Vô Phúc: Lời Chúa – Chúa Nhật IV Thường Niên – Năm A

0
827

(Bài Ðọc I: Xp 2, 3; 3, 12-13; Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 26-31; Phúc Âm: Mt 5, 1-12a)

Trong những ngày gần đây, thế giới phải đối mặt với hiểm họa chiến tranh giữa Mỹ và Iran, rồi sau đó có nguy cơ lan qua các nước đồng minh khác. Hậu quả đầu tiên của điều này là việc quân đội Iran bắn nhầm máy bay của Ukraine làm 176 người vô tội thiệt mạng.

Khi dự đoán có nhiều nguy cơ xảy ra chiến tranh, các nhà lãnh đạo và các tổ chức quốc tế đã cố gắng lên tiếng để xoa dịu nỗi căng thẳng chính trị này giữa hai quốc gia để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai. Họ chính là những con người của mối phúc thứ tám trong Tin Mừng Matthêu “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”

Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay đã không chỉ mang đến cho người Kitô hữu mối phúc duy nhất đó, nhưng là Tám Mối Phúc Thật. Những mối phúc này sẽ xây dựng một lối sống đích thực của người Kitô hữu và nhờ đó, họ sẽ đạt hạnh phúc đích thực.

Bài đọc I, sách ngôn sứ Xôphônia cho thấy một thế giới của những người khiêm tốn, những người luôn tìm kiếm Chúa và thế giới mà họ sống thật hạnh phúc vì Chúa luôn đồng hành với họ.

bài đọc II, thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô. Ngài đã đưa ra mẫu gương sống của Chúa, xem ra trái ngược với cuộc sống của con người. Nhưng lối sống mà thánh Phaolô đưa ra từ chính Thiên Chúa, không làm nghèo đi, hay làm kém đi tính nhân bản trong cuộc sống của con người. Chính lối sống ấy đã làm cho cuộc sống con người nên đầy tròn hơn, nhân bản hơn và đi đến sự hoàn hảo: “Chính do Người mà anh em ở trong Chúa Giêsu Kitô, Ðấng do Thiên Chúa, đã trở nên sự khôn ngoan, sự công chính, sự thánh hoá và sự cứu rỗi cho chúng ta.” (1 Cr 1, 30) Cuộc sống trong Thiên Chúa mới là cuộc sống đích thực. Đời sống này chính Thiên Chúa sẽ ban tặng cho những người nào sống theo đường lối Người trong thời sau hết.

Bài Tin Mừng, thánh Matthêu đã trình bày cho người nghe về các Mối Phúc Thật hay còn gọi Bài Giảng Trên Núi. Đây chính là lời mời gọi của Đức Giêsu cho những kẻ theo ngài rằng, họ cần phải có một lối sống mới trong thời đại của Thiên Chúa. Vì thời cứu độ đã đến và người ta cần phải thay đổi cuộc sống cho phù hợp với lối sống mới trong Thiên Chúa. Chính vì có một đòi hỏi như thế, nên xem ra các mối phúc trở nên nghịch lý trong cuộc sống của con người. Như vậy, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự tương phản giữa vương quốc của Thiên Chúa và thế giới của con người.

Một trong những điểm chung nhất của Tám Mối Phúc chính là đều hướng tới chiều kích cánh chung: Nước Trời, hay Đất Nước, nhìn xem Thiên Chúa…. Đều là những dấu chỉ trong Tin Mừng Matthêu nói về cuộc sống mai sau. Chỉ khi mọi người đạt đến điểm cuối cùng của cuộc sống ấy, thì mọi sự mới là những mối phúc thật, tức vĩnh cửu và không thay đổi, điều mà người ta chưa thể có được chúng cách trọn vẹn trên cuộc sống trần gian này. Chính vì người ta chưa thể thấy phần thưởng ấy cách hiển hiện trong cuộc sống hiện tại, nên điều này là một thách đố lớn trong đời sống đức tin. Thách đố này cho tất cả những môn đệ, là người đang theo Chúa và cho những ai đang nghe Ngài giảng trên núi và hôm nay, cho tôi cũng như cho mọi Kitô hữu thời đại này.

Tám Mối Phúc Thật không phải là luật nhưng là lối sống nên thánh, nên hoàn thiện. Hay nói đúng hơn đó là lời cảm thán về những gì mà người ta muốn có trong hạnh phúc.  Đây là con đường ngắn nhất và một sự hấp dẫn thiêng liêng, để giúp người Kitô hữu đạt đến cùng đích sau hết của cuộc đời này. Con đường này thấm đẫm ân sủng và tình thương của Thiên Chúa: tâm hồn nghèo khó, xót thương người, hiền lành, tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình…Những điều này trước hết nó phải ở trên bình diện tâm hồn hay bình diện nội tâm trước, để rồi một lối sống bề ngoài theo điều đó sẽ hình thành theo bản chất bên trong ấy.

Sống Tám Mối Phúc thật với tinh thần tự do chứ không phải là sự ép buộc: Phúc thay…. tức người ta có thể coi đó là sự chọn lựa. Vì vậy, việc sống theo các mối phúc này đòi hỏi người Kitô hữu phải tin tưởng vào phần thưởng của các mối phúc mà họ sẽ đạt đến trọn vẹn sau này, chứ không thể chiếm được nó hoàn toàn chỉ trong một chốc, một lát. Nó là con đường dài, và từng bước một. Nó là từng nấc thang mà người ta cần trinh phục để đưa cuộc sống đời này lên cao hơn và chạm đến Thiên Chúa. Vì thế, để có hạnh phúc này, nó liên hệ đến một khía cạnh hy sinh. Nếu người Kitô hữu sẵn sàng đón nhận thách đố và sẵn sàng chịu đau khổ, thiệt thòi, thì chúng ta sẽ hiểu toàn bộ sức sống và toàn bộ sự phong phú mà hạnh phúc mang lại cho chúng ta và những người quanh chúng ta, qua tinh thần của Tám Mối Phúc.

Từ ‘hạnh phúc’ đã bị tấn công bởi nền văn hóa thế tục, và là các Kitô hữu cần phải tỉnh thức vì điều này. Vì hiện tại có quá nhiều thứ được quảng bá là mang lại hạnh phúc cho con người. Nhưng kỳ thực đó có thể chỉ là những lối sống tạm thời, giả tạo và ngắn ngủi. Hạnh phúc nó là một từ chính thức thuộc về bên trong đời sống của Bát Phúc. Hạnh phúc không phải là những gì thỏa mãn tức thời, nhưng hạnh phúc là lẽ phải của tâm hồn. Nó là một sự trải nghiệm sâu thẳm trong tim của mỗi người. Ai đã từng có cảm nghiệm về sự hạnh phúc nội tâm thì mới thấu hiểu lời mời gọi của các Mối Phúc hôm nay để đạt đến hạnh phúc.

Một lần nữa hãy đọc lại các Mối Phúc trong bài Tin Mừng hôm nay và làm cho nó vang vọng trong cuộc sống của chúng ta. Thật là vô phúc cho những ai không tin rằng, đó là những lời mời gọi để đạt đến hạnh phúc đích thực. Thật là vô phúc cho những ai tự tạo lấy những con đường khác với tinh thần ấy và rồi hy vọng nó sẽ dẫn đến hạnh phúc.

Những mối phúc này không phải là những lời quảng cáo hay khẩu hiệu mà là con đường để sống để bước đi, hầu đạt đến hạnh phúc đích thực mai sau. Nó đến từ chính Chúa Giêsu. Người Kitô hữu không thể nghi ngờ gì về tính xác thực của sứ điệp Tin Mừng này của Ngài. Tám Mối Phúc không thể là lời phỉnh gạt, dụ dỗ hay thương mại, nhưng là lời mời gọi đích thực cho những ai thành tâm tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM