Chia Sẻ Lời Chúa Lễ Thánh Vinh Sơn 2019

0
2056

Chúng ta họp nhau nơi đây để tạ ơn TC, vì cách đây hơn 400 năm, Người đã ban cho Giáo hội một con người chiêm niệm trong hành động, đó là thánh Vinh Sơn Phaolô.

Trước khi trở thành một tông đồ bác ái, một tông đồ của người nghèo, thánh nhân cũng mang mọi ước vọng tầm thường, như bao linh mục trong thời của ngài. Vinh Sơn sinh ra trong một ngôi làng ở niềm Nam nước Pháp. Gia đình ngài là một gia đình nghèo. Ngài là một con người tính toán, ước ao trở thành linh mục để tìm kiếm bổng lộc cho gia đình. Vì thế, ngài chịu chức linh mục lúc 19 tuổi rưỡi bởi bàn tay của một giám mục già. Môi trường tìm kiếm bổng lộc của các giáo sĩ Giáo hội Pháp thời đó / lôi kéo ngài vào vòng xoáy tìm kiếm bổng lộc. Tuy nhiên, Thiên Chúa không để Vinh Sơn rơi vào vòng xoáy đó. Thiên Chúa có cách của Ngài. Ngài đã cho các biến cố xảy đến với cha Vinh Sơn. Hai biến cố đau thương giúp Vinh Sơn cảm thông những nỗi bất công mà người nghèo phải gánh chịu.

Biến cố bị vu cáo ăn trộm : Các mối tương quan của cha với người khác bị nhạt dần: trong sáu tháng, cha phải chịu đựng sự im lặng trước một sự bất công như vậy. Gần năm mươi năm sau, cha mới nói ra tất cả giá trị tinh thần của sự kiện này: “Đôi khi Chúa muốn thử thách người ta, và vì điều đó Chúa cho phép các cuộc gặp gỡ tương tự xảy ra“. Cha đã trải nghiệm trong nội tâm sự bất công mà người nghèo thường là nạn nhân mà không ai bênh vực cả.

Biến cố kế tiếp xảy ra vào năm 1611, Vinh Sơn gặp gỡ một « giáo sư thần học », bị cám dỗ rất nặng chống lại đức tin mà Vinh Sơn e ngại ông ta có thể chết trong tình trạng này. Vinh Sơn dâng mình cho Chúa chấp nhận mang nỗi đau khổ của vị giáo sư này. Thế là, Vinh Sơn đã bị cám dỗ hoài nghi về đạo : ba hoặc bốn năm tăm tối trong nội tâm và đấu tranh về mặt tinh thần.

Hai biến cố này : bị buộc tội trộm cắp và mang nỗi đau của người khác, đã thay đổi cha và thay đổi quan niệm của cha về mọi sự và con người. Từ đó, thánh Vinh Sơn không chỉ nhìn vào người nghèo và người khốn khổ, mà ngài còn quan tâm săn sóc họ nữa. Sự khốn khổ của người khác sẽ không còn là đối tượng quan sát của cha nữa. Cha ngưng là một khán giả thờ ơ, để giao tiếp và đồng cảm với sự đau khổ của người khác, trong toàn bộ con người của cha. Cha tìm ra giải pháp và phương thuốc cho những bất hạnh của chính mình trong sự hiến thân cho người nghèo. Hai biến cố đã thanh tẩy cha, giúp cha vừa yêu người nghèo, vừa chống lại nghèo đói như một bệnh dịch.

Hai biến cố xảy ra 1617 đã làm cho Vinh Sơn bỏ ý định tìm kiếm bổng lộc và tận tâm tận lực rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, đào tạo hàng giáo sĩ và giáo dân để dẫn họ đến việc phục vụ những con người cùng khổ, những người bị bỏ rơi.

Kính thưa cộng đoàn,

Thánh Vinh Sơn đã suy gẫm đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe (Mt 25, 31-46). Thánh nhân đã sống đoạn Tin Mừng này. Ngài đã diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời của ngài. Một khi ý thức được tình Chúa thương ngài, ngài đã tận hiến trọn đời cho người nghèo. Con mắt đức tin được chiếu sáng vào năm 1617 khiến ngài mời gọi chúng ta : đừng nhìn người nghèo theo cách ăn mặc của họ và trình độ văn hoá, vì thường thường họ thô kệch và không được giáo dục. Trái lại, nếu anh em nhìn người nghèo dưới ánh sáng đức tin, anh em sẽ thấy họ là hình ảnh Con Thiên Chúa, Đấng đã chọn nếp sống nghèo, đã bị biến dạng trong cuộc thương khó. Chúng ta phải bênh vực người cơ bần, phải giúp đỡ và quý trọng họ, vì Đức Giêsu dạy: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Trong đoạn Tin Mừng Mt 25, 31- 46, Đức Giêsu không có ý mô tả cảnh phán xét để hù doạ chúng ta; trái lại điểm nhấn trong đoạn này, chính là cách cư xử của chúng ta ở đời này mang chiều kích vĩnh cửu. Tính vĩnh cửu làm cho thời gian có giá trị, định hướng hoạt động của chúng ta và mặc cho hoạt động ấy một ý nghĩa. Ai tin vào Thiên Chúa, thì phải cố gắng làm cho trần gian này trở thành nơi chan hoà tình huynh đệ, một miền đất của An bình. Không phải đợi đến ngày tận thế, chúng ta mới gặp gỡ Con Người, chúng ta có thể gặp Người vẫn đang cận kề ta trong những người anh em bé mọn nhất. Điều làm chúng ta ngạc nhiên nhất, những người đã thực hành lòng thương xót cũng như những người đã trốn tránh – Ai nấy sẽ bỡ ngỡ:

1/         Những người công chính thưa với Đức Giêsu rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn ?”.

2/         Những kẻ đã không tiếp rước Người cũng nói như vậy: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù mà không phục vụ Chúa đâu ?”.

Thế rồi, tất cả mọi người ngỡ ngàng khám phá ra điều gì là chính yếu trong sinh hoạt đời thường mà chúng ta đã bao lần tận dụng hoặc bỏ lỡ cơ hội : Đức Vua vốn đồng hoá mình với hết mọi người trong cảnh khốn cùng : “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Giáo huấn của Đức Giêsu được nhấn mạnh ở vẻ ngỡ ngàng của những kẻ khám phá ra được từ đàng sau những dáng vẻ bề ngoài, sự thật về những con người cùng khổ, mà vì đó, họ được hạnh phúc hay bất hạnh.

Những người công chính ngạc nhiên: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng tôi đã thấy Chúa… ?” Thế rồi, họ ngỡ ngàng khám phá ra điều gì là chủ chốt trong sinh hoạt đời thường của những con người cùng khốn, của những con người bị gạt ra bên lề xã hội : Đức Vua vốn đồng hoá mình với hết mọi người trong cảnh khốn cùng, họ đã phục vụ chính Người trong những con người khốn khổ ấy: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Cuộc đối thoại với những “quân bị nguyền rủa diễn lại cùng một khuôn khổ: án quyết với những lý lẽ nêu ra, phản ứng ngạc nhiên của những người liên hệ: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát…?”. Rồi họ cũng sẽ hay biết – nhưng muộn quá rồi – rằng khi bỏ mặc anh em họ trong cảnh khốn cùng, là họ đã bỏ mặc chính Đức Vua vậy: “Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”.

Kính thưa cộng đoàn, thánh Vinh Sơn dạy : “hãy đi từ tình yêu cảm tính sang tình yêu thiết thực” hoặc “chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa nhưng bằng sức mạnh của đôi tay và mồ hôi trên trán”. Có lẽ chỉ một nụ cười, một cuộc thăm viếng nhỏ, chỉ một việc thắp một ngọn nến, viết một lá thư cho một người mù, xách ít than, tìm một đôi giày, đọc cho ai đó nghe một đoạn sách; có lẽ chỉ một lời kinh nguyện âm thầm cầu nguyện cho ai đó đang cậy nhờ chúng ta cầu nguyện cho họ: vâng, những việc đó tầm thường, rất tầm thường, nhưng sẽ là tình yêu sống động của ta dành cho Chúa. Cho dù năm nay, chúng ta thu được ít kiến thức hơn, nhưng nếu chúng ta toả chiếu tình yêu của Đức Kitô nhiều hơn,…nếu ta cho Đức Kitô đang đói không những bánh ăn, mà còn tình yêu của ta, sự hiện diện của ta, thì năm nay có thể là năm mà mối tình Thiên Chúa bừng sáng trong đời ta và trong thế gian.

Lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi rất thiết thực. Thánh Vinh Sơn đã sống đoạn Lời Chúa này và ngài đă trở nên một vị đại thánh. Chúng ta xin Chúa cho ta biết bước theo ngài mà sống bác ái trong tất cả mọi khoảng khắc đời ta : hãy tỏ lòng bác ái và kính trọng người khác, cụ thể là kính trọng anh em trong gia đình ta, trong cộng đoàn ta. Làm như thế là chúng ta đang che thân cho Đức Kitô không có áo mặc. Sự hoàn thiện của chúng ta hệ tại việc chúng ta hiến mình phục vụ người nghèo, cúi mình xuống rửa chân cho người nghèo, noi gương Đấng Cứu Thế, hầu chúng ta đáng lãnh nhận niềm vui, hạnh phúc qua việc tốt lành của chúng ta, như thánh Grêgôriô viết : “Chúng ta hãy dâng cho Chúa của lễ ấy/ qua tay những người nghèo, những người hiện đang nằm đất, để khi chúng ta ra khỏi đời này, họ đón nhận chúng ta vào nơi an nghỉ muôn đời, trong Đức Kitô”.

Chúng ta hãy biến mình thành hải cảng của bình an, của niềm vui và của tình thương. Hãy lưu tâm đến anh chị em di dân. Làm như thế là chúng ta đang cho Đức Kitô không có nhà cửa trú ngụ.

“Lạy Chúa, Lạy Chúa, ít ra xin cho cái vỏ bọc con không phải là cái đập ngăn cản Chúa :

Xin Chúa hãy đi qua. Mắt con, tai con, miệng con đều thuộc về Chúa.

Người đàn bà buồn sầu ngồi trước mặt con: này đây miệng con, xin Chúa dùng nở một nụ cười với bà.

Đứa bé xanh xao xám ngắt kia: này đây mắt con, xin Chúa dùng mà trông nhìn nó.

Người đàn ông này thật chán chường mệt mỏi: này đây, toàn thân con, xin Chúa dùng nhường chỗ cho ông; và đây tiếng con nữa, để Chúa nói rất dịu dàng : mời ông ngồi xuống.

Đứa bé ấy đần độn cứng đầu hết chỗ nói: này đây, trái tim con để Chúa yêu thương nó – yêu tha thiết như nó chưa từng được yêu thương” (Madeleine Delbrel).

Lm. Phêrô Nguyễn Công Tuấn, CM