Vinh Sơn – Con Người Lịch Sử Và Sống Động

0
815

Khi nhìn lại đời sống của một vĩ nhân đã qua đời, người ta sẽ có khuynh hướng làm cho con người vĩ đại ấy trở nên sống động; trái lại, nhìn lại đời sống của một ác nhân, tất cả chỉ là con số không dù cho con người này có tài giỏi hoặc làm cho cả thế giới khiếp sợ. Gần 400 năm sau cái chết của thánh Vinh Sơn, người ta đã, đang và sẽ còn học hỏi về đời sống gương mẫu của ngài. Dù con người thể chất đã chết, nhưng tinh thần ngài luôn sống động cho đến ngày nay.

Con người ấy đã không ngừng gắn kết đời mình với Thiên Chúa, trước những khó khăn và ngay cả trước khi qua đời. Ngài lại còn an ủi những ai lo lắng về trọng bệnh của mình: “Trong suốt mười tám năm qua tôi không bao giờ đi ngủ nếu trước đó không đặt mình trình diện trước mặt Chúa.” Ngài còn an ủi những người phục vụ mình, khi họ thấy người cha già đang đau đớn trên giường bệnh: “Chúa chúng ta đã chịu đựng nhiều hơn những gì tôi chịu đựng”. Thánh Vinh Sơn đã trút hơi thở nhưng tiếng vang vọng về Danh “Chúa Giêsu” vẫn như còn vang vọng trong căn phòng. Cha Coste còn mô tả rõ hơn về cái chết của thánh nhân: “Ngài qua đời trên chiếc ghế của mình, gần lò sưởi, mặc quần áo chỉnh tề, và không có một sự vùng vẫy nào. Sự chết không làm biến dạng nét mặt của ngài và cái chết dường như đã phú cho ngài một vẻ đẹp và vẻ uy nghi, làm kinh ngạc tất cả những ai có được đặc ân nhìn thấy vẻ mặt ấy.”

Qua các thư từ, các bài nói chuyện và nhất là qua cuộc sống chứng tá của ngài, chúng ta không thể không điểm lại những nét chính làm nên vị Tông đồ Bác ái. Vinh Sơn không có xuất thân nổi bật, ngài sinh ra và lớn lên ở miền quê nước Pháp. Gia đình của ngài thiếu thốn, nghèo khổ và ngài là một cậu bé chăn gia súc. Ngài cũng có những cảm nghĩ rất con người khi: “Tôi đã xấu hổ khi đi bộ với ông ấy và thừa nhận ông ấy là bố của mình, vì ông ăn mặc rách rưới và chân hơi khập khiễng.” Hơn nữa, ngài còn là một người mưu manh, khi lãnh tác vụ linh mục ở độ tuổi gần 20 bởi một vị Giám mục già. Môi trường tìm kiếm bổng lộc của các giáo sĩ Pháp thời đó đã không loại trừ ngài khỏi vòng xoái của tiền tài và danh vọng. Thiên Chúa đã không để cho Vinh Sơn đạt được ý định của mình và đã từng bước biến đổi con người này. Vinh Sơn đã bị cám dỗ đức tin mà theo ngài, đó là sự đêm tối đức tin suốt mấy năm trời. Sau khi giúp một vị tiến sỹ bị cám dỗ chống lại đức tin, chính Vinh Sơn đã thấy nơi tâm hồn mình về sự cám dỗ khôn cùng. Với niềm xác tín, ngài đã đánh bại ma quỷ, quyết tâm phục vụ Chúa và con dân của Người.

Sau những năm gần như đen tối, chưa tỏ lộ con người của ngài, ngài đã dần cảm nghiệm được tình Chúa thương yêu, được biểu lộ nơi con người của ngài. Giáo dân Clichy dễ thương hết sức, họ sẵn lòng nghe ngài yêu cầu. Từ viễn cảnh này, thánh nhân tạ ơn Chúa và thốt lên: ngay cả Đức Giáo hoàng cũng không hạnh phúc bằng một cha sở miền quê. Năm 1617, biến cố Folleville lại là một bước tiến xa trong quá trình biến đổi của ngài, Vinh Sơn đã kinh nghiệm biến cố ấy là biến cố khai sinh Tu hội Truyền giáo qua bài giảng đại phúc đầu tiên. Cũng năm đó, Chatillon là nơi khai sinh Hội các Bà Bác ái (AIC). Không chỉ các biến cố, nhiều con người đáng được nhắc đến là những người thay đổi đời sống của ngài: Đức cha Phanxicô Salêsiô tốt lành và thánh nữ de Chantal, đồng sáng lập Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng; Cha Duval giúp ngài nhận ra mệnh lệnh của Thiên Chúa; Bà de Gondi yêu cầu Vinh Sơn giảng một bài khuyến khích xưng tội chung; vai trò của Đức Hồng y Bérulle trong những năm đầu đời linh mục;…

Vinh Sơn, con người của hành động đã không ngừng thực hiện ý Chúa trong việc phục vụ người nghèo, ngài đã chọn châm ngôn “Evangelizare pauperibus misit me”, Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo (Lc 4, 8). Người nghèo là những người phụ nữ Samari (Ga 4, 26), cần được Chúa ban nước hằng sống, thứ nước mà ai cũng khao khát. Đức Giêsu đã rao giảng nước Thiên Chúa và Tin mừng cứu độ. Nhận thức được điều đó, Vinh Sơn không ngừng nhắc nhở mình và con cái của ngài, phải ra đi với sứ mạng AD GENTES. Ngài đã nói với các nhà truyền giáo của mình, “Ơn gọi của chúng ta không phải chỉ đi đến một giáo xứ hay là đến một giáo phận nào. Chúng ta phải đi đến khắp nơi trên thế giới để thu phục các linh hồn.” Nhìn lại lịch sử hào hùng của các nhà truyền giáo ra đi, dù dịch bệnh, bị đắm tàu, bị ngược đãi, khác biệt văn hóa và ngôn ngữ, thánh Vinh Sơn đã gọi họ là những hạt giống nảy sinh các nhà truyền giáo tốt lành mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội và Tu hội. trong dịp gửi các nhà truyền giáo đến những nơi như Ai-len, Madagascar hoặc bờ biển Barbary, thánh Vinh Sơn đã ghen tị vì ngài không thể đi như họ đã đi, để rao giảng Tin mừng và ngay cả, ngài có thể dâng hiến mạng sống vì đức tin. Ngài kêu than: “Chao ôi, tôi thật là một người khốn khổ, lỗi tội của tôi đã làm tôi không xứng để rao giảng Lời Chúa cho những người chưa biết Người”.Theo gương Đức Giêsu, Đấng đã mời gọi các môn đệ phải đi đến các làng xung quanh, các nơi khác, để rao giảng ở đó, vì Ngài đến cốt để làm điều đó (Mc 1, 38).

Tại Saint-Lazare, Vinh Sơn đã tỏ cho mọi người thấy mình là con người canh tân và là người đào tạo. Thánh nhân đã làm cho ngôi nhà này trở nên ngôi nhà lan tỏa Lòng thương xót nơi những người tĩnh tâm, người giàu nghèo thuộc mọi tầng lớp xã hội, người đau yếu hoặc cả những người mạnh khỏe, họ đến đây để nhận các ơn Chúa Thánh Thần, Đấng biến đổi con người họ. Thánh Vinh Sơn đã bày tỏ về ân huệ Chúa ban cho Saint-Lazare: Chúa Thánh Thần đã thực hiện liên tiếp những cuộc hiện xuống… trên tâm hồn những con người này”. Các giáo sỹ Pháp thời đó sống trong tình trạng sa sút, bỏ quên đời sống thiêng liêng và tìm kiếm bổng lộc trong chức vụ của mình. Họ được thôi thúc đến Saint-Lazare để suy gẫm về thừa tác vụ và nâng cao đời sống thiêng liêng. Cũng tại đây, các nhân đức được thành hình trong trục đào tạo của anh em Vinh Sơn, thánh Vinh Sơn đã nhắc nhở các thành viên phục vụ khách tĩnh tâm, hãy tỏ cho họ thấy sự hiến thân, hiền lành, dịu dàng, ân cần và khiêm nhường đối với họ bởi nếu chỉ một chút buông thả và lười biếng sẽ làm cho gương mẫu đào tạo trở thành con số không. Vinh Sơn cũng là người điều hành các buổi Hội thảo ngày Thứ Ba hàng tuần tại đây, giám mục Abelly đã ca ngợi thánh nhân rằng: “Ngài đã có một ân sủng đặc biệt, ân sủng đó hữu hiệu và tràn đầy ơn Chúa khi ngài nói… Lời nói của ngài thì đơn giản và không có phô trương, nhưng đầy mạnh mẽ và đến từ tâm hồn của ngài.”

Đào tạo hàng giáo sỹ và dẫn đưa người giáo dân tham gia vào việc loan báo Tin Mừng, thánh nhân đã đặt ra những câu hỏi, “chúng ta có bao giờ nghĩ đến các việc làm mà Tu hội hiện đã đang tiến hành không? Các tiến chức là những người được gửi gắm tốt nhất và quý báu nhất mà Giáo hội có thể giao phó cho chúng ta hướng dẫn không?  Chúng ta có bao giờ nghĩ đến Hội Bác ái không? Chúng ta đã cam kết điều đó để cứu giúp những đứa trẻ nghèo bị bỏ rơi thế nào? Việc tông đồ vĩnh viễn nơi các Nữ tử Bác ái có luôn gắn liền với hành trình truyền giáo? Cung cách truyền giáo hữu hiệu cũng là điều Vinh Sơn nhắc nhở luôn nơi các thành viên của mình. “Ngay cả khi anh em không nói một lời, nhưng anh em có thể chạm vào nhiều tâm hồn chỉ bằng sự hiện diện của anh em, giá mà anh em được chiếm đoạt hoàn toàn bởi Chúa … (Hai linh mục trong một sứ mạng) đã đi trong trang phục áo các phép từ cộng đoàn đến nhà thờ, sau đó quay trở lại mà không nói một lời. Ký ức về họ rất đáng chú ý, đến nỗi điều đó đã gây ấn tượng mạnh mẽ nơi những người thấy họ, chưa bao giờ có trải nghiệm như thế. Sự nết na của họ là một bài giảng thầm lặng rất hiệu quả, tôi đã nói rằng, điều đó có thể đã đóng góp nhiều hơn bất cứ điều gì khác cho sự thành công của sứ mạng này.” Vì Thiên Chúa là cùng đích duy nhất của tất cả các hành động của chúng ta, nên “Thiên Chúa không bao giờ được tôn vinh bởi sự lừa dối”. Vinh Sơn đã cảm nhận được “Thiên Chúa đã chúc lành cho bài giảng của tôi” và ngày luôn hy vọng, công việc ngài giao phó cho các nhà truyền giáo sẽ sinh hoa kết quả.

Thánh nhân không ngừng nhớ đến sứ mạng của mình cũng như con cái mình. Châm ngôn Tin Mừng Lc 4,8 luôn hiện diện trong tâm trí ngài. Các Tu hội mà đã ngài lập ra để phục vụ người nghèo, các Bà Bác ái, các đứa trẻ bị bỏ rơi, người nghèo, những tù nhân và những ân nhân đã được ngài dâng cho Chúa trước khi qua đời. Sự nhiệt thành cho sự cứu rỗi các linh hồn đối với thánh nhân và con cái mình luôn phải được đòi hỏi và đòi hỏi hơn nữa. Cảnh cuối cùng trong bộ phim Monsieur Vincent đã diễn tả phần nào tâm huyết của thánh nhân; thánh nhân ngồi, mệt mỏi và đau đớn, trên một chiếc ghế đối diện với Hoàng hậu Pháp. Ngài nói với Bà rằng, ngài đã làm rất ít hoặc không làm gì trong đời mình. Bà hoàng ngờ vực: “Nếu cha không làm gì, thế chúng tôi thì sao?” Ngài trả lời, “Tôi không biết – tôi chỉ biết rằng tôi đã không làm gì cả.” Bà hoàng hỏi một cách đầy tình cảm: “Cha sẽ phải làm gì để hoàn thành một việc gì đó?” Sau một hồi im lặng, Vinh Sơn ngẩng đầu lên và ngài trả lời với sự hào hứng, “LÀM HƠN NỮA!”

NDĐ