Yêu thương kẻ thù là điều có thể: Lời Chúa – Chúa Nhật VII Thường Niên – Năm A

0
2359

(Bài Ðọc I: Lv 19,1-2. 17-18; Bài Ðọc II: 1 Cr 3, 16-23; Phúc âm: Mt 5, 38-48)

Trong dịp đầu năm mới 2020, giới truyền thông đã phát đi một đoạn video clip ngắn, về hình ảnh một người phụ nữ kéo tay Đức Giáo Hoàng trong đêm giao thừa và làm cho ngài gần té ngã. Sau đó, ngài đã công khai chính thức xin lỗi người phụ nữ này và cách đây vài tuần, ngài đã gặp lại người phụ nữ này trong buổi yết kiến chung, trong tình phụ tử.

Câu chuyện này cho thấy rằng, trong cuộc sống, cuộc sống của con người dễ gặp phải những tổn thương trong mối tương quan liên vị và thậm chí, điều này dường như không thể có cơ hội để làm lành.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay, có thể nói là những bài học về “đắc nhân tâm” cách sâu xa, mà Chúa muốn dạy cho các môn đệ và cho từng người Kitô hữu về mối tương quan hằng ngày. Qua Lời Chúa hôm nay, tôi nhận ra ba chiều kích nổi bật cần được thực hiện, trong các mối tương quan đã bị đổ vỡ.

Một cộng đoàn bao dung, tha thứ: ở bài đọc I, trích sách Lêvi, Thiên Chúa đã truyền cho dân: “đừng giữ lòng thù ghét anh em; đừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương (Lv 19,17-18). Còn trong bài Tin Mừng Đức Giêsu đã khuyên các môn đệ: “đừng chống cự lại với kẻ hung ác; hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con” (Mt 5, 39; 44). Có thể nói rằng, sự bao dung, tha thứ, là một thứ thuốc hiệu nghiệm nhất để chữa lành những tổn thương trong các mối tương quan. Nếu thiếu tinh thần bao dung và tha thứ, thì những ghen tức, hận thù, cay nghiệt, oán giận, sẽ giống như những thứ ung thư quái ác, nó sẽ làm cho người ta mất dần sức sống, rồi duy giảm miễn dịch và cuối cùng, những thứ ung thư thiêng liêng đó sẽ bùng phát và giết chết tâm hồn con người, giết chết mối tương quan đồng loại, gia đình, bạn bè…..

Chúa đã không muốn các môn đệ chỉ giữ những điều luật cũ của Cựu Ước cách cứng nhắc, nhưng luật lệ đòi được áp dụng cách linh hoạt và ích lợi cho phẩm giá thiêng liêng của một người con cái Chúa. Theo đó, việc tha thứ, bao dung cho những người anh chị em không đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào cả. Đó là một tiến trình chủ động và vô điều kiện và bác ái “cầu nguyện cho họ nữa.”

Một cộng đoàn yêu thương: trong câu chuyện của Đức Giáo Hoàng, sau đó, ngài đã thừa nhận rằng, ngài đã thiếu kiên nhẫn, một sự kiên nhẫn của tình yêu: tình yêu làm cho chúng ta kiên nhẫn, như ngài đã nói. Có tình yêu thì chuyện đi thêm một dặm, hay hai dặm, với một người bạn chẳng là gì. Có tình yêu, thì chuyện vả má này hay má kia hay vả bao nhiêu lần cũng chẳng là gì. Có tình yêu, thì chuyện thiệt thòi thêm chiếc áo này, chiếc áo kia, hay mấy chiếc áo, cũng chẳng là gì. Nhưng đấy là đối với những người đang yêu, nên điều này dễ dàng được thực hiện.

Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại yêu cầu các môn đệ của ngài, cũng như cho tôi, là: các con hãy yêu thương thù địch các con (Mt 5, 44). Xem ra điều này là vô cùng khó, giống như Đức Giáo Hoàng nói, nó đòi hỏi một tình yêu, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tình yêu mới có thể làm được điều này. Và khi có tình yêu thì nó lại trở nên quá dễ dàng. Và đây là điều làm cho người Kitô hữu sống đúng với mẫu gương của Chúa Giêsu, Ngài cũng đã chết vì kẻ thù, nhưng Ngài đã tha thứ, vì Ngài “yêu thương họ đến cùng” (x. Ga 13,1).

Kẻ thù ngày hôm nay, không mang ý nghĩa là những kẻ cướp đất, cướp nước trong chiến tranh, hay kẻ giết người. Nhưng kẻ thù ngày hôm nay là những người mà tôi không muốn yêu thương và tha thứ cho họ. Họ có thể là cha mẹ, là anh chị em trong gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng…Có thể, vì một điều gì đấy làm mất lòng nhau, một câu nói không hài lòng nhau, một ánh mắt mang tính ghen tương, đều làm cho người ta trở thành kẻ thù của nhau.

Vậy tôi có thể bắt chước Chúa để tha thứ và yêu thương họ hay không? Đó không phải là một tuỳ chọn, nhưng đó là một mệnh lệnh vì: “Hãy yêu thương các bạn hữu như chính mình. Ta là Chúa” (Lêvi 19, 18).

Một cộng đoàn ân sủng của Chúa Thánh Thần: nhiều người hỏi rằng, điều gì làm cho các môn đệ của Chúa Giêsu khác biệt với người khác? Thưa đó chính là tha thứ cho kẻ thù nhờ ân sủng của Thần Khí. Làm sao để có thể yêu thương kẻ làm hại mình? Bởi vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể. Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh và ân sủng của Ngài cho những ai tin và chấp nhận quà tặng của Thần Khí như bài đọc II đã diễn tả:“anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3, 16). Tình yêu của Thiên Chúa sẽ chiến thắng tất cả sự sợ hãi, tổn thương, thành kiến, sầu khổ và giải thoát con người khỏi các thứ ấy để mang đến sự tự do, bình an và hạnh phúc, cho con người trong các mối tương quan. Đấy chính là sức mạnh của ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi mỗi người Kitô hữu, và người Kitô hữu cũng được mời gọi, để thực hiện điều ấy, vì chúng ta sống trong một cộng đoàn ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Yêu thương kẻ thù là một hành vi bao hàm sự khoan dung, tha thứ, cùng với lòng yêu thương và được thực hiện trong ân sủng của Chúa Thánh Thần. Nhưng làm thế nào có thể vượt qua bản năng của con người và luật trả thù của thế gian? Câu trả lời của Chúa Giêsu là: “hãy nhân từ, vì Cha của anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 27), và với Chúa và qua Chúa tôi tin tưởng rằng, tôi có thể làm điều này. Chính điều tha thứ cho kẻ mà mình không yêu, không thích, này làm cho các môn đệ của Chúa Giêsu khác với người khác và cộng đoàn Kitô hữu khác với các cộng đoàn khác. “Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành.”

Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, C.M