5 ngành trong Gia Đình Vinh Sơn: Tu Hội Nữ Tử Bác Ái

0
9254

Tu hội Nữ tử Bác ái là một trong những ngành lớn trong Gia đình Vinh Sơn. Cùng với Tu hội Truyền giáo, Tu hội NTBA là phản ánh rõ ràng đoàn sủng Vinh Sơn mà Thiên Chúa đã ban qua hai Đấng sáng lập là thánh Vinh Sơn Phaolô và thánh Louise de Marillac. Vậy, nguồn gốc của Tu hội là thế nào? Căn tính của Tu hội là gì? Và Tu hội hoạt động phục vụ ra sao?

Trong phần giới thiệu này, chúng tôi xin được trình bày khái quát để trả lời cho các câu hỏi trên.

I. NGUỒN GỐC

1. Thánh Louise de Marillac – Đấng Đồng Sáng Lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái

Thánh Louise sinh ngày 12 tháng 8 năm 1591, nhưng không bao giờ biết mẹ của mình. Khi còn rất nhỏ, Louise được gởi vào nhà dòng của các nữ tu Đa Minh ở Poissy. Louise ước muốn trở thành nữ tu dòng Capucino, nhưng người giám hộ, quan chưởng ấn Michel de Marillac phản đối, viện cớ Louise thiếu sức khỏe. Năm 1613, Louise kết hôn với ông Antoine Le Gras, và cậu con trai Michel chào đời là niềm vui của hai vợ chồng. Cơn bạo bệnh kéo dài của chồng gây cho Louise sự bối rối, xao xuyến, và đêm tối đức tin. Chúa Nhật ngày 4 tháng 6 năm 1623, lễ Hiện Xuống, cũng như thánh Phaolô trên đường đi Đa-mát, ánh sáng Chúa xâm chiếm thánh nữ. Ngài viết sau này: “Trong chốc lát, tâm trí tôi sáng ra. Bấy giờ ngài hiểu rằng một ngày kia, ngài sẽ tận hiến cho Chúa cùng với nhiều người khác, nhưng không sống trong một đan viện.

Trở thành góa phụ ngày 21 tháng 12 năm 1625, Louise de Marillac, theo lời mời của thánh Vinh Sơn Phaolô, đi thăm người nghèo. Không còn chú trọng đến bản thân mình nữa, để tập trung nghĩ đến những người đang đau khổ, ngài tìm lại được thế quân bình của mình. Thánh Vinh Sơn Phaolô lôi cuốn ngài tham gia vào công việc của các Hội Bác Ái, và làm cho ngài trở thành cộng tác viên của mình.

Ngày 29 tháng 11 năm 1633, cùng với thánh Vinh Sơn Phaolô, Louise sáng lập Tu hội Nữ tử Bác ái. Thánh nữ đảm trách việc đào tạo các chị và tổ chức công việc. Ngày 25 tháng 3 năm 1642, thánh nữ tận hiến cho Thiên Chúa qua những lời khấn khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục, và phục vụ người nghèo. Cuộc đời thánh nữ Louise de Marillac cũng như cuộc đời của thánh Vinh Sơn Phaolô được định hướng cho tất cả những người đau khổ: các bệnh nhân, người tị nạn, trẻ em bị bỏ rơi, người tù khổ sai, người cao tuổi, người mắc bệnh tâm thần, vv. Mọi hành động của thánh nữ Louise đều tìm thấy nguồn mạch và tính năng động trong tương quan với Thiên Chúa và tình yêu của ngài đối với Chúa Giêsu đang sống giữa loài người.

Thánh nữ Louise de Marillac qua đời ngày 15 tháng 3 năm 1660 tại Paris, là nơi mà ngài hằng sinh sống. Di chúc thiêng liêng của ngài nhấn mạnh đến lòng trung thành phục vụ người nghèo và sự đoàn kết trong cộng đoàn.

Ngài được Đức Giáo hoàng Bênêdictô XV phong chân phước ngày 9 tháng 5 năm 1920. Đức Piô XI tôn phong hiển thánh cho ngài, ngày 11 tháng 3 năm 1934.

Ngày 10 tháng 2 năm 1960, Đức Gioan XIII tôn phong ngài là quan thầy của tất cả các Kitô hữu làm việc xã hội.[1]

2. Thành Lập

Ngày 4 tháng 6 năm 1623, lễ Hiện Xuống, Louise đã nhận được ơn thoáng thấy một cộng đoàn mới sẽ dành cho ngài: “Vào ngày lễ Hiện Xuống, trong lúc tham dự Thánh Lễ hoặc đang cầu nguyện trong nhà thờ, tâm trí tôi bỗng chốc được giải thoát khỏi những nghi ngờ và được soi sáng cho biết sẽ có một ngày tôi có thể khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và tôi có thể ở trong một cộng đoàn nhỏ, nơi đó có vài chị em cũng giống như tôi.”

Bấy giờ, chị Marguerite Naseau (1594-1633), một thiếu nữ thôn quê đơn sơ, đến xin làm những công việc thấp hèn nhất, những việc mà các Bà Bác ái không thể đảm nhiệm. Với tình yêu trọn hảo theo Tin Mừng, chị đã trở thành người nữ tỳ của những người bị bỏ rơi nhất. Sau này, thánh Vinh Sơn Phaolô nói về chị như sau:“Marguerite Naseau, quê ở Surenes, là chị Nữ tử Bác ái đầu tiên có diễm phúc chỉ đường cho các chị em khác, mặc dầu chị chẳng có thầy dạy nào ngoài Thiên Chúa.” (SV, IX.77)

Gương sáng của chị đã lôi kéo được nhiều người. Tu hội Nữ tử Bác Ái cứ thế phát sinh một cách âm thầm, theo đường lối của Thiên Chúa. Ngay từ năm 1630, thánh Vinh Sơn đã giao phó cho thánh Louise de Marillac các Nữ tử Bái ái đầu tiên, những chị em đang tận tụy phục vụ trong các hội bác ái. Ngày 29 tháng 11 năm 1633, các chị qui tụ chung quanh thánh Louise và với sự hướng dẫn của ngài, để sống lý tưởng của mình trong cộng đoàn huynh đệ.

Năm 1652, vì xác tín rằng Đức Ái Chúa Kitô thúc bách Tu hội là một Đức Ái vượt qua mọi biên giới, các Đấng Sáng Lập đã gởi sang Ba Lan nhóm chị em đầu tiên.

Ngày 18 tháng 1 năm 1655, Tu hội được Đức Hồng Y de Retz, Tổng Giám Mục Paris chuẩn nhận, và ngày 8 tháng 6 năm 1668, Tu hội được Đức Giáo Hoàng Clemente IX chính thức phê chuẩn.[2]

II. CĂN TÍNH CỦA TU HỘI NỮ TỬ BÁC ÁI

1. Ơn Gọi Và SMạng

Phục vụ Chúa Kitô nơi người nghèo về thể xác và tinh thần, với các nhân đức của Tin Mừng là khiêm nhường, đơn sơ và bác ái.

Tu hội Nữ tử Bác Ái là một tu đoàn tông đồ và thuộc quyền Đức Giáo Hoàng. Tu Hội tham gia vào sứ mạng cứu độ phổ quát của Giáo Hội theo đặc sủng của Đấng sáng lập là thánh Vinh Sơn Phaolô và thánh Louise de Marillac.

  • “Để trung thành với Bí Tích Rửa Tội và để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, các Nữ Tử Bác Ái dâng hiến trọn vẹn chính mình và trong cộng đoàn cho Thiên Chúa, phục vụ Đức Kitô nơi những anh chị em của mình, những người sống nghèo khổ, với tinh thần Tin Mừng là khiêm nhường, đơn sơ, bác ái.” (Hiến Pháp, 7a)
  • “Thiên Chúa đã kêu gọi và quy tụ các Nữ tử Bác Ái với mục đích chính là để tôn vinh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta như nuồn mạch và khuôn mẫu của mọi thứ bác ái, bằng cách phục vụ Ngài về thể xác và tinh thần nơi bản thân người nghèo.” (Luật Chung, I.1)
  • “Cần thiết phải trình bày cho các thiếu nữ xin vào Tu hội Nữ tử Bác Ái: Khi đến với Tu hội, họ không được có ý hướng nào khác ngoài ý hướng phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.” (Thư của thánh Louise, 1/1658)

2. Căn Tính

Các yếu tố cơ bản trong căn tính Nử tử Bác ái là:

  • Dâng hiến trọn vẹn chính mình cho Thiên Chúa
  • Để phục vụ Đức Kitô trong người nghèo (HP, 7a) về thể xác và tinh thần
  • Sống trong cộng đoàn
  • Với tinh thần Phúc Âm là khiêm nhường, đơn sơ và bác ái.
  • Đảm nhận và thực hành khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục qua các lời khấn đặc thù của Tu hội.
  • Trong Giáo Hội: Tham gia vào sứ mạng cứu độ phổ quát của Giáo Hội theo đoàn sủng của các Đấng Sáng Lập.
  • Trong thế gian: sẵn sàng, lưu động và sống giữa thế gian.

3. Tính Cách Hoạt Động Giữa Đời Của Các NTBA – Nữ Tử Của Người Nghèo

Các Nữ tử Bác Ái phải nhìn nhận rằng mình không thuộc về một dòng tu, vì đời sống này không thích hợp với những công việc thuộc ơn gọi của các chị…” Không phải là nữ tu theo cách nói của thánh Vinh Sơn, chỉ có nghĩa là không đóng kín đời thánh hiến trong tu viện, nhưng phải sẵn sàng để phục vụ người nghèo ở bất cứ nơi nào được sai đi.

Các Nữ tử Bác Ái lấy:

Nhà bệnh nhân và nhà mẹ làm tu viện,

Căn nhà thuê làm tu phòng,

Nhà thờ giáo xứ làm nguyện đường,

Các đường phố làm nội cấm,

Đức vâng phục làm hàng rào nội cấm, chỉ tới nhà bệnh nhân hay những nơi cần thiết để phục vụ họ,

Đức kính sợ Chúa làm hàng rào,

Đức nết na làm khăn đội đầu

Không tuyên khấn gì khác để bảo đảm ơn gọi, mà chỉ: Một lòng tin tưởng vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa, và dâng hiến cho Ngài tất cả con người cũng như việc phục vụ của các chị nơi bản thân người nghèo (SV, X.126).

III. ĐÀO TẠO

1. Đào Tạo Tiên Khởi

  • Giai đoạn cảm tình viên: Nhằm cung cấp cho các ứng sinh một thời gian và môi trường chuyển tiếp để thích ứng tốt hơn cho việc rèn luyện bản thân, và đón nhận ơn thánh Chúa trong suốt tiến trình được đào tạo.
  • Giai đoạn tuyển sinh (từ 1 – 2 năm): Ngoài việc tiếp tục rèn luyện nhân cách và kiện toàn đời sống Kitô hữu, các ứng sinh học được những bài học căn bản đầu tiên của người môn đệ Chúa Kitô, đoàn sủng của các đấng sáng lập, ơn gọi Nữ tử Bác Ái và khởi bước vào tiến trình nhận định ơn gọi của mình.
  • Giai đoạn chuẩn sinh (1 năm): Là giai đoạn mà ứng sinh rút kinh nghiệm về đời sống thiêng liêng, huynh đệ và tông đồ trong đời sống chung. Các chị tiếp tục biện phân ơn gọi cũng như đào sâu việc đào tạo nhân bản và Kitô của các chị.” (Hiến Pháp, 54a)
  • Giai đoạn tập sinh (2 năm): Với tính cách đơn sơ của tinh thần Vinh Sơn, phải là nơi thuận lợi cho bầu khí hồi tâm và cầu nguyện.” (Nội quy 36)
  • Giai đoạn dự khấn (1 năm): Bồi dưỡng thêm về kiến thức thần học và linh đạo Vinh Sơn. Các chị cũng được học và đào sâu Huấn Thị Lời Khấn, đưa vào thực hành để chuẩn bị dấn thân triệt để cho Thiên Chúa trong Tu Hội, phục vụ Đức Kitô nơi người nghèo.

2. Thường Huấn

  • Chị em cũng có những giờ học chung với nhau hàng tuần để học hỏi và thảo luận các đề tài học tập của Tu Hội, của Tỉnh Dòng, giúp sống sâu sát hơn đoàn sủng Vinh Sơn.
  • Chị em đi học chuyên môn để đáp ứng cho sứ mạng phục vụ của Tỉnh Dòng.

Hàng năm, trước tuần tĩnh tâm, có ba ngày bồi dưỡng, giúp chị em cập nhật một số kiến thức đạo đời căn bản để bắt kịp nhịp tiến của con người và xã hội trong thời đại hôm nay.

IV. HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ

1. Trên Thế Giới[3]

Đi theo quỹ đạo của Chúa Kitô, và mẫu gương của thánh Vinh Sơn Phaolô và thánh nữ Louise de Marillac, các Nữ Tử Bác Ái trên thế giới rao giảng Tin Mừng bằng cách phục vụ người nghèo. Bởi vì từ lúc thành lập Tu Hội, các chị Nữ Tử Bác Ái biết rõ rằng: “Chúa chờ đợi các chị nơi những người khốn khổ” (Hiến Pháp 7b).

Cũng như các Tu hội khác, Tu hội NTBA đã có những thay đổi và phát triển để thực hiện những nhu cầu của con người. Vì thế, “qua những anh chị em đang đau khổ, qua các dấu chỉ của thời đại và qua Giáo Hội” (Hiến Pháp 11a), Tu Hội quan tâm đến lời kêu gọi của Đức Kitô. Họ dấn thân vào những công việc xã hội và những hoạt động nhân đạo rộng khắp. Họ cũng dấn thân cho công bình, cho hòa bình và sự đoàn kết. Đây là những lý do mà các chị Nữ Tử Bác Ái cam kết trong việc thay đổi và thích ứng cách liên tục với thời đại.

Một vài hoạt động các NTBA đang thực hiện nơi 94 quốc gia trên thế giới:

  • Với những người vô gia cư, các chị đề nghị cách kính trọng, thân thiện để đưa họ tới một nơi có đầy đủ các việc phục vụ cần thiết nhằm giúp họ từ một người sống trên đường phố, trở về hòa nhập với xã hội. Các công việc phục vụ này bao gồm: viện dưỡng lão; nơi lưu trú qua đêm; cung cấp các bữa ăn; chăm sóc sức khỏe.
  • Chăm sóc những người già: bước theo tinh thần của các đấng sáng lập, các chị Nữ Tử Bác Ái tôn trọng phẩm giá và sự khôn ngoan nơi những người già. Trên thế giới, các chị phục vụ những người già yếu nơi: chính nhà của họ; nơi các xứ đạo.
  • Việc giáo dục và sứ vụ đối với người trẻ: các chị cam kết thi hành những sứ vụ này ở những vùng khác nhau: mở các trường tiểu học, trung học và cả các trường cao đẳng; đào tạo những người trẻ Vinh Sơn Maria; những chương trình tình nguyện viên Vinh Sơn; giáo dục những người phạm tội vị thành niên; dạy giáo lý.
  • Về y tế và chăm sóc sức khỏe: vì sức khỏe là một trong những nhu cầu chính yếu của con người cho nên đây là công việc ưu tiên của các chị và các chị đã đang làm việc nơi: các trung tâm AIDS; chăm sóc sức khỏe nơi các bệnh viện và phòng khám; các trung tâm chăm sóc sức khỏe; các phòng phát thuốc; các chiến dịch phòng chống bệnh phong cùi.
  • Chăm sóc trẻ em: các chị đẩy mạnh phúc lợi chăm sóc trẻ em theo những nơi khác nhau: nơi nhà trẻ và các trường tiểu học; qua những trung tâm chăm sóc trẻ em, các chị cung cấp việc nhận con nuôi cho những cặp vợ chồng hiếm muộn; lập ra các chương trình dinh dưỡng cho các trẻ bị suy dinh dưỡng.
  • Tái hòa nhập cộng đồng cho những người nghiện ngập: một vài sơ của các chị làm việc tại: các trung tâm phục hồi chức năng cho những người nghiện ngập, đặc biệt là những người nghiện hút.
  • Mục vụ giáo xứ: dạy giáo lý; chuẩn bị bàn thánh; trợ giúp các giáo dân nơi các giáo xứ không có linh mục; thăm viếng nhà giáo dân tại nhà và đặc biệt thăm những người không thể ra khỏi nhà được.
  • Chăm sóc tù nhân: để thực hiện điều này, vài sơ cùng với các cộng đoàn địa phương phục vụ trong: các nhà bếp của nhà tù; các bệnh viện dành cho tù nhân; các trường học tập cải tạo cho tù nhân; thăm viếng tù nhân; giữ liên lạc với gia đình có tù nhân.
  • Phục vụ những người di cư: dạy ngôn ngữ và cung cấp những khu nhà ở cho họ.
  • Làm việc với những người tàn tật: ở mỗi lục địa, ưu tiên chính dành cho: những người bị khiếm thính; trẻ em và người lớn bị khiếm thị; phục hồi chức năng cho những người bất lực về thể xác cũng như tinh thần.

2. Tại Việt Nam[4]

Theo lời mời của Đức Giám mục Isidore Dumortier Lượm – thuộc hội Thừa Sai Paris, Giám mục Giáo phận Saigon, ngày 11/ 12/ 1928, ba Nữ Tử Bác Ái người Pháp đầu tiên đặt chân lên đất Việt Nam. Các chị phục vụ tại bệnh viện Gia Định và được ban giám đốc bệnh viện tặng một căn nhà trong khu vực bệnh viện (đây là ngôi nhà đầu tiên của Tỉnh dòng, sau đó trả lại cho bệnh viện). Tháng 03 năm 1929, một chị NTBA Trung Quốc đến ở với ba chị, làm thành cộng đoàn NTBA đầu tiên của Tỉnh Dòng Việt Nam, hiện nay là cộng đoàn Mẹ Vô Nhiễm, số 10 Phan Đăng Lưu, P.7, Q. Bình Thạnh. Năm 1932, Tỉnh Dòng Việt Nam được thành lập,  với Tuyển Viện – Chuẩn Viện – Tập Viện, đặt Nhà Chính tại Thủ Đức (1932-1940), Đà Lạt (1941-1975) và từ 1975 đến nay, tại 42 Tú Xương, Quận 3, TP. HCM.

Y tế

  • Sau 1975, Nhà nước tiếp quản 4 Trại phong : Các chị trở thành các nhân viên của trại.
  • Phục vụ tại các phòng khám miễn phí : Chợ Quán, Cầu Kho, Đakao, Khánh Hội.
  • Trung tâm Mai Hoà – Củ Chi đón nhận và chăm sóc bệnh nhân Sida trong giai đoạn cuối.
  • Cung cấp chỗ ở, đưa đón bệnh nhân nghèo từ các vùng cao nguyên hay vùng xa đến thành phố khám bệnh.
  • Tổ chức hoặc tham gia các cuộc đi khám bệnh, phát thuốc miễn phí, và giáo dục sức khoẻ tại các vùng sâu vùng xa.
  • Tổ chức hai Trung tâm khám chữa bệnh Đông y ở miền quê (Phan Rang, Định Quán).

Giáo dục:

Từ năm 1990-1991, Tỉnh Dòng đáp ứng một số nhu cầu giáo dục như sau:

  • Lớp Tình thương cho trẻ em đường phố, tại các thành phố lớn; lớp tình thương tại các vùng quê;
  • Các trường chuyên môn dành cho các em Khuyết tật và Khiếm thính;
  • Các trường mẫu giáo;
  • Giúp phân phối các học bổng cho học sinh – sinh viên nghèo;
  • Tổ chức các trại hè giúp học sinh – sinh viên có cơ hội giao lưu.

Mục vụ tại giáo xứ, tại gia, tại bệnh viện

  • Dạy giáo lý tại các giáo xứ – Đào tạo Giáo lý viên cho các giáo xứ vùng sâu vùng xa;
  • Đưa linh mục đến thăm hoặc đem Mình Thánh Chúa cho giáo dân bệnh tật ở xa/trong các bệnh viện.
  • Chương trình thăng tiến thanh thiếu nữ (đa số thuộc miền quê, vùng sâu vùng xa.)
  • Phục vụ anh em dân tộc : Di Linh, Kontum, Đơn Dương (Kađơn, Pro’h), Bảo Lộc (Minh Rồng), Đà Lạt, Pleiku (Thanh Hà).
  • Đào tạo và đồng hành : Giới trẻ Con Đức Mẹ, các Bà Bác Ái, Hiệp Hội Bác Ái Vinh Sơn, Sinh viên Công giáo.

Xã hội

  • Đào tạo và huấn nghệ cho các thiếu nữ, phụ nữ nghèo có nghề: thủ công, may thêu, nấu ăn và quản gia. Việc đào tạo kỹ năng và thái độ phục vụ được gắn liền với việc tìm việc làm;
  • Giáo dục và huấn nghệ tại hai Mái ấm cho các bà mẹ đơn thân ;
  • Quán ăn bình dân cho công nhân;
  • Xây dựng lưu xá và tổ chức đời sống cho sinh viên và học sinh cần nhà trọ;
  • Cổ võ việc chăm sóc người già neo đơn nội và ngoại trú;
  • Thăm viếng và giúp đỡ các bệnh nhân cần hỗ trợ về sức khoẻ nếu họ không có bảo hiểm y tế ;

Xây dựng làng lập cư Bình Phước cho các gia đình vô gia cư đến từ các vùng sâu vùng xa.

Khoá K22


[1] Các Thánh và Các Chân Phước Gia Đình Vinh Sơn, Tổng hợp 2011, Lưu hành nội bộ, trang 21 – 22.

[2] Kỷ yếu mừng 80 năm hiện diện của Tỉnh Dòng Nữ tử Bác ái Việt Nam, trang 35-36

[3] http://filles-de-la-charite.org/who-we-are/our-ministry/

[4] http://conggiao.info/tu-hoi-nu-tu-bac-ai-thanh-vinh-son-d-5964