Thánh lễ truyền chức Phó tế

0
1850

Trong ngôn ngữ hàng ngày của người Việt, chúng ta quen gọi chức thánh thứ sáu là Phó tế. Cách gọi này thường gây ra nhiều hiểu lầm vì “phó tế” gợi lên ý tưởng phụ giúp cho “chánh tế” trong việc cử hành thánh lễ. Nói cách khác, “phó tế” là một giai đoạn chuyển tiếp để lên “chánh tế” và chỗ đứng của “phó tế” chỉ là bàn thờ mà thôi. Tuy nhiên, theo nguyên ngữ, chữ “phó tế” được dịch từ một chữ Hy Lạp cổ xưa là diakonos, có nghĩa là phục vụ. Nếu vậy thì tác vụ Phó tế nhắm đến nhiều việc phục vụ khác nhau mà trong đó, việc phục vụ bàn thờ chỉ là một phần. Thật vậy, truyền thống Giáo Hội khi trao ban chức Phó tế thì cũng muốn nhắm đến 3 tác vụ chính yếu: phục vụ bàn thờ, phục vụ Lời Chúa và thi hành bác ái. Chính ở đây mà việc sống độc thân trở nên đầy đủ ý nghĩa: các thừa tác viên được hoàn toàn tự do để sống cho mọi người.

Nguồn gốc của chức Phó tế nằm ở biến cố được trình bày trong sách Công Vụ Tông Đồ (6,1-6): do các Tông đồ bận rộn với việc rao giảng Lời Chúa nên trong việc phân phát lương thực hằng ngày, một số người nghèo đã bị bỏ quên. Và thế là các Phó tế được cắt đặt để đảm bảo rằng mọi thành viên trong cộng đoàn đều được chăm sóc và không ai còn bị quên lãng.

Trong tâm tình ấy, vào lúc 9h30’ ngày 06/11/2019, tại nhà thờ Giáo sở Thánh Tâm – Đà Lạt, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh đã đặt tay truyền chức Phó tế cho 8 thầy thuộc Tu Hội Truyền Giáo. Đó là các thầy:

  1. Phêrô Nguyễn Văn Chỉnh
  2. Phêrô Nguyễn Anh Dũng
  3. Phêrô Nguyễn Quốc Dương
  4. Giuse Nguyễn Hữu Hiến Minh
  5. Phêrô Nguyễn Thanh Phương
  6. Giuse Hoàng Văn Trí
  7. Gioan Baotixita Phạm Văn Thuyên
  8. Giuse Lưu Xuân Minh Trường

Trong bài giảng của mình, Đức Giám mục Giáo phận đã kể về tấm gương của cha Jean Caissaigne và cha Augustinô Nguyễn Viết Chung, CM để qua đó nhắn nhủ với các Tân chức: Các thầy đã được Giáo Hội chính thức trao cho sứ mạng phục vụ; các thầy hãy để con tim mình biết rung lên ở khắp mọi nơi và không dừng lại ở một chân trời nhỏ hẹp nào cả. Khi trao ban Thánh chức Phó tế cho các thầy, Giáo Hội và Tu Hội cũng gửi gắm niềm hy vọng qua đôi tay của các thầy, các bá goá, các trẻ thơ, những người nghèo khổ ở các miền truyền giáo xa xôi sẽ không còn bị bỏ rơi nữa.

BBT