Vinh Sơn, Người Dũng Cảm

0
922

Jack Melito, CM
NDĐ chuyển ngữ

Sự hiền lành của con chiên là dấu hiệu thường thấy trong tính cách của thánh Vinh Sơn, nhưng khi thái độ ôn hòa không phục vụ cho vinh quang của Thiên Chúa hay sự tốt lành của Tu hội hoặc phúc lợi của người nghèo nữa, thì thánh nhân đã dùng đến một giải pháp cứng rắn hơn. Ngài từng ám chỉ về điều này ở một khía cạnh khác: “để thành công trong một việc khó khăn, nếu tôi bị buộc phải chọn năm mươi con nai được chỉ huy bởi một con sư tử, và năm mươi con sư tử được chỉ huy bởi một con nai, thì tôi tự xét thấy một cách chắc chắn là thành công thuộc về nhóm thứ nhất hơn là nhóm thứ hai.”

Đã có nhiều lần Vinh Sơn phải giữ vai trò là một nhà lãnh đạo gan dạ, ngay cả đối với những người nắm quyền lực trong Giáo hội hay Quốc gia. Họ đã không hăm dọa được ngài; ngài đã dùng quyền lực hòa hợp với quyền lực. Do đó, khi nhớ lại ý định bảo vệ sự độc lập của Tu hội còn non trẻ của mình từ những ngày đầu, Vinh Sơn đã kể về việc từng phải giải quyết một vấn đề (liên quan đến việc quản lý nhà Saint-Lazare) với Đức Tổng Giám mục Paris, người theo truyền thống của các vị Giám mục tiền nhiệm, đã đòi hỏi một khoản tiền phải trả hàng năm: “Tôi đã khẩn xin một cách nghiêm túc với đức Tổng Giám mục để ngài miễn trừ cho chúng tôi khỏi việc này. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục không bằng lòng làm điều đó, và tôi đã nói với ngài rằng tốt hơn chúng tôi nên rút lui, và chúng tôi chắc chắn nên làm như vậy, nếu ngài ấy cứ khăng khăng với yêu cầu của mình.”

Trong một dịp khác, khi đối diện bà Hoàng hậu về tình trạng kinh hoàng gây ra bởi những công việc ở Paris và sự can thiệp của Hồng y Mazarin vào đó, Vinh Sơn đã thách thức bà, dẫn đến một vị thế bất lợi cho mình: “Thưa bà, có công bằng không khi để một triệu người vô tội chết vì đói thay cho hai mươi hay ba mươi người tội lỗi? Hãy nghĩ về những nỗi khốn khổ sẽ xảy ra với người dân của bà, về những cảnh điêu tàn, sự phạm thánh và những báng bổ mà cuộc nội chiến gây ra như hậu quả của nó. Và tất cả những điều này xảy ra là vì cái gì? Để giữ lại một người là đối tượng của sự thù hận công khai. Nếu sự hiện diện của Mazarin là nguồn gốc gây bất an cho quốc gia thì bà chắc chắn không tha cho ông ta, dù chỉ trong chốc lát, phải không?”

Ngay cả trong nhiệm vụ quản trị Tu hội của mình, Vinh Sơn vẫn kiên quyết đòi hỏi sự trung thành của các thành viên. Ngài sẽ không ngần ngại thực hiện các bước “thanh lọc Tu hội”, như ngài đã nói: “Mười người thực hiện một cách trung thành những đòi hỏi của Tu hội thì có giá trị bằng một trăm người khác, và một trăm người không có ơn gọi thực sự hoặc không đáp ứng các ý định của Thiên Chúa đó, không thể tốt bằng mười người kia.” Ngài cũng không sợ hậu quả của việc giảm số lượng ơn gọi. Ngài tin tưởng rằng “(Thiên Chúa) sẽ gia tăng số lượng ơn gọi cho Tu hội và chúc lành cho Tu hội”.

Tuy nhiên, dù hành động quyết liệt theo như hoàn cảnh đòi buộc thế nào, Vinh Sơn vẫn luôn chú ý đến khía cạnh hòa nhã: “Cần phải vững vàng và kiên quyết đến cùng đối với các mục tiêu, nhưng hiền lành và khiêm nhường trong việc sử dụng các phương tiện. Ở điểm này, đó là linh hồn của tất cả sự kiềm chế tốt lành.” Ngài đã khẩn cầu Đức Giêsu là mẫu gương trên hết của mình: “Hãy nhớ rằng Chúa chúng ta không phải lúc nào cũng cư xử hiền lành với các môn đệ của mình, Người đã nói những lời rất khắc khe với họ, thậm chí còn gọi thánh Phêrô là ‘Satan’ … Người cũng dùng roi đánh đuổi những người xúc phạm đến Đền thờ, để tỏ cho những người coi sóc Đền thờ khác biết rằng, không phải lúc nào họ cũng (hiểu biết) về những điều đó.”

Cuối cùng, đối với Vinh Sơn, sự kiên quyết và dịu dàng phải có mối tương quan song hành. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta hãy bền lòng đến cùng, chúng ta phải đoan hứa với chính mình về những cam kết tốt lành của chúng ta, nhưng hãy để sự hiền lành kiểm soát các phương tiện chúng ta sử dụng.” Đi theo con đường này là bắt chước “sự kiềm chế khôn ngoan của Thiên Chúa: Hoàn thành mục đích một cách mạnh mẽ trong khi quyết định một cách dịu dàng những phương tiện đạt được.”

Tháng 10/1991