Có bao giờ bạn nghĩ mình cần “XIN LỖI” người nghèo khi bạn bố thí cho họ? Nghe thật nghịch lý! Nhưng…thiết nghĩ đó là điều ta cần làm. Ngày 29/04/2019 vừa qua, anh em trong học viện Durando, Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn chúng tôi đã tổ chức một bữa tiệc cho hơn 400 người nghèo và tặng quà cho họ. Qua bữa tiệc này, tôi đã rút ra vài kinh nghiệm và thấy: Chúng tôi cần “XIN LỖI” họ? Bạn tưởng tôi đang muốn châm biếm điều gì sao? Không hề.
Trong buổi đón tiếp người nghèo hôm ấy, tôi đã có một kinh nghiệm đáng nhớ. Đang lúc chuẩn bị thức ăn, một cô, là người dân tộc thiểu số tiến đến gần tôi, đợi tôi chuẩn bị xong món ăn để phụ bưng lên. Vì hôm ấy không chỉ có những người nghèo được mời đến mà còn có cả những ân nhân đến giúp tổ chức bữa tiệc và trông cô không giống một người nghèo, tôi bắt chuyện:
– Cô thuộc nhóm nào, khách mời hay là…
Cô ngắt lời tôi:
– Khách mời chứ, không được mời làm sao mà dám đến.
Ôi! Tôi thấy mình thật vụng về khi hỏi câu hỏi ấy! Vâng, vụng về, bởi tôi đã không cảm thông được hết tâm lý của người nghèo, họ dễ tự ti về cảnh, xuất xứ, về của cải, về học thức, về ngôn từ,… của mình. Trong khi đó, anh em chúng tôi, chủ nhà, dễ tỏ ra thái độ kẻ cả khiến người nghèo đến với chúng tôi “giật mình” trước những câu chuyện tưởng như “vô thưởng, vô phạt”, chẳng có ý xấu nào như câu chuyện trên đây.
Sau đó, tôi đã suy gẫm và thấy rằng có thể đã nhiều lần khác, vô tình hay hữu ý tôi đã xúc phạm đến người nghèo!
Chưa hết, xét theo khía cạnh tiêu cực, anh em Vinh Sơn chúng tôi có “nguy cơ” dùng người nghèo như một “công cụ” để cho người khác biết mình đang làm việc bác ái và gởi đến thông điệp “hãy gởi của cải của các bạn đến cho chúng tôi, để chúng tôi thay bạn giúp người nghèo.”
Và như thế, chúng ta cần XIN LỖI người nghèo trong trường hợp ta không thực tâm, thiếu lòng yêu thương khi giúp đỡ họ.
Nếu “làm điều tốt” cho người nghèo như thế mà còn cần “XIN LỖI” thì “làm điều xấu” cho họ thì ta còn cần “XIN LỖI” họ đến dường nào!
Tôi đã từng nghe một vài Nữ Tử Bác Ái than trong ngậm ngùi rằng:
-
Chúng ta đã làm hư người nghèo.
-
Làm hư họ? Bằng việc gì chứ?
-
Bằng việc chu cấp cho họ quá nhiều.
Thì ra, vì thương người nghèo nhiều người đã gắng tìm để chu cấp cho người nghèo có được của ăn, của mặc. Vô tình lại đẩy họ đến chỗ lười biếng, dựa dẫm, mất động lực để vươn lên. Chúng ta đã không làm như người ta vẫn thường khuyên nhau: “Đừng cho họ con cá nhưng hãy giúp cho họ có cần cầu, chỉ cho họ cách câu cá.” Và hậu quả, như thánh Vinh Sơn đã nói: “Người nghèo đôi khi chịu đau khổ nhiều vì sự thiếu sự giúp đỡ có tổ chức, hơn là vì thiếu những con người bác ái” (SV. XIII,423).
Tuy nhiên, xét trên một phương diện khác, bên cạnh những người có khả năng “học câu cá”, có khả năng chịu đựng cho đến khi “câu được cá”, lại có những người cần được hỗ trợ, thậm chí, hỗ trợ gấp, “phụ họ câu cá.” Đó là những người khiếm thị, trẻ em bị bỏ rơi, người tàn tật quá mức, người bị bệnh tâm thần, người già bị bỏ rơi,…
Ngày 29/04 vừa qua, khi cùng tổ chức chương trình “Ngày Hội Yêu Thương”, với chủ đề “Haleluia, mừng Chúa Phục Sinh”. Tôi còn nhận ra là đôi lần mình giúp người nghèo mà mình chỉ đưa cho họ vật chất mà quên “đem” Chúa đến cho họ. Chẳng phải niềm vui Chúa Phục Sinh, niềm vui Nước Trời mới là niềm vui lớn nhất dành cho con người sao?
Vậy là một lần nữa, chúng ta cần “XIN LỖI” người nghèo về những thiếu sót của mình trong bổn phận của mình đối với họ.
Mà này, nếu bạn vẫn chưa đồng ý với tôi là mình cần XIN LỖI người nghèo khi giúp đỡ họ thì bạn nên thử nghe những lời của thánh Vinh Sơn Phao lô: Người nghèo sẽ “cầu bầu” cho chúng ta, là những ai đã biết tiếp rước họ, trước tòa Thiên Chúa, “Lạy Chúa, đây là những người đã giúp chúng con vì tình yêu Ngài.” (SV. IX,252-253). Họ sẽ cầu bầu cho chúng ta trong ngày Cánh Chung các bạn ạ.
Quả thật, Đức Giê-su đã nhắc cho chúng ta về ngày phán xét Cánh Chung, chúng ta sẽ chẳng được tôn vinh chút nào về của cải, chức vụ, cũng chẳng phải công việc lớn lao nào mà chúng đã cố công để đạt được, nhưng lại là “Mỗi lần các ngươi làm như thế (thấy đói cho ăn, thấy khát cho uống, thấy trần truồng cho mặc, thấy đau yếu, tù tội đến hỏi han) cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Thế nên, như thánh Vinh Sơn đã nói, “khi ta giúp đỡ người nghèo là chúng ta thực hành công bình chứ không phải lòng thương xót” (SV. VIII,98), chẳng phải ta đang “ban phát” điều gì cho họ cả. Hơn nữa, ta còn phải XIN LỖI họ về những thiếu sót mà ta chưa làm cho họ.
Nhìn ra lỗi của mình đối với người nghèo về những lần coi thường họ khi giúp đỡ, về việc “làm hư” họ khi giúp đỡ không đúng cách, về sự thiếu công bình với họ khi thực thi bác ái, tôi muốn “SỬA SAI”. Bạn có muốn cùng chúng tôi cùng sửa sai, cùng giúp đỡ người nghèo trong yêu thương, và cùng nhau “Tiến Về Quê Trời” nhờ có được sự “cầu bầu” của họ?
(HÌNH ẢNH ĐANG CẬP NHẬT)