3. BÀI GIẢNG ĐẦU TIÊN CỦA TU HỘI TRUYỀN GIÁO
Luigi Mezzadri
Chính trong những tuần đại phúc cho dân chúng, cha Vinh Sơn đã biểu lộ đặc sủng của ngài. Thật ra, cha chỉ mới khở sự công việc rao giảng, nhưng có cái gì mới mẻ trong phương pháp ngài, khác hẳn với cách giảng truyền thống. Cha biết cách sắp xếp các phần khác nhau để kết cấu một bài giảng. Hiện nay chúng ta còn giữ được một bài giảng về giáo lý của cha vào khoảng năm 1616, được soạn thảo cách chu đáo và hùng hồn. Cha đã kết thúc bằng một lời khuyến khích bậc cha mẹ để họ gởi con em đến lớp giáo lý, sự việc mà chưa vị linh mục nào làm.
Một sự thay đổi mới đã xảy ra vào năm 1617. Nếu từ trước, cha chỉ quan niệm chức linh mục như là cơ hội duy nhất đem đến cho cha một phương thế để tự khẳng định, thì sau thời gian ở Clichy, cha hiểu được công tác mục vụ tuyệt với như thế nào; đồng thời cha đã thấm nhuần những đồi hỏi của Công đồng Trente về vai trò của vị “linh mục tốt”. Điều đó đòi buộc nơi linh mục những điều khiện bên trong lẫn bên ngoài, như tinh thần cầu nguyện, đời sống khổ hạnh, sự hiện diện thường xuyên ở giáo xứ và sự dấn thân để thi hành công tác mục vụ: việc giảng dạy và các bí tích.
Như vậy, những biến cố cho cha thấy không phải chỉ cần giữ tư thế bảo thủ là đủ. Đối với những người đồng thời, mối nguy cơ của một nước Pháp Công giáo chính là sự cạnh tranh của phái Tin lành. Vì thế, không ít các nhà giảng thuyết đã đi sâu vào hình thức tranh cãi rất gay gắt. Vào năm 1618, một vị tu sĩ lớn tuổi cũng đã nói như thế. Chính ông đã thú nhận rằng: ông thường không đợi các mục sư kết thúc bài giảng để bắt đầu ngay một cuộc tranh cãi.
Ngược lại, nhìn vào hiện trạng dân chúng ở thôn quê, cha Vinh Sơn thấy được rằng vấn đề cấp thiết nhất không phải là việc luận chiến, nhưng là nhu cầu về Thiên Chúa. Trong suốt thời gian ở lâu đài Montimirail, vào năm 1620, cha Vinh Sơn đã gặp một người Tin lành. Ông đã đưa ra một lập luận đối nghịch quan trọng. Cha Vinh Sơn thì khẳng định rằng Giáo hội được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Nhưng những sự kiện thực tế phủ nhận lời xác định đó: “Hãy nhìn vào các làng mạc miền quê. Biết bao vị chủ chăn gây gương mù gương xấu, dốt nát, thiếu nhiệt thành. Kết quả là các tín hữu không được giáo dục đức tin, không biết đến cả những bổn phận của Kitô hữu, và nếu có ai hỏi họ rằng đạo Công giáo là gì, thì họ sẽ lúng túng không trả lời được. Quay nhìn vào các thành phố, tràn ngập những linh mục và đan sĩ nhàn rỗi. Chỉ tại Paris đã có đến mười ngàn linh mục. Trong lúc các linh mục phung phí thời giờ, thì giáo dân ở thôn quê lao vào tội lỗi vì dốt nát”. Năm sau, người Tin lành trở lại công giáo. Khi thấy cha Vinh Sơn giảng đại phúc, cùng với các linh mục khác tại Marchais, rất gần với Montmirail, ông ta đã nói: “Bây giờ tôi đã thấy là Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội Rôma”.
Cha Vinh Sơn đã chứng tỏ ngài có một khả năng phi thường trong việc “sử dụng nhân sự”. Cha không bao giờ hành động một mình, mà luôn xin người khác giúp đỡ. Cha luôn khai thác tiềm năng của họ. Cha hoạt đọng cho Giáo hộ và làm cho Giáo hộ được sống lại.
Quả thật, đúng là một nhu cầu. Đa số dân chúng Pháp sống ở thôn quê. Các cha xứ giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì và tăng trưởng đức tin. Nhưng các ngài không đủ khả năng đảm trách vai trò ấy. Cho nên cha Vinh Sơn phải nói: “Nếu Giáo hội bị suy sụp là vì đời sống xấu xa của các linh mục, chính các ngài là nguyên nhân đánh mất và phá đổ Giáo hội”. Một vị kinh sĩ đã viết cho cha: “Trong giáo phận này, hàng giáo sĩ sống vô kỷ luật, dân chúng không biết kính sợ Chúa, các linh mục không có lòng thương xót nhân từ, cũng không bác ái, toà giảng bỏ trống, kiến thức không được coi trọng, tội lỗi không có hình phạt”.
Bên ngoài những ngôi nhà thờ có vẻ rất đáng buồn và bên trong thật bi đát. Người ta tìm thấy trong một số Nhà tạm những bánh thánh đầy sâu bọ, và thường đó là nơi để cất giấu tiền bạc hay thư từ. Những chến thánh và y phục phụng vụ thánh rất nhơ bẩn. Còn các cha xứ miền quê được nổi tiếng về sự yếu đuối của họ hơn là nhân đức, chẳng hạn những lần các ngài được khiêng từ quán rượu về nhà xứ, vì đã quá chén. Cũng có phần phóng đại khi nói rằng 7.000 linh mục đã làm hoen ố đời sống độc thân, do một vị kinh sĩ đã cho cha Vinh Sơn biết, ở Chartres, một trên sáu giáo xứ rơi vào tình trạng này, và trong hạt Brie, ít nhất có tới 20 linh mục sống phóng đãng, trên 101 giáo xứ được Đấng Bản quyền kinh lý. Trong việc cử hành các bí tích, tình trạng còn đen tối hơn, cha Vinh Sơn kể lại chính ngài đã tận mắt nhìn thấy ở Saint-Germain-en-laye, có bảy hoặc tám linh mục dâng Thánh lễ mỗi người một cách khác nhau. Người ta còn thấy các linh mục không thuộc công thức để tha tội trong Bí tích Hoà giải.
Từ đó, cha Vinh Sơn thấy không cần đợi nghe tiếng nói từ trời để biết ý Chúa. Những điều cha trong thấy đã quá đủ cho ngài.
Đầu năm 1618, cha đã đến với nỗi khốn khổ vô cùng của các tù nhân khổ sai.
Để trừng phạt những tội phạm, nhà nước hầu như không cần biết thế nào là nhà giam: chỉ biết đó là một nơi tạm giữ họ trong lúc chờ xét xử. Còn bản án thì được dự trù trước, chỉ có hai hình phạt nặng nhất: tử hình và khổ sai. Cả hai đều đưa đến tử hình. Trường hợp thứ nhất, sự tuyên án có tính cách công khai, sỉ nhục, có vẻ dàn cảnh, nhưng diễn ra rất nhanh. Còn án khổ sai quả là một cái chết dai dẳng. Đúng là địa ngục trần gian. Về sau, cha Vinh Sơn đã nói: “Các anh chị em thân mến, thật hạnh phúc khi được phục vụ những tù nhân khổ sai đáng thương, bị bỏ rơi trong tay những con người không biết xót thương. Cha đã chứng kiến tận mắt những con người đáng thương đó bị đối xử như những con vật”.
Cha Vinh Sơn can thiệp với ông Philippe-Emmanuel de Gondi để họ được đối xử nhân đạo hơn. Cha xin được cho họ một chỗ ở mới. Năm 1619, cha được bổ nhiệm làm Tông Tuyên ý của những chiến thuyền do tù nhân khổ sai chèo, mục đích là vì lợi ích của họ, với sự ước muốn là trong khi phải chịu những cực hình về thể xác, họ rút được lợi ích thiêng liêng từ những hình phạt thể xác. Trong thời gian đoàn chiến thuyền ở lại Bordeaux, để tham gia việc vây hãm thành La Rochelle, cha Vinh Sơn lại có sáng kiến mở tuần đại phúc cho các tù nhân khổ sai. Cha được tu sĩ các dòng khác đến giúp. Nhờ đó, rất nhiều tù nhân đã thấy loé lên một tia hy vọng.
Vào cuối tuần đại phúc (1623) cha Vinh Sơn có ý định về thăm gia đình, vì Pouy cũng không mấy xa Bordeaux. Với đôi chân không dép, cha đi hành hương từ nhà thờ của làng đến đền thờ Đức Bà Buglose. Cha không ở lại gia đình lâu ngày, nhưng rấ buồn khổ khi ra đi. Cha đã nhận tlấy những quyết định cải cách của Công đồng Trente làm của mình. Cũng như những cải cách khác, cha biết rõ trong những nguyên nhân chính của sự suy thoái vào cuối thời Trung cổ, là vì các linh mục đã quên rằng “tài sản của Giáo hội chính là “di sản của người nghèo”. Cha đã nói với những người thân của mình rằng, giả như cha có nhiều hòm vàng và bạc, thì cha cũng không thể cho họ được, vì đối với một giáo sĩ, của cải phải thuộc về Thiên Chúa và người nghèo. Đây là một sự thật thánh thiêng. Có lẽ không một người nào trong gia đình xin cha điều gì vì cách cư xử của cha rất rõ rang và cũng không cho phép hy vọng gì hơn.
Tuy nhiên, đến lúc từ giã, cha cảm thấy một nỗi buồn não lòng. Cha cũng biết gia đình cha rất nghèo. Vài năm sau đó, cha mới biết là họ phải sống nhờ vào sự cứu trợ của người khác: “Thưa quý cha, quí thầy, đó là tình trạng của anh chị em tôi: sống nhờ của bố thí”. Đối với lương tâm, cha không thể làm gì hơn nếu không muốn đi ngược lại xác tín của mình. Cha đã khóc nhiều. Sự hối hận và nỗi đau lòng dai dẳng, mãi 36 năm sau, trước khi qua đời, cha còn như nếm cảm được mùi vị của những giọt nước mắt đó. Cha đã có thể ở lại với gia đình. Vinh Sơn là một người có thế giá và có rất nhiều bạn hữu quyền thế. Do đó, cha cũng có thể nhắm tới nhiều địa vị như trở thành một cha xứ hay một vị kinh sĩ.
Cha không muốn như thế. Cha phải rời bỏ quê hương, và như Abraham, để đi đến những chân trời mới do Thiên Chúa chỉ định. Cha phải trở thành và muốn trở thành một nhà truyền giáo.
Cha tiếp tục công việc rao giảng.
Nếu trong thời gian ở Châtillon, bà Gondi rất sợ mất cha Vinh Sơn, thì bây giờ mọi sự đã thay đổi. Bà hiểu là không thể cầm giữ được lòng quảng đại của một người đã thuôc về Chúa. Nếu bà đã giữ cha lại thì Vinh Sơn chắc sẽ cảm thấy mình bị giữ làm con tin. Để không hoàn toàn mất hẳn ngài, bà Gondi tỏ ra dễ dãi để cha thực hiện ước muốn của mình. Bà bằng lòng cho cha giảng tuần đại phúc trên vùng đất của gia định Gondi. Như thế, bà mới có thể yên tâm là còn có được sự giúp đỡ quí giá của vị tuyên uý đáng kính ấy.
Sự can thiệp của bà Gondi còn có một vai trò quan trọng ở một khía cạnh khác. Cha Vinh Sơn biết rõ thực trạng ở những làng quê. Nông dân rất nghèo. Đa số phải tránh đấu để vừa đủ nuôi sống. sau kinh nghiệm có được trong lần về thăm gia định, Vinh Sơn hiểu rằng từ nay về sau, cha phải sống hoàn toàn vô vị lợi. Có lần cha đã nói với các anh chị em Truyền giáo: “Chúng ta sống nhờ gia sản của Chúa Giêsu Kitô, nhờ mồ hôi của người nghèo”. Một vài vị sáng lập các cộng đoàn Thừa sai cũng như các nhà giảng thuyết nổi tiếng thích trông cậy vào lòng quảng đại của những nhà từ thiện. Nhưng cha Vinh Sơn, thực tiễn hơn, sợ điều đó là gánh nặng trên họ. Bà Gondi cung cấp cho cha phương tiện để thực hiện điều cha ước muốn. Bà để lại cho cha một số tiền khá lớn mà huê lợi được dung vào khoản chi phí cho các kỳ giảng đại phúc. Việc bổ nhiệm cha Vinh Sơn làm hiệu trưởng trường “Bons enfants” đem lại cho cha địa vị ổn định và vững chắc, không lệ thuộc. Đối với cha, mộ kẻ quê mùa, việc này có nghĩa là được sở hữu một căn nhà, bước khởi đầu của một gia đình.
Không khó khăn lắm trong việc tìm người có thể chia sẻ niềm hăng say của cha Vinh Sơn. Người đầu tiên đáp lại lời mời gọi là Antoine Portail, một cựu môn đệ ở Clichy, mà cha vẫn còn liên hệ sau khi rời giáo xứ đó. Antoine Portail đã theo học ở Sorbonne và đã được thụ phong linh mục năm 1622. Trong thâm tâm, Antoine Portail vẫn giữ lòng khâm phục đối với vị thầy đáng kính. Khi Vinh Sơn đã dọn về ngôi trường “Bons enfants”, cha Portail đến ở với ngài cùng với một vị linh mục khác nữa, chia sẻ niềm vui của những tuần đại phúc. “Bây giờ, cả ba chúng tôi lần lượt đi giảng đại phúc từ làng này qua làng khác. Trong lúc vắng mặt, chúng tôi đã giao chìa khoá cho một người láng giềng hoặc là chúng tôi còn xin họ ban đêm qua ngủ trong nhà”. Nhưng thật sự chỉ có cha Vinh Sơn giảng: “Tuy nhiên, dù chỉ có một đề tài là sự kính sợ Thiên Chúa, tôi đã trình bày với ngàn cách thức khác nhau”. Cha Portail quá nhút nhát, không dám dấn thân, mà chỉ âm thầm hoạt động sau lưng cha Vinh Sơn. Chẳng bao lâu, có thêm cha Jean de la Salle và François du Coudray. Ngay khi được sự phê chuẩn của Đức Giám mục Paris, các cha đã đi bộ hành hương đến Montmartre để xin ơn không muốn sở hữu gì ngoài Thiên Chúa và làm tất cả vì Ngài.