Yêu thương người thân cận – Lời Chúa Chúa Nhật XXXI Thường niên Năm B

Đăng ngày: 30/10/2021

I. Các bài đọc

Bài đọc 1: Đnl 6,2-6

Bài trích sách Đệ Nhị Luật: Môsê dạy dân chúng chỉ yêu mến và thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi.

Đáp ca: Tv 18,2-3,3-4,47,51

Thánh vịnh 18: Chúc tụng Chúa là đấng ban sức mạnh.

Bài đọc 2: Hr 7,23-28

Trích thư gởi Tín hữu Hipri: Chúa Giêsu chuyển cầu cho chúng ta như là vị thượng tế đời đời.

Tin Mừng: Mc 12,28b-34

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Maccô: các thầy Thông luật đã chất vấn Đức Giêsu giới răn nào là trọng nhất.

II. Chia sẻ

Luật lệ là một yếu tố quan trọng trong bất kỳ tổ chức xã hội lớn nhỏ nào đó. Công ty có luật của công ty, quốc gia có luật của quốc gia… mỗi tổ chức đều có luật riêng của mình, để nhằm quản lý và điều hành tổ chức có được trật tự và để con người đạt được những mục đích cao đẹp.

Trong lịch sử Kinh thánh, hay trong lịch sử dân Israel, luật là một yếu tố vô cùng quan trọng. Khi Chúa muốn tập hợp dân, để làm dân riêng của Ngài, Ngài đã ban cho họ mười điều răn, như là đường lối căn bản nhất họ cần phải giữ, để được sống. Luật đó còn gọi là Tohra hay Luật Môsê. Theo dòng thời gian, từ Mười Điều Răn mà Chúa đã truyền cho họ qua ông Môsê, họ đã thêm thắt và tỷ mỷ hóa lề luật, nên làm cho nó trở nên phức tạp và đôi khi bất công hơn. Và những luật lệ này, chi phối toàn bộ đời sống của dân Israel.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được vị trí của luật và cũng xác định điều gì là cốt lõi của các điều luật mà họ đang sống. Tinh thần nguyên thủy nào của luật mà Chúa muốn dân thi hành?

Đoạn sách trong Đệ Nhị Luật hôm nay được coi là quan trọng nhất trong bộ Thánh Kinh của người Do Thái hay còn gọi là lời Kinh Shema Israel, là lời quan trọng nhất nói về việc tôn thờ một mình Thiên Chúa, hay còn gọi là thuyết độc thần. Vì thời đó, ảnh hưởng bởi văn hóa xung quanh, họ có thể sẽ thờ phượng các thần ngoại bang khác cùng với Thiên Chúa. Nhưng Chúa muốn dân của Ngài chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6,4).

Đây là lời kêu gọi chỉ tôn thờ và yêu mến một mình Thiên Chúa mà thôi. Lời Kinh Shema này liên hệ trực tiếp và nhắc nhớ lại điều răn thứ nhất trong Mười Điều Răn: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Đnl 5,7).

“Nghe đây hỡi Israel!” (Đnl 6,4) là một mệnh lệnh mà Chúa đòi hỏi dân cần sống. Tức là họ cần phải chú tâm đến những lời dạy dỗ bảo ban của Đức Chúa và làm theo đó. Theo lời Thánh vịnh 40 thì việc lắng nghe Thiên Chúa là một ưu tiên hơn cả việc dâng các hy lễ “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: “Này con xin đến!” (Tv 40,7-8).

“Mở tai con”, tức là lời mời gọi bước vào mối tương quan thân mật với Chúa. Và việc một người lắng nghe tiếng Chúa với toàn thể con người mình: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,5) thể hiện một tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa.

Trong bài Tin Mừng, chúng ta lại nhận thấy một bầu khí đố kỵ khi một nhóm các người thông luật đến hỏi Chúa là “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” (Mc 12,28b). Chớ trêu thay là họ thừa biết điều răn nào là trọng nhất rồi, nhưng chỉ vì họ muốn gài bẫy Chúa Giêsu nên mới làm thế. Cho nên ý tưởng của họ hoàn toàn không công chính. Nhưng cũng qua đó, Chúa Giêsu muốn khẳng định cho họ vị thế của luật trong đời sống của dân là “mến Chúa, yêu người”. Mọi người đều đã được Đức Giêsu cứu chuộc khi thi hành chức vụ tư tế đời đời, như trong bài đọc II, thư Hipri nhắc nhớ chúng ta: “Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ” (Hr 7,27).

Chẳng phải chính Chúa Giêsu nhắc lại cho họ điều này không đâu, nhưng chính một người trong số họ đã khẳng định điều ấy: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác! Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,32-34). Đấy là bằng chứng tố cáo sự ác ý của họ. Chính họ biết điều nào quan trọng, nhưng họ chỉ không sống, không thực hành thôi. Cuộc tranh luận đã dẫn đến sự thất bại cho họ “sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.”

Lòng yêu mến Thiên Chúa sẽ tìm cách diễn đạt trong tình yêu thương tha nhân. Cả hai điều răn này hòa quyện với nhau để thể hiện một lòng yêu mến Chúa trọn vẹn. Yêu tha nhân là thước đo của tình yêu Thiên Chúa, vì như thánh Gioan nói: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).

Tình yêu tha nhân là đích thực của lòng yêu mến Chúa. Vì thế hãy yêu mến Chúa và yêu thương anh em, đó chính là cốt tủy của lề luật. Đó là tính cụ thể của tình yêu.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM