Vinh Sơn Phaolô, Vị Thánh Xây Dựng Hòa Bình

0
1099

Ngôn sứ Giôna không vâng lệnh Đức Chúa, mà trốn đi Tác-sít, tránh nhan Ngài, nên Đức Chúa cho một trận cuồng phong khiến con tàu ông đi sắp vỡ tan. Những thủy thủ sợ hãi hỏi ông: “Chúng tôi phải xử với ông thế nào để cho biển lặng yên?”[1] Ông Giôna đã trả lời: “Hãy ném tôi xuống biển thì biển sẽ lặng yên.[2] Câu nói của Giôna được cha Vinh Sơn Phaolô lấy lại để nói với vị Hồng y Thủ tướng Mazarin: “Thưa ngài, hãy chấp nhận điều không may này. Hãy gieo mình xuống biển đi và cơn bão sẽ lặng yên.[3] Đó là câu nói xuất phát từ một tâm hồn yêu chuộng hòa bình đích thực, bởi nếu không khao khát xây dựng hòa bình cho nước Pháp, cha Vinh Sơn sẽ không đủ can đảm nói lời đó trước một vị Hồng y Thủ tướng, nhân vật quyền lực nhất nước Pháp bấy giờ. Để minh chứng “Vinh Sơn Phaolô, Vị Thánh Xây Dựng Hòa Bìnhtrong bài viết này, tôi sẽ trình bày những điểm sau:

1. Thánh Vinh Sơn Khao Khát Xây Dựng Hòa Bình

2. Thánh Vinh Sơn Xây Dựng Hòa Bình Bằng Nhiều Cách

3. Thánh Vinh Sơn Trong Mối Phúc Thứ Bảy Của Tin Mừng Mátthêu

1. Thánh Vinh Sơn Khao Khát Xây Dựng Hòa Bình

Hòa bình” tiếng Hy lạp là Eirènè và tiếng Do thái là Shalom, thường được dịch là “bình an.” Trong tiếng Do thái, bình an không chỉ có nghĩa tiêu cực là không có vấn đề gì rối ren, nhưng luôn dùng để chỉ bất cứ điều gì đem lại lợi ích cao quý nhất cho con người. Ở phương Đông, lời chúc Shalom với mong muốn người được chúc thoát khỏi sự dữ và được mọi sự an lành. Trong Kinh Thánh, bình an không chỉ có nghĩa thoát khỏi mọi điều bối rối, nhưng còn mang nghĩa là được hưởng mọi ơn lành.[4]

Có những người nói rằng họ yêu hòa bình, thích sự bình an nhưng lại không dám đương đầu với những khó khăn hay đổ máu. Họ trốn tranh chấp, tránh bạo động mà tìm nơi an toàn, không can hệ tới ai như kiểu sống “ngu si hưởng thái bình.” Ngược lại, người dám đương đầu với việc khó nhằm hòa giải những bất đồng căng thẳng, can đảm bảo vệ sự thật, tìm kiếm lẽ công bình, đem lại lợi ích cho tha nhân, đó là người xây dựng hòa bình đích thật.

Theo dòng tiểu sử về thánh Vinh Sơn, chúng ta có thể bắt gặp một con người yêu thích sự bình an, không thích ồn ào tranh tụng. Vào cuối năm 1608, khi đến Paris, cha Vinh Sơn ở trọ thuê với một người đồng hương, là vị thẩm phán bình thường ở vùng Bordeaux. Một ngày nọ, vị thẩm phán phát hiện ra mình bị mất tiền, nên ông đã to tiếng tố cáo Vinh Sơn là kẻ ăn cắp, đuổi cha ra khỏi phòng, vu khống cha với bạn bè và những người quen biết cha. Ông vận động Giáo quyền cho trát[5] bắt Vinh Sơn ra hầu toà. Trước sự việc kinh hoàng này, cha Vinh Sơn đương đầu với nó bằng thái độ bình thản, không tranh luận, không giải thích nhiều. Cha chỉ nói một cách nhẹ nhàng: “Chỉ có Chúa mới biết đâu là sự thật.” Kết quả là sáu năm sau, sự thật được phơi bày và vị thẩm phán đã cầu xin sự tha lỗi của cha Vinh Sơn.[6]

Thêm một lần nữa, vào năm 1632, con người không thích tranh tụng lại phải ra hầu tòa chỉ vì các kinh sỹ Saint Victor tranh dành quyền lợi Saint Lazare, biến nó thành một vụ kiện về mặt pháp lý trước tòa án tối cao của vương quốc. Cha Vinh Sơn muốn từ bỏ tất cả, nhưng vì cha Duval tốt lành cùng những người bạn khác can ngăn và động viên nên cha miễn cưỡng tiếp tục vụ kiện.[7]

Mặc dù không thích tranh tụng, nhưng cha Vinh Sơn lại không trốn tránh trước tiếng than khóc của người nghèo. Cha là một người ao ước nền hòa bình cho Giáo hội, người kiến tạo hòa bình cho đất nước.

Sự ao ước hòa bình của cha được thể hiện qua việc thành lập Tu hội Truyền giáo với mục đích “truyền giáo[8] cũng như “tái truyền giáo.[9] Việc tái truyền giáo hay “đại phúc” đòi hỏi các nhà truyền giáo đi đến các làng mạc và thôn xóm theo gương Chúa để rao giảng, dạy giáo lý, khuyến khích dân chúng xưng tội tổng quát về toàn bộ đời sống. Các cha truyền giáo cố gắng giải quyết những tranh chấp và bất hòa.[10]

Sự khao khát kiến tạo hòa bình cho đất nước thể hiện cụ thể qua việc cha Vinh Sơn phải can thiệp vào chính quyền, cầu xin chấm dứt bạo loạn, chấm dứt chiến tranh. Bên cạnh đó, cha cố gắng xoa dịu sự căng thẳng giữa những xung đột quyền bính, đồng thời ra sức trợ giúp nạn nhân của những cuộc chiến đau thương.[11]

2. Thánh Vinh Sơn Xây Dựng Hòa Bình Bằng Nhiều Cách

Bởi tâm hồn yêu chuộng hòa bình, bởi trái tim nhạy cảm trước thảm trạng quê hương đất nước, cha Vinh Sơn đã lao mình vào công cuộc xây dựng hòa bình bằng nhiều cách:

Kêu gọi sám hối là việc làm đầu tiên mà cha Vinh Sơn thực hiện trong việc kiến tạo hòa bình.

Trong những năm của thập niên 30, chế độ chính trị làm phát sinh chiến tranh. Đối với vua Louis XIII và Thủ tướng Hồng y Richelieu, chiến tranh là một sự lựa chọn sáng suốt và không tránh được. Chiến tranh đã bắt đầu với cuộc xâm chiếm miền Lorraine vào năm 1632, sau đó chiến tranh đã đốt phá hết miền Bắc và miền Đông nước Pháp. Năm 1636, khi được tin người Tây Ban Nha tiến tới Corbie, cha Vinh Sơn đã nói với các nhà truyền giáo và các Nữ tử Bác ái: “Đây là thời gian sám hối vì Chúa muốn sửa phạt dân Người.”  Trong tinh thần liên đới với những con người bé nhỏ, cha đã xin họ và bản thân cha phải kiêng khem rất nhiều. Trong ba, bốn năm trên bàn ăn không còn thấy những ổ bánh mì ngon nữa.[12] Cha khuyên Tu Hội nhớ đến những lời cầu nguyện kêu gọi sám hối của ngôn sứ Giô-en và ra lệnh cho các linh mục của mình cầu nguyện cho những ai bị những tai họa như thế. Cha muốn Tu Hội cũng chịu những sự thiếu thốn khác nhau, như là một cách xoa dịu tai ương. Khi chiến tranh bùng nổ với Tây Ban Nha, cha ra lệnh là trong các bữa ăn, phải giảm bớt một món ăn.[13]

Sau cuộc nội chiến La Fronde (1648-1653), tiếng kêu cứu từ miền Bắc, nơi đó cuộc chiến tranh chống Tây Ban Nha vẫn đang tiếp diễn. Nó tàn phá đến các vùng biên giới Picardie và Champagne và ngay cả đến trung tâm của nước Pháp, biến vùng nông thôn tươi đẹp của Paris thành các bãi chiến trường. Hậu quả của chiến tranh đã gợi lên ý thức tôn giáo nơi cha Vinh Sơn. Cha nhận thấy những cuộc xung đột là tai ương mà Thiên Chúa đã cho xảy ra, như là một hình phạt bởi tội lỗi của con người. Người nghèo chịu đau khổ là vì họ thiếu hiểu biết và vì tội lỗi của họ, trong khi đó, các nhà truyền giáo cũng có lỗi vì sự chểnh mảng của họ cũng như vì họ không chịu hành động. Vì thế, các linh mục và các tu huynh trong Tu hội được thúc giục phải cầu nguyện liên lỉ và ăn năn sám hối, hầu tránh được cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

 “Tôi xin lặp lại các lời tôi đã khuyên anh em và tôi đã không bao giờ nhấn mạnh đủ, đó là anh em hãy cầu xin Chúa liên kết tâm hồn các hoàng tử theo đạo Kitô lại với nhau. Chiến tranh diễn ra ở mọi quốc gia Công giáo: ở Pháp, ở Tây Ban Nha, ở Ý, ở Đức, ở Thụy Điển và ở Ba Lan. Riêng nước này bị tấn công ở ba mặt, ngay cả những vùng núi nghèo nàn nhất và hoang vắng nhất. Còn ở Ái Nhĩ Lan thì khá hơn nhiều, anh em biết hoàn cảnh đáng buồn của nước Anh: chiến tranh khắp nơi, khốn khổ khắp nơi. Còn ở Pháp, có vô số những người đau khổ. Ôi lạy Chúa tôi! Ôi lạy Chúa tôi! Nếu chiến tranh cứ đè nặng trên chúng con trong suốt bốn tháng, thì có biết bao nhiêu đau khổ ở tại nước Pháp này, là một đất nước có rất nhiều thức ăn ở khắp nơi. Vậy thì trong hai mươi năm nữa, thử hỏi sự việc này sẽ ra sao cho những người sống ở gần biên giới, họ đã phải chịu đựng đau khổ này trong hai mươi năm nữa? Nếu họ gieo cây trồng, mà họ không có gì bảo đảm là họ sẽ có thể thu hoạch được chúng, vì quân đội đến cướp bóc, phá hoại khắp nơi, còn những gì mà những người lính không ăn cắp thì lại bị các nhân viên công lực mang đi.”[14]

Mỗi sáng, khi Tu Hội đọc Kinh Cầu Thánh Danh Chúa Giêsu, cha Vinh Sơn đều trịnh trọng lặp lại lời cầu “Lạy Chúa Giêsu, Chúa Hòa Bình”. Đến tháng 6 năm 1652, cha thực hiện lời dạy của Đức Tổng Giám mục, là nên đọc các kinh đặc biệt và ăn năn sám hối, nhân dịp long trọng di dời các thánh tích của thánh nữ Geneviève, bằng cách ra lệnh cho hai linh mục và hai tu huynh ăn chay mỗi ngày. Một linh mục sẽ dâng thánh lễ, cùng với sự tham dự của các giáo sĩ và các thầy, để cầu xin cho hòa bình. Khi đến lượt mình, cha cũng làm y như vậy. Việc thực hành này được tiếp tục trong chín tháng, cho đến khi hòa ước Pyrénées được ký kết. Những lời khuyên của cha Vinh Sơn về việc cầu xin và ăn năn sám hối, không chỉ hạn hẹp ở trong Tu hội, nhưng cha còn khuyến khích các bà Bác ái, các Nữ tử Bác ái và tất cả những người đạo đức mà cha biết, thực hành những điều này.[15]

Cha Vinh Sơn làm trung gian hòa giải, xin hòa bình nơi những người nắm quyền.

Từ những năm 1635 – 1643, khi mà hàng loạt cuộc chiến diễn ra trên vùng đất Lorraine. Toàn những cảnh tượng bạo tàn và cướp bóc, nhiều làng mạc bị cướp phá rồi phóng hỏa, nông dân bị tra tấn dã man, những người sống sót kinh hoàng chạy đến các thị trấn có đồn lũy kiên cố hay ẩn núp sâu trong rừng, ruộng vườn bỏ hoang, nạn đói rộng khắp, dịch tễ lan tràn. Người ta ghi nhận có cả những vụ ăn thịt người.[16] Trước thảm kịch này, cha Vinh Sơn không thể im lặng, không lẩn tránh. Cha được Thiên Chúa thôi thúc nói lên sự thật, tìm kiếm hòa bình. Một ngày kia, cha đến gặp Đức Hồng y Richelieu. Cha giảng giải cho ông những nỗi khốn khổ mà chiến tranh gây ra, những đau khổ mà dân chúng phải gánh chịu, cũng như những tội lỗi mà người ta phạm phải trong chiến tranh. Ở cuối bài phát biểu của mình, cha đã quỳ xuống, và thốt lên: “Thưa ngài, xin ban hòa bình cho chúng con. Xin thương xót chúng con. Xin ban hòa bình cho nước Pháp!” Câu trả lời của vị Thủ tướng Hồng y là: “Hòa bình ư? Thưa ông Vinh Sơn, đó là điều mà tôi luôn luôn tìm kiếm. Điều đó không tùy thuộc vào tôi. Rất nhiều người, kể cả ở đây cũng như ở nước ngoài, đều có liên quan đến.”[17] Mặc dù cuộc nói chuyện không mang lại kết quả tốt đẹp, nó là một lời từ chối khôn khéo của vị Hồng y, nhưng qua cuộc trao đổi này, đã cho thấy, Cha Vinh Sơn là người yêu mến người nghèo thật lòng và khao khát đem lại hòa bình cho họ. Cha Vinh Sơn là tiếng nói đại diện cho người nghèo nơi những vị nắm quyền.

Thủ tướng Hồng y Richelieu qua đời (4 tháng 12 năm 1642) lại xuất hiện Thủ tướng Hồng y Mazarin[18] người thực sự có toàn quyền lãnh đạo chính phủ trong suốt thời gian nhiếp chính của hoàng hậu, cũng như trong những năm đầu trị vì của Louis XIV. Cha Vinh Sơn chưa hết bận tâm về chiến tranh vùng Lorraine, thì cuộc nội chiến La Fronde lại bắt đầu. Chính những người Pháp chống đối nhau, và Đức vua chống lại dân chúng. Đó là tình trạng rối ren do lòng ganh ghét, sự thù ghét đối với Mazarin và việc bảo vệ những cục bộ.[19]

Đau khổ của người nghèo lại sắp tái diễn, họ lại là nạn nhân chính của cuộc nội chiến. Cha Vinh Sơn không thể thờ ơ trong khi người ta sắp chết ở khắp nơi trên nước Pháp. Các nghĩa vụ khiến cha phải tiếp xúc với những nhân vật quan trọng ở cả hai phe, nó đã thuyết phục cha là chỉ khi nào Mazarin bị loại bỏ, thì mới có hòa bình. Cha đã quyết định hành động theo một cách thức luôn luôn rất thành công, theo phương hướng của Tu Hội: cha muốn đưa ra một lời khuyên sống bác ái cũng như phương cách sửa lỗi nhau trong tình huynh đệ.[20] Trong đêm giá lạnh 14 tháng 1 năm 1649, cha và một thầy trợ sĩ đã đi ngựa rời khỏi Paris, vượt qua chặng đường chông gai đến giữa buổi sáng mới tới được Saint Germain để xin yết kiến Hoàng hậu. Cha đã trình cho Hoàng hậu sự khốn khổ của Paris và gợi ý cho Hoàng hậu bãi nhiệm Mazarin. Hoàng hậu im lặng nghe cha nói, nhưng không đưa ra quyết định về việc này, bà chỉ phái cha gặp chính Mazarin. Tình cảnh lại càng trở nên khó khăn hơn cho vị sứ giả bác ái. Trong buổi gặp hồng y thủ tướng Mazarin, cha Vinh Sơn đã vận dụng tất cả sức thuyết phục của mình, cha thẳng thắn nói: “Thưa ngài, hãy chấp nhận điều không may này. Hãy gieo mình xuống biển đi và cơn bão sẽ lặng yên.”[21] Đó là câu trả lời của ngôn sứ Giôna với những thủy thủ đang đối mặt trước cơn cuồng phong. Nhưng Marazin không phải là ngôn sứ Giôna, ông đâu dễ dàng từ chức khi những tham vọng quyền lực trong ông chưa đạt đỉnh điểm.

Marazin khôn khéo trả lời cha Vinh Sơn: “Được rồi, thưa cha, tôi sẽ từ chức nếu ngài Le Tellier cũng nghĩ giống như vậy.” Sự việc xem như thất bại, cha Vinh Sơn biết rõ điều đó vì Le Tellier là bộ trưởng Bộ chiến tranh, tay sai của Mazarin.

Sau thất bại này, cha Vinh Sơn không bỏ cuộc mà tiếp tục làm người hòa giải giữa các phe trong cuộc nội loạn La Fronde lần thứ hai (1651-1653), cuộc nội loạn của các hoàng thân. Cha Vinh Sơn tăng cường thêm các nỗ lực của mình để bảo đảm hòa bình. Tình bạn của cha với những người ở cả hai bên, cũng như vị thế độc nhất vô nhị của cha như là người của Thiên Chúa, không quan tâm đến và cũng không có tham vọng về quyền lực chính trị, cho thấy rõ cha là người hòa giải lý tưởng ở giữa họ.[22]

Cha Vinh Sơn đã gặp gỡ để hoà giải từng nhân vật quan trọng trong cuộc chiến, tuy nhiên kết quả cuối cùng từ các cuộc đàm phán lại vẫn thất bại. Một lần nữa, cha quyết định xin Đức Giáo hoàng làm trung gian trong cuộc xung đột này. Đến ngày 16 tháng 8 năm 1652, cha gửi một bản kiến​​ nghị với lời lẽ mạnh mẽ cho Đức Giáo hoàng, trong đó cha diễn tả một cách chính xác các thảm họa của đất nước và nài xin Đức Giáo hoàng hãy can thiệp để khắc phục các tệ nạn. 

Hai ngày sau khi cha Vinh Sơn gửi lá đơn cho Đức Giáo hoàng, vua Louis XIV đã đề nghị Mazarin rút lui khỏi vương quốc. Mặc dù đây chỉ là một thủ đoạn xảo quyệt của vị thủ tướng người Ý. Ông chỉ tạm thời rút lui và khi đến thời gian thích hợp ông sẽ quay lại. Nhưng, nhìn ở góc độ khác, chúng ta công nhận rằng, cha Vinh Sơn đã khéo léo tìm ra được cái kết thúc tạm có hậu này, bởi vì cha đã góp phần vào việc thuyết phục Mazarin ra đi.[23]

Cứu trợ là công việc quan trọng không thể thiếu mà Tu hội Truyền giáo cần nhanh chóng thực hiện mỗi lần chiến tranh loạn lạc xảy đến.

Từ tháng 5 năm 1635, ròng rã nhiều năm, miền Picardie, Bourgogne và nhất là Lorraine bị tàn phá khủng khiếp bởi các đạo quân. Nhờ các nhà truyền giáo ở Toul[24] mà cha Vinh Sơn sớm nhận được những thông tin về sự tàn phá ở Lorraine. Ngay tức khắc, cha áp dụng các biện pháp để đối phó với một thảm họa kinh khủng như thế. Quy mô cứu tế phải tỉ lệ thuận với các nhu cầu. Cha vận động gây quỹ giúp đỡ trên diện rộng và lớn bằng việc đọc các lá thư mô tả hoàn cảnh khốn khổ, thê thảm của dân chúng Lorraine cho các bà bác ái và cho cả những người có thế lực nghe. Cha giao việc phân phối các của bố thí cho các nhà truyền giáo. Cha gửi những linh mục ưu tú nhất, các tu huynh biết về phẫu thuật hay y khoa đến các điểm chiến lược: Toul, Metz, Verdun, Nancy, Pont à Mousson, St Mihiel và Bar-le-Duc. Từ các điểm này, các nhà truyền giáo quan tâm đến nhu cầu của những người khốn khổ ở các khu vực xung quanh. Sự giúp đỡ được thực hiện mọi mặt: từ việc cung cấp lương thực, thuốc uống và quần áo đến việc chăm sóc, chữa trị bệnh nhân; cứu giúp đủ mọi kiểu người, từ người nghèo đói sắp chết, những thiếu nữ bị dồn đến bước đường cùng, sẵn sàng để cho mình bị cám dỗ bán đi tiết hạnh vì một mẩu bánh mì, đến các nữ tu dòng kín kêu xin sự cứu giúp trong vô vọng. Sự giúp đỡ về mặt tinh thần cũng đi đôi với sự giúp đỡ về mặt vật chất. Các nhà truyền giáo dành hằng giờ để rao giảng, dạy dỗ, và ban các bí tích.[25]

Trong thời gian nội chiến La Fronde, mặc dù 2 cơ sở Saint Lazare và Bons Enfants, chịu cảnh thiếu thốn và phiền phức, nhưng cha Vinh Sơn vẫn không từ bỏ các công việc bác ái thiết thực và đầy hiệu quả, để xoa dịu nỗi đau của người nghèo. Trang trại ở Orsigny cũng bị cướp phá, nên cha Vinh Sơn chỉ thị cho các nhà truyền giáo vay mượn 16.000 livrơ, để có thể giúp đỡ những người bị túng quẫn. Số lượng viện trợ được phân phối, đã phá vỡ mọi kỷ lục. Hằng ngày, hơn 2000 người nghèo nhận được một khẩu phần bánh mì và súp, ở cổng Saint Lazare.[26]

Nội chiến chiến La Fronde chưa kết thúc, những cuộc chiến chống lại Tây Ban Nha vẫn tiếp tục kéo dài và mang theo sự tàn phá đến các vùng biên giới Picardie, Champagne, ngay cả vùng nông thôn tươi đẹp của Paris. Chúng mang lại sự đau khổ kinh hoàng cho dân chúng, là nạn nhân của sự quấy rối dã man bởi các đội quân. Những gì đã xảy ra tại Lorraine đã được tái diễn, nhưng trên một quy mô rộng lớn hơn. Công việc bác ái cũng được tái diễn, thế nhưng lần này các biện pháp cứu trợ được tổ chức tốt hơn và thực hiện có phương pháp hơn, bởi vì việc cứu trợ ở Lorraine trước đó được coi như là sự chuẩn bị cho lần này.

Bước đầu, cha Vinh Sơn triệu tập một cuộc họp các Bà Bác Ái. Chuyến hàng cứu trợ đầu tiên rời Paris vào ngày 15 tháng 7 năm 1650. Tiếp theo, cha tổ chức một chiến dịch quảng bá bằng việc cho in ấn các tờ rơi.[27] Kinh nghiệm trước kia ở Lorraine đã cho cha thấy rằng đây là điều hết sức cần thiết trong việc lay động con tim dân chúng, hầu tìm kiếm tài trợ. Sự cứu trợ được tổ chức theo khuôn mẫu đã thực hiện ở Lorraine, các thừa sai đảm nhiệm việc phục vụ trực tiếp những người nghèo, và phân phối các của bố thí (lương thực, quần áo, thuốc men y tế, dụng cụ, hạt giống, …, và cả mồ mả là những thứ cần thiết để người chết được chôn). Còn các vị thừa sai khác cũng ra đi để kết hợp cùng với các vị được sai đi lúc ban đầu, nhờ đó mà đến tháng 3 năm 1651, các linh mục và các tu huynh lên tới con số mười tám người. Các ngài được tổ chức thành các nhóm nhỏ, và thường đóng chốt ở những nơi có tính cách chiến lược của các Giáo phận. Riêng các các Nữ Tử Bác Ái, họ phục vụ như là các y tá trong các bệnh viện quân sự.[28] Cha Vinh Sơn hướng dẫn chi tiết và động viên các chị:

 “Ôi, Đấng Cứu Độ! Người ta đi ra mặt trận để giết nhau. Còn các chị đi ra mặt trận để sửa chữa các tổn hại mà họ đã gây ra ở đó! Đúng là phúc lành của Thiên Chúa! Người ta giết nhau, và thường xuyên giết cả linh hồn, khi người ta chết trong tình trạng mắc tội trọng. Còn các chị lại đưa họ trở về với cuộc sống, hay ít nhất duy trì cuộc sống của họ được thêm lâu dài, nhờ việc các chị chăm sóc cho những người sống sót, nên họ tiếp tục được tồn tại. Rồi qua các cố gắng, gương lành và lời khuyên của các chị, các chị cho họ thấy là họ nên sẵn sàng chấp nhận ý Chúa.”[29]

Sự cứu trợ, xây dựng hòa bình không chỉ với dân tộc mình, cha Vinh Sơn còn vươn đến những người khốn khổ thuộc quốc gia khác. Một số lớn những kẻ lưu đày Ái Nhĩ Lan, đầu quân cho quân đội Pháp, vì họ không thể tìm được công việc nào khác, cũng như không còn có cách nào khác để sống còn. Cha Vinh Sơn tổ chức một cuộc họp các bà Bác Ái, sau đó gửi đến đây cha Ennery cùng với 600 livrơ và một số lượng lớn quần áo. Các phụ nữ và các cô gái được ở trong bệnh viện, và được học may và xe tơ. Người ta giao các trẻ em mồ côi cho các tổ chức bác ái hay giao cho chỗ làm thuê thích hợp.[30]

3. Thánh Vinh Sơn Trong Mối Phúc Thứ Bảy Của Tin Mừng Mátthêu.

Mối phúc thứ bảy của Tin Mừng Mát thêu: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con thiên Chúa.”[31]

Ai là người xây dựng hòa bình? Đó không phải là người hòa giải những bất đồng căng thẳng, người can đảm bảo vệ sự thật, tìm kiếm lẽ công bình, đem lại lợi ích cho tha nhân sao?

Dựa trên văn mạch Tân ước (Cl 1,20; Ep 2,15-16; Gc 3, 14-18) để minh giải ý tưởng kẻ xây dựng hòa bình trong mối phúc thứ bảy, ta có kết luận rằng: trên thực tế nó đồng hóa với ý tưởng giải hòa. Vì hòa bình là cái nối tiếp tình trạng thù nghịch hay tranh chấp. Đó không trực tiếp là thứ bình an nội tâm hay tôn giáo mà mọi cá nhân thủ đắc được, song nó là tương quan tốt đẹp giữa các cá nhân, hoặc giữa những kẻ “hiếu hòa” và người lân cận. (x. Mt 5, 23-24), hoặc giữa những kẻ mà người “hiếu hòa” hòa giải lại với nhau (x. Cv 7,26). Thành ra, trọng tâm nằm trên sự đoàn kết giữa con người. Khác với các mối phúc còn lại, mối phúc này thoạt tiên không nhắm tới một thái độ nội tâm, song là một hành vi bên ngoài. Làm một con người hiền hòa, yêu mến bình an chưa đủ mà còn phải ra công góp sức xây đắp hòa bình bất cứ nơi nào có bất hòa ngự trị.[32]

Cha Vinh Sơn đã áp dụng cách hiểu trên, khi ra sức kiến tạo hòa bình. Cha làm người trung gian hòa giải giữa con người với nhau, giữa con người với Thiên Chúa. Bằng chứng là ngay sau những cuộc đại phúc đầu tiên trong lãnh thổ Gondi, cha nhìn thấy giáo dân lâu nay bị bỏ rơi, nay đã khám phá ra điều mới lạ, họ được biến đổi. Sự biến đổi này thể hiện qua từng hàng dài các hối nhân đi xưng tội, họ làm hòa với nhau, làm hòa với Thiên Chúa. Các quán rượu đã bị đóng cửa, các kẻ thù được hoà giải. Những vụ bê bối công khai được chấm dứt và những lời báng bổ được đề phòng. Một vài cuộc đại phúc tiếp theo đã phục hồi lại sự quan tâm của dân chúng đến các cơ sở vật chất trong các nhà thờ. Các nhà tạm được dựng lại, các chén thiếc được thay thế bằng chén vàng hay bạc, các nhà thờ được sửa chữa và đôi khi còn được xây dựng.[33]

Mối bất hòa, ganh đua, tranh giành quyền lực của những nhân vật nắm quyền thường là nguyên nhân dẫn đến những cuộc chiến. Như trường hợp chúng ta kể trên, cuộc nổi loạn La Fronde của Pháp viện tối cao (1648-1649) và La Fronde của các hoàng thân (1651-1653). Vì hòa bình cho đất nước, vì sự khốn cùng của những nạn nhân chiến tranh, cha Vinh Sơn đã can đảm làm người hòa giải không thiên vị phe nhóm nào. Đối với cha, phe duy nhất cha ủng hộ là nhóm tạo dựng hòa bình, phe Thiên Chúa.

Ai xây dựng hòa bình thì được chúc phúc, được gọi là con Thiên Chúa. Theo một số nhà chú giải Thánh Kinh, mọi lời hứa của tám mối phúc trong Tin Mừng Mát thêu đều có tính cánh chung: hết thảy chúng liên hệ tới hạnh phúc Nước Trời. Các kiểu nói khác nhau chỉ có mục đích gợi lên những khía cạnh dị biệt của cùng một thực tại. Thành ra phải kết luận rằng các kẻ xây dựng hòa bình là con cái Chúa, họ được điễm phúc chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa.[34]

Một cách chú giải khác khi nói đến điều này: Phúc cho người giảng hòa hay người đem lại hòa bình vì họ đang làm công việc giống như Chúa. Người kiến tạo hòa bình là người đang dấn thân vào chính công việc mà Thiên Chúa bình an đang làm (Rm 15,33; 2Cr 13,11; 1Tx 5,23; Dt 13,20).[35]

Với những việc cha Vinh Sơn làm: từ các cuộc đại phúc, kêu gọi sám hối, đến việc tích cực hòa giải những mâu thuẫn tranh dành quyền lực, chấm dứt chiến tranh, cha xứng đáng: là người xây dựng hòa bình; người đang làm công việc giống Chúa; được phúc gọi là con Thiên Chúa. Bởi thế, ngay tại đời này, Chúa đã ban cho cha niềm an ủi lớn lao, là được thấy một trong các mơ ước cao quý nhất trở nên hiện thực: hòa bình được tái lập ở Âu Châu, vào ngày 7 tháng 11 năm 1659, người ta đã ký Hiệp ước Pyrénées, nhờ đó mà cuộc chiến giữa Pháp và Tây Ban Nha chấm dứt; Hiệp ước ở Oliva vào ngày 13 tháng 5 năm 1660, lập lại hòa bình cho nước Ba Lan. Cha Vinh Sơn cảm thấy nhẹ nhõm, khi hay tin về hai biến cố này.[36]

Kết luận: Vinh Sơn không chỉ là nhà khai sinh Tu hội Truyền giáo, nhà tổ chức bác ái phục vụ người nghèo, nhà canh tân hàng giáo sỹ, cải cách Giáo hội mà cha còn là con người khao khát hòa bình, là vĩ nhân xây dựng hòa bình của nước Pháp ở thế kỷ XVII. Người ta đã biết đến cha như một vị thánh bác ái năng động nhất, đồng thời là vị thánh chiêm niệm,[37]mà đôi khi quên mất cha cũng là vị thánh xây dựng hòa bình. Vị thánh dấn thân vào chính công việc mà Thiên Chúa hòa bình vẫn đang làm.

Sống vào thời kỳ chiến tranh loạn lạc, dân chúng lầm than khốn khổ, cha Vinh Sơn đã làm thừa sai mang Tin Mừng đến người nghèo, đồng thời làm sứ giả hòa giải tranh chấp, cầu xin hòa bình cho dân tộc. Ngày nay, trong bối cảnh xã hội hiện đại, liệu rằng các nhà truyền giáo của Tu hội trên khắp thế giới có còn tiếp tục công việc xây dựng hòa bình không? Thực tế lịch sử nhân loại cho thấy, trên thế giới luôn có chiến tranh. Không chỉ những cuộc chiến súng đạn đổ máu, xâm chiếm lãnh thổ, những cuộc nổi loạn, bạo động, đấu tranh giai cấp, mà ngay cả những cuộc chiến tài chính, kinh tế, bằng vũ khí sinh học như “Covid Corona”. Trước những cuộc chiến này, nhà truyền giáo Vinh Sơn hôm nay, vẫn có thể áp dụng những phương cách mà cha thánh tổ phụ đã làm để xây dựng hòa bình: sám hối và kêu gọi người ta sám hối; làm trung gian hòa giải, cầu xin hòa bình; thực thi công lý hòa bình trong hành động bác ái.

Giuse Nguyễn Đức Duy

[1] Giona 1, 11

[2] Giona 1, 12

[3] Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 658.

[4] William Barclay, Chú Giải Tin Mừng Theo Thánh Mátthêu, 88.

[5] Lệnh khai chứng là một sắc lệnh của giáo quyền, theo lời yêu cầu của một thẩm phán thế tục, người ta buộc phải nói điều mình biết về một tội nào đó, nếu không thì bị phạt dứt phép thông công, người ta sẽ nhận được điều gì đó về tội được xác định. Các cha sở đọc các lệnh chứng này ở tòa giảng trong thánh lễ, vào ba Chúa Nhật liên tiếp.

[6] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 89-90.

[7] x. Ibid, 257-259.

[8] Rao giảng Tin Mừng đến muôn dân (Phúc Âm hóa)

[9] Tổ chức các cuộc đại phúc, cử hành các Bí tích (tân Phúc Âm hóa)

[10] x. CR, I, 2.

[11] Cuộc xâm lược Lorraine năm 1632, sau đó chiến tranh lan rộng miền Bắc và miền Đông nước Pháp. Vào cuối cuộc chiến tranh 30 năm (1648) cuộc nội chiến La Fronde lại bắt đầu.

[12] x. Luigi Mezzadri, Tiểu Sử Thánh Vinh Sơn Phaolô, 87.

[13] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 598.

[14] SV. XI, 200.

[15] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 666-667.

[16] x. Bernard Pujo, Vinh Sơn Người Tiên Phong, 147.

[17] ABELLY, I.1, c.35, 169-170.

[18] Mazarin (1602-1661) là người Ý nhận quốc tịch Pháp, là bầy tôi trung thành của Hồng y Richelieu, là người bảo đảm cho ông có được chiếc mũ Hồng y và còn giới thiệu ông với Louis XIII để làm người kế nhiệm mình.

[19] x. Luigi Mezzadri, Tiểu Sử Thánh Vinh Sơn Phaolô, 90-91.

[20] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 656-657.

[21] Ibid, 658.

[22] x. Ibid, 661.

[23] x. Ibid, 663-665.

[24] Cơ sở được thành lập vào năm 1635

[25] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 598-603.

[26] x. Ibid, 653.

[27] Đây là điều mới lạ đối với nước Pháp ở thế kỷ XVII.

[28] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 668-678.

[29] SV. X, 510.

[30] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 680.

[31] Mt 5, 9

[32] x. Chú Giải Phúc Âm Chúa Năm A, Giáo Hoàng PIÔ X Học Viện Đà Lạt, 55.

[33] x. Atilano G. Fajardo, C.M. Popular Mission in the Philppines. p.32.

[34] x. Chú Giải Phúc Âm Chúa Năm A, Giáo Hoàng PIÔ X Học Viện Đà Lạt, 55.

[35] x. William Barclay, Chú Giải Tin Mừng Theo Thánh Mátthêu, 88.

[36] VIII, 258.

[37] x. Robert Maloney, C.M, “Các Khuôn Mẫu Nên Thánh – Một Hướng Nhìn Về Quá Khứ, Hiện Tại Và Tương Laitrong Một Chìa Khóa Để Hiểu Thánh Vinh Sơn, Phaolô Phạm Quang Hoàng C.M biên tập, 128.