4. NHƯ NHỮNG NGƯỜI BẠN THÂN ĐỐI XỬ VỚI NHAU

0
745

Luigi Mezzadri

3. BÀI GIẢNG ĐẦU TIÊN CỦA TU HỘI TRUYỀN GIÁO


Thời kỳ khai sinh của Tu hội Truyền giáo cũng gặp nhiều khó khăn. Dự phóng nguyên thuỷ rất phong phú và chứa đựng những gì thiết yếu cho sự phát triển tương lai: những nhà truyền giáo theo gương Chúa Giêsu Kitô, Đấng tôn thờ Chúa Cha và rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Những linh mục muốn cộng tác với cha Vinh Sơn phải cam kết phục vụ cho sự cứu rỗi của dân nghèo ở miền quê. Để thực hiện điều này, Vinh Sơn xin họ sống thành cộng đoàn, giữ lời khấn vâng phục, từ bỏ bổng lộc và chức vụ cao cấp trong Giáo hội, giảng đại phúc miễn phí, giúp đỡ tù nhân khổ sai. Dự phóng cũng dự trù thời gian hồi tâm và bồi dưỡng cho những lần đi giảng. Cộng đoàn được qui tụ lại chung quanh cha Vinh Sơn, là người có trách nhiệm huấn luyện anh em qua những bài nói chuyện, giải thích qui luật, chia sẻ nguyện gẫm và những lời khuyên bảo cho một cuộc sống truyền giáo tốt đẹp hơn.

Đề nghị của cha Vinh Sơn khá đòi hỏi. Cha yêu cầu anh em vừa làm việc vừa có tinh thần từ bỏ mình để tiếp nối công trình của Chúa Giêsu Kitô: “Chúng ta được Chúa chọn như những dụng cụ của đức bác ái bao la và đầy tình từ phụ, chỉ biết ngự trị và triển nở nơi các tâm hồn… Ơn gọi của chúng ta là phải ra đi, không chỉ đến một giáo xứ, một địa phận, nhưng là đi khắp nơi, và để làm gì? Để nung đốt con tim nhân loại, để làm những gì Con Thiên Chúa đã làm, vì Ngài đã đem lửa đến trần gian hầu đốt lên ngọn lửa tình yêu. Chúng ta còn muốn gì hơn là làm cho ngọn lửa đó bừng lên và tiêu huỷ tất cả”.

Đời sống tông đồ có sức lôi cuốn mãnh liệt hơn tất cả. Chẳng bao lâu, các linh mục khác đã đến gõ cửa trường “Bons Enfants”. Năm 1631, có bảy linh mục. Dần dần ngôi nhà trở thành quá nhỏ.

Tiếp đó, những khó khăn đáng kể lại đến từ Rôma. Lúc đầu, cộng đoàn mới chỉ là một “nhóm truyền giáo” gồm các linh mục qui tụ lại với mục đích làm việc tông đồ. Lần công nhận đầu tiên của Rôma là do Bộ Truyền bá Đức tin, nhưng khi xin lại lần thứ hai, lại không có kết quả cao. Giáo triều Rôma sự rằng cha Vinh Sơn lại muốn thành lập một dòng tu, và với thời gian, có thể cha Vinh Sơn sẽ bỏ rơi việc tông đồ ở thôn quê. Tuy nhiên, điều cha Vinh Sơn yêu cầu là để đảm bảo sự duy trì Tu hội trong việc phục vụ người nghèo. Cha liền viết thư cho cha François de Coudray: “Cha phải làm thế nào để Rôma hiểu rằng dân nghèo ở thôn quê đang bị luận phạt vì họ không biết đến những điều cần thiết cho ơn cứu rỗi và không được xưng tội. Nếu Đức Thánh Cha biết được sự cần thiết này, ngài sẽ không được an tâm cho đến khi sắp đặt mọi sự cho ổn định”. Với lý do tông đồ này, Vinh Sơn còn thêm vào năm điều căn bản đã nói rõ tinh thần của Tu hội và ghi khắc trong tâm khảm các cha Truyền giáo: nơi nào các ngài đến giảng tuần đại phúc thì các ngài thuộc quyền của  các giám mục, còn ở trong giáo xứ, các linh mục Truyền giáo vâng theo cha xứ, tuần đại phúc sẽ miễn phí, còn các cha Truyền giáo lệ thuộc vào Bề trên của Tu hội.

Tháng 7.1628, cha Vinh Sơn trong một chuyến đi cùng với Đức cha Augustin Potier, Giám mục của giáo phận Beauvais. Hai người cùng suy nghĩ về vận mệnh của Giáo hội mà họ biết rất rõ rằng vận mệnh đó phần lớn tuỳ thuộc vào hàng giáo sĩ. Cha Vinh Sơn nghĩ rằng tất cả phải bắt đầu lại từ đầu: thay vì cải cách hàng giáo sẽ kỳ cự đã quen với một nếp sống ít phù hợp với lý tưởng chức linh mục thì tốt hơn nên quan tâm lo lắng đến những tuyển sinh mới. Đức Giám mục Beauvais đã quyết định giữ lại trong Toà giám mục một số các ứng sinh cho chức vụ linh mục để huấn luyện họ trong một thời gian cho quen với việc cầu nguyện và những bổn phận khác trong chức vụ tư tế. Tuy chỉ là một ý tưởng rất đơn sơ, nhưng rất thực tiễn và có hiệu quả, vì từ đó một chương trình huấn luyện được thành hình. Ngày 17.9.1628 ở Beauvais bắt đầu có chương trình chuẩn bị cho các thầy tiến chức.

Đối với thời nay, chương trình này chẳng có giá trị gì mấy. Nhưng vào thời đó, thật là một giai đoạn quan trọng. Từ trước cho tới nay, người ta ít quan tâm tới việc đào tạo các linh mục: Các ngài chỉ cần biết đọc, biết viết, thêm vào đó một vài khái niệm về các nghi thức, và một ít kiến thức sơ đẳng. Người ta chỉ học để là những cử chỉ, chứ không để có một phong cách sống.

Những chương trình chuẩn bị cho các vị tiến chức, trước đây được thử nghiệm ở Beauvais, rất sớm được đưa vào Paris. Nhưng tại đây lại thiếu cơ sở cần thiết cho công việc này. Chúa Quan Phòng đã nghĩ tới điều đó. Ở phía Bắc thành phố Paris có một tu viện lớn sắp đóng cửa. Tu viện trưởng là Adrien le Bon cống hiến cho cha Vinh Sơn. Khế ước chuyển nhượng được ký nhận vào tháng 1.1632. Ít lâu sau, Rôma đã gởi Sắc chỉ Salvatoris nostril (12.6.1633) đặt nền tảng về mặt pháp lý cho cộng đoàn. Giữa các mục đích của Tu hội Truyền giáo, việc đào tạo các giáo sĩ được nêu lên cùng với các kỳ giảng đại phúc cho dân chúng.

Cha Vinh Sơn đặt trung tâm của Tu hội Truyền giáo tại Saint Lazare, và chính cha cũng cư ngụ tại đó để huấn luyện các thừa sai, lo việc cứu trợ người nghèo. Từ đó, Tu hội đã phát triển: tại vùng Lorraine, miền Tây Nam, Vendée, Champagne, Savoie, Rôma, Marseille, Gênes, Tunis, Alger (An-giê-ri), Irlande (Ái Nhĩ Lan), Ecosse (Tô Cách Lan), Pologne (Ba Lan), Madagascar (Mã Đảo). Từ từ trái tim cha Vinh Sơn mở rộng ra theo tiếng kêu cứu của người nghèo.

Tại Saint Lazare, cộng đoàn sống rất hiệp nhất: “Chưa bao giờ người ta từng thấy giờ giấc nghiêm túc, tâm đầu ý hiệp, và thân tình hơn như vậy, chẳng khác gì một thiên đường nhỏ”. Việc phục vụ chính của Tu hội là tiếp đón. Tất cả những ai đã tới tĩnh tâm tại đây đều ngạc nhiên. Cha Vinh Sơn đã thành công trong việc biến đổi một trại phong cũ trở thành một nơi hồi sinh thiêng liêng. Vì thế, một linh mục ở Languedoc đã nói rằng cha chưa bao giờ cảm thấy có một nơi nào thoải mái hơn ở Saint Lazare, vì nơi đây Vinh Sơn tiếp đón cha hết sức niềm nở ân cần như một người bạn thân. Nhiều người đã đến Saint Lazare để tìm một chọn lựa cho cuộc sống và nơi đây, họ đã được cha Vinh Sơn khuyến khích, hướng dẫn họ đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa.

Tu hội Truyền giáo chỉ gồm những con người không có tài năng phi thường, những con người mộc mạc sống trong sự khiêm nhường, đơn sơ, dịu hiền, nhiệt thành tông đồ trong lý tưởng truyền giáo, theo gương Đức Kitô, Đấng loan Tin Mừng cho người nghèo.

Việc giảng tuần đại phúc lan rộng khắp nơi và cha Vinh Sơn không thể đáp ứng hết mọi yêu cầu, mặc dầu cha vẫn coi đó là công việc ưu tiên tuyệt đối. Với một cha truyền giáo có ý định dịch Kinh Thánh từ ngôn ngữ Syrie sang tiếng La-tinh, cha Vinh Sơn đã thúc đẩy cha này đáp lại lời kêu mời cấp bách của Đức Giám mục ở Mende xin các cha tới giảng ở miền núi Cévennes. Và cha Vinh Sơn nhấn mạnh, tự bản thân ngài cũng quyết định đến đó làm việc và liều mình chết cho một dân tộc “đang gặp nguy cơ vì cơn đói Lời Chúa”.

Trong những lần đi giảng như thế, các tu sĩ truyền giáo hoàn toàn dành thời giờ cho giáo dân. Các ngài rao giảng, dạy giáo lý, cho xưng tội “chung” và cử hành Bí tích Thánh Thể, thành lập những hiệp hội Bác Ái ở nơi nào giáo dân sẵn sang dấn thân cho việc phục vụ người nghèo.

Cha Vinh Sơn trao đổi thư từ rất rộng rãi với các tu sĩ truyền giáo, ngạc nhiên trước những kết quả khó tin như vậy. Giáo dân nối đuôi nhau hàng giờ để đi xưng tội. Có một cha truyền giáo cho biết, suốt tháng trời mà cha ấy chưa được nghỉ ngơi ngày nào. Trong một giáo xứ ỏ Bretagne, một cha đã giải tội hơn 5.000 giáo dân xưng tội chung. Các giáo dân học lại giáo lý qua những bài hát truyền giáo.

Ở Ý, nơi nào các cha Truyền giáo đã đi qua đều để lại những dấu vết tốt lành khó phai nhạt. Những kẻ thù biết tha thứ cho nhau, một người kia trả lại cho người láng giêng những gì anh ta đã đánh cắp, ngay cả những gia đình có mối thù truyền kiếp với nhau cũng gặp gỡ để hoà giải.

Những việc tốt lành của các linh mục Truyền giáo lan rộng khắp nơi. Các ngài được mời gọi đến nhiều xứ, nhưng chỉ nhận giúp nơi nào có nhiều khó khăn vào không ai muốn đến đó. Cho nên, các ngài đã chọn đảo Corse, vào thời đó thuộc quyền cai trị của cộng hoà Gênes. Dân chúng đi đâu, ngay cả đi nhà thờ, cũng phải võ trang khí giới, như dao, súng lục mà họ sử dụng một cách dễ dàng. Một cha kể lại cho cha Vinh Sơn nghe: trong một lần rước kiệu, vị chủ tế vừa mang Hào quang đặt Mình Thánh Chúa mà hai bên thắt lưng đeo hai khẩu súng lục.

Trên hòn đảo đó, lời rao giảng của các cha Truyền giáo có hiệu quả ngay. Chính một linh mục đã nêu gương cho dân chúng bằng cách tha thứ cho những tên sát nhân đã giết đứa cháu của ngài.

Những việc tương tự như vậy cũng xảy ra ở Piémont, chẳng hạn như ở Luserna, trong 12 năm có tới 30 vụ giết người, tuần đại phúc đã giải hoà được những lãnh tụ của các phe nhóm phiến loạn đối lập nhau.

Cha Vinh Sơn rất vui mừng vì những sự việc đó. Sự can đảm của các cha đã làm chậm lại tuổi già của cha Vinh Sơn. Những bí quyết nào đã giúp cho đời sống các vị truyền giáo này như vậy? Đối với cha, trước hết, cha xác tín đó là công trình của Thiên Chúa: “Ai đã khiến chúng ta làm những công việc này: những tuần đại phúc, các tiến chức, các bài nói chuyện, các cuộc tĩnh tâm,… có phải do tôi không? Chắc chắn là không . Có phải là cha Portail, là người Chúa đã gởi đến cộng tác với tôi ngay từ đầu? Cũng không phải. Vì chúng tôi không hề có một dự định nào cả. Vậy ai là tác giả của những công trình này? Chính là Thiên Chúa, chính sự quan phòng từ phụ của Ngài, và hoàn toàn do lòng tốt của Thiên Chúa”.

Tu hội Truyền giáo được phát sinh từ trái tim Thiên Chúa, các ngài phải làm sao nên giống Chúa Kitô từ trong tư tưởng, công việc và ý muốn. Ơn gọi của các ngài, trước tiên là một cách hiện diện, từ nơi đó phát sinh năm năng lực, được cha Vinh Sơn gọi là “năm nhân đức”, coi như là linh hồn của Tu hội, xác định một kiểu sống và phác hoạ hình ảnh của một nhà truyền giáo.

Nhân đức đầu tiên mà cha Vinh Sơn đòi hỏi nơi các tu sĩ Truyền giáo là sự đơn sơ, qua đó biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa: “làm tất cả vì tình yêu Thiên Chúa”.

Tiếp đó là sự khiêm nhường. Vào thế kỷ mà người ta coi trọng danh dự, người ta có thể giết nhau chỉ vì một câu nói nhục mạ hay vì quyền tiên chỉ không được kính trọng, thì nhân đức khiêm nhường giúp ta giữ được nhân cách mạnh mẽ mà trung tâm là Thiên Chúa.

Nhân đức thứ ba là đức tính dịu hiền. Được cha Vinh Sơn khuyến khích, các cha tập luyện nhân đức này là do nhu cầu của môi trường sống và làm việc giữa những người nghèo. Cha Vinh Sơn không muốn cho các anh em của ngài chỉ chứa đầy kiến thức, vì cha thấy những con người đang vây quanh toà cáo giải kia, hay đang quy tụ bên toà giảng, là những “con người thô lỗ, dốt nát và hẹp hòi”. Những dân quê này được giáo dục bằng lòng tốt nhiều hơn là lời nói, bằng thái độ cư xử dễ thương hơn là sự lý luận tinh vi.

Sự khổ chế và say mê Tin Mừng cũng được cha Vinh Sơn đề ra. Đối với cha, khổ chế không có nghĩa là trói buộc con người, cũng không phải làm họ “chìm lỉm” trước mặt người đời, nhưng ngược lại, khổ chế làm biết mất các chướng ngại ngăn cản sự triển nở của tự do đích thực. Sự tự do đích thực này của những con người không biết cưỡng lại sức mạnh của Phúc âm và luôn sẵn sàng chết vì tình yêu.

Điều đó được chứng minh qua đời sống của Blatiron. Được gởi đến Gênes, cha có một nếp sinh hoạt thật khó tưởng tượng. Vào năm 1656, khi xảy ra bệnh dịch ở đây, cha Blatiron và hai anh em khác đã tự nguyện đặt dưới quyền sử dụng của Đức Tổng Giám mục để giúp những người bệnh nhân dịch hạch. Vinh Sơn rất cảm động. Trận dịch hạch ở Gênes đã cướp đi mất bảy tu sĩ truyền giáo trên tổng số tám vị. Khi cha Vinh Sơn hay tin này, cha đã họp cả Tu hội và khen ngợi lòng nhiệt thành của các ngài: “Blatiron, một người đầy tớ đắc lực của Thiên Chúa đã qua đời… Duport cũng vậy đã bị cơn dich cướp đi… Dominique Bocconi cũng đã qua đời trong một nhà cách ly… Tratebas, rồi Vincent và Ennery cũng đều qua đời”.

Những sự việc trên đây cũng đã xảy ra ở Ba Lan, nơi đó các cha Truyền giáo đã tận tâm săn sóc các bệnh nhân dịch hạch tại thành Varsovie và Cracovie.

Cha Vinh Sơn cũng đã gởi cac tu sĩ truyền giáo đến Ái Nhĩ Lan và miền Bắc nước Anh. Các ngài là những con người thật đơn sơ, sự say mê Phúc âm đã biến các ngài thành những mẫu người không biết mệt, di động từ làng này qua làng khác và luôn gặp nguy hiểm. Dermot Duggan đã rảo khắp các hòn đảo, và nơi đâu cha đặt chân đến thì Giáo hội lại được hồi sinh. François White đã đi hết miền cao nguyên này, và bị bắt rồi bị lên án, nhưng vì không có chứng cớ cho thấy là cha đã dâng thánh lễ, nên đã không bị chém đầu.

Thaddée Lee cũng được gởi đi truyền giáo dù mới chỉ là một chủng sinh. Cùng với các anh em khác, Thaddée tình nguyện ở lại Limerick, một thành phố kiên cố nhưng đang bị bao vây. Thầy đã dốc toàn lực cho việc rao giảng Lời Chúa, an ủi và giúp đỡ dân chúng. Bệnh dịch đã giết hại 8.000 người, sau đó là trận tấn công cuối cùng và thành bị chiếm đóng. Hai tu sĩ truyền giáo đã trốn thoát được, còn Thaddée bị bắt và bị đưa ra xét xử trước sự hiện diện của bà mẹ. Vì không đầu hàng nên Thaddée bị cắt chân và tay trước khi bị nghiền nát đầu. Như thế thầy đã trở thành hạt lúa mì bị nghiền nát để làm nên chiếc bánh hiến tế.


5. TẬN HIẾN CHO THIÊN CHÚA ĐỂ PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO