút ơn gọi nên đã tiếp nhận các chủng sinh địa phận ở nội trú. Như vậy số sinh viên đến từ địa phận đã áp đảo con số chủng sinh Vinh Sơn. Sự giảm sút ơn gọi là điều đáng tiếc cho tiến trình đào tạo đã rất thành công và có bề dày lịch sử trong sự hiện diện của tỉnh dòng tại đảo quốc này. Một hình thức đào tạo chủng viện khá đặc biệt của các giáo phận tại Philippines là gởi các chủng sinh đến học thần học ở các dòng tu khác tùy theo nhu cầu mục vụ mà đức giám mục muốn định hướng cho họ. Chẳng hạn như định hướng mục vụ giáo dục thì các giám mục sẽ gởi chủng sinh học ở La Salle; về đào tạo, nghiên cứu sẽ học ở Santo Thomas (UST) hay Ateneo, linh đạo người nghèo (SVST) vv…
Tuy con số chủng sinh khá ít nhưng là nắm men hữu hiệu làm dậy cả thúng bột vì các sinh viên được các giám mục gởi đến đây theo học đều được định hướng tiếp nhận một nền thần học và một linh đạo phục vụ người nghèo. Khi các chủng sinh địa phận này kết thúc chương trình học, họ sẽ trở về địa phận và phụ trách các lĩnh vực mục vụ theo linh đạo Vinh Sơn.Tại đây, ngoài việc học tại trường các sinh viên sẽ tham gia tất cả các hoạt động mục vụ của cộng đoàn mang đậm nét Vinh Sơn như phong trào cổ vũ lòng sùng kính Đức Mẹ Ảnh Phép Lạ, học về các nhân đức Vinh Sơn, các hoạt động mục vụ vào mỗi Chúa nhật với người nghèo và người sống bên lề, người dân tộc. Một trong các hoạt động mục vụ cho người nghèo sống bên lề xã hội đang được cổ vũ tại Giáo hội địa phương là BEC và EJK.
BEC (basic ecclesial communities) tức là các cộng đoàn Giáo hội cơ bản – tức là các gia đình, đặc biệt là các gia đình nghèo, nguội lạnh khô khan, hoặc các nhóm đạo đức trong giáo xứ. EJK (extra-judicial killings) tức là các gia đình của các nạn nhân bị bắn chết một cách bất công (không cần xét xử) bởi chính quyền, vì nghi ngờ liên quan đến sử dụng thuốc phiện trong cuộc chiến được gọi là cuộc chiến tranh thuốc phiện (drug war) do vị tổng thống nước này phát động. Các chủng sinh sẽ viếng thăm các gia đình này, tổ chức các buổi chia sẻ Lời Chúa, hoặc hạy giáo lý, dạy chữ cho con em của các nạn nhân cũng như khích lệ họ về tinh thần và vật chất hằng tuần.
Ngoài ra các chủng sinh phải duy trì một hoạt động thường nhật là đi chợ, nấu cơm và đồ ăn, sau đó đóng bịch và đi phân phát cho người vô gia cư và người ngủ ngoài đường ở các khu vực xung quanh thành phố vào mỗi buổi chiều tối. Như vậy các sinh viên Vinh Sơn và các chủng sinh địa phận sẽ được đào luyện và sống một nền linh đạo thực tiễn theo đoàn sủng Vinh Sơn trong suốt quá trình đào tạo tại SVST.
Trong số 250 sinh viên đang theo học thì chỉ có 15 sinh viên Vinh Sơn thuộc tỉnh dòng Philippines gồm: sinh viên thần học (5), sinh viên triết (10), với 2 tập sinh và đệ tử (4). Con số ơn gọi này không mấy khả quan vì có khả năng sẽ càng giảm sút hơn nữa trong những năm tới. Vì vậy đây là điều đáng lo ngại cho vấn đề ơn gọi của tỉnh dòng Philippines.
Sau buổi giao lưu tất cả các nhóm thuộc các khu vực khác nhau cũng như sinh viên quốc tế đã nhận bằng lưu niệm của nhà trường do cha trưởng khoa trao tặng. Sau đó toàn thể sinh viên đã làm một video clip 30s để cổ vũ ngày Giấc ngủ lớn của thế giới ngoài trời (the world’s big sleep out) sẽ diễn ra vào ngày 7 tháng 12 tới nhằm gây quỹ giúp các người vô gia cư trên toàn thế giới và địa phương.
Manila, October 29, 2019
Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, C.M