Chúa nhật VIII TN – Năm C
(Bài đọc I: Hc 27:4–7; Bài đọc II: 1 Cr 15: 54–58; Tin Mừng: Lc 6:39–45)
Tìm kiếm giá trị thực
Chúng ta đang sống trong một thế giới của chủ nghĩa tiêu thụ, nên để kích thích người tiêu dùng, các sản phẩm cần có một hình thức trình bày bắt mắt hoặc hấp dẫn để thu hút khách hàng. Tuy nhiên về chất lượng thì không cứ bao bì tốt, đẹp mắt, hấp dẫn thì sản phẩm có chất lượng tốt, mà đôi khi ngược lại. Đây là lối sống hằng ngày mà chúng ta đều có kinh nghiệm và gặp phải. Điều chúng ta mong mỏi là sản phẩm có chất lượng tốt, đi kèm với hình thức bên ngoài cũng đẹp và hấp dẫn.
Kinh nghiệm này sẽ cho chúng ta thấy một chiều kích tương tự ở trong đời sống thiêng liêng của mỗi người. Cái “chất” của đời sống không nằm ở hình thức bên ngoài, mà là trong chính đời sống nội tâm của mỗi người. Chúng ta cần phải có sự rèn luyện, học tập, lắng nghe, được hướng dẫn tốt để có một tâm tình tốt trong đời sống của mình. Đó là điều quan trọng mà chúng ta cần chú ý, hơn là chỉ là cách diễn tả hời hợt bên ngoài.
Trong Bài đọc thứ nhất, trích từ Sách Huấn ca (27:4-7), chúng ta được khuyến khích tạ ơn Thiên Chúa vì nhiều điều khác nhau, nhưng thực sự muốn chúng ta tự nhận định để xem liệu chúng ta có xứng đáng với các nhân đức (và sinh hoa trái tốt) đang được gợi ý ở đây hay không. Sirach đã sử dụng hình ảnh tách vỏ trấu không ăn được từ hạt lúa tốt để minh họa điều gì sẽ xảy ra khi những người kiêu ngạo nói chuyện. Họ bộc lộ sự hời hợt của mình, đưa ra những lời nói không có giá trị tựa như vỏ trấu. Họ trưng bày những chiếc vỏ tốt mà không nhận ra rằng những gì có giá trị đều ẩn sâu bên trong: “Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng: muốn biết người, phải nghe miệng nói năng” (Hc 27, 7).
Thánh Vịnh Đáp Ca (92:2-16) cũng nói với chúng ta rằng “Thật tốt lành thay lời tạ ơn Chúa”. Nhưng điều này ám chỉ đến “người nam hay người nữ công chính” được “trồng vào nhà Chúa” – nghĩa là những người này đang sống theo lời dạy của Thiên Chúa và Giáo Hội, chứ không chỉ làm việc riêng của mình. Có một sự khác biệt lớn ở đây và chúng ta cần hiểu rằng, đức tin của chúng ta có nhiều điều hơn là chỉ đi nhà thờ vào Chủ nhật và “trở thành một người tốt”. Chúa muốn có một mối quan hệ riêng tư với mỗi người chúng ta và phù hợp với những ân ban và tài năng mà Ngài đã ban cho chúng ta. Đây chính là nơi mà “kho tàng thiêng liêng” xuất hiện.
Bài đọc thứ hai là một đoạn trong Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (15:54-58). Lá thư bắt đầu bằng một câu nói khó hiểu về việc “khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử” (1 Cr 15, 54). Nhưng sau đó, Thánh Phaolô bảo chúng ta “hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” và chúng ta không cần phải lo lắng về “nọc độc của cái chết.” Nhưng đối với những người có mối tương quan tốt với Đức Kitô, họ không cần phải lo lắng vì “trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (1 Cr 15, 58). Nghĩa là những người này đã luôn biết theo đuổi những giá trị thực của ơn cứu độ do Chúa ban cho, để làm giàu và thăng tiến bản thân mình trong đàng thiêng liêng. Sự tập trung vào những thứ không thực chất (danh tiếng, của cải, quyền lực), tất cả những gì vốn dĩ chỉ là tạm thời và cuối cùng là trống rỗng, sẽ không mang lại cho chúng ta những hoa trái đích thực.
Bài đọc Tin Mừng trích từ Tin Mừng Thánh Luca (6:39-45). Đoạn văn này tóm tắt những gì chúng ta đang nói ở trên. Hàng ngày, chúng ta đọc hoặc nghe về những người trẻ trong thời đại chúng ta (và đôi khi cả những người lớn tuổi nữa), những người “cuồng” bắt chước một số ngôi sao thể thao hoặc những người trong làng giải trí đến mức họ sẽ làm theo họ theo hầu hết mọi cách có thể – thậm chí đến mức cực đoan. Hoặc họ sẽ làm theo bản năng của mình mà không đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của tất cả những điều đó.
Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một sự nhắc nhở cần thiết “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6, 39). Đức tin của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải cầu nguyện để được hướng dẫn về hành động, nhu cầu, mong muốn và mục tiêu của mình, chứ không phải hành động hoàn toàn một mình. Nghĩa là đòi hỏi chúng ta một sự phân định cần thiết để biết được đâu là điều chính yếu, đâu là phụ tùy, đâu là cốt lõi, đâu là hình thức của vấn đề……
Tiếp tục của một tâm tình ấy, Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta hai hình ảnh để minh họa là cái xà và cái rác trong mắt của một người. Ở Israel cổ đại, gỗ đắt đến mức người ta xây nhà bằng đá và gạch không nung. Hầu hết các thanh xà bằng gỗ mà họ có thể nhìn thấy đều ở trong Đền thờ và chúng thường dài từ vài mét đến vài chục mét, và rất nặng. Và với kích thước như vậy, thì chúng ta thấy rõ ràng rằng nó dễ được nhận ra hơn rất nhiều lần so với một hạt bụi hay cái rác trong mắt. Thế nhưng, nghịch lý đôi khi đã xảy ra “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6, 41). Vậy thì cái gì là chính mà người ta cần để ý tới?
Chúa muốn nhắc nhớ chúng ta tới sự khôn ngoan của trái tim. Đầu tiên, chúng ta cần có đủ sự khiêm tốn và sự phân định để nhận ra rằng tất cả chúng ta đều mù quáng về một số mặt và chúng ta cần sự hướng dẫn sáng suốt của nhau. Thứ hai, chúng ta cũng cần nhận thức rằng lỗi lầm mà chúng ta không thích và chỉ trích ở người khác thường phản ánh những thất bại của chính chúng ta. Đó không phải là điều để chúng ta lên án hay kêu trách họ, nhưng là kinh nghiệm sống cho chúng ta, để tránh những lỗi tương tự. Đó là cách để chúng ta lớn lên và tiến bộ hơn trong cuộc sống của mình.
Cần xin Chúa mỗi ngày cho chúng ta có một con mắt tinh anh để nhận ra điều chính yếu cần thiết cho đời sống thiêng liêng của mình. Mỗi người cần biết tập trung vào trong chính đời sống nội tâm của mình, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Cần phải có một trái tim chân thành với Chúa và tha nhân để có thể sống “thật” với con người của mình và trau dồi chiều kích nội tâm hơn là hình thức bề ngoài. Tất cả những gì chúng ta có trong trái tim của mình sẽ được phản ánh qua hành động như chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6, 45).
Tất cả những gì chúng ta phản ánh trong đời sống cần có sự đâm rễ từ những ân ban của Chúa cho mỗi người chúng ta. Tất cả những gì Chúa đã phú bẩm cho chúng ta là để giúp chúng ta xây dựng đời sống của mình trở nên tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn, tiến bộ hơn … trong cuộc sống trần gian này. Và đó là điều mà Chúa mong mỏi chúng ta. Chính Chúa là người chỉ đường cho chúng ta, chứ không phải là những ông “thầy mù” của cuộc sống trần gian này dẫn dụ chúng ta tới con đường nguy hiểm mà chẳng mang lại gì cho phần hồn của chúng ta.
Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được dẫn lối bởi những giá trị chân thật và những đường ngay nẻo chính trong cuộc đời này, để rồi chúng ta có thể đạt được các giá trị vĩnh cửu ở đời sau.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM