Việc phong thánh cho Jean Gabriel Perboyre và sự Dấn Thân Truyền Giáo của Tu Hội

Đăng ngày: 14/09/2019

Corpus Juan Delgado, C.M.

Trong một lá thư gửi cho tất cả các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo (ngày 20 tháng Tư năm 1995), cha cựu Bề Trên Tổng Quyền đã nói về Sắc lệnh hoàn tất tiến trình phong thánh cho Chân Phước Jean Gabriel Perboyre của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.[1] Cũng trong lá thư đó, cha Robert P. Maloney cùng với Tổng Đại Hội đã bày tỏ ao ước chúng ta hãy thực sự sống sự kiện này.

Trong diễn tiến phong thánh cho cha Jean, Đức Thánh Cha đã long trọng công bố rằng Chân phước Jean Gabriel, “vui hưởng nhan thánh Chúa; lời chuyển cầu của ngài trước nhan Chúa thực hữu hiệu; và cuộc đời của ngài là mẫu gương các đặc tính của một Kitô hữu nhiệt thành.” [2] Điều đó đã thúc đẩy Giáo Hội ngay từ thời kỳ đầu tôn kính các ngài, và sau đó là các thánh nhân khác, đã kính nhớ các ngài trong Thánh lễ và cầu khẩn sự chuyển cầu của các ngài. [3]

Vậy điều gì khiến việc phong thánh cho nhà truyền giáo Jean Gabriel Perboyre mang lại ích lợi cho Tu Hội Truyền Giáo và cho bản thân mỗi chúng ta với tư cách là nhà truyền giáo?

I. Cha Jean Gabriel Perboyre truyền cảm hứng cho chúng ta bằng mẫu gương đời sống của ngài

“Các vị thánh khiến cho sự thánh thiện trở nên thực tế cho chúng ta. Họ khích lệ sự thiêng thánh. Tôi thúc giục các thành viên của Gia đình Vinh Sơn suy ngẫm về cuộc đời của con người tuyệt vời này, trong những tháng sắp tới.”

“Các thánh truyền cảm hứng cho chúng ta bằng mẫu gương đời sống của họ.”

1. Jean Gabriel, một nhà truyền giáo…

Khi Jean Gabriel mười sáu tuổi, các nhà truyền giáo Vinh Sơn đã giảng đại phúc trong thị trấn Montauban là nơi Jean Gabriel đang theo học. Ngay trong thời niên thiếu, cậu đã bày tỏ mong ước của mình cách rõ ràng: “Tôi muốn trở thành một nhà truyền giáo.” [4] Phải chăng đơn giản đó chỉ là biểu lộ của lòng nhiệt thành tuổi trẻ?

Jean Gabriel gia nhập Nội chủng viện của Tu Hội Truyền Giáo ở Montauban (tháng Mười Hai năm 1818). Sau đó, ngài tiếp tục việc học thần học tại Paris. Khi hoàn thành việc học, ngài được gửi đến trường học tại Montdidier để dạy triết học và chờ thụ phong linh mục vì chưa đủ tuổi. Vào ngày 23 tháng Chín năm 1826, ngài được thụ phong linh mục và được sai đến Đại chủng viện Saint Flour. Năm 1835, ngài trở thành Phụ tá Giám đốc tại Nội chủng viện ở Saint Lazare.

Được đánh động bởi cuộc tử đạo của Cha Clet, Jean Gabriel đã thốt lên: “Đẹp thay cái chết của cha Clet; tôi nài xin Chúa biến cuộc đời tôi nên như thế.” Sau đó, khi thánh tích của cha Clet về đến Paris, ngài đã nói với các chủng sinh: “Đây là áo choàng của một vị tử đạo, tấm áo choàng của cha Clet; đây là sợi dây thừng đã siết nghẹt ngài. Diễm phúc thay nếu chúng ta cùng được chia sẻ chung vận mệnh.”  Sau đó, ngài xin một trong các chủng sinh: “Hãy cầu nguyện để tôi có thể hồi phục sức khỏe, có thể đến Trung Hoa và loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô và để chết vì Người.” Ngài còn nói với một chủng sinh khác: “Tôi đã xin đi đến Trung Hoa mười bốn năm trước…Tôi đến Saint Lazare chỉ vì mục đích này, để thi hành sứ vụ tại Trung Hoa.”

Cái chết của cha Louis anh trai của cha Jean Gabriel, khi đang trên đường đến Trung Hoa, chỉ khiến cho quyết tâm thành một nhà truyền giáo của ngài thêm mạnh mẽ, “cho dẫu tôi cảm thấy bất xứng để đi đến nơi đó”.

Vào ngày 2 tháng Hai năm 1835, bác sĩ của cha Jean Gabriel không còn phản đối cha vì lý do sức khỏe nữa, và con đường đến Trung Hoa đã rộng mở với ngài.

Từ năm 1836 đến 1840, cha Jean Gabriel tập trung các hoạt động truyền giáo trong các tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc. Trong vòng bốn năm rưỡi, ngài đã giảng dạy và dạy giáo lý cho các tín hữu bị bắt bớ, nghèo khổ và tách biệt khỏi những người khác bởi cách biệt địa lý. [5]

Cũng giống như các nhà truyền giáo khác, cha Jean Gabriel sống như một người vô gia cư, luôn trong tình trạng gặp nguy hiểm, buộc phải ngụy trang và lẩn trốn khi di chuyển. “Nước Trời chỉ có được bằng mồ hôi trán”.

2. …Đồng nhất với Đức Kitô

Tiểu sử cha Jean Gabriel nêu bật sự đồng nhất của ngài với Đức Kitô: Đức Kitô Thứ Hai, bởi ngài được người ta gọi là Đức Kitô khác.

Một vài bài viết của cha Jean Gabriel diễn tả sự đồng nhất của ngài với Đức Kitô vẫn còn được lưu giữ:

 “TÔI LÀ ĐƯỜNG: Con đường nào? Con đường của khiêm nhường, bác ái, vâng phục, kiên nhẫn, thiện hảo, hạnh phúc và vinh quang thiên quốc. Nếu chúng ta mong ước nên hoàn thiện, nếu chúng ta mong ước có được hạnh phúc và vinh quang thiên quốc, điều cần thiết là bước đi trên con đường này. Để kiên tâm trên con đường này, chúng ta cần một ngọn đuốc soi dẫn lối đi. Đức Kitô là ngọn đuốc soi sáng, bởi lẽ Ngài là sự thật. Chúa Giêsu nói cho chúng ta rằng hễ ai theo Ngài sẽ không còn đi trong đêm tối, nhưng có ánh sáng của sự sống. Cùng lúc đó, chúng ta cần sức mạnh để giữ vững bản thân trên đường đi; nguồn sức mạnh sẽ thúc đẩy chúng ta tiếp tục đi theo Thầy Chí Thánh. Đức Giêsu một lần nữa giải quyết vấn đề này: Ngài là nguồn sức mạnh. Ngài muốn trở nên nguồn lương thực nuôi dưỡng và trao ban chính Ngài cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể. Vì lý do đó ngài đã phán: TA LÀ SỰ SỐNG.”

 “Đức Giêsu Kitô là một người thầy vĩ đại về đường khôn ngoan; chỉ Đức Giêsu mới đem lại ánh sáng đích thực. Tất cả khôn ngoan đến từ ngài và bất cứ gì không dẫn đưa chúng ta đến với Đức Giêsu chỉ là gió bay, vô dụng và nguy hại. Chỉ có một điều quan trọng: hiểu biết và yêu mến Đức Giêsu Kitô.”

 “Chúng ta chỉ có thể có được ơn cứu độ nhờ vào sự nhất thống với Đức Giêsu Kitô. Sau khi chết, chúng ta sẽ không bị đòi hỏi phải là những nhà khôn ngoan, hay có vị thế cao trọng, hay chúng ta được tiếng tốt từ người đời. Nhưng chúng ta sẽ bị đòi hỏi phải bận rộn với việc học tập và nêu gương Chúa Giêsu Kitô.”

Trong một lời cầu nguyện đầy cảm xúc, cha Jean Gabriel đã viết như sau:

Lạy Chúa, bởi quyền năng và lòng xót thương của Ngài, chớ gì con được hoàn toàn biến đổi và cải hóa. Chớ gì đôi tay và miệng lưỡi con nên giống như Ngài. Chớ gì trí hiểu, trí nhớ cùng trái tim con được đồng nhất với trí hiểu, trí nhớ và trái tim của Ngài. Chớ gì con hành động giống như Ngài đã làm. Lạy Cha trên trời, hãy phán với con cùng những lời mà Ngài đã nói với Con của Ngài: ‘Ngày hôm nay Ta đã sinh ra con; đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về người.’”

Chúa Giêsu Kitô chính là người đã lôi cuốn cha Jean Gabriel cách mạnh mẽ, đến nỗi ngài đã từ bỏ mọi sự để theo chân Đức Giêsu. Đức Giêsu là nhân vật trung tâm trong tiến trình rao giảng Tin Mừng.[6]

3. Chết, chết trên cây thập tự

Cha Jean Gabriel đã sống đồng nhất với Đức Kitô cho đến chết, chết trên cây thập tự. Ngài đã viết cho thân phụ ngài: “Nếu chúng ta phải chịu tử đạo, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta hồng ân đặc biệt này; đó là điều đáng mong ước, không phải nỗi sợ hãi.” Ngài viết cho cha Bề Trên Tổng Quyền: “Con không biết tương lai sẽ như thế nào. Chắc chắn sẽ có nhiều thập giá, vì thập giá là lương thực hằng ngày của nhà truyền giáo.”

Cha Jean Gabriel đã dự phần vào thập giá của Đức Kitô kể từ khi ngài đặt chân đến Trung Hoa: những hành trình khó nhọc, sự bắt bớ,…và sau cùng bị một người theo học giáo lý phản bội chỉ bởi ba mươi lượng.[7] Ngài đã trải qua một cuộc khổ nạn dai dẳng khi bị chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác.

Cha Rizzolati nhờ ngài viết một lá thư cho các anh em từ trong nhà tù. Lá thư viết bằng tiếng Latin nhuộm đầy máu:

“Hoàn cảnh hiện tại không cho phép tôi viết tường tận hơn nữa. Từ khi tôi đặt chân đến Kou-tcheng-sien (Cốc Thành – nơi tôi được một người cai tù đối xử tốt trong suốt thời gian này), tôi đã trải qua hai đợt tra thẩm. Trong một đợt tra thẩm, tôi đã bị xiềng xích và phải quỳ gối suốt nửa ngày trời và bị treo trên xích sắt. [8] Ở Vũ Trang phủ, tôi phải chịu đựng hơn hai mươi cuộc thẩm vấn và bao nhiêu đợt tra tấn, bởi lẽ tôi không nói những điều nhà Mãn Thanh muốn nghe. Nếu tôi nói ra thì sự bắt bớ sẽ lan ra cả tỉnh này. Sự chịu đựng của tôi ở Tương Dương phủ bởi đức tin của tôi. Ở Vũ Trang phủ tôi đã bị đánh 110 roi vì tôi không chịu bước qua thánh giá …”

 Cha Jean đã nói những lời sau với các giáo lý viên đến thăm ngài: “khi quay trở lại làng của mình, hãy chào tất cả các tín hữu nhân danh tôi. Hãy nói với họ đừng sợ bắt bớ và hãy tin tưởng vào Thiên Chúa. Tôi sẽ không còn gặp lại họ và họ cũng sẽ không còn gặp lại tôi nữa. Tôi sẽ bị kết án tử hình. Nhưng tôi vui mừng vì được chết cho Đức Kitô.

Vào ngày 11 tháng Mười, cha Jean Gabriel đã chịu tử đạo, bị trói trên cây thập tự ở tuổi 38. Những lời sau đây đã mặc lấy một ý nghĩa mới: “Ôi, đẹp thay cây thập tự được dựng lên ở vùng đất không có những người tin và được nhuộm máu của các Môn đệ Chúa Giêsu Kitô.         

II. Chứng nhân đời sống của ngài truyền cảm hứng cho việc dấn thân truyền giáo của chúng ta

Cuộc đời và cái chết của cha Jean Gabriel phải đổi mới chúng ta trong việc dấn thân truyền giáo.

1. Yêu mến ơn gọi truyền giáo của chúng ta

Khi hồi tưởng lại những hoạt động truyền giáo của Tu Hội, thánh Vinh Sơn Phaolô đã thốt lên:

 “Để người nghèo nhận biết Chúa, để loan báo Đức Giêsu Kitô, để nói với họ rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến và vương quốc ấy dành cho người nghèo…thưa anh em, quả là lý do tuyệt vời để chúc tụng Chúa và để hằng cảm tạ Ngài vì hồng ân này.” [9]

Chứng nhân đời sống của cha Jean Gabriel cho phép chúng ta công bố sự tuyệt hảo của ơn gọi truyền giáo. Việc phong thánh cho ngài là một cơ hội cho chúng ta tăng trưởng lòng yêu mến ơn gọi và để sống ơn gọi trong niềm hân hoan.

2. Mong ước lớn lên trong đường thánh thiện:

 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II đã viết trong Thông điệp (“Redemptoris Missio”) “Sứ vụ đấng Cứu Thế”:

Một nhà truyền giáo thực sự chỉ khi chính người ấy cam kết sống đời thánh thiện… điều cần thiết là lòng phấn khởi cho việc “hăng say nên thánh” mới mẻ nơi các nhà truyền giáo cũng như khắp các cộng đồng Kitô hữu… nhà truyền giáo thực thụ là một vị thánh.” [10]

Nhìn nhận đời sống thánh đức của thánh Cha Jean Gabriel sẽ thúc đẩy chúng ta thành những nhà truyền giáo thăng tiến trên đường thánh thiện.

3. Đồng hình đồng dạng với Đức Kitô

Luật Chung của Tu Hội Truyền Giáo nhắc nhở chúng ta:

Nhờ ơn Chúa giúp, Tu Hội sẽ hết sức nỗ lực để mặc lấy tinh thần của Đức Kitô, hầu đạt tới những gì được xem như mục đích của mình.

Tổng Đại Hội năm 1992 nói rõ:

Khi chúng ta cố gắng đồng nhất bản thân với Đức Kitô, nhà truyền giáo cho những người nghèo khổ, chúng ta phải một lần nữa mặc lấy tinh thần của Đức Kitô. [11]

Việc phong thánh cho Jean Gabriel, một Đức Kitô khác, củng cố quyết tâm của chúng ta để sống trong Đức Kitô và biến Ngài thành quy luật và trung tâm của đời sống và hoạt động của Tu Hội. [12]

4. Tham dự và thập giá của Đức Kitô:

Theo thánh Vinh Sơn, sự đồng nhất với Đức Kitô của chúng ta phải là toàn diện:“Anh em thân mến, hãy nhớ chúng ta sống trong Đức Giêsu bởi cái chết của Người; cuộc đời chúng ta phải được ẩn náu trong Đức Kitô và đầy tràn chính Ngài. Để chết như Ngài, thì điều cần thiết là phải sống như chính Ngài. [13]

Việc Giáo Hội công nhận sự tử đạo của cha Jean Gabriel khiến chúng ta vững tin rằng ngài là một môn đệ chân chính của Đức Kitô. Đồng nhất với thập giá của Đức Kitô, sẽ mang lại tính chân thực cho việc dấn thân truyền giáo của chúng ta.

5. Sẵn lòng chịu đựng tất cả trong tình yêu:

Khi nhận ra những đòi hỏi của sứ mạng truyền giáo, thánh Vinh sơn mời gọi chúng ta sẵn sàng tất cả cho ích lợi của sứ mạng.

“Mạo hiểm mạng sống để băng qua những đại dương vì tình yêu của Thiên Chúa và ơn cứu độ của những người khác là một dạng tử đạo, cho dẫu không có sự đổ máu thực sự nào.” Đó là một dạng tử đạo trong ước muốn, vì người đó vứt bỏ mọi sự và mạo hiểm tất cả.

Có lẽ chúng ta quá hèn nhát và suy nghĩ quá nông cạn về chính mình rằng chúng ta sẽ rời bỏ vườn nho của Chúa, nơi chúng ta đã được mời gọi bởi quyền năng của Người, chỉ vì bốn, năm hay sáu người đã chết?… Chúng ta hãy nói ‘Không điều gì có thể khiến chúng ta rời bỏ quyết tâm này.’ [14]

 Chứng nhân tử đạo của cha Jean Gabriel cùng sự tham dự vào thập giá Đức Kitô của ngài chứng minh sự dấn thân của chúng ta trong diện mạo đối lập vốn có của nỗ lực truyền giáo.

Những lời của thánh Vinh Sơn sẽ trở nên hiện thực theo cách này:

Các nhà truyền giáo phải cảm thấy vui mừng vì trở nên nghèo bởi lòng bác ái dành cho người khác. Họ không được sợ việc nên nghèo khó bằng cách này… anh em thân mến, niềm hạnh phúc nào hơn để có thể đáp trả: chúng tôi nên nghèo khó bởi lòng bác ái. [15]

 Chứng nhân tử đạo của cha Jean Gabriel giúp chúng ta khám phá ra việc dấn thân trong sứ vụ truyền giáo được đo bằng lòng bác ái trong khi theo chân Thầy Chí Thánh là Đấng trao ban sự sống cho muôn người.

III.     Thánh Jean Gabriel trợ lực chúng ta bằng lời chuyển cầu

“Hôm nay, tôi cùng với anh em nài xin thánh Jean Gabriel truyền cảm hứng cho chúng ta sống ơn gọi truyền giáo với lòng quảng đại mạnh mẽ hơn nữa.” [16]

“Các vị thánh trợ lực chúng ta bằng lời chuyển cầu của họ.” [17]

 Đồng nhất việc tử đạo trong việc dự phần vào cái chết của Đức Kitô cũng là từ bỏ chính mình.[18]  Cái chết của thánh Jean Gabriel chia sẻ đặc tính tế tự và mang ơn cứu độ nơi sự chết của Đức Kitô. Khi phong thánh cho ngài, Giáo Hội công nhận tầm mức quan trọng của việc tử đạo của thánh nhân với cộng đoàn các thánh thông công. Bởi lý do này, thánh Jean Gabriel trợ lực chúng ta bằng lời chuyển cầu của ngài.

  1. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Jean Gabriel, chúng ta khấn xin cho từng thành viên trong Tu Hội Truyền Giáo và từng người trong Gia đình Vinh Sơn một tinh thần truyền giáo quảng đại hơn nữa.

  2. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Jean Gabriel, cách cụ thể hơn, chúng ta nài xin những ơn lành cho những dấn thân truyền giáo mà Tu Hội có được gần đây, như kết quả của Tổng Đại Hội năm 1992 và những lời mời gọi của cha Bề Trên Tổng Quyền tới các thành viên và các tỉnh dòng. [19]

  3. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Jean Gabriel, chúng ta đặc biệt nài xin những ơn lành cho sứ vụ truyền giáo tại Trung Hoa, “hãy nhớ những hy sinh của những người đã làm việc ở đó trong quá khứ và dâng lời tạ ơn vì lòng kiên trung của những người vẫn còn đang sống và làm việc ở đây; để họ nên những chứng nhân cho Đức Kitô và chúng ta mong chờ trong niềm hy vọng cho công việc truyền giáo tương lai.[20]

Jos. Lê Văn Trường chuyển ngữ


[1] Robert P. Maloney, Vincentiana, (1995), 66-67.

[2] Molinari, Canonization, Sacramentum Mundi.

[3] Điều này giải thích lý do Hội Thánh quan tâm đến việc phong thánh. Kể từ năm 1234, tiến trình đó với tất cả các chi tiết bao hàm trong đó được dành riêng cho Đức Thánh Cha.

 [5] Cf. A. Piras, I martiri crocifissi:  Clet e Perboyre, in Annali della Missione (1988), 53-66.

[6] Jean Gabriel chọn việc tử đạo như một hồng ân Thiên Chúa, “cho dẫu vinh quang Thiên Chúa sẽ tốt đẹp hơn khi sống để phục vụ hơn là việc tử đạo vì có rất ít linh mục tại Trung Hoa.”

[7] Một loại tiền bản địa.

[8] Một dụng cụ tra tấn.

[9] SVP, xi, 387.

[10] Redemptoris Missio, 90.

[11] Luật Chung, I, 3.

[12] Hiến Pháp, 5.

[13] SVP i, 320.

[14] SVP xi, 297-298.

[15] SVP xi, 767-768.

[16] Robert P. Maloney, ibidem.

[17] Kinh Tiền Tụng Các Thánh.

[18] O. Semmelroth, Martyrdom, Sacramentum Mundi.

[19] Tổng Tu Nghị chuẩn nhận quy chế sau đây: “Bề Trên Tổng Quyền và Ban Cố Vấn của ngài có thẩm quyền để thúc giục các Tỉnh Dòng tham gia và sứ vụ truyền giáo quốc tế (các sứ vụ, cam kết).” Bề Trên Tổng Quyền đã viết cho tất cả các linh mục và tu huynh trong Tu Hội (ngày 9 tháng Mười năm 1992): “Với sự ủng hộ và đồng thuận mạnh mẽ của Ban Tổng Cố Vấn, tôi quyết định thành lập sứ vụ truyền giáo mới hàng năm, bao gồm việc tham gia vào các cộng đoàn quốc tế.”

[20] Robert P. Maloney, Lá thư ngày 20 tháng Tư năm 1995.