Yêu thương lẫn nhau – Lời Chúa Chúa Nhật XXIII – Thường niên năm A

0
835

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Ed 33,7-9

Trích sách Tiên tri Êdêkiel: Con Người được chỉ định như người chăn giữ nhà Israel.

Ðáp Ca: Tv 94,1-2. 6-7. 8-9

Thánh vịnh 94: Chúc tụng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta!

Bài đọc II: Rm 13,8-10

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma: Lề luật thì được gồm tóm trong điều răn, là yêu người thân cận như chính mình. 

Tin Mừng: Mt 18,15-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu: Chúa Giêsu dạy các môn đệ làm sao để giải quyết sự bất hòa trong cộng đoàn – Giáo hội.

2. Chia sẻ

Chắc hẳn đối với những ai sống đời sống gia đình, và cả những ai sống đời sống cộng đoàn như trong các cộng đoàn tu trì, đều cảm nghiệm một điều rất khó khăn là yêu thương những người trong cộng đoàn của mình.

Ngay trong gia đình, nhiều khi tình yêu thương giữa bố mẹ và con cái; con cái đối với bố mẹ cũng gặp những khó khăn. Trong cộng đoàn đời sống tu trì thì xem ra còn khó hơn nữa, vì các thành viên đến từ các vùng miền khác nhau, tính tật khác nhau, văn hóa khác nhau v.v… Mở rộng ra ngoài xã hội thì điều này còn khó khăn hơn gấp bội.

Dù biết rằng thực tế là vậy, nhưng nhiệm vụ yêu thương lẫn nhau giữa những người sống trong một cộng đoàn như gia đình, dòng tu, xã hội là một nhiệm vụ Chúa đòi hỏi cần phải có và tất cả đều có tương quan với nhau. Từ những điều này xin được nêu lên đôi điểm trong mối tương quan huynh đệ trong đời hằng ngày:

Không ai là một hòn đảo

Quả thực, điều này được soi sáng rất rõ từ trong Bài đọc 1 sách ngôn sứ Giêrêmia, khi Chúa đòi buộc người của Chúa phải nói, phải truyền đạt lời của Ngài cho kẻ gian ác. Kẻ gian ác cũng phải được nghe Lời Chúa, để hoán cải và để được sống. Còn chuyện kẻ gian ác có hoán cải, có ăn năn sau khi nghe lời Thiên Chúa hay không lại là chuyện khác. Nó không phải là lý do để miễn trừ khỏi việc nói lời Thiên Chúa cho họ.

Mệnh lệnh Chúa đòi hỏi người cai quản Nhà Chúa hôm nay là một mệnh lệnh công bình trong đức tin. Họ có phần trách nhiệm trong việc hư hỏng hay hoán cải của người anh em trong cộng đoàn. Họ không thể bỏ mặc anh em trong tội lỗi và sự hư hỏng, nhưng phải cần sửa dạy những thành viên bị coi là hư hỏng ấy.

Bài Tin Mừng cũng gợi lên hình ảnh sửa lỗi những người anh em trong cộng đoàn. Trước khi muốn bỏ mặc người anh em sống theo đường lối riêng sai trái của họ, thì họ cần phải sửa chữa người anh em trước đã. Sửa cách riêng tư, sửa trong cộng đoàn nhỏ, sửa trong cộng đoàn lớn và cuối cùng, nếu những người này dứt khoát khước từ sự sửa lỗi, thì lúc này họ có quyền bỏ mặc họ sống theo đường lối riêng của họ.

Trong đời sống của những cộng đoàn Kitô hữu rất dễ gặp những điều này. Đôi lúc người ta bỏ mặc người anh em, chị em trong tội lỗi và sai trái, chỉ vì không muốn “phiền” vì điều này hay điều kia. Để làm điều này, người ta thường nại đến lý do “lớn hết cả rồi”, “thân ai người ấy lo”, ‘ôm rơm nặng bụng” v.v… và rồi người ta chối từ sửa lỗi anh em, chị em mình hầu để giúp người anh em, chị em mình tốt hơn.

Thế nhưng, Chúa đã không cho phép chúng ta cư xử với những người anh em, chị em này giống như thế. Chúng ta cũng có bổn phận và trách nhiệm trong phần rỗi của họ. Hãy nói Lời Chúa, điều hay lẽ phải, để họ biết đâu là đường ngay nẻo chính để mà theo.

Gần đây, nhiều người đã từng quen thuộc với câu nói của Đức giáo hoàng Phanxicô, đó là Giáo hội phải trở thành một bệnh viện dã chiến. Sau đó, có nhà văn thiêng liêng người Tiệp là Tomas Halik đề nghị các cộng đoàn Giáo hội của chúng ta phải trở thành “bệnh viện dã chiến”, họ phải đảm nhận ba vai trò: một là chẩn đoán – phải nhận ra dấu chỉ của thời đại, nhận ra sự yếu đuối của người anh em; hai là phòng ngừa – trong đó Giáo hội tạo hệ thống miễn nhiễm với các vi-rút ác tính như sợ hãi, hận thù, thành kiến cá nhân, ghen tương, so bì làm tan nát các cộng đoàn và thứ ba là dưỡng bệnh – trong đó Giáo hội giúp thế giới vượt lên tổn thương của quá khứ bằng lòng tha thứ. Một điều đáng để suy nghĩ khi nói về mối tương quan trong đời sống cộng đoàn – Giáo hội trong ánh sáng của Lời Chúa hôm nay.

Vì thế, điều này đòi hỏi sự cố gắng và sự hy sinh, vì thông thường chẳng ai muốn làm điều này cả. Bỏ mặc người anh em là giải pháp dễ được chọn lựa để khỏi bị phiền hà, quấy rầy. Thế nhưng, đó không phải là đường lối của những người con cái Chúa trong đời sống cộng đoàn. Mọi người trong cộng đoàn đều gắn kết với nhau trong tình bác ái huynh đệ vì chẳng ai là một hòn đảo, nhưng mọi người là một “quần đảo” có tương quan qua lại với nhau trong đời sống chung.

Sức mạnh của một đời sống cộng đoàn là sống trong tình yêu thương hiệp nhất

Sau khi nói về việc sửa lỗi trong cộng đoàn thì Đức Giêsu nói về việc hiệp nhất mọi người trong cầu nguyện“nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó”(Mt 18,19). Từ chi tiết này, chúng ta thấy được sự vượt trội của việc hiệp lời cầu nguyện so với cầu nguyện riêng tư. Sau đó, Chúa Giêsu đã nói rằng chính Ngài, sẽ hiện diện giữa họ khi họ cầu nguyện cùng với nhau. Theo Đức giám mục Cornelius Jansenius thành Ghent (1510-1576) (khác với Cornelius Jansen (1585-1638) – người khởi xướng lạc giáo), khi hai người cầu nguyện cùng nhau, sự nhiệt thành của người này sẽ bù đắp cho sự yếu đuối và chia trí của người kia. Hay nói khác đi, có một sự bổ khuyết cho nhau giữa những người trong cộng đoàn.

Chẳng ai là người hoàn hảo cả. Mỗi người đều có điểm yếu của mình. Vì thế, đừng vì điểm yếu này, điểm yếu kia của người anh em mà làm cho những người trong cộng đoàn trở nên chia rẽ hay phân tán. Nhưng chính điều này đòi hỏi mọi người cần phải đón nhận nhau trong yêu thương. Yêu thương nhau giữa những người trong cộng đoàn chính là chìa khóa để xóa tan sự yếu đuối, khuyết điểm của nhau. Đó là điều mà trong Bài đọc 2 thánh Phaolô đã nhấn mạnh “anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật” (Rm 13,10).

Nếu trong một cộng đoàn mà mạnh ai người ấy sống, mạnh ai người ấy làm, vậy thì tính cộng đoàn chỉ là cái danh mà thôi, vì nó đã bị mất đi bản chất của nó đó là mọi người thì tương quan đến nhau.

Từ các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy rằng, điều đòi hỏi luôn có trong đời sống cộng đoàn là sự yêu thương tha thứ luôn là một ưu tiên. Yêu thương là đòi hỏi duy nhất mà người ta cần thực thi với anh em, chị em của mình, dù người đó có như thế nào. Và điều đòi hỏi cao hơn của điều này, đó là yêu người thân cận như chính mình. Tức là yêu mình như thế nào, thì cũng sẽ yêu thương người anh em, chị em như vậy, không có bất kỳ lý do nào để nói yêu ít hay yêu nhiều, mà yêu như chính mình.

Đó là sự công bằng và bác ái trong đời sống cộng đoàn mà Chúa muốn mọi người thực thi cho nhau trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay. Vậy tôi có nằm trong thành phần cần được hòa giải với mọi người trong cộng đoàn, trong gia đình không?

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM